Năm Canh Tý là năm có con số đẹp (2020), nhưng con Chuột lại không đẹp tí nào, từ vóc dáng tới tính nết.
Tý là năm đứng đầu của thập nhị địa chi. Chuột là con vật nhỏ di chuyển bằng 4 chân, có lông tơ mịn thường có màu xám, mỏm nhọn, mắt nhỏ đen tròn, vành tai mỏng hình traí xoan, đuôi dài nhỏ như cái đũa và thon dần thành nhọn ở mút cùng. Chuột sinh sống khắp nơi,lén lút ở những góc tối, gần gũi con người như gầm chạn góc bếp trong hang lỗ nương đồng. Con chuột nhỏ bé xấu xí, đôi khi còn hôi nữa, suốt ngày chui rúc trong xó xỉnh, trong hầm trong cống dơ bẩn. Nó còn nguy hiểm, chuyên môn gặm nhấm, cắn sách vở trong nhà, ăn thóc lúa. Ai cũng ghét chuột.Thế nhưng không hiểu tại sao người xưa lại đặt chuột là con vật cầm tinh năm Tý năm đứng đầu hoa giáp. Trong khi đó con trâu là loài hữu ích hiền lành ngoan ngoãn chỉ biết ăn cỏ siêng cày ruộng, biết chơi trò chọi nhau mua vui cho con người, thế mà chỉ xếp thứ 2. Con lợn được coi là con vật đem lại may mắn, con vật hữu ích cho con người, lại đứng thứ 12.
1. Sự tích chuột
Các nhà nghiên cứu cho biết, chuột đã xuất hiện tại Á Châu, nơi con người sinh sống ngay từ thời cổ đại. Người thời đó đã đặt cho chuột cái tên bằng tiếng Phạn (Sanskrist) có nghĩa là “kẻ trộm”.
Theo cổ tích Việt Nam, tiền thân của chuột là vị Thử Thần ở trên trời. Ngọc Hoàng phong cho chức Thiên khố giám, sai giữ kho nhà trời. Thời xuân trẻ Thiên khố giám là một vị quan thanh liêm, mẫn cán, làm việc rất ngăn nắp quy củ, không hề tơ hào một chút của kho nhà trời. Ngọc Hoàng tín cẩn thăng cho làm phò mã.
Từ ngày có gia đình, Thử Thần mới thấy thiếu trước hụt sau, lại được công chúa mách nước “của trời kho vô tận” có lượm hạt rụng hạt rơi nơi cái kho vô tận ấy cũng chả ai để ý. Từ đó, mỗi ngày Thử Thần lót túi một chút của kho trời. Cứ thế, cơ ngơi của quan Thiên khố giám ngày càng phình ra, ngày càng nguy nga đồ sộ.
Nhưng “trời có mắt” nên việc ấy Ngọc Hoàng cũng thấy, Ngài bèn đày Thử Thần xuống dương gian, cho làm một con vật mới. Để tránh không cho ăn cắp nữa, Ngọc Hoàng cho Thử Thần hoá thành một con vật nhỏ thó, có cái mõm chu ra cho bớt ăn, có đôi mắt lồi nhỏ cho bớt nhìn, lại thêm cái đuôi dài cho khó trốn, vì “giấu đầu hở đuôi” thì ai cũng biết.
Từ ngày trần gian xuất hiện con vật mới, đêm nào người ta cũng thấy mất lương thực. Họ đã thay nhau thức đêm canh rình tìm thủ phạm, sau mới biết là do một con vật nhỏ, có cái mõm chu, có đôi mắt lờ đờ như chột, chuyên mò mẫm đi ăn trộm. Người ta mới đặt tên cho con vật nhỏ đó là con chu-chột. Sau họ nói nhanh thì thành ra con chuột. Từ đó dương trần có thêm loài chuột.
2. Chuột ngày nay
Con chuột ngày nay có cái miệng đa năng và cái bụng ác liệt hơn chuột ngày xưa nhiều: không chỉ ăn lúa gạo, nó còn ăn được mọi thứ như sắt thép, ximăng, phân bòn, hàng cứu trợ bão lụt…mong rằng năm tý những con chuột tham nhũng sẽ bị trừ khử, thanh toán và cho vào lò lửa, như thế thì “Thái bình đượng hưởng phúc” như lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trong số báo “Tuổi trẻ cười 2020 Canh Tý”, tác giả Tư Quéo, có bài “Thơ vịnh chuột”.
Tai to, mỏ nhọn lại dài râu.
Đục khoét vang danh khắp địa cầu,
Gặm, cạp xác xơ “rừng’ thực phẩm
Cắn, xơi tan tác “núi” hoa màu
Láo liên luồn lách con chi…”chít”
Thậm thụ rúc chui chỉ ngán …”ngao”
Thiên hạ xưa rày mưu diệt…thử
Mười hai con giáp xếp lên đầu.
Tác giả Tưởng Bở cũng có bài “Lòi mặt chuột”.
Trăm năm trong cõi người ta
Đục khoét giống chuột ắt là đi tong
Không chết cũng tù mọt gông
Gặm nhấm đủ thứ…khai không ăn gì(!?)
Hoa hồng lớn…ký tức thì
Triệu đô cũng có phong bì cửa sau
Gặm từ đướng sá xăng dầu
Nơi đâu “ngửi” thấy có ‘màu’ là xơi!
Ăn dưới đất đớp trên trời!
Rừng khơi cho tới biển sâu cũng “mần”
“lò” thiêu rửa cháy rần rần
Chuột to chuột nhỏ lòi dần đem thui
Khi lòi mặt lúc lòi đuôi
Cán bộ giống chuột dân nuôi thiệt thòi
Canh Tý nhiều chuột sẽ lòi
Cho vào “lò” đốt cụt vòi quan tham.
Tác giả Hồ thị thu Hằng có chuyện ngụ ngôn: “Chuột sập bẫy”.
Chuột là loài động vật nhỏ, chuyên sống những nơi đen tối. Ấy vậy mà Chuột được đưa lên đứng hàng đầu trong 12 con giáp, làm biểu tượng của năm (Tý), gây không ít tranh cải, bực mình cho những con thú khác.
Một hôm, Mèo tìm đến Chuột, thưa:
- Bây giờ, ông là người đứng đầu trong Bộ 12 con giáp, vậy tôi muốn giúp đỡ ông. Tôi tìm được một chỗ ở rất đẹp, vậy ông theo tôi, tôi sẽ chỉ cho. Chuột rất mừng và mở cờ trong bụng, đi theo Mèo. Mèo chỉ cho Chuột một cái bẫy và bảo:
- Đây, ông hãy vào tham quan!
- Chuột chạy vào, thế là sập bẫy. Bấy giờ, Mèo mới gọi hết những con giáp lại nói:
- Các bạn thấy không? Một khi tham lam, bất tài, đầu óc không có gì thông minh mà ham đứng đầu, hậu quả như vậy đó!
- Các con vật ồ lên một tiếng….
"Đốt lò sẽ ra mặt chuột" !
Có một con chuột bị mèo đuổi, may mắn chui vào trong tượng Phật trên chùa nên thoát nạn và làm tổ ở đó...
Từ ngày chui vào trong tượng Phật, cuộc sống của chuột ta vô cùng no đủ. Nó luôn được ăn thỏa thích những đồ lễ vật mà người mang đến cúng bái. Thêm nữa, người nào đến trước tượng Phật của toàn phủ phục, nên con chuột tự thấy mình oai lắm. Nó thoải mái ăn ở, thậm chí còn tự do phóng uế lung tung,...
Mỗi khi có người đến thắp hương khấu đầu, con chuột kia nhìn khói hương nghi ngút từ từ bay lên, cười thầm: “Đúng là những kẻ ngu ngốc, chẳng ai bắt mà cũng quỳ cũng lạy! Bây giờ ta mới biết mình cũng oai thế, đến loài người còn bái lạy ta, mà bấy lâu nay sao cứ phải sợ mèo nhỉ!”.
Lâu ngày, sống cùng tượng Phật ở trên cao, thấy người nào đến thắp hương cũng chắp tay thành kính và quỳ lạy như thế, chuột cũng ngộ nhận và tự cho mình cao quý và tôn kính như… Phật.
Bỗng một hôm, có người cắm bó hương to, sơ ý để bùng cháy... Nóng và khói quá, con chuột bò vội ra ngoài, thì bị con mèo đói vồ được. Chuột ta bèn vênh váo kêu lên:
- “Này mèo! Nhà ngươi không thể ăn thịt ta được, hãy quỳ xuống thành kính bái lạy đi, rồi mang thức ăn lại đây… Ta là Phật đấy!”
Mèo cười to:
- “Những người quỳ lạy mày là vì vị trí mà mày đang chiếm đoạt, chứ không phải vì bản thân mày cao quý, quyền cao chức trọng gì đâu. Giờ thì mày tới số rồi, con chuột ngu ngốc!
Trong cuộc sống, không ít những kẻ nhờ thủ đoạn, hoặc do cơ cấu, hoặc mua chức bán quan, ...bỗng ngồi vào một ví trí nào đó, thấy những người xung quanh đều xum xoe nịnh nọt, bổng lộc tự đến đầy nhà… thì tưởng mình là tài năng, cao quý và oai vệ lắm.
Họ giống như con chuột bỗng chui vào tượng Phật, nhưng vì tự đắc, nên không hề biết người khác cung kính mình là vì nhân cách của Phật. Họ cũng ngộ nhận về học thức, ân đức của chính mình; không biết chỉ là nhờ vị trí cái ghế ngồi mà họ đang may mắn tạm thời nắm giữ. Họ càng không lường được rằng, rất có thể tới một ngày... “Cháy nhà sẽ ra mặt chuột"! (x. Fb: Ls. PTB).
3. Chuột kêu cứu
Xem ra loài chuột lắm nỗi oan ức, chịu đau khổ và chịu bất công, bị hạ nhục về mặt tinh thần và phẩm giá. Rất nhiều hành vi đáng lên án của con người, đã tùy tiện gán ghép cho hình ảnh Chuột, dù họ hàng nhà chuột không dính dáng đến những điều xấu đó. Điển hình là các vụ tham nhũng, quan tham đều gắn liền với cụm từ ám chỉ, như “lũ quan tham tham không khác gì loài chuột, ra sức đục khoét tài sản của nhà nước, của dân”. Rồi trong công cuộc chống tham nhũng, chuột cũng bị đem ra làm ví dụ so sánh “đánh chuột phải tránh vỡ bình”, hay “đánh chuột chớ lo vỡ bình”. Kiểu nào chuột cũng…bị đánh. Không ít lần, câu tục ngữ “Cháy nhà mới ra mặt chuột” được nêu ra, nhằm ám chỉ những quan tham bị phơi mình ra ánh sáng công lý, khi vụ việc tham những, ăn chơi sa đọa bị phát hiện…Thậm chí những sai sót nào đó trong giáo dục, người ta cũng dùng hình ảnh chuột để chế giễu như “xin đừng biến học sinh thành….chuột bạch”. Ví dụ trích ra từ một bài báo gần đây: “Kẻ xấu (không loại trừ là những nhân viên biến chất của chính ngân hàng) chỉ cần vài cú nhấp chuột đã đột nhập cơ sở dữ liệu, đánh cắp toàn bộ thông tin của khách hàng như số tiền gửi, thông tin cá nhân, mật mã tài khoản…để từ đó dễ bề ra tay chiếm đoạt”. Hay: “một số cán bộ trong nghành giáo dục có trách niệm bảo quản bài thi, kết quả kỳ thi, đã gian dối trong việc sửa điểm. Với dữ liệu lưu trữ trong tay, chỉ cần vài thao tác nhập chuột trên máy mính, họ đã liều lĩnh sửa đổi hàng loạt điểm thi cho nhiều thí sinh để trục lợi bất chính”. Nhiều trường hợp cấp trên sai sót, thay vì nhận lỗi, họ đỗ cho “nhân viên đánh máy” đã sơ suất trong soạn thảo văn bản, vì trục trặc khi sử dụng…chuột vi tính.
Tóm lại, không chỉ ngày xưa mà cả thời hiện đại 4.0, họ hàng nhà chuột vẫn tiếp tục mang tiếng xấu, dù đã đóng góp vô số sinh mạng cho những cuộc thí nghiệm khoa học, thử nghiệm các loài thuốc, vắc-xin phòng bệnh, cấy ghép nội tạng…hay đơn giản là trở thành mồi ngon trong các cuộc nhậu “tới bến’ của nhiều quý ông.
Vì thế nhân dịp xuân Canh Tý, họ hàng nhà chuột mong thế giới loài người xóa tiếng oan. Họ hàng nhà chuột thiển nghĩ, để xóa được tiếng xấu cho loài chuột, loài người hãy từ bỏ tệ nạn tham nhũng, “đục khoét”; kiên quết chống quan tham mà không sợ ‘đánh chuột vỡ bình’]. (Đờ-Mi-Pho, tuổi trẻ cười)
(sưu tầm)