CHƯƠNG HAI: GIẤC MƠ VĂN HÓA

28. Điều quan trọng là cổ vũ khu vực Amazon, nhưng điều này không ngụ ý thực dân hóa nó về văn hóa mà thay vào đó giúp nó sản sinh ra những điều tốt nhất từ chính nó. Thực thế, đây là điều giáo dục có nghĩa vụ phải làm: vun sới chứ không bức gốc, phát huy tăng trưởng chứ không làm suy yếu bản sắc, hỗ trợ chứ không xâm lấn. Có những tiềm năng trong tự nhiên có thể bị mất đi mãi mãi thế nào, thì một điều tương tự có thể xảy ra với các nền văn hóa chưa có thông điệp nào được nghe thấy, nhưng hiện nay đang bị đe dọa hơn bao giờ hết như vậy.

Khối đa diện Amazon

29. Khu vực Amazon có nhiều dân tộc và quốc tịch, và hơn 110 dân tộc bản địa trong vùng cô lập tự nguyện (IPVI) [31]. Tình thế của họ rất mong manh và nhiều người cảm thấy họ là những người cầm cờ cuối cùng của một kho báu thế nào rồi cũng biến mất, chỉ được phép sống sót nếu không gây rắc rối, trong khi chính sách thực dân hậu hiện đại cứ thế tiến bước. Không nên xem họ như những kẻ man rợ “thiếu văn minh”. Họ chỉ đơn giản là những người thừa kế các nền văn hóa khác nhau và các hình thức văn minh khác mà thời kỳ trước đã phát triển khá cao [32].

30. Trước thời kỳ thực dân, dân cư tập trung ở bờ sông và bờ hồ, nhưng bước tiến thực dân đã đẩy những cư dân lớn tuổi vào sâu trong rừng. Ngày nay, việc càng ngày càng bị sa mạc hóa một lần nữa lại đẩy nhiều người trong số họ đến các vùng ngoại ô và vỉa hè của các thành phố, đôi khi trong tình trạng nghèo đói khủng khiếp nhưng cũng bị phân mảnh nội tâm do việc đánh mất các giá trị trước đây vốn nâng đỡ họ. Ở đó, họ thường thiếu các điểm qui chiếu và gốc rễ văn hóa từng cung cấp cho họ một bản sắc và một cảm thức về phẩm giá, và họ đã làm tăng hàng ngũ của những người bị ruồng bỏ. Điều này làm gián đoạn việc truyền tải bằng văn hóa sự khôn ngoan vốn được lưu truyền hàng thế kỷ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các thành phố, nơi nên là chỗ gặp gỡ, làm phong phú lẫn nhau và trao đổi giữa các nền văn hóa khác nhau, đã trở thành một khung cảnh bi thảm cho những cuộc đời bị vứt bỏ.

31. Mỗi dân tộc sống sót trong khu vực Amazon đều có bản sắc văn hóa riêng và sự phong phú độc đáo trong vũ trụ đa văn hóa của chúng ta, nhờ vào mối liên hệ chặt chẽ được các cư dân thiết lập với môi trường xung quanh trong một cộng sinh không có tính định mệnh thuyết, một cộng sinh khó có thể hình dung nếu sử dụng các pham trù tâm thần du nhập từ bên ngoài:

“Một khi đã có vùng quê, với sông ngòi, thú vật những đám mây và cây cối của nó.
Nhưng đôi lúc, khi nông thôn, với sông ngòi và cây cối,
không là đâu để nhìn thấy,
những điều này phải nảy sinh trong tâm trí của một đứa trẻ” [33].

“Biến dòng sông thành máu của bạn...
Sau đó trồng chính bạn,
đâm hoa và phát triển:
để rễ của bạn đâm xuống đất
mãi mãi,
và cuối cùng
trở thành một chiếc ca nô
một ván trượt, một cái bè,
đất, một cái bình,
một trang trại và một người đàn ông” [34].

32. Các nhóm người, lối sống và thế giới quan của họ, cũng đa dạng như chính vùng đất này, vì họ phải tự thích nghi với địa lý và các khả thể của nó. Người đánh cá không giống như người thợ săn, và người gặt hái nội địa không giống như những người canh tác vùng đất lũ lụt. Ngay cả hiện nay, chúng ta thấy ở khu vực Amazon, hàng ngàn cộng đồng bản địa, người gốc Phi Châu, người sông ngòi và cư dân thành phố, họ khác nhau và bao gồm một sự đa dạng nhân bản lớn lao. Ở mỗi vùng đất và đặc điểm của nó, Thiên Chúa tự tỏ mình Người ra và phản ảnh một điều gì đó trong vẻ đẹp bất tận của Người. Do đó, mỗi nhóm riêng biệt, trong một tổng hợp sinh tử với môi trường xung quanh, khai triển hình thức khôn ngoan của riêng họ. Những người trong chúng ta quan sát điều này từ bên ngoài nên tránh việc tổng quát hóa không hợp tình hợp lý, những lập luận và kết luận đơn giản chỉ dựa trên cơ sở các khung suy nghĩ và kinh nghiệm riêng của chính chúng ta.

Chăm sóc các gốc rễ

33. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, “một viễn kiến duy tiêu thụ về các hữu thể nhân bản, được khuyến khích bởi các cơ chế của nền kinh tế hoàn cầu hóa ngày nay, có tác dụng san bằng các nền văn hóa, làm giảm đi tính đa dạng vốn là di sản của toàn thể nhân loại” [35]. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, vì nó có xu hướng “làm mờ nhạt những gì khác biệt về nguồn gốc và bối cảnh của họ, và biến họ thành một dòng hàng hóa mới dễ uốn nắn” [36]. Để ngăn chặn quá trình bần cùng hóa con người này, cần phải quan tâm một cách yêu thương đến các gốc rễ của chúng ta, vì chúng là “điểm cố định để từ đó, chúng ta có thể phát triển và đương đầu với các thách đố mới” [37]. Tôi kêu gọi những người trẻ tuổi ở khu vực Amazon, đặc biệt các dân tộc bản địa, “hãy chịu trách nhiệm đối với gốc rễ của các bạn, bởi vì từ những gốc rễ này, sẽ phát sinh sức mạnh giúp các bạn lớn lên, đơm hoa và kết trái” [38]. Đối với những người trong số họ đã được rửa tội, những gốc rễ này bao gồm lịch sử của dân tộc Israel và của Giáo hội cho đến ngày nay. Kiến thức về chúng có thể mang lại niềm vui và, trên hết, niềm hy vọng có khả năng gợi hứng cho những hành động cao thượng và can đảm.

34. Trong nhiều thế kỷ, các dân tộc Amazon truyền lại sự khôn ngoan văn hóa của họ bằng lời nói, với những huyền thoại, truyền thuyết và những câu chuyện, như trong trường hợp “những người kể chuyện ban sơ vượt qua rừng rậm mang theo những câu chuyện từ thị trấn này đến thị trấn nọ, giữ cho một cộng đồng sống động mà, nếu không có cuống rốn của những câu chuyện đó, khoảng cách và việc thiếu truyền thông sẽ phân mảnh và và làm họ tan biến” [39]. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là “để người già kể lại những câu chuyện dài của họ” [40] và để người trẻ dành thì giờ uống thật sâu từ nguồn nước đó.

35. Mặc dù ngày càng có nguy cơ này: sự giàu có về văn hóa này sẽ biến mất; cảm ơn Thiên Chúa, trong những năm gần đây, một số dân tộc đã viết ra những câu chuyện của họ và mô tả ý nghĩa trong các phong tục của họ. Nhờ cách này, chính bản thân họ có thể minh nhiên thừa nhận rằng họ sở hữu một điều gì đó hơn cả bản sắc dân tộc và họ là những người mang những ký ức qúy giá cá nhân, gia đình và tập thể. Tôi rất vui khi thấy những người đã mất tiếp xúc với các gốc rễ của họ nay đang cố gắng phục hồi ký ức bị hư hại của họ. Rồi cả các lĩnh vực chuyên nghiệp cũng đã được thấy một cảm thức ngày càng gia tăng về bản sắc Amazon; ngay đối với những người là hậu duệ của người nhập cư, khu vực Amazon cũng đã trở thành một nguồn cho cảm hứng nghệ thuật, văn chương, âm nhạc và văn hóa. Các nghệ thuật khác nhau, và đặc biệt thi ca, đã tìm thấy nguồn cảm hứng trong nước, rừng, sự sống sôi động, cũng như sự đa dạng văn hóa và các thách đố sinh thái và xã hội của nó.

Cuộc gặp gỡ liên văn hóa

36. Giống như mọi thực tại văn hóa, các nền văn hóa của khu vực nội địa Amazon có giới hạn của chúng. Văn hóa đô thị phương Tây cũng có những giới hạn của chúng. Các nhân tố như duy tiêu thụ, duy cá nhân, kỳ thị, bất bình đẳng và bất cứ số lượng nhân tố khác đều nói lên mặt yếu hơn của các nền văn hóa được cho là phát triển hơn. Các nhóm sắc tộc, khi tương tác với thiên nhiên, đã phát triển một kho tàng văn hóa được đánh dấu bởi cảm thức cộng đồng mạnh mẽ, sẵn sàng nhận thấy các khía cạnh đen tối hơn của chúng ta, mà chúng ta không nhận ra giữa diễn trình cho là tiến bộ của chúng ta. Do đó, điều rõ ràng có lợi là lắng nghe kinh nghiệm sống của họ.

37. Bắt đầu từ gốc rễ của chúng ta, chúng ta hãy ngồi quanh chiếc bàn chung, nơi đàm đạo và hy vọng chung. Nhờ cách này, các khác biệt của chúng ta, các khác biệt bề ngoài giống như một biểu ngữ hoặc một bức tường, có thể trở thành một cây cầu. Bản sắc và đối thoại không phải là các kẻ thù. Bản sắc văn hóa của chúng ta được củng cố và làm phong phú như kết quả của cuộc đối thoại với những người không giống như chúng ta. Bản sắc chân chính của chúng ta cũng không được bảo tồn bởi một sự cô lập nghèo nàn. Tôi không hề đề xuất một “chủ nghĩa duy bản địa” hoàn toàn khép kín, phi lịch sử, tĩnh tụ, vốn bác bỏ bất cứ loại pha trộn nào (mestizaje). Một nền văn hóa có thể trở nên cằn cỗi khi nó “trở nên hướng nội và cố gắng duy trì mãi mãi các cách sống lỗi thời bằng cách bác bỏ mọi trao đổi hoặc tranh luận liên quan đến sự thật về con người” [41]. Điều đó sẽ không thực tiễn, vì không dễ gì bảo vệ bản thân khỏi sự xâm lăng văn hóa. Vì lý do này, việc lưu ý và quan tâm đối với các giá trị văn hóa của các nhóm bản địa nên được mọi người chia sẻ, vì sự phong phú của họ cũng là sự phong phú của chúng ta. Nếu bản thân chúng ta không gia tăng cảm thức đồng trách nhiệm đối với tính đa dạng vốn làm đẹp nhân tính của chúng ta, chúng ta khó có thể yêu cầu các nhóm trong rừng sâu cởi mở một cách không phê phán đối với “nền văn minh”.

38. Ở khu vực Amazon, ngay giữa các dân tộc nguyên thủy khác nhau, vẫn có thể phát triển “các mối tương quan liên văn hóa, trong đó, sự đa dạng không có nghĩa là đe dọa, và không biện minh cho các phẩm trật quyền lực của một số người trên những người khác, mà là cuộc đối thoại giữa các viễn kiến văn hóa, cử hành khác nhau, các mối liên hệ qua lại và sự hồi sinh hy vọng” [42].

Các nền văn hóa lâm nguy, các dân tộc gặp nguy cơ

39. Nền kinh tế hoàn cầu hóa đang trân tráo phá hoại sự phong phú nhân bản, xã hội và văn hóa. Sự tan rã của các gia đình đang diễn ra như hậu quả của các cuộc di cư bắt buộc ảnh hưởng đến việc truyền tải các giá trị, vì “gia đình là và luôn luôn là định chế xã hội đóng góp nhiều nhất vào việc giữ cho nền văn hóa của chúng ta sinh động” [43]. Hơn nữa, “đối diện với sự xâm chiếm thực dân hóa của các phương tiện truyền thông đại chúng”, điều cần là phải cổ vũ nơi các dân tộc nguyên thủy “các hình thức truyền thông thay thế dựa trên ngôn ngữ và văn hóa của chính họ” và để “chính các chủ thể bản địa hiện diện trong các phương tiện truyền thông đã có sẵn” [44].

40. Trong bất cứ dự án nào cho khu vực Amazon, “điều cần là phải tôn trọng các quyền của các dân tộc và các nền văn hóa và đánh giá cao điều này: việc phát triển của một nhóm xã hội giả thiết một diễn trình lịch sử diễn ra trong bối cảnh văn hóa và đòi một sự tham gia liên tục và tích cực của người dân địa phương ngay từ trong nền văn hóa riêng của họ. Khái niệm phẩm chất cuộc sống cũng không thể được áp đặt từ bên ngoài, vì phẩm chất cuộc sống phải được hiểu bên trong thế giới các biểu tượng và phong tục riêng của từng nhóm người” [45]. Nếu các nền văn hóa tổ tiên của các dân tộc nguyên thủy phát sinh và phát triển trong việc tiếp xúc mật thiết với môi trường tự nhiên, thì rất khó cho họ không bị ảnh hưởng một khi môi trường đó bị hủy hoại.

Điều này dẫn chúng ta đến giấc mơ tiếp theo.

Kỳ sau: Chương Ba: Giấc Mơ Sinh Thái