1. Coronavirus: Giám Mục Ý vượt qua thời kỳ nguy hiểm, xác tín vào Lòng Thương Xót Chúa

Cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Ý, Servizio Informazione Religiosa, gọi tắt SIR, trong bản tin đánh đi chiều mùng 9 tháng Ba cho biết Đức Cha Antonio Napolioni, Giám Mục giáo phận Cremona, đã vượt qua được thời kỳ nguy hiểm và sức khoẻ ngài đang bình phục nhanh chóng.

Đức Cha Antonio Napolioni, năm nay 63 tuổi, được bổ nhiệm Giám Mục Cremona ngày 16 tháng 11, 2015. Ngài được kể là Giám Mục Italia đầu tiên có các triệu chứng nhiễm coronavirus.

Ngài đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Maggiore ở Cremona hôm thứ Sáu 6 tháng Ba.

Tình trạng dịch bệnh tại thành phố Cremona được kể là nghiêm trọng và có các dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế ở đây khó đáp ứng nổi trước sự bùng phát coronavirus. Như quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, bệnh viện Maggiore phải dựng một cái lều lớn bên ngoài tòa nhà chính của mình. Trưởng Khoa Viêm phổi Cấp tính của Bệnh viện Maggiore giải thích:

“Cái lều lớn này được dùng trước khi bước vào bệnh viện. Trong đó, chúng tôi phỏng vấn và đánh giá sơ bộ từng công dân không phải trong các trường hợp cấp cứu nhưng có các vấn đề về đường hô hấp hay có các triệu chứng giống như cúm.”

Chỉ những người nào thực sự bị nghi ngờ nhiễm coronavirus mới được nhập viện.

Bên cạnh đó, các trực thăng của không quân Italia cũng được trưng dụng để di chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện.

Bản tin của SIR cho biết: “Tình trạng sức khỏe của Đức Cha Antonio Napolioni đã ổn định,” theo như thông báo của các nhân viên y tế thuộc Khoa Viêm phổi Cấp tính của Bệnh viện Maggiore, nơi vị giám mục đã phải nhập viện kể từ chiều ngày 6 tháng 3 với các triệu chứng về đường hô hấp do coronavirus, hay Covid-19, gây ra.

Thông báo của bệnh viện cho biết tiếp là “Cơ thể Đức Cha Napolioni phản ứng rất tốt trước các phương pháp trị liệu theo các giao thức chống coronavirus do Tiến sĩ Giancarlo Bosio lãnh đạo, đặc biệt trong việc sử dụng dưỡng khí và các thuốc chống virus”.

Trưởng Khoa Viêm phổi Cấp tính của Bệnh viện Maggiore nói:

“Chúng tôi rất có ấn tượng trước thái độ bình tĩnh, tâm trạng tích cực của Đức Cha Napolioni và tinh thần hợp tác của ngài. Những điều này góp phần tạo ra lòng can đảm cho tất cả các nhân viên y tế đang cố gắng trong tình huống khó khăn này”.

Với tinh thần tích cực này, từ bệnh viện Đức Cha Napolioni, đã kêu gọi anh chị em giáo dân tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Ngài đặc biệt phó dâng trong vòng tay yêu thương của Chúa Kitô linh hồn của Đức Ông Mario Cavalleri vừa qua đời ở tuổi 104 tại nhà nghỉ La Pace Foundation, và xin Đức Ông cầu bầu cùng Chúa cho Giáo Hội đang trong thời thử thách.

Đức Ông Mario Cavalleri sinh 1915 trong một gia đình Công Giáo Bảo Gia Lợi. Ngài di cư sang Ý và được thụ phong linh mục vào năm 1940. Ngài là một nhà thơ và một nhạc sĩ nổi tiếng với các sáng kiến truyền giáo.

Đức Cha Napolioni viết trong email chia buồn rằng:

“Tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi và lời cầu nguyện cho linh hồn truyền giáo và không ngừng truyền giáo thật đẹp đẽ của Don Cavalleri. Xin Đức Ông cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, cho Giáo Hội và các dân tộc mà ngài hằng yêu mến trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.”

2. Tòa Thánh quyết định đóng cửa Đền Thờ và quảng trường Thánh Phêrô

Một vấn đề nan giải đối với chính phủ Ý là mức độ lây lan đến mức kinh hoàng của coronavirus tại quốc gia này.

Hôm thứ Sáu 21 tháng Hai, số trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus tại Ý là 14, và một người chết. Tuy nhiên, tính đến sáng thứ Tư 11 tháng Ba, số trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus tại Ý đã tăng đến 10,149 trường hợp, và số người chết vì coronavirus đã lên đến 631 người. Chỉ trong một ngày thứ Ba 10 tháng Ba, tại Ý đã có thêm 168 người chết vì coronavirus.

Trước mức độ lây lan kinh hoàng này, chiều thứ Ba mùng 10 tháng Ba, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đền Thờ và quảng trường Thánh Phêrô sẽ đóng cửa cho đến hết ngày thứ Sáu trước Lễ Lá, tức là 3 tháng Tư.

Kể từ hôm thứ Ba, quầy di động của Bưu điện Vatican tại quảng trường Thánh Phêrô, đã ngừng hoạt động. Hai quầy bán hàng của Nhà xuất bản Vatican. Tuy nhiên, dịch vụ phim ảnh của tờ Quan Sát Viên Rôma, vẫn còn hoạt động trực tuyến.

Nhà ăn của Vatican đã đóng cửa không phục vụ các nhân viên làm việc tại Tòa Thánh vào hôm thứ Tư, nhưng được chuyển hướng thành dịch vụ giao thức ăn đến các văn phòng khác nhau của Tòa Thánh và quốc gia Thành Vatican.

Khách và nhân viên vẫn có thể truy cập vào hiệu thuốc và siêu thị của Vatican, mặc dù lối vào sẽ bị hạn chế để tránh có đông người bên trong.

Các biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến ít nhất là ngày 3 tháng Tư năm 2020 để tránh lây lan coronavirus.

3. Sứ thần Tòa Thánh tái kêu gọi Hội đồng Giám mục Ðức tập trung vào sứ vụ loan báo Tin Mừng

Ðức Tổng giám mục Nikola Eterovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Ðức, tái nhắc nhở cho các giám mục Ðức về việc loan báo Tin Mừng như sứ vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Giáo hội, theo tinh thần thư Ðức Thánh cha Phanxicô gửi dân Chúa tại Ðức.

Ðức Tổng giám mục Eteroric, người Croatia, bày tỏ lập trường trên đây trong diễn văn chiều ngày 02 tháng Ba năm 2020, nhân dịp khai mạc đại hội mùa xuân của Hội đồng Giám mục Ðức, tại thành phố Mainz. Ðức Sứ thần nhắc lại rằng trong thư gửi dân Chúa tại Ðức hồi tháng 6 năm ngoái, nhân dịp Giáo hội tại nước này chuẩn bị Con đường công nghị, Ðức Thánh cha kêu gọi hãy mạnh mẽ công bố Sứ điệp Kitô chân chính trong xã hội ngày nay, thay vì quá chú tâm vào những vấn đề cơ cấu tổ chức Giáo hội.

Ðức Tổng giám mục Eterovic cũng nhấn mạnh rằng truyền thống đích thực của Giáo hội không phải là một kho tàng tĩnh hoặc là một đồ vật giữ trong viện bảo tang, nhưng là một căn cội của một cây đang tăng trưởng... Truyền thống ngàn đời của Giáo hội chứng tỏ hoạt động của Thiên Chúa nơi dân của Ngài và chúng ta có nghĩa vụ duy trì ngọn lửa sinh động thay vì chỉ ủ các tro tàn”.

Ðức Sứ thần Tòa Thánh nhắc đến hai lần Tông thư của Ðức Thánh cha về miền Amazzonia, trong đó người khẳng định rằng việc loan báo Tin Mừng sinh động là một ưu tiên không thể thiếu được, và theo Ðức Sứ thần, điều này cũng có giá trị đối với Giáo hội tại Ðức.

4. Giáo hội Australia hướng dẫn phòng ngừa coronavirus.

Dù số trường hợp nhiễm virus tại Australia vẫn còn ít, các giám mục Australia đã đưa ra những lời khuyên hữu ích về việc cử hành phụng vụ trong thời gian coronavirus đang lây nhiễm.

Trong hướng dẫn được Văn phòng quốc gia về phụng vụ và sức khỏe đăng trên trang web của Hội đồng giám mục, các giám mục Australia nhắc rằng “ưu tiên của Giáo hội là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”, do đó các ngài yêu cầu mỗi người đánh giá với lương tâm tình trạng sức khỏe của mình trước khi tham gia một buổi cử hành có đông người.

Cách cụ thể, trong các đề nghị có việc tạm thời không để nước thánh trong các bình nước thánh nhưng ngược lại, cung cấp nước thánh cho các tín hữu mang về nhà; để thuốc khử trùng có cồn ở cửa vào để các tín hữu rửa tay trước khi xưng tội và giữ khoảng cách giữa tín hữu và cha giải tội. Việc chúc bình an có thể thay thế bằng việc cúi đầu hoặc mỉm cười hoặc gật đầu.

Về việc rước lễ, các thừa tác viên nên rửa tay kỹ trước và sau, ngừng việc rước Máu Thánh và chỉ trao Mình Thánh trên tay, tuy nhiên cố gắng tránh mọi tiếp xúc đụng chạm vào tay.

Cuối cùng, những người bị nhiễm bệnh hoặc bị bệnh, và những người đặc biệt dễ bị tổn thương, được phép “giữ ngày Chúa Nhật” bằng việc cầu nguyện tại nhà, đọc Kinh Thánh và tham dự Thánh lễ trên tivi hay trên mạng internet. Trong trường hợp bệnh nặng, việc chăm sóc mục vụ đầy đủ và ban các bí tích sẽ được bảo đảm.

5. Ðức Tổng Giám Mục Ngoại Trưởng Tòa Thánh nhận định rằng: Từ Văn khố người ta thấy sự cao cả của Ðức Piô XII.

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, nhận định rằng từ Văn khố Tòa Thánh triều đại Ðức Piô XII được mở cho các sử gia và học gia nghiên cứu từ ngày 02 tháng Ba năm 2020, người ta sẽ thấy sự cao cả của Ðức Piô XII.

Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Tổng giám mục Gallagher cho biết ngày 2 tháng Ba năm 2020, 1 triệu 300 ngàn văn kiện ở dạng kỹ thuật số (digitali), giao diện cùng với bản mục lục sẽ được đặt cho các học giả nghiên cứu. Tất cả các tài liệu 10 năm đầu tiên của triều đại Ðức Piô XII đã được chuyển sang dạng kỹ thuật số, phần còn lại, tức là sau năm 1948 thì đang được chuyển dần dần. Việc biến sang dạng kỹ thuật số có nhiều lợi điểm như việc bảo trì, tránh được sự hao mòn tài liệu do việc di chuyển và tham khảo trên giấy, tiếp đến là việc tham khảo dễ dàng: khả năng chứa của Phòng tham khảo là 20 cộng 2 người. Tại mỗi chỗ, học giả có thể tham khảo toàn bộ và đồng thời các tài liệu dưới dạng kỹ thuật số, tiết kiệm được thời gian chờ đợi. Ngoài ra, phòng tham khảo Piô XII tại tháp Borgia, cũng có các thiết bị để xem.

Sau cùng, Ðức Tổng giám mục ngoại trưởng xác quyết rằng qua việc mở văn khố này, người ta sẽ thấy rõ Ðức Piô XII người một vị bảo vệ nhân loại và là một mục tử hoàn vũ đích thực. Ðức Pacelli là một nhà ngoại giao can đảm. Khi làm giáo hoàng, ngài đã chứng tỏ một lòng bác ái vô biên, tuy không luôn luôn được hiểu và đồng ý, kể cả trong nội thành Vatican. Các tài liệu cho thấy những nỗ lực của Ðức Piô XII tìm cách đáp ứng những lời xin giúp đỡ của những người bị bách hại và những người túng thiếu đang bị nguy hiểm tới tính mạng. Chắc chắn rằng qua các tài liệu đó người ta cũng thấy rõ sự oán ghét của chế độ Ðức quốc xã đối với Giáo Hội Công Giáo và chính Ðức Giáo Hoàng Piô XII.

6. Ðức Tổng giám mục Công Giáo Hy Lạp nhận định về làn sóng tị nạn.

Hôm 02 tháng Ba năm 2020, Hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Italia phê bình Thổ Nhĩ Kỳ dùng làn sóng tị nạn để tạo sức ép trên Liên Hiệp Âu Châu.

Hiện nay có hàng chục ngàn người tị nạn ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, muốn tràn vào Hy Lạp để tìm được vào Liên hiệp Âu Châu, nhưng bị các lực lượng Hy lạp ngăn chặn bằng lựu đạn cay và bom làm chóa mắt.

Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hiệp định với Liên Hiệp Quốc nhận 6 tỷ Euro trợ giúp phát triển, để giữ lại trên lãnh thổ của mình những người xin tị nạn muốn vào Liên hiệp Âu Châu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir, Ðức Tổng giám mục Sevastinas Rossolatos, Tổng giám mục giáo phận Athès, thủ đô Hy Lạp, cho biết, một đàng những người xin tị nạn bị quân Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy họ vào Âu Châu và đã mở cửa biên giới cho họ, thậm chí Thổ còn dùng xe lửa, xe bus và taxi để chở người tị nạn miễn phí đến vùng biên giới. Ðàng khác, chính phủ Hy Lạp tăng cường các biện pháp bảo vệ biên giới. Dân chúng sống trong tình trạng tuyệt vọng, họ ngủ ngoài trời và không ai giúp đỡ họ.

Ðức Tổng giám mục Rossolatos cũng nói rằng có những người muốn tràn qua biên giới Hy Lạp là những người tị nạn đã ở trên lãnh thổ của Thổ nhĩ kỳ, phần lớn ở vùng Istanbul. Trong số họ, theo báo chí cũng có những tù nhân được Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do, họ không phải là những người tị nạn chiến tranh từ vùng Idlib đang có giao tranh.

Ðức Tổng giám mục Công Giáo Hy Lạp cũng nói rằng để những người tị nạn có thể vào Hy Lạp dễ dàng, lính biên phòng của Thổ đã cắt các hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới Hy Lạp. Hành động này nhắm tạo sức ép trên Liên hiệp Âu Châu.

Linh mục Antonio Voutsinos, Giám đốc Caritas Hy Lạp, cho biết làn sóng di dân từ Thổ Nhĩ Kỳ muốn vào Hy Lạp rất đông đảo, đối với chúng tôi, thật không thể nào đối phó với tình trạng này, chúng tôi không có khả năng”.