Chúa Nhật Phục Sinh
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Biến cố Chúa Giêsu phục sinh là trung tâm điểm và là nền tảng của Kitô giáo. Bởi lẽ, nếu không sống lại thì Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa và sự nghiệp của Người kết thúc nơi nấm mồ. Đức Giêsu chỉ là một nhân vật tôn giáo thất bại. Chính thánh Phaolô đã quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy” (1 Cr 15,14-15). Với những lời này, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh biến cố Phục sinh là nền tảng. Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Niềm tin Kitô giáo sẽ đứng vững hay sụp đổ với chân lý này. Vì là biến cố quan trọng nhất, nên chúng ta cần phải tìm hiểu, suy tư và học hỏi nhiều hơn.
Chúng ta cần tập trung suy tư và tìm hiểu sâu hơn biến cố Chúa Giêsu Phục sinh để khám phá ý nghĩa cốt lõi và điều mới mẻ nơi biến cố này.
Khi nói tới sự Phục sinh, chúng ta cần phân biệt ba trường hợp:
1) Tưởng đã chết nhưng sau đó sống lại;
2) Đã chết thật nhưng được sống lại;
3) Đã chết thật, sau đó sống lại và sống cuộc sống mới.
1- Trường hợp I: Tưởng đã chết, sau sống lại
Đây là trường hợp mà chúng ta có thể chứng kiến trong cuộc sống hằng ngày: Chẳng hạn đối với thiên nhiên, vào mùa đông giá lạnh, cây cối trơ trọi, cằn cỗi như đã chết, nhưng khi mùa xuân về, khí hậu ấm áp, thiên nhiên bừng dậy, cây cối sinh chồi nẩy lộc, chúng như được phục sinh. Sức sống trở lại. Hay trường hợp có ai đó, bị tai nạn, bất tỉnh nhân sự, nhưng sau khi được cấp cứu, họ tỉnh lại và tiếp tục sống. Những trường hợp này bên ngoài tưởng đã chết, nhưng thực ra bên trong không chết và sau đó sống lại một cách mạnh mẽ. Đây không phải là trường hợp của Chúa Giêsu phục sinh. Người không phải tưởng đã chết, hay giả vờ chết, rồi sau đó sống lại. Nhưng Người thực sự đã chết và được mai táng trong mồ.
2- Trường hợp II: Đã chết thật và sống lại
Đây là ba trường hợp đã chết được Chúa Giêsu cho sống lại, đó là: trường hợp của Ladarô đã chết 4 ngày và được chôn trong mồ, nhưng Chúa Giêsu đã làm cho anh sống lại (x. Ga 11,1-45); trường hợp người con trai bà góa thành Naim đã chết, người ta khiêng đi chôn, và được Chúa cho sống lại (x. Lc 7,11-17). Và trường hợp con gái ông Giarô (Mc 5,22-43).
Đây là những trường hợp mà sự sống sinh học, thể lý của họ đã bị chấm dứt hoàn toàn, thân xác của họ chỉ là một thây ma. Nhưng nhờ quyền năng thần linh, Chúa Giêsu đã làm cho họ sống lại và sống thêm một thời gian. Dù Tin Mừng không nói đến số phận cuối cùng của ba người này thế nào, nhưng chúng ta chắc chắn rằng sau khi được sống lại, họ sống một thời gian, sau đó, họ cũng phải chết. Vì họ không thể bẻ gãy xiềng xích của sự chết trói buộc định mệnh con người. Cái chết vẫn là quy luật tất yếu. Đây không phải là trường hợp sống lại của Chúa Giêsu nhưng chỉ là hình bóng tiên báo sự Phục sinh của Người.
3- Trường hợp III: Đã chết, nhưng sau phục sinh
Đây chính là trường hợp Phục sinh của Chúa Giêsu. Nghĩa là Chúa đã chết thật, sau ba ngày được an táng trong mồ, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết; Người Phục sinh có nghĩa là Người đi vào một cách thế hiện hữu mới mẻ, đi vào đời sống hoàn toàn khác, đó là sự sống của Thiên Chúa. Sự sống đó được Đấng Phục Sinh khai mở, sự sống hoàn toàn mới, sự sống trọn vẹn và không bị hủy hoại, sự sống này không còn nằm dưới lề luật của cái chết và thay đổi. Sự sống này được Thánh Gioan gọi là “zôê” khác với “bios” - sự sống sinh học, tự nhiên. Bởi thế, khi Phục sinh, Đức Giêsu không trở lại đời sống bình thường trên thế gian như Ladarô và những người chết đã được Người làm cho sống lại. Nhưng Người đã bước vào một đời sống hoàn toàn khác biệt – vào sự bất tử, vào sự sống vĩnh hằng, vào sự vô biên của Thiên Chúa. Người không bao giờ chết nữa, Người là Đấng Hằng Sống, được hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa.
Tin Mừng cho chúng ta những chứng cớ không thể nghi ngờ về sự kiện “Con Người sẽ chỗi dậy trong ngày thứ ba” là một điều hoàn toàn khác và mới mẻ đã xuất hiện (x. Lc 24,36-43). Những lần Đức Giêsu hiện ra minh chứng điều đó: Người không phải là một bóng ma, Người vẫn là chính Người với một con người có thân xác, còn mang những dấu đanh, nhưng Người là Đấng hoàn toàn mới lạ, Người hiện hữu theo một cách thức mới mẻ, nên không còn bị lệ thuộc bởi thời gian, không gian và nơi chốn. Người có thể xuất hiện và hiện diện với các môn đệ khi các cửa nhà đều đóng kín. Đó là một sự hiện hữu hoàn toàn mới mẻ.
Kết luận
Như thế, Đức Giêsu là người đầu tiên đi vào sự sống mới này, nên Người là người mở đường dẫn con người tới cuộc sống đó. Sự Phục sinh của Đức Giêsu không phải là một sự kiện đơn thuần chỉ liên quan đến Người mà thôi, nhưng là một “biến chuyển nhảy vọt” liên quan đến định mệnh toàn thể nhân loại. Trong sự Phục sinh của Đức Giêsu một khả thể mới của hiện sinh con người gắn kết với tất cả mọi người và từng người, mở ra một tương lai, một nền tảng cho niềm hy vọng về sự Phục sinh của con người.
Khi diễn tả về mầu nhiệm này, Chính Thống Giáo dùng Icône Chúa Phục Sinh như là Đấng Cứu Độ đầy ánh sáng, Người đi xuống ngục tổ tông, bẻ gãy xiềng xích sự chết, kéo họ lên và đưa họ vào sự sống mới với Người.
Như thế, biến cố Phục sinh của Chúa Kitô minh chứng Thiên Chúa quyền năng, Người làm chủ sự sống và sự chết, Người chiến thắng sự dữ. Biến cố này minh chứng thần tính của Đức Giêsu: Người là Thiên Chúa thật, đã sống lại, để giải phóng con người khỏi vòng luẩn quẩn của cái chết và dẫn con người tới sự sống mới. Nếu cái chết trên thập giá minh chứng rằng Đức Giêsu là một con người, thì sự Phục sinh minh chứng Người là Thiên Chúa.
Đồng thời, biến cố Phục sinh là hoa quả đầu mùa cho những kẻ an giấc, là nền tảng cho niềm hy vọng vào sự Phục sinh của chúng ta trong tương lai. Như Thánh Phaolô quả quyết: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20). Đó là chân lý nền tảng. Chúng ta tin tưởng như thế. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/