1. Diễn biến đáng lo ngại: Sự tàn bạo của cảnh sát có thể gây biến động lớn, Hội Đồng Giám Mục Minnesota cảnh báo

Tính đến thứ Tư 27 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 350, 403 người, trong số 5, 652,527 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, các trường hợp tử vong đã vượt quá con số 100, 000. Cụ thể là có 100, 468 người thiệt mạng trong số 1, 722,849 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Riêng tại tiểu bang Minnesota, tử vong đã lên đến 908 người, trong số 21, 960 trường hợp nhiễm coronavirus.

Trong một diễn biến rất nghiêm trọng có thể dẫn đến bạo động chủng tộc tại Mỹ, hôm thứ Ba 26 tháng Năm, Hội Đồng Giám Mục tiểu bang Minnesota đã ra một tuyên bố lên án sự tàn bạo của cảnh sát và gọi cái chết của một người đàn ông da đen trong khi anh ta bị cảnh sát bắt giữ là một thảm kịch, và hoan nghênh việc mở một cuộc điều tra.

Vụ bắt giữ đã xảy ra hôm thứ Hai 25 tháng Năm tại Minneapolis. Một video về biến cố này được lưu hành trực tuyến một ngày sau đó kêu gọi người da đen biểu tình trên toàn quốc Hoa Kỳ. Trong video, một viên chức cảnh sát thuộc Sở cảnh sát thành phố Minneapolis có thể được nhìn thấy đang quỳ trên cổ một người đàn ông đang nằm trên đường khi anh ta bị bắt giữ. Người đàn ông sau đó được xác định là George Floyd.

“Tôi không thể thở được, ” George Floyd nói nhiều lần, rên rỉ khi đầu gối của một viên chức cảnh sát tiếp tục kẹp chặt và đè nặng lên cổ anh ta. Một viên chức cảnh sát thứ hai đứng nhìn.

Đoạn video dường như bỏ qua vài phút trước khi mắt Floyd dường như nhắm lại và người qua đường la làng lên rằng anh ta không cục cựa được nữa và hét vào mặt các viên chức cảnh sát để giải thoát anh ta khỏi bị kẹp cổ.

Theo báo cáo của Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis về vụ bắt giữ, các viên chức cảnh sát sau đó đã còng tay Floyd và nhận thấy anh ta có vẻ đang gặp vấn đề về sức khoẻ. Họ gọi xe cứu thương, và Floyd được đưa đến Trung tâm y tế quận Hennepin, nơi anh ta qua đời một thời gian ngắn sau đó.

Hội Đồng Giám Mục của sáu giáo phận trong tiểu bang Minnesota, gọi cái chết của Floyd là một thảm kịch, và hoan nghênh chính quyền mở một cuộc điều tra tức khắc.

“Đây là một bi kịch. Thật là tốt khi các nhà điều tra của tiểu bang và liên bang đã xem xét vụ việc để xác định điều gì đã xảy ra, ” phát ngôn viên Jason Adkins của Hội Đồng Giám Mục Minnesota nói.

“Người dân cần phải cảm thấy an toàn trong cộng đồng của mình và tin tưởng vào cơ quan thực thi pháp luật, là những người nên thực thi quyền lực của mình trên tinh thần phục vụ. Chúng tôi hy vọng công lý sẽ được thực hiện nếu có những hành vi sai trái trong vụ này.”

Trong một tuyên bố trước đó vào hôm thứ Ba, Sở cảnh sát thành phố Minneapolis đã tìm cách chối tội và cho biết các cảnh sát viên có mặt tại hiện trường để đáp lại một “báo cáo về một sự giả mạo đang diễn ra”.

“Sau khi nghi phạm ra khỏi xe của mình, anh ta chống lại các cảnh sát, ” bản tuyên bố nói. “Các cảnh sát viên đã có thể còng tay nghi phạm và lưu ý rằng anh ta dường như đang có vấn đề về sức khoẻ.”

Các quan sát viên chỉ ra rằng tuyên bố này của Sở cảnh sát thành phố Minneapolis không ổn. Bản tuyên bố nhắm cho rằng các vấn đề về sức khoẻ của Floyd đã xảy ra trước khi bị cảnh sát bắt giữ. Nhưng vấn nạn lớn nhất của bản tuyên bố này là nếu cảnh sát đã nhận thấy anh ta có vấn đề về sức khoẻ thì tại sao lại quật anh ta xuống đất và dùng đầu gối kẹp chặt cổ anh ta như thế. Một tuyên bố hớ hênh như thế có khả năng dẫn đến bạo loạn, đặc biệt trong bối cảnh dân chúng đã rất căng thẳng vì đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay.

Thị trưởng của St. Paul đã gọi video này là “một trong những hình ảnh tệ hại và đau lòng nhất mà tôi đã từng thấy, ” và ông cho rằng cả hai cảnh sát viên “phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Điều này phải dừng ngay bây giờ.”

Trong một diễn biến mới nhất cảnh sát trưởng thành phố Minneapolis Medaria Arradondo cho biết trong một cuộc họp báo chiều thứ Ba rằng bốn cảnh sát viên liên quan đến vụ việc đã bị sa thải.

Thị trưởng thành phố Minneapolis, Jacob Frey, xác nhận rằng các cảnh sát viên đã bị đuổi khỏi ngành cảnh sát, và nói rằng “đây là quyết định đúng đắn cho thành phố của chúng ta”.


Source:Catholic News Agency

2. Tấm ảnh rửa tội gây kinh hoàng cho người Công Giáo

Chúng tôi vừa đề cập đến một video gây kinh hoàng cho quảng đại người Mỹ. Bây giờ, Kim Thúy xin được đề cập đến một tấm hình gây ngỡ ngàng cho người Công Giáo. Đó là tấm hình quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Nhiều người giải thích tấm ảnh này là một phương pháp rửa tội hiện đại được áp dụng trong thời đại dịch coronavirus kinh hoàng này. Để tránh lây lan coronavirus, vị linh mục đứng từ xa dùng súng bắn nước vào đứa bé được rửa tội.

Vị linh mục Tennessee trong bức ảnh hiện đang gây sóng gió tại Mỹ đã giải thích với giáo dân rằng bức ảnh được dàn dựng cho vui thôi. Các nghi thức rửa tội đã diễn ra bình thường.

“Đây là những gì cha Steve đã nói về điều này: 1) Gia đình đã yêu cầu ngài thực hiện tư thế này theo những ý tưởng được sao chép từ một số bài các linh mục đưa lên internet. Ngài đồng ý vì nghĩ rằng thật buồn cười. 2) Nước trong cây súng nước không phải là nước thánh và được phun về phía người cha chứ không phải đứa bé để gây ra sự hài hước, ” Giáo xứ Công Giáo Thánh Máccô ở Manchester, Tennessee giải thích như trên trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Ba.

“Điểm mấu chốt là chuyện này để cho vui thôi”, bài viết của giáo xứ nói thêm.

Linh mục trong bức ảnh là Cha Stephen Klasek, phụ trách hai giáo xứ: Thánh Máccô và Thánh Phaolô Tông đồ ở Tullahoma gần đó. Cha Klasek là một linh mục của Giáo phận Nashville, đã được chịu chức linh mục 37 năm.

Giáo xứ cho biết họ đã đăng bài để “làm rõ bức ảnh đã lan truyền rất nhanh vì chúng tôi đã nhận được các câu hỏi liên quan đến chuyện này. Nó đã thu hút được gần một triệu lượt xem trên Twitter, đã được đăng trên một số trang web và trên các memes, tức là các trang hình ảnh khôi hài với dụng ý hô hào người ta bắt chước. Nó đã tạo ra nhiều lời bình luận tốt cũng như những bình luận gây tranh cãi.”

Trong khi bức ảnh của Cha Klasek, có vẻ là được dàn dựng cho vui thôi, những bức ảnh của một linh mục có ý định ban phép lành cho giáo dân bằng súng nước ở Detroit đã lan truyền vào đầu tháng này. Cha Tim Pelc nhìn nhận với Buzzfeed News rằng ngài đã bắn giáo dân bằng nước thánh với một cây súng nước như một điều gì đó “dành cho những đứa trẻ trong giáo xứ”.

Bức ảnh của Cha Klasek lan truyền như cháy rừng trên các phương tiện truyền thông xã hội vào cuối tuần này. Trong khi một số người ca ngợi, những người khác chỉ trích bức ảnh, cho rằng bức ảnh dường như làm mất đi sự trang trọng của bí tích rửa tội hoặc tầm thường hóa chức vụ tư tế.

Giáo phận Nashville chưa trả lời các câu hỏi của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, liên quan đến bức ảnh được dàn dựng của Cha Klasek.


Source:Catholic News Agency