Nội dung của sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế đã bị lu mờ rất nhiều bởi cuộc tranh cãi nổ ra vào thời điểm ký kết sắc lệnh này hôm 2 tháng 6 - nhưng các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Trung Đông và Nigeria đã nhiệt tình hoan nghênh tài liệu này khi được tờ National Catholic Register hỏi ý kiến.

Sắc lệnh do Tổng thống Trump ký tại Tòa Bạch Ốc sau chuyến thăm gây tranh cãi tại Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II ở Washington, DC, đưa tự do tôn giáo quốc tế lên hàng ưu tiên trong việc hoạch định các chính sách đối ngoại, và các dự án với các chính phủ nước ngoài.

Sắc lệnh cũng dành ra ngân sách 50 triệu đô la mỗi năm cho các chương trình thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, sắc lệnh cũng đòi hỏi các quan chức Bộ Ngoại giao phải trải qua đào tạo về tự do tôn giáo quốc tế.

Sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo cũng nhằm mục đích phát triển các khuyến cáo “ưu tiên sử dụng hợp lý các công cụ kinh tế để thăng tiến tự do tôn giáo” ở các nước quan tâm đặc biệt.

Giải thích ý nghĩa của sắc lệnh này, Kristina Arriaga, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, lưu ý rằng tự do tôn giáo “có thể là một vấn đề nhạy cảm” và do đó thường bị “các nhà ngoại giao Mỹ gạt sang một bên trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương.”

Sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo ngày 02 Tháng Sáu “chấm dứt thực hành này”. “Các cơ quan không còn có thể bỏ mặc nhân quyền cơ bản này ngay bên ngoài các phòng họp quốc tế.”

Bà Arriaga nhấn mạnh rằng: “Thực hành trước đây không chỉ là sai trái, nhưng còn là nguy hiểm vì nó gởi một tín hiệu cho thế giới rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đứng bên cạnh những tên bạo chúa.”

Bà nói thêm: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, bộ trưởng ngoại giao đã triệu tập cuộc họp cấp bộ trưởng chỉ để đề cập đến tự do tôn giáo.”

Bà Arriaga cũng thúc giục các Giáo Hội tại Mỹ cùng nhau “tham gia vào việc tạo ra một liên minh tôn giáo đòi hỏi sự can thiệp trên toàn thế giới thay mặt cho những người bị bách hại ở tất cả các quốc gia này.”

Việc công bố sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo đã bị lu mờ bởi tranh cãi về chuyến thăm của Tổng thống Trump đến đền thờ sau đêm thứ tư của các cuộc biểu tình quan trọng ở Washington chống lại vụ giết hại anh George Floyd của cảnh sát tiểu bang Minnesota.

Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington đã ra một tuyên bố gay gắt lên án chuyến viếng thăm này như một hành động lợi dụng Thánh Gioan Phaolô 2 cho các mục tiêu tranh cử. Ngài viết: “Tôi thấy khó hiểu và đáng trách khi một cơ sở Công Giáo lại để mình bị lạm dụng và thao túng một cách nghiêm trọng đối với các nguyên tắc tôn giáo của chúng ta.”

Tuy nhiên, nhiều người chỉ ra rằng trong tư cách là một nhà lãnh đạo tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục Gregory không thể lên án một người đến nhà thờ cầu nguyện. Ông Trump có thể lợi dụng chuyến viếng thăm này cho các mục đích chính trị. Nhưng đó chỉ là một suy đoán, và việc lên án trong trường hợp này thuộc phạm trù chính trị đảng phái, không phải công việc của một nhà lãnh đạo tinh thần.

Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II đã xác nhận vào hôm thứ Ba rằng Tòa Bạch Ốc đã lên kế hoạch từ trước như một phần trong lễ ký sắc lệnh tự do tôn giáo quốc tế.

Tuyên bố của đền thờ nhấn mạnh rằng:

“Điều này thật phù hợp vì Thánh Gioan Phaolô II là người ủng hộ không mệt mỏi cho tự do tôn giáo trong suốt triều đại giáo hoàng của Ngài. Tự do tôn giáo quốc tế đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, bao gồm cả việc đồng tâm nhất trí thông qua dự luật nhằm bảo vệ các Kitô hữu bị bắt bớ và các nhóm thiểu số tôn giáo trên khắp thế giới.”

Người phát ngôn của ngôi đền nói thêm rằng đền thờ chào mừng tất cả mọi người đến và cầu nguyện và tìm hiểu về di sản của Thánh Gioan Phaolô II, bất kể là có dự trù trước hay không.

Eugene F. Rivers là giám đốc của Viện nghiên cứu chính sách William J. Seymour tại Boston cũng lên tiếng phản bác Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory, người da đen đầu tiên giữ chức Tổng Giám Mục Washington.

Rivers nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ Ba rằng “chuyến viếng thăm của tổng thống đã được sắp xếp trước và tập trung vào một vấn đề đã vượt qua được hố ngăn cách giữa hai đảng trong những năm gần đây, đây là một tình huống rất khó khăn.”

“Tôi không thể thấy được làm sao một đền thờ hoặc một nơi thờ phượng có thể từ chối một chuyến viếng thăm của bất cứ ai muốn tỏ lòng thành kính hoặc cầu nguyện ở đó - chứ đừng nói đến tổng thống. Những người gọi tổng thống là một người tội lỗi nên nhớ rằng Chúa Giêsu thường xuyên gây ra các tranh cãi khi Ngài ăn uống và chào đón những người được coi là không được ưa chuộng hay không phù hợp trong suốt cuộc đời Người. Tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu chào đón bất cứ ai – trong đó có Tổng thống Trump.”

Từ Erbil, Iraq, một khu vực mà đã mất hàng trăm ngàn Kitô hữu kể từ sau cuộc chiến Iraq vào năm 2003 và cuộc xâm lược của bọn khủng bố Hồi Giáo IS từ 2014 đến 2017, Đức Tổng Giám Mục Bashir Warda cho biết:

“Chúng tôi hoan nghênh các Sắc lệnh gần đây nhằm Thúc đẩy Tự do Tôn giáo. Sau khi phải chứng kiến trực tiếp các tội ác chống lại loài người và các mưu toan diệt chủng vì lòng thù hận đức tin, chúng tôi rất biết ơn sâu sắc đối với những nỗ lực của chính quyền Hoa Kỳ nêu tự do tôn giáo thành một trọng tâm quốc tế.”

Đức Thượng Phụ Ignace Joseph Younan Đệ Tam nói với National Catholic Register rằng ngài hoan nghênh “sự dũng cảm” của Tổng thống Trump trong việc ký sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo sau khi đến thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II và hy vọng “sẽ có một sự theo dõi hiệu quả” nhằm bảo vệ và đề cao nhân quyền cơ bản này.

Đức Giám Mục Matthew Hassan Kukah của Sokoto, một khu vực bị bách hại nặng nề ở Nigeria, cho biết sắc lệnh đặt chính sách khủng bố các Kitô hữu và tín hữu các tôn giáo khác vào danh sách những điều phải bài trừ trước hết – là điều mà ngài xem là một “diễn tiến đáng hoan nghênh một cách đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa thế tục đang làm tê liệt và cố gắng đẩy bản sắc tôn giáo sang bên lề xã hội.”


Source:National Catholic Register