Làm thế nào Đức Ông phát hiện ra ơn gọi của ngài?
Lúc ấy là một thời điểm rất khác. Ngày nay, người ta mong đợi một sự kiện soi sáng, một cảm giác chắc chắn mang lại cái nhìn sâu sắc.
Từ thời thơ ấu, chúng tôi đã tham gia vào đời sống giáo hội. Tôi đã trở thành một cậu giúp lễ từ rất sớm. Đó là thế giới được tôi cảm thấy như ở nhà. Và trong kinh nghiệm thường xuyên về phụng vụ này, cũng trong tư cách cậu giúp lễ, tôi thấy rõ điều này: Đây là nơi chốn của tôi, đây là nơi tôi thuộc về.
Tôi không cần một biến cố đặc biệt. Ơn gọi của tôi dần dần rõ ràng hơn.
Cha mẹ Đức Ông phản ứng thế nào? Cả hai con trai quyết định chọn chức linh mục.
Không có phản ứng đặc biệt nào của cha mẹ chúng tôi vì nó phát triển dần dần.
Cha mẹ chúng tôi nói: “các con phải biết điều đó. Cha mẹ giúp đỡ các con, cha mẹ làm phần của cha mẹ, cha mẹ tạo cơ hội cho các con, nhưng các con phải biết điều đó”.
Cha mẹ chúng tôi nói điều đó ngay từ đầu: “Cha mẹ không được phép ép buộc con cái cách này hay cách khác. Các bậc cha mẹ phải đứng đằng sau các quyết định của con cái họ”.
Tôi nhớ Đức Hồng Y [Joseph] Höffner, tổng giám mục đã qua đời của Cologne, đã nói về ơn gọi của ngài. Cha ngài không nói nên lời, mãi mới nói vỏn vẹn “ba giả thiết ba sẽ phải mua cho con bộ đồ màu đen”.
Đức Ông có bất cứ nghi ngờ nào không?
Không, không có bất cứ nghi ngờ nào về đức tin. Nhưng luôn có những câu hỏi, trong đó, tôi phải nói, “tôi không hiểu điều đó, đó là một điều khó hiểu đối với tôi và tôi không biết người khác hiểu điều đó như thế nào. Chúa chúng ta sẽ soi sáng, ở phía bên kia”.
Các khó hiểu luôn có đó, hết lần này đến lần nọ. Nhưng nghi ngờ về đức tin ư? Không.
Điều gì là cao điểm của Đức Ông trong suốt cuộc đời làm linh mục?
Tại Công đồng Vatican II, Regensburger Domspatzen và tôi được phép thiết kế âm nhạc trong một cử hành Thánh Thể. Mỗi phiên họp của công đồng đều bắt đầu bằng một Thánh lễ trọng thể, trong đó tất cả các nghị phụ công đồng đều tham dự. Thật là tuyệt vời.
Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc cử hành Thánh Thể tại Nhà thờ Thánh Phêrô – một phiên họp của các giám mục, Đức Giáo Hoàng tại bàn thờ, những người không theo đạo Công Giáo và các nhà quan sát báo chí... tham dự Thánh lễ thật hết sức nâng cao tinh thần.
Có một ốc đảo nào đó, nơi Đức Ông có thể làm mình tươi mát về thiêng liêng không?
Phần quan trọng nhất trong ngày là Phép Thánh Thể, mà tôi đồng tế hàng ngày. Vì mắt tôi có vấn đề, nên tôi không thể tự mình cử hành được, vì vậy tôi buộc phải đồng tế.
Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống mà không được cử hành hàng ngày. Chỉ cử hành mỗi tuần một lần - như một số linh mục làm – là điều tôi không thể tưởng tượng nổi.
Tôi làm mình tươi mát lại trong Bí tích Thánh Thể, vào sáng sớm, trong bầu không khí tĩnh lặng, bình an, thờ lạy. Nó cũng là một một việc xây dựng bên trong. Điều đó đủ cho cả ngày.
Đó là cách bắt đầu một ngày; Tôi thích nhất Phép Thánh Thể vào buổi sáng. Sau đó, bạn không cần nhiều hơn để nuôi sống bản thân về thiêng liêng.
Lòng yêu nước, vốn gắn liền với gốc rễ của người ta, có ý nghĩa gì đối với Đức Ông và gia đình Đức Ông?
Nhà của chúng tôi ở đây, nơi tâm trí của chúng tôi nghỉ ngơi, nơi chúng tôi thuộc về. Đầu tiên ở Traunstein, sau ở Regensburg. Sau tất cả các cuộc hành trình, người ta có nơi chốn của mình, sự ổn định của mình, nơi người ta thuộc về, nơi người ta có thể đến để nghỉ ngơi, về hưu.
Được gắn liền với gốc rễ của mình là một điều cần thiết trong cuộc sống của con người. Điều đó sẽ không bao giờ trở thành quá khứ; điều này đúng với những người trẻ, cả với những người sống ở thị thành.
Có nơi nào Đức Ông muốn đi cùng với em trai Đức Ông hay không?
Trước đây tôi muốn thực hiện một chuyến đi đến Tây Ban Nha, đến Santiago de Compostela, nơi hành hương có liên hệ với Thánh Giacôbê. Tôi rất thích được thấy nơi đó, nhưng cả Toledo nữa với những nhà thờ lớn tuyệt vời.
Hôm nay, tôi đã xóa bỏ ý định đó rồi. Nhưng nó vốn là giấc mơ của tôi trong một thời gian dài.
Âm nhạc là niềm đam mê của Đức Ông. Đức Ông đã điều khiển ca đoàn Regensburger trong một thời gian dài, một trong những ca đoàn nổi tiếng nhất thế giới. Âm nhạc phụng vụ cần chu toàn các tiêu chuẩn nào?
Âm nhạc phụng vụ phải dẫn đến việc cầu nguyện và suy niệm. Nó phải làm người ta thanh thản, giúp người ta tập trung vào Thiên Chúa, vào điều cốt yếu.
Thái độ căn bản, thờ lạy, là điều thiết yếu trong phụng vụ. Nó phải giúp đỡ trong việc đó. Điều gì không giúp đỡ rõ ràng là không phù hợp.
Đức Ông thích thể loại nhạc nào?
Đối với tôi, thánh ca Gregorian mạnh mẽ gắn liền với thời kỳ đầu tiên của Kitô giáo - không tình cảm ướt át, không có gì hoành tráng, chỉ đơn giản, tập trung vào nội tâm, nhưng cũng cổ điển, đa âm và là âm nhạc cổ điển như Haydn, Mozart và Schubert.
Đối với nhiều người, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một vị thánh. Đức Ông nghĩ gì về ngài?
Tôi ngưỡng mộ ngài ngay từ đầu. Tôi đích thân được gặp ngài tại hội trường Hercules ở Munich trong chuyến ngài viếng thăm Đức đầu tiên, nơi ngài nói chuyện với các nghệ sĩ. Chúng tôi được phép hát ở đó.
Ngài có vẻ thích tôi ngay từ đầu. Ngài là một kiểu người cha, tỏa sáng lòng tốt và lòng nhân từ. Người ta biết điều này căn cứ vào hình ảnh và truyền hình, nhưng cả trong các cuộc gặp gỡ bản thân, người ta trải nghiệm nó cách trực tiếp.
Tình liên đới của ngài, tình thân ái của ngài - không những do tính khí nhân bản của ngài, mà còn được gia tăng và sâu sắc hóa vì ngài đã làm điều đó trong tư cách đại diện đức tin của chúng ta, trong tư cách giáo hoàng, để tính nhân bản được kết hợp với sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa một cách tốt đẹp.
Tư cách thánh nhân thường bị đặt ở một nơi không thể với tới. Tôi có “một khái niệm thực tiễn về việc làm thánh”: hữu thể nhân bản đơn giản chỉ là các hữu thể nhân bản, nhưng trong lĩnh vực nhân bản này, họ tỏa sáng một lý tưởng về tính nhân bản. Và đó là ấn tượng tôi có được từ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Tôi nhớ, trong chuyến đi thứ hai tới Rôma, chúng tôi được phép hát trong nhà nguyện riêng của ngài và sau đó chúng tôi được phép hát hai bài hát trong một căn phòng bên cạnh nhà nguyện. Đức Giáo Hoàng đến với mỗi chúng tôi, chào hỏi mọi người, gửi lời chào đến cha mẹ của các ca viên và phân phát một món quà nhỏ.
Ở đấy, ông có thể cảm nhận được bầu khí nhân bản đó một cách rất cô đọng và nồng đậm. Tôi rất quý trọng ngài ngay từ đầu và nghĩ rằng đây là vị giáo hoàng cho thời đại chúng ta. Có lẽ chẳng ai muốn một vị Giáo Hoàng tốt hơn.
Khi tôi đến thăm em trai tôi ở Rôma vào thập niên 1990, tôi bị nhồi máu cơ tim và em trai tôi nói với Đức Giáo Hoàng. Và Đức Gioan Phaolô II nói rằng ngài sẽ cầu nguyện cho tôi. Đó là một niềm an ủi rất đặc biệt, một sự hỗ trợ rất đặc biệt.
Tình bạn giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và em trai của Đức Ông có ảnh hưởng đến cá nhân Đức Ông không?
Về việc ấy, tôi không biết rõ lắm về Đức Thánh Cha, nhưng phần nào có lẽ có.
Trong chuyến đi thứ hai đến Rôma, tôi nhớ đã tham gia bữa ăn sáng với Đức Thánh Cha, cùng với em trai và chị gái của tôi. Người ta cảm thấy một tình bạn thực sự.
Nhưng tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất tử tế với mọi người ngài gặp. Tôi tin chẳng cần thêm bớt gì nữa.
Theo quan điểm của Đức Ông, các tín hữu nên chú ý điều gì?
Tôi nghĩ nên có sự thay đổi trong suy nghĩ. Một mặt, tình hình của Giáo hội được mô tả một cách nhẫn nhục như không có tương lai. Nhưng mặt khác, người ta nhận thấy rằng ở chính những nơi người ta nhẫn nhục cách nào đó, lại thường có những cuộc tan rã.
Đức tin rất sâu xa ở bên trong, nó vẫn còn sống động trong khu vực của chúng ta và tự phát biểu trong những sự kiện và hành động bất ngờ. Điều quan trọng là những người trung thành sâu sắc nên thực hành đức tin của họ, đừng che giấu đức tin của mình, họ nên công khai tuyên xưng nó - họ nên sống đức tin của họ một cách cương quyết. Tôi nghĩ rằng trong một bối cảnh như vậy, các điểm cố định vô cùng quan trọng, và chúng sẽ lôi kéo những người chao đảo, những người không biết phải làm gì, những người có lẽ cởi mở nhưng không thể quyết định. Họ cần những cột hướng dẫn.