“Tôi đã tìm kiếm chàng, nhưng tôi không gặp được chàng”;
“Tôi đã trông thấy Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Chẳng tình cờ chút nào khi một trong những đoạn văn trữ tình nhất của sách Diễm Ca và trình thuật phục sinh được chọn đọc nhân ngày lễ thánh nữ Maria Madalena. Qua đó, Hội Thánh muốn nói đến cơn khát của một tâm hồn mong gặp Chúa; Maria, tâm hồn khát khao đã gặp được Ngài, Đấng phục sinh chỉ cho vị ‘tông đồ của các tông đồ’ khát khao cả Đấng trên cao.
Sách Diễm Ca diễn tả nỗi lòng của một thiếu nữ đang yêu những mong gặp người mình yêu, “Suốt đêm trên giường ngủ, tôi đã tìm kiếm người tôi yêu”. Hơn bao giờ hết, con người hôm nay bị cuốn vào cơn lốc thời gian khiến nó trở thành một sinh vật động đạc; các tương quan của nó trở nên lỏng lẻo. Đức Phaolô VI nói, “Chúng ta đang sống trong một thế giới bị kìm kẹp bởi một cơn sốt vốn đã xâm nhập vào cả nơi tôn nghiêm và sự cô tịch của tâm hồn. Tiếng ồn ào huyên náo ầm ĩ đã xâm chiếm gần như mọi thứ khiến người ta không còn khao khát Thiên Chúa, không còn muốn hồi tâm. Giữa hàng ngàn thứ gây xao lãng, con người hoài phí năng lực chạy theo những điều vô bổ. Văn hoá hiện đại đã xâm chiếm sự thân mật tư riêng của các gia hộ và các con tim. Thật khó khăn hơn nhiều khi phải tìm một cơ hội cho việc hồi tâm, ở đó, linh hồn khao khát có thể gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa”.
Tin Mừng nói đến cơn khát đó nơi Maria, người ra mộ Thầy từ tinh mơ theo cảm tính để tẩm thuốc thơm cho một xác chết; vậy mà đặc ân lớn lao đã xảy ra, bà gặp Đấng đã chết nay đang sống. Sẽ không ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng, bà không đáng được diễm phúc này. Tin Mừng xác nhận bà là người được Chúa trừ bảy quỷ; rõ ràng trước đó, bà bị chúc dữ, được kể là người tội lỗi. Cuối thế kỷ thứ sáu, Giáo hoàng Grêgôriô Cả coi bà là người phụ nữ suýt bị ném đá được Chúa cứu mạng ở trong đền thờ. Ấy thế, sau khi gặp Chúa, bà là môn đệ, giúp Chúa và các tông đồ, có mặt dưới chân thập giá đang khi các tông đồ chạy tán loạn.
Chúa phục sinh đã nâng khát khao cảm tính của bà lên một cấp độ cao hơn, dù đau dớn nhưng cần thiết, “Đừng động đến Thầy, vì Thầy chưa về cùng Cha”; “Hãy đi báo tin cho anh em Thầy, ‘Thầy về cùng Cha Thầy, cũng là Cha anh em; về cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Ấy, người phụ nữ tội lỗi được nhìn thấy Chúa trước nhất, cũng là sứ giả trước nhất của Tin Mừng phục sinh. Chúa Giêsu không câu nệ quá khứ tội lỗi của một ai, Ngài dùng người đó cho một sứ mệnh; thứ đến, Ngài muốn kẻ khát khao Ngài không vì cảm tính thể lý nhân loại nhưng phải gắn kết với Ngài để gắn kết với chính Chúa Cha trên trời.
Một phụ nữ trước khi chết, ước được thấy Chúa. Trong mơ, Chúa cho biết tối mai Ngài đến. Bà sửa soạn, đợi chờ và thiếp đi; Chúa nói, “Sao Ta đến mà con không tiếp? ”. Bà nói, “Con đợi Chúa trước cổng”; Chúa bảo, “Cổng sau”. Ngài hẹn bà đêm mai; bà lại chờ, ra cổng trước vào cổng sau, hoài công. Chúa trách và cho biết Ngài đến qua cửa sổ. Ngài lại hẹn bà tại một giếng nước đầu làng; đến đây, bà chợt nhận ra Chúa chơi trò cút bắt. Cuối cùng, Ngài nói, “Nếu con chỉ muốn gặp Ta ở một nơi nào đó, sẽ không bao giờ gặp. Ta cho con thấy không chỉ một lần trước khi chết, nhưng là mỗi ngày, mỗi phút với điều kiện hãy bỏ khát vọng được thấy Ta bằng mắt trần tục; con chỉ có thể thấy Ta bằng đôi mắt của trái tim với lòng yêu mến”.
Anh Chị em,
Bên mộ trống, Chúa tỏ mình cho Maria; trên bàn thờ, Chúa tỏ mình cho chúng ta. Hãy cầu xin cho được khát khao Ngài, khát khao cả Cha trên trời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Maria khát khao Chúa; xin cho con biết, Chúa đang khát linh hồn con”, Amen.
(Tgp. Huế)