VƯỢT QUÁ TRÍ HIỂU

“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lang thang trên những nẻo đường Palestine, các môn đệ theo Chúa Giêsu đi đây đi đó; thế nhưng, chưa một lần, ai nói với ai cách rõ ràng về vị Thầy của mình. Hôm nay, đột nhiên, Chúa Giêsu quay lại hỏi, “Người ta bảo Thầy là ai?”; các môn đệ cho biết, dân chúng coi Ngài như một trong những vị đại ngôn sứ. Chúa Giêsu lại đặt một câu hỏi quan trọng hơn, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, câu trả lời của Phêrô thật ý nghĩa, “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Phêrô hiểu đúng, Ngài là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”; nhận định của Phêrô sâu sắc hơn, vì lẽ, Phêrô nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Được Xức Dầu duy nhất của Chúa Cha; nói cách khác, Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, một tuyên tín vượt quá trí hiểu. Lợi dụng lời tuyên xưng của vị tông đồ trưởng, Chúa Giêsu đã mặc khải con đường của Chúa Cha, “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”, mặc khải này cũng vượt quá trí hiểu.

Chúng ta không thể hiểu hết chiều sâu của “mầu nhiệm đức tin” khi nói Chúa Giêsu vừa là người, nhưng cũng vừa là Thiên Chúa; một Thiên Chúa làm chủ vạn vật, làm chủ con người, làm chủ thời gian như sách Giảng Viên hôm nay xác tín, “Mọi sự đều có thì giờ của chúng; vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng”; “Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn”; “Con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối”. Thật là vượt quá trí hiểu.

Đấng chủ tể thời gian ấy cũng là Đấng phải chịu đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết và phải treo lên để yêu thương, để tha thứ, để thấu cảm, để ban ơn cứu độ đời đời cho con người mọi thời, mọi đời… thì điều này lại cũng vượt quá trí hiểu. Giêsu đó, Thiên Chúa đó, mãi muôn đời là thế; Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, muôn đời xót thương, muôn đời tha thứ, muôn đời tìm kiếm, muôn đời chữa lành… điều này cũng vượt quá trí hiểu. Ai gặp được Ngài, chạm đến Ngài hay được Ngài chạm đến, sẽ được Ngài biến đổi bằng ân sủng của Thánh Thần; người ấy sẽ chạm được thiên đàng, hưởng nhận sự sống đời đời, hưởng nhận chính Ngài là Thiên Chúa hằng sống, Đấng cứu độ. Họ nhìn nhận Ngài là Đấng phù trợ, là khiên thuẫn, là tường luỹ, là núi đá, nơi họ ẩn thân như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng, “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn”. Thật là vượt quá trí hiểu.

Anh Chị em,

Hôm nay, khi nhìn lên Mình Thánh Chúa trên bàn thờ hoặc trong nhà chầu, chúng ta có thấy Chúa Giêsu đang ở với chúng ta không? Chúng ta có thấy một Thiên Chúa Toàn Năng, Toàn Trị, Yêu Thương, hiện hữu từ muôn thuở, chủ tể thời gian, cội nguồn của mọi điều tốt lành, Đấng tạo dựng vạn vật đang gần gũi với chúng ta đến thế không? Nhìn lên thánh giá, chúng ta chiêm ngắm một Đấng đang bị treo lên, cũng là Đấng đang tái diễn mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài liên lỉ trên các bàn thờ để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, chúng ta có thể hiểu hết mầu nhiệm đức tin này không? Có lẽ câu trả lời sẽ là vừa “Có”, lại vừa “Không”; “Có” ở chỗ chúng ta tin, và “không” ở chỗ, chúng ta không hiểu hết những điều vượt quá trí hiểu. Thật xúc động, khi hiểu được Chúa Giêsu là ai một cách sâu sắc hơn trong thần tính của Ngài; để từ đó, chúng ta thực hiện một quyết tâm đầy cam kết hơn trong đức tin của mình, một đức tin vượt quá trí hiểu.

“Thường thì giáo dân thấy cha nào làm lễ lâu, họ kêu van, phàn nàn; nhưng lạ thay, cha thánh Piô Năm Dấu dâng lễ lâu đến 3 giờ rưỡi đồng hồ mà các Hồng Y, Giám Mục, giáo sĩ, giáo dân vẫn chen nhau đến dự; họ còn cố ‘lết’ gần bàn thờ để được nhìn rõ cha. Ai dự lễ cha Piô cũng đều say sưa, sốt sắng, không biết mỏi mệt; họ đồng thanh nói, “Thấy nét mặt, cử chỉ của ngài, chúng tôi như thể trông thấy Chúa Kitô đang phải thương khó trên bàn thờ thực sự; nhờ thế, đức tin chúng tôi càng vững vàng, lòng ăn năn càng quyết chí, lòng mến Chúa càng gia tăng; dự lễ cha Piô mấy lần cũng không chán”. Từ khắp năm châu, người ta tuôn về một thị trấn nhỏ miền nam nước Ý, cốt để dự lễ của một tu sĩ già. Ở quê nhà họ không có ai dâng lễ sao? Có chứ; nhưng ở đây, họ thấy Chúa Giêsu làm lễ”. Đó là nhận định của Đức Hồng Y Thuận; phải chăng, đây cũng là một điều vượt quá trí hiểu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy Chúa, tin Chúa, đang ở với con trong Thánh Thể, đang yêu thương nhìn con từ thập giá. Xin Chúa mãi là núi đá cho con nương ẩn; và quan trọng hơn, cho con được biến đổi; điều này, ‘với Chúa trên trời, với người dưới đất’, sẽ là điều vượt quá trí hiểu nhất”, Amen.

(Tgp. Huế)