TIỆC CƯỚI và ÁO CƯỚI
Chúa Nhật 28 Thường Niên A

Tin mừng Matthêu 21,23-27, kể chuyện Chúa Giêsu tranh luận với giới lãnh đạo Do thái: “Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi ‘Ông lấy quyền nào mà làm các việc ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?’”.

Sau cuộc đối thoại với những kẻ tự bưng tai, che mắt, bịt miệng, Chúa lay tỉnh họ bằng ba dụ ngôn để vạch trần tâm địa của họ và cho họ biết cái gì chờ họ ở cuối con đường họ đang đi.

Dụ ngôn thứ nhất (Mt 21,28-32): suy niệm Chúa Nhật 26.

Dụ ngôn thứ hai (Mt 21,33-46): suy niệm Chúa Nhật 27.

Dụ ngôn thứ ba (Mt 22,1-14): suy niệm Chúa Nhật 28. Dụ ngôn tiệc cưới. Dụ ngôn này có hai mũi dùi: mũi dùi thứ nhất tiếp tục chĩa vào những kẻ được mời trước mà không thèm đến dự (cùng họ với người con thứ hai trong dụ ngôn thứ nhất và bọn tá điền coi vườn nho trong dụ ngôn thứ hai). Mũi dùi thứ hai, một trong những kẻ đầu đường xó chợ đã được vào thế chỗ dự tiệc nhưng lại không mặc áo cưới, chĩa vào những người đã tin, đã gia nhập Hội Thánh nhưng lại không sống đời sống mới. Đó là lời cảnh báo: Hội Thánh không phải là hãng bảo hiểm sinh mạng vô điều kiện, phép rửa không phải bùa hộ mệnh nhưng là khởi đầu một cuộc sống mới, và Hội Thánh là bàn tiệc Nước Trời ngay bây giờ cho những ai muốn thật sự theo Chúa Giêsu, mặc lấy Chúa Kitô nên đồng hình đồng dạng với Người (x.Cl 2-3; Pl 3; Ep 3-6), nhờ Lời Chúa và các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng.(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Nguyễn Công Đoan. SJ).

1. Tiệc cưới

Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới, vị vua tổ chức cho hoàng tử. Đây là một đại yến tiệc hoàng gia. Khách được mời là cấp hoàng tộc, giới thượng lưu và có địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, những vị khách quý này đã tỏ ra khinh thường và hung bạo đối với các sứ giả nhà vua. Không những họ từ chối lời mời, mà còn nhục mạ và sát hại những người được vua phái đến. Vua tức giận trừng phạt những con người hung ác kia và cho gia nhân ra các ngả đường mời bất cứ ai, bất luận tốt xấu, đến dự tiệc và phòng tiệc chật ních khách mời. Qua dụ ngôn Tiệc Cưới, Chúa Giêsu tỏ rõ cho người Do thái biết rằng, họ chính là dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, là khách mời đặc biệt của bữa tiệc Nước Trời. Nhưng khi Chúa Giêsu đến, loan báo ngày mở tiệc và mời gọi họ, thì họ lại khước từ. Vì thế, Israel đã được thay thế bằng các dân tộc khác, kể cả những người ngoại giáo và tội lỗi. Bữa tiệc được mở rộng đến mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới.

Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Thời nay, những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Thiên Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật. Có người nhân danh đạo tại tâm để từ chối dự lễ Chúa nhật. Có người viện lý do ghét người này người nọ để từ chối việc đến nhà thờ. Bên cạnh những người bỏ đạo còn có những người lấp lửng nửa vời. Họ nại vào lý do “có thực mới vực được đạo”. Họ không đi lễ vì phải lo kế sinh nhai, cơm áo gạo tiền. Khi rãnh mới đi lễ… Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh hoạt xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.

Thánh lễ chính là Tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa thết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Mọi sinh hoạt Kitô giáo đều bắt nguồn và đặt nền nơi Thánh lễ ngày Chúa Nhật.Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là một bằng chứng trung thành với Chúa Kitô và với Hội Thánh, đồng thời các tín hữu hiệp thông với nhau trong tin yêu, nâng đỡ và khuyến khích nhau. Thu xếp công việc, dành ưu tiên cho Chúa, hân hoan dự bàn tiệc Thánh Thể. Khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.

Tham dự Thánh lễ là bổn phận trước tiên và chủ yếu để thánh hóa ngày của Chúa, người tín hữu dành Chúa nhật cho những việc hữu ích và cần thiết khác theo ý muốn của Chúa. "Chúa Nhật và các lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự Thánh lễ; lại nữa, phải kiêng những việc làm, và những hoạt động làm cản trở việc thờ phượng Thiên Chúa, niềm vui riêng trong ngày của Chúa, hoặc việc nghỉ ngơi tinh thần và thể xác cần phải có" (GL 1247). Thời giờ ngày Chúa Nhật cũng có mục đích dành để sống với gia đình, trau đổi văn hóa nghệ thuật cũng như đạo đức, và để thăm viếng bạn bè, nhất là đến với những bệnh nhân, tàn tật, già yếu, cô đơn. "Mỗi người cần được hưởng đầy đủ sự nghỉ ngơi và thời giờ nhàn rỗi, để sống đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo" (MV 67).

2. Áo cưới

Đỉnh cao của dụ ngôn chính là vấn đề “y phục lễ cưới”. Ý nghĩa đạo đức hay luân lý của hình ảnh “y phục lễ cưới”: trách nhiệm luân lý, lương tâm ngay thẳng, những việc đạo đức và bác ái… Muốn tham dự tiệc cưới, vào bàn tiệc chưa đủ mà còn phải mặc y phục cho thích hợp. Y phục đó tượng trưng cung cách sống đạo, trang phục bằng những đức tính và tinh thần của Ðức Kitô. Là người Kitô hữu, cần sống cho xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu mới được vào Nước Trời. Ân sủng không chỉ là một quà tặng mà còn là một trách nhiệm phải chu toàn.

Chiếc áo cưới vào dự tiệc Nước Trời chính là ơn Thánh Tẩy của Bí tích Rửa Tội. Ngày chịu phép rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu được nhắn nhủ: "Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Ktiô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh."

Mỗi một Kitô hữu đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là chiếc áo trắng ngày chịu phép Rửa tội. Chiếc áo trắng ấy là tâm hồn thanh khiết của những người con Chúa đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải nâng niu, gìn giữ suốt cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải tinh tuyền cho đến ngày bước vào dự tiệc cưới trong Nước Trời.

Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.

Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, các Kitô hữu mặc y phục đẹp nhất của mình, chứng tỏ lòng kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng anh chị trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng với bản thân mình. Mỗi lần tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi, đó là y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa. Chiếc áo cưới của Kitô hữu không được dệt bằng lụa là gấm vóc, không được mua từ hàng hiệu đắt tiền nhưng chính là lòng khiêm hạ, lòng tin cậy mến Chúa, lòng mến đối với mọi người.

Từ Bàn Tiệc Thánh Thể hàng ngày, chúng ta sẵn sàng cho mình “y phục lễ cưới” để vào dự Tiệc Cưới Nước Trời. Trước khi được dự tiệc cánh chung, bữa tiệc Thiên quốc, mỗi ngày Chúa cho chúng ta được hưởng nếm tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể. Nơi đó, không những Chúa trao ban Lời Ngài, mà còn ban chính Thịt Máu Ngài để nuôi sống chúng ta. Qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta được qui tụ lại trong tình hiệp nhất yêu thương. Hãy đến với Chúa Thánh Thể để được lãnh nhận lương thực thiêng liêng cho tâm hồn mỗi ngày, miễn là chúng ta biết cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Hãy gìn giữ chiếc áo trắng tinh tuyền ngày chịu phép Thánh Tẩy, “chiếc áo cưới” tượng trưng cho tâm hồn trong sạch giúp chúng ta xứng đáng được Thiên Chúa đón nhận vào dự tiệc Nước Trời mai sau.