39. ĐẾN TAY THÌ CHUA

Thí sinh Trương Đẩu Kiều sao chép lại bài văn của một tác giả nổi tiếng và đem đi thi.

Quan chấm thi coi thì đương nhiên cho là Trương Đẩu Kiều tự mình viết, và nghĩ rằng bài viết không được hay, nhíu cặp lông mày, lấy viết đánh dấu vòng trên bài văn.

Trương Đẩu Kiều đem chuyện này tố cáo với học quan Văn Liên Sơn, Văn Liên Sơn liền kể cho anh ta nghe hài kịch “Tô Thái” như sau:

- Phụ thân của Tô Thái làm sinh nhật, con trưởng dâng lên một ly rượu chúc thọ, phụ thân uống xong thì khen: “Rượu ngon”. Đứa con thứ hai thường không làm cho phụ thân vui lòng cũng dâng một ly rượu để chúc thọ, phụ thân chưa uống đã chửi: “Rượu chua !”

Vợ của đứa con thứ hai thấy vậy, bèn lén mượn ly rượu của chị dâu cả đến trước mặt chúc thọ, bởi vì phụ thân cũng không thích người con dâu thứ hai này, nên vừa uống vừa chửi: “Rượu chua !”

Con dâu thứ không phục, nói: “Đây là rượu lấy từ nhà anh cả đó”.

Phụ thân nổi giận chửi: “Vợ chồng tụi bây là rượu mốc, rượu đến trên tay tụi bây thì đã chua rồi !”


(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 39:

Đi cóp-pi bài của người khác rồi xào lại vài chữ thì dĩ nhiên là “chua” rồi; đem văn của người khác làm văn của mình thì không những “chua” mà còn “thiu” nữa, bởi vì đó không phải là những suy tư và tư tưởng của mình.

Ở viện thần học Phụ Nhân (Taiwan) mỗi lần thi cử đều có dán nơi bảng thông báo một thông báo trang trọng, sau khi trình bày những điểm không hay của việc cóp-pi bài, thì nghiêm khắc quyết định sẽ đuổi học những sinh viên cop-pi bài của nhau.

Đời có nhiều cái nên cóp-pi như: cóp-pi đức hạnh của người khác để noi theo, cóp-pi tính siêng học của người khác để học hành làm việc chuyên cần hơn, cóp-pi tính khiêm nhượng của người khác để chức vụ và bổn phận của mình nổi bật hơn, cóp-pi sự hiền lành nhân ái của người khác để mình hiền từ hơn.v.v...tất cả những điều ấy của người khác thì nên cóp-pi, bởi vì đức hạnh là bởi Thiên Chúa mà đến.

Thời nay “bệnh” cóp-pi luận án của người khác làm của mình thì rất nhiều, vì những người cóp-pi ấy không có lương tâm chân chính của một người Ki-tô hữu, mà lương tâm chân chính của người Ki-tô hữu là luôn làm theo sự thật và lẽ công bằng.

Khi đã ghét nhau rồi thì rượu ngon cũng thành rượu chua, cũng vậy, nếu người Ki-tô hữu không có một lương tâm chân chính thì dù cho cóp-pi cái hay cái đẹp của người khác, thì cũng như rượu chua mà thôi: gượng ép và khách sáo !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info