Ban lãnh đạo Giáo Hội Đức với Con Đường Đồng Nghị của họ, theo ký giả Andrea Gagliarducci, có nguy cơ đưa toàn thể Giáo Hội Công Giáo vào khủng hoảng.



Thực vậy, theo ký giả này, với việc bổ nhiệm nữ giáo dân đầu tiên làm tổng thư ký cho Hội Đồng Giám Mục Đức vào tuần trước, Hội đồng này muốn cho người ta thấy các thành quả của Con đường Đồng nghị của Giáo hội họ. Hay đúng hơn, một tín hiệu cho thấy những thay đổi mà họ đang thảo luận sẽ được thực hiện, cho dù Rôma có đồng ý hay không. Đây là một tinh thần coi thường bức thư mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi cho Hội đồng hồi tháng 6 năm 2019.

Bức thư đó cho thấy rằng đã có, mặc dù tiềm ẩn, nguy cơ của một cuộc ly giáo gây ra bởi quyết định của các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Đức muốn có một Thượng hội đồng có quyền đưa ra các quyết định có tính ràng buộc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết, “Mỗi lần một cộng đồng giáo hội cố gắng tự mình thoát khỏi các vấn đề của mình, mà chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của mình, thì rốt cuộc cộng đồng này sẽ nhân thừa và nuôi dưỡng những tệ nạn mà họ muốn vượt qua”.

Bất chấp việc chính thức thừa nhận rằng mình đã nhận được lá thư của Đức Giáo Hoàng, Giáo hội ở Đức vẫn tiếp tục đi theo hướng đi của mình. Và mô thức hành động dường như là để tiến hành các cải cách chức năng, một điều vốn không cần sự đồng ý của Rôma, nhưng vẫn có thể có tác dụng đáng kể.

Việc chọn nữ tổng thư ký đã đi theo hướng trên. Đây không phải là lần đầu tiên một phụ nữ được bổ nhiệm làm tổng thư ký cho một Hội đồng Giám mục. Chẳng hạn, Sơ Hermegild Makoro là tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Nam Phi, và tiếp theo là Sơ Tshifhiwa Munzhedzi, OP, kể từ năm 2020. Từ năm 2009, Sơ Anna Mirijam Kaschner CPS (Nữ tu Dòng Máu Thánh Truyền Giáo) là tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Bắc Âu. Tuy nhiên, việc chọn Gilles vẫn có thể được coi là một bổ nhiệm tiên khởi.

Beate Gilles, một nhà thần học 50 tuổi, đã được chọn để kế nhiệm Linh mục Dòng Tên Hans Langendoerfer, người đã từng là số 2 của Hội đồng Giám mục Đức từ năm 1996. Gilles xuất thân từ giáo phận Limburg, nơi bà đứng đầu phân bộ về trẻ em, thiếu niên và gia đình.

Giám mục của Limburg là Đức cha Georg Baetzing, cho hay: “Chúng tôi đang giữ lời hứa nhằm cổ vũ để phụ nữ nắm các vị trí lãnh đạo”. Xét rằng tổng thư ký có một vai trò quyết định trong các hội đồng giám mục và là người thực thi các chỉ thị được gửi tới các giám mục, chúng ta đang đối diện với một giáo dân đầu tiên sẽ quản lý một nhóm giám mục.

Đây là một bước trung gian hướng tới điều mà Đức cha Baetzing muốn có ngay lập tức: truyền chức linh mục cho phụ nữ. Ngài nhắc lại điều này trong một cuộc phỏng vấn với Herder Correspondenz vào tháng Giêng - một cuộc phỏng vấn trong đó ngài cũng phàn nàn về việc Bộ Giáo lý Đức tin ngăn cản một tài liệu (“Cùng nhau ở Bàn tiệc Chúa”) được soạn thảo bởi Nhóm Công tác Đại kết mở đường cho việc rước lễ chung giữa người Công Giáo và người Thệ phản, điều gọi là rước lễ liên phái.

Tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy Giáo hội ở Đức muốn tiến hành các cải cách ra sao. Tuy nhiên, vấn đề còn sâu xa hơn. Giáo hội ở Đức đang áp dụng lối hiểu của thế tục về thực tại của Giáo hội. Các bí tích không được xem xét. Chức năng được xem xét. Đó là một chủ đề liên tục được đưa ra trong các cuộc tranh luận kể từ thời Công đồng Vatican II. Một chủ đề đã nổi lên mạnh mẽ một lần nữa và điều đó không bao giờ bị hoàn toàn gạt sang một bên.

Nói cho rõ, chính Đức Gioan Phaolô II, cùng với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, “người bảo vệ đức tin”, đã cố gắng vượt qua sự phân cực của cuộc tranh luận tại công đồng. Giữa một Giáo hội chỉ được xem xét về mặt chức năng và một Giáo hội trước Công đồng, Đức Gioan-Phaolô II ưa thích một Giáo hội được thành lập dựa trên Đức Kitô. Đó là một cố gắng hướng tới sự thống nhất và được sự giúp đỡ của Đức Hồng Y Ratzinger, người hiểu rõ thế giới Đức.

Giáo Hội Công Giáo ở Đức luôn có một chút “tính ranh giới” do vị trí của họ gần với Giáo hội Thệ phản hùng mạnh và sự cạnh tranh trực tiếp của hai cộng đồng giáo hội này trong việc thu hút các tín hữu, mà con số tự động chuyển thành mức tài trợ thông qua Kirchensteuer, thuế doanh thu cho các Giáo Hội.

Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục công việc hiệp nhất này, và người ta thấy tất cả các dấu hiệu của việc này trong chuyến tông du Đức năm 2011. Đối diện với một Giáo hội Đức luôn cổ vũ các ý niệm chức năng, Đức Giáo Hoàng đã trình bày ngài như người kêu gọi quay trở lại với Thiên Chúa. Và ngài cũng yêu cầu cùng một điều nơi người Thệ phản, những người vốn mong đợi một món quà đại kết. Đó là một sự đảo ngược rất khó tiêu đối với Giáo hội ở Đức, vốn đã tiếp tục tự định hướng theo nghị trình cấp tiến.

Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, công việc trên được thực hiện một cách có hệ thống. Lý lẽ biện minh - và điều này rất hiển nhiên trong tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng - là vấn đề lạm dụng trong Giáo hội. Sự lạm dụng được coi là một vấn đề lãnh đạo. Lãnh đạo phát xuất từ cách thức thực thi quyền lực. Cách thực thi quyền lực phải được thay đổi, và phải thay đổi nó một cách dân chủ. Đây là tổng hợp cơ sở lý luận đứng phía sau Con đường Đồng nghị Đức.

Nhưng sự thay đổi của nghị trình dựa trên phản ứng đối với việc lạm dụng đi quá xa vấn đề quyền lực. Nó không nhận được sự đồng thuận, chính vì một số định nghĩa trong văn bản không thể dựa trên sự đồng thuận chung, vì chúng dựa trên những định kiến chống Công Giáo của thế giới thế tục vốn không phù hợp với sự thật.

Trước hết, một ví dụ. Văn bản nhiều lần nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo đã không tự hội nhập văn hóa một cách đầy thuyết phục “vào một xã hội dân chủ dựa trên pháp quyền,” và thực sự đã “sử dụng trật tự pháp lý của mình để kỳ thị một số bộ phận dân cư, đe dọa các tiến trình dân chủ chuẩn mực và tự miễn nhiễm đối với những tìm hiểu có tính phê phán chống lại các giáo huấn và các cơ cấu dân chủ của mình".

Đó là thứ “văn hóa triệt tiêu” do Giáo hội tự áp dụng cho chính mình. Bằng cách này, Giáo hội không thể nhìn quá bên kia chiếc mũi của mình. Giáo Hội không nhận ra việc làm của Giáo hội ở Đức trong việc cổ vũ tiến trình dân chủ trong Chiến tranh Lạnh. Giáo Hội thậm chí không nhìn vào bên trong mình nhiều chính trị gia vốn tạo nên Ủy ban Trung ương các người Công Giáo Đức (ZDK).

Việc cải tổ Giáo hội có đòi hỏi phải nghị viện hóa chính Giáo hội không?

Vấn đề Đức không phải chỉ là vấn đề ở Đức. Nếu Đức là phòng thí nghiệm, thì vấn đề này phải là chủ đề tranh luận ở khắp mọi nơi. Nó xuất hiện liên tục, một cách đầy ám ảnh. Chúng ta nói về sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo hội như thể Giáo hội là một công ty. Giáo hội không bao giờ được xem xét theo đúng nghĩa của nó: một địnhh chế được thành lập một cách thần thiêng và dựa trên các bí tích. Đây là lý do tại sao các giám mục có các chức năng quyền lực: nhờ bí tích truyền chức thánh, ban cho họ các munus docendi, munus sanctificandi, munus regendi (các chức vụ giảng dạy, thánh hóa, cai quản).

Giáo hội không phải là một nền dân chủ. Hiệp thông không dân chủ. Nó có một cảm thức, một giá trị và một ý nghĩa sâu xa, giống mọi điều trong Giáo Hội Công Giáo. Giản lược mọi sự vào chức năng, giản lược mọi sự vào nhu cầu làm cho các diễn trình trở nên dân chủ và minh bạch, là phản bội chính bản chất của Giáo hội.

Có rất nhiều lời bàn tán về việc Thệ phản hóa Giáo hội, và vai trò chính được dành cho lương tâm cá nhân trong nhiều vấn đề dường như đã chứng minh lý thuyết này đúng. Nhưng có lẽ trọng điểm ở chỗ khác. Giáo hội đang ngoại giáo hóa chính mình. Cuối cùng, việc đặt các chức năng, nền dân chủ và các nghị trình thế tục trước các nghị trình thần thiêng là một dấu hiệu của ngoại giáo hơn là Thệ phản.

Đó là một vấn đề mà Đức Bênêđíctô XVI đã nhận diện trong tiểu luận của ngài “Những người ngoại giáo mới và Giáo hội”, của những năm 1950. Chẩn đoán đó hiện vẫn còn giá trị. Sự kiện Giáo hội ở Đức đang thực hiện một diễn trình chức năng, dù không phù hợp với Rôma, không có nghĩa là một cuộc ly giáo có thể đang diễn ra. Nó có nghĩa Giáo hội cần nhìn lại mình bằng con mắt Công Giáo. Nếu Giáo Hội tiếp tục nhìn bản thân qua lăng kính nhận thức của người khác, Giáo Hội sẽ không còn lý do để tồn tại.