Vào ngày thứ hai trong chuyến đi 3 ngày, Đức Phanxicô đã gặp Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani, một thẩm quyền tinh thần của người Hồi Giáo Shia. Ngài cũng đã thăm khu phế tích của cổ thành Ur, vốn được coi là nơi sinh của Abraham.

Tại ‘nơi được chúc phúc’, Đức Phanxicô thúc giục việc tôn trọng nhân tính chung



Trong bối cảnh thân mật và trình diễn, trong những cử chỉ cụ thể và mang tính biểu tượng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm thứ Bảy đã sử dụng bối cảnh của vùng Lưỡng Hà cổ đại như một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng điều gắn bó nhân loại mạnh mẽ hơn điều chia rẽ.

Đức Giáo Hoàng bắt đầu ngày thứ hai ở Iraq trước lúc bình minh, lên chuyến bay đến thánh địa Najaf, nơi ngài có cuộc gặp riêng với Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani, nhà lãnh đạo tinh thần ẩn dật của người Shia ở Iraq.

Trong chuyến thăm lịch sử tới Iraq, Đức Phanxicô đã tìm cách hỗ trợ các Kitô hữu ở quốc gia có đa số người Shia này, kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq bảo vệ tất cả các quyền của người thiểu số và gửi đi một thông điệp muốn nói rằng bản thân ngài đã trở lại sân khấu hoàn cầu sau một năm giam mình đằng sau các bức tường Vatican vì đại dịch.

Từ Najaf, ngài đi đến khu phế tích Ur, một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Truyền thống cho rằng đây là nơi sinh của nhà tiên tri Abraham, người khẳng định niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo đều có nguồn gốc từ Abraham.

Sau khi tham quan một ziggurat tân Sumer và những phế tích khác ở trung tâm của nơi từng là một thành phố lớn trong vương quốc của Nebuchadnezzar II - bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh, nhưng vẫn gây ấn tượng mạnh và có sức gợi cảm sâu sắc – Đức Giáo Hoàng kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên của các tín ngưỡng khác nhau.

Được vây quanh bởi các Kitô hữu, người Hồi giáo và thành viên của nhiều dân tộc thiểu số ở Iraq, Đức Phanxicô nói, “Nơi được chúc phúc này đưa chúng ta trở lại nguồn gốc của mình. Chúng ta dường như được trở về nhà".

Ngài kêu gọi hòa bình và tình yêu, và khi làm như vậy, ngài đã hiện thực hóa giấc mơ được nuôi dưỡng bởi Đức Gioan Phaolô II, người đã lên kế hoạch đến thăm Iraq, trước khi căng thẳng buộc ngài phải hủy bỏ hơn 20 năm trước đây.

Đức Phanxicô đã cố gắng tận dụng tối đa thời điểm này, và nói rằng “sự phạm thượng lớn nhất” chính là hành vi “ghét bỏ anh chị em của chúng ta”.

Ngài nói: “Sự thù nghịch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực không phát sinh từ trái tim tôn giáo: Chúng là sự phản bội tôn giáo. Chúng ta, những người tin Thiên Chúa không thể im lặng khi khủng bố lạm dụng tôn giáo."

Vị Giáo Trưởng Đáng kính của phái Shia và Đức Giáo Hoàng thảo luận về bất công và áp bức



Không có video về cuộc gặp gỡ, và không có tiếng hò reo, ca hát của đám đông. Nhưng về nhiều phương diện, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và vị giáo trưởng của phái Shia được tôn kính nhất của Iraq tại thánh địa Najaf vào sáng thứ Bảy là một trong những cuộc gặp gỡ xúc động nhất trong chuyến công du Iraq của Đức Giáo Hoàng.

Hai vị trưởng lão – Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani, 90 tuổi và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, 84 tuổi, mỗi người đều là người có thẩm quyền tôn giáo cao nhất trong số những người theo họ - ngồi đối diện nhau trên những chiếc ghế gỗ đơn giản trong ngôi nhà khiêm tốn của Đại Giáo Trưởng.

Đức Giáo Hoàng là một tu sĩ Dòng Tên, người xa lánh xa hoa và bênh vực người nghèo, còn Giáo Trưởng al-Sistani là một học giả tôn giáo ẩn dật, người bênh vực những người bị chà đạp.

Một bức ảnh do văn phòng báo chí Vatican công bố cho thấy Đức Giáo Hoàng đang đi bộ dọc một con hẻm gần nhà của Giáo Trưởng, con hẻm vừa đủ rộng cho các thành viên trong đoàn tùy tùng của Đức Giáo Hoàng đi bộ bốn phía. Đường điện tạm bợ lủng lẳng trên các ngôi nhà, một số có cửa sổ được che bằng các thanh kim loại uốn cong.

Najaf là nơi đặt lăng mộ của Imam Ali, được người Hồi giáo dòng Shia coi là người kế vị hợp pháp của Nhà tiên tri Muhammad. Lần đầu tiên trong nhiều năm, ngôi đền đóng cửa đối với người hành hương vì chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.

Giáo Trưởng al-Sistani hiếm khi ra khỏi nhà và giao tiếp với thế giới bên ngoài qua một phát ngôn viên. Mặc dù ngài là người Iran, nhưng các tuyên bố của ngài về Iraq có sức nặng rất lớn. Ngài đã có thể ra lệnh cho các cuộc bầu cử được diễn tiến và việc ngài rút lại sự ủng hộ đối với thủ tướng tiền nhiệm của Iraq, người mà ngài cảm thấy đã làm thất vọng người dân, khiến thủ tướng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo kéo dài hơn dự kiến. Một tuyên bố do văn phòng của Giáo Trưởng al-Sistani đưa ra cho biết giáo trưởng đã nhấn mạnh rằng các công dân Kitô giáo xứng đáng được "sống như tất cả người dân Iraq trong an ninh và hòa bình và có đầy đủ các quyền hiến định".

Ngài cũng nói về “sự bất công, áp bức, nghèo đói, đàn áp tôn giáo và trí thức” và nêu quan ngại đối với số phận của những người dân phải di tản trong khu vực, “đặc biệt là người dân Palestine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Trong tuyên bố về cuộc gặp gỡ, Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng đã cảm ơn giáo trưởng “đã lên tiếng - cùng với cộng đồng Shia - để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và bị bách hại nhất giữa cảnh bạo lực và những khổ cực to lớn”.

Mặc dù chuyến thăm mang tính biểu tượng cao, nó cũng nhằm báo hiệu cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo phái Shia rằng các Kitô hữu phải được tôn trọng.

Cả hai vị giáo sĩ đều không đeo mặt nạ. Trong khi Đức Phanxicô và những người đi cùng ngài đã được tiêm chủng chống vi rút coronavirus, Giáo Trưởng al-Sistani thì không. Theo một thành viên trong văn phòng của ngài, Giáo Trưởng không muốn tước đi liều vắc-xin của người khác và đang đợi những người khác được tiêm chủng trước. Tuy nhiên, văn phòng của ngài nói rõ rằng Giáo Trưởng al-Sistani tin rằng việc tiêm chủng được phép về mặt tôn giáo.

Dưới bóng Ngôi đền ở Ur, Đức Giáo Hoàng tôn vinh các nguồn gốc nối kết nhiều tín ngưỡng



Trong tất cả các cuộc hành trình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chưa nơi nào đưa ngài đến gần nơi bắt nguồn của các tôn giáo độc thần như vùng bình nguyên lộng gió ở miền nam Iraq với phế tích của một ngôi đền 4,000 năm tuổi dâng kính một vị thần mặt trăng.

Chính tại Ur, các tín hữu tin rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho Tiên tri Abraham, được biết đến như là cha đẻ các tôn giáo độc thần.

Hôm thứ Bảy, Đức Phanxicô đã nói chuyện, trong tầm nhìn đền ziggurat ở phía sau, một kim tự tháp có bậc trên đỉnh có một ngôi đền - phần còn lại của thủ đô tân Sumer, nơi truyền thống cho rằng Abraham được sinh ra.

Đức Giáo Hoàng nói: “Tại nơi mà tổ phụ Abraham của chúng ta đã sống, chúng ta dường như được trở về nhà”.

Đức Phanxicô nói rằng Thiên Chúa, Đấng từng hứa với Abraham 100 tuổi rằng ông sẽ có nhiều con, đã bảo nhà tiên tri nhìn lên bầu trời và đếm các vì sao.

Vây quanh bởi các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Kitô giáo cũng như đại diện của các nhóm thiểu số tôn giáo cổ đại, Đức Phanxicô nói: “Trong những ngôi sao đó, ông nhìn thấy lời hứa về con cháu mình - ông ấy nhìn thấy chúng ta”.

Đức Phanxicô cũng nói về sự bất công và những người bị tước đoạt.

Ngài nói: “Có quá nhiều người thiếu thực phẩm, thuốc men, giáo dục, quyền lợi và phẩm giá”.

Ur cách tỉnh lỵ Nasiriyah 10 dặm; tỉnh lỵ này vốn là trung tâm các cuộc biểu tình chống chính phủ mà vào năm 2019 đã hạ bệ một thủ tướng. Trong khi phong trào biểu tình đã bị dập tắt ở Baghdad, thì ở Nasiriya, nó vẫn tiếp tục khi những người trẻ tuổi đòi hỏi việc làm, nước sạch và điện.

Mặc dù có tầm quan trọng về tôn giáo và khảo cổ học, nhưng rất ít du khách đến Ur.

Năm 1999, nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đã ra lệnh xây dựng lại phế tích của ngôi nhà nổi tiếng như là nơi sinh của Abraham bằng gạch và mái vòm hiện đại. Những viên gạch bùn ban đầu của ziggurat - được tráng bitumen - vẫn còn, và một số có dấu vết của chữ viết hình nêm (cuneiform).

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cho biết sự bất nhất đáng kể trong niềm tin cho rằng Abraham xuất thân từ Ur ở Iraq. Người ta cho rằng ông sinh ra cách đây khoảng 4,000 năm, và Kinh thánh nói về ông như người xuất thân từ “Ur của xứ Chaldees” - ám chỉ một dân tộc sống ở Iraq 1,000 năm sau đó.

Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ sự mất dần các khối thiểu số tôn giáo của Iraq



Họ đang biến mất - những nhóm thiểu số tôn giáo cổ đại từng phát triển mạnh mẽ trên những vùng đất màu mỡ từng nuôi dưỡng những nền văn minh được biết đến đầu tiên trên thế giới. Và hôm thứ Bảy, với các đại diện của một số tín ngưỡng đa dạng của Iraq vây quanh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về những phế tích của một thành phố 6,000 năm tuổi.

Tại bình nguyên Ur, Ngài đã được sự tham gia của các trưởng lão của ít nhất bốn nhóm thiểu số tôn giáo ở Iraq, kể cả những người đàn ông có râu trắng, khăn choàng tay và áo khoác len quá khổ.

Rafah Alhilali là một trong những người ngỏ lời với Đức Giáo Hoàng.

Bà nói: “Tôi là một người Iraq, thuộc tộc Sabean Mandean, người đã chứng kiến cảnh con cái, anh em, tất cả người thân thuộc của mình chạy trốn”.

Bà Alhilali cho biết bà quyết tâm ở lại và được chôn cất trên mảnh đất của tổ tiên. Sabean Mandean là một dân tộc thiểu số Iraq bản địa mà các nhà dân tộc học nói rằng họ có nguy cơ biến mất như một cộng đồng.

Một số nghi lễ của họ, tập trung xung quanh Sông Tigris và Euphrates, có nguồn gốc từ Lưỡng Hà cổ đại. Hầu hết cộng đồng này - theo phe chủ hòa - đã phải di tản khỏi miền nam Iraq vì bạo lực.

Một trong những người đàn ông trong cuộc tụ họp hôm thứ Bảy là một trưởng lão tôn giáo người Yazidi - một thành viên của tôn giáo thiểu số được Đức Giáo Hoàng đơn cử như là đã phải chịu đau khổ đặc biệt dưới thời Nhà nước duy Hồi giáo. ISIS đã giết và bắt làm nô lệ hàng ngàn người trong số họ vào năm 2014, và họ đã bị bách hại vì niềm tin của họ trong nhiều thế kỷ.

Một trưởng lão Kaka’i mặc trang phục của người Kurd với áo vest màu nâu đặc biệt với vai kéo dài ra như một cái ách. Những người theo tôn giáo thần bí, chủ hòa sống chủ yếu ở đông bắc Iraq và tây Iran. ISIS coi Kaka’i, cùng với Yazidis, là những kẻ bất tín.

Và chính các Kitô hữu, những người trước khi đạo Hồi chiếm đa số ở Iraq, cũng đang dần dần biến mất - đặc biệt ở miền nam Iraq khi tính đa dạng tôn giáo phong phú của đất nước bị xóa mờ.
Tại tỉnh lỵ Nasiriyah, khoảng 10 dặm cách Ur và một trong những thành phố lớn nhất của Iraq, chỉ có hai gia đình Kitô hữu ở lại và không có nhà thờ hoạt động.

Mahir Shakir, một thành viên của một trong những gia đình còn lại, cho biết: “Đây là một lợi ích lớn cho Iraq và Nasiriya. Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một thông điệp về hòa bình và tình yêu giữa mọi tôn giáo".

Các chuyến tông du tạo lịch sử của các vị giáo hoàng



Kể từ chuyến hành trình của Thánh Phêrô đến Rôma, theo truyền thống là năm 44 sau Công nguyên, các chuyến đi của các vị giáo hoàng - được gọi là Đại diện của Chúa Kitô - đã đóng một vai trò tạo nên việc định hình cách thế giới nhìn Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Chúng cũng phản ánh cách các vị giáo hoàng nhìn vai trò của họ trong thế giới.

Kỷ nguyên hiện đại của các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng bắt đầu vào tháng 10 năm 1962, khi Đức Gioan XXIII lên một chuyến tàu tại ga xe lửa nhỏ của Vatican để thăm Nhà Thánh Loreto và Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi. Theo các nhà sử học, đây là lần đầu tiên một giáo hoàng rời Rôma kể từ năm 1857, sau khi Đức Piô IX nổi tiếng tuyên bố mình là “tù nhân của Vatican” vào năm 1870 để phản đối việc mất các Lãnh thổ Giáo hoàng.

Vắng bóng trong một biến cố làm nổi bật các dây nối kết Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo: sự hiện diện Do Thái Giáo



Tuần trước, một vài ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên đường đi Iraq, các phóng viên đã hỏi người phát ngôn của Vatican liệu có bất cứ giáo sĩ Do Thái nào sẽ tham gia vào biến cố trọng tâm của chuyến thăm - cuộc gặp gỡ liên tôn tại Bình nguyên Ur, nơi truyền thống vốn coi là nơi sinh của Abraham, tổ phụ của các tín ngưỡng Do Thái Giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, hay không.

Người phát ngôn, Matteo Bruni, nói rằng ông không biết liệu có bất cứ giáo sĩ Do Thái nào tham gia hay không, nhưng ông chắc chắn rằng một số người Do Thái sẽ tham dự.

Tuy nhiên, ở một đất nước nơi dân số Do Thái sôi động một thời đã giảm dần và cuối cùng biến mất sau nhiều năm bách hại và tàn sát, đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Chỉ hơn nửa thế kỷ trước, người Do Thái ở Iraq lên tới hơn 130,000 người. Hiện giờ có lẽ chỉ còn một chục - một con số khó kiểm chứng, vì trong nhiều năm, những người Do Thái ở lại thường cẩn thận không tiết lộ danh tính của mình vì sợ bạo lực.

Theo các viên chức Giáo Hội địa phương, tại biến cố được dàn dựng cẩn thận hôm thứ Bảy ở một nơi được người Do Thái gọi là nhà cả hàng nghìn năm, không có người Do Thái nào tham gia buổi lễ.

Linh mục Alberty Hisham, người điều phối chuyến thăm cho Giáo Hội Công Giáo Iraq, là định chế lo tổ chức biến cố, cho biết các nhà lập kế hoạch đã liên hệ với mọi người Do Thái ở Iraq mà họ có thể nhận diện được.

Ngài cho biết, “Chúng tôi đã mời họ, nhưng họ quá ít - có thể là 10 hoặc 12 người”.

Sự vắng mặt càng trở nên nổi bật hơn vì khung cảnh: một vùng đất rải rác có những địa điểm được nhắc đến trong Kinh thánh tiếng Do Thái từng là địa điểm hành hương phổ biến của người Do Thái.

Ở thị trấn Alqosh, có một ngôi mộ được cho là của Nahum, một nhà tiên tri trong Kinh thánh được cho là đã sống ở khu vực này cách đây gần ba thiên niên kỷ.

Ngôi mộ, tại một thời điểm nào đó đã được chuyển đổi thành một hội đường, có ghi dấu bằng tiếng Do Thái với nội dung “Đây sẽ là nơi ở của bạn mãi mãi”.