3. Sứ mệnh của nhà thơ làm nhà tiên tri hy vọng



Nhìn lại các biến cố của đời mình dưới ánh sáng của đức tin trên hết, Dante khám phá ra ơn gọi và sứ mệnh bản thân của ông. Nghịch lý thay, từ điều đó, ông xuất hiện không còn như một kẻ thất bại rõ ràng, một tội nhân, vỡ mộng và mất tinh thần, mà là một nhà tiên tri của hy vọng. Trong Thư gửi Cangrande della Scala, ông đã mô tả hết sức rõ ràng mục tiêu công việc của đời mình, không còn được theo đuổi bằng hoạt động chính trị hay quân sự nữa, mà bằng thi ca, nghệ thuật ngôn từ, một nghệ thuật, nhờ nói với mọi người, có sức mạnh thay đổi cuộc sống của mỗi người. “Chúng ta phải nói ngắn gọn rằng mục đích của toàn bộ công việc của chúng ta và các bộ phận riêng lẻ của nó là xóa bỏ tình trạng khốn cùng của những người đang sống cuộc sống hiện nay và dẫn họ đến một trạng thái hạnh phúc” (XIII, 39 [15]). Theo nghĩa này, nó có ý nghĩa gợi hứng cho một hành trình giải phóng khỏi mọi hình thức khốn cùng và sa đọa của con người (“khu rừng tối tăm”), đồng thời hướng tới mục tiêu cuối cùng của cuộc hành trình đó: hạnh phúc, được hiểu cả như sự viên mãn của đời sống trong thời gian và lịch sử, lẫn như là hạnh phúc vĩnh viễn trong Thiên Chúa.

Do đó, Dante đã trở thành sứ giả, nhà tiên tri và chứng nhân của mục đích hai chiều này, của chương trình sống táo bạo này, và trong tư cách ấy, sứ mệnh của ông đã được Beatrice xác nhận:

“Vì vậy, đối với sự thiện của một thế giới đang sống cách bệnh tật,
Hãy dõi mắt bạn vào cỗ xe, và điều bạn thấy,
Sau khi trở lại trái đất, bạn hãy lưu ý viết lại” (Purg. XXXII, 103-105).

Tổ tiên của ông, Cacciaguida, cũng khuyến khích ông không được chùn bước trong sứ mệnh của mình. Sau khi nhà thơ mô tả ngắn gọn cuộc hành trình của mình trong ba cõi của thế giới đời sau và thừa nhận hậu quả nghiêm trọng của việc công bố các sự thật gây khó chịu hoặc đau đớn, vị tổ tiên nổi danh trả lời:

“Lương tâm u ám
Hoặc bởi sự ô danh của chính mình hoặc bởi sự ô danh của người khác,
Thực ra, sẽ cảm nhận được vị chua của lời bạn;
Nhưng tuy thế, mọi sự giả dối đều bị gạt sang một bên,
Hãy làm sáng tỏ hoàn toàn viễn kiến của bạn,
Và hãy gãi bất cứ chỗ nào ngứa ngáy" (Đoạn XVII, 124-129).

Thánh Phêrô cũng khuyến khích Dante can đảm bắt tay vào sứ mệnh tiên tri của mình. Thánh Tông đồ, sau một công kích cay đắng chống lại Đức Boniface VIII, đã nói với nhà thơ:

“Còn ngươi, con trai ta, người bằng tư thế tử sinh,
Ngươi hãy trở lại dưới ấy, hãy mở miệng ngươi ra;
Điều gì ta không che giấu, thì đừng che giấu ”(Đoạn XXVII, 64-66).

Do đó, sứ mệnh tiên tri của Dante bao hàm việc lên án và chỉ trích các tín hữu - dù là Giáo hoàng hay tín hữu bình thường - phản bội Chúa Kitô và biến Giáo hội thành phương tiện để thăng tiến lợi ích riêng của họ trong khi làm ngơ tinh thần các Mối phúc và bổn phận bác ái đối với những người nghèo khổ và không được bảo vệ, và thay vào đó thần tượng hóa quyền lực và sự giàu có:

“Vì bất cứ điều gì Giáo hội tuân giữ
Thì giáo dân phải cầu xin nó nhân danh Chúa
Không phải cho họ hàng mình hoặc cho một điều gì đó tồi tệ hơn ”(Đoạn XXII, 82-84).

Tuy nhiên, ngay cả khi ông tố cáo sự thối nát trong các bộ phận của Giáo hội, Dante cũng trở thành - qua lời của Thánh Phêrô Damian, Thánh Bênêđíctô và Thánh Phêrô - một người ủng hộ việc canh tân sâu sắc của Giáo Hội và cầu xin ơn Chúa quan phòng mau mang lại điều ấy:

“Nhưng ơn Quan Phòng cao cả, điều đó với Scipio
Tại Rome, bảo vệ vinh quang thế giới,
Sẽ nhanh chóng đưa hỗ trợ, như tôi quan niệm ”(Đoạn XXVII, 61-63).

Dante, kẻ lưu đày, người hành hương, bất lực nhưng được củng cố bởi trải nghiệm sâu sắc bên trong từng thay đổi đời ông, đã được tái sinh như một viễn kiến mà từ sâu thẳm địa ngục, từ sự suy thoái tột cùng của nhân tính chúng ta, đã nâng ông lên thành chính viễn kiến của Thiên Chúa. Do đó, ông xuất hiện như một sứ giả của một hiện sinh mới, nhà tiên tri của một nhân tính mới khao khát hòa bình và hạnh phúc.

4. Dante như nhà thơ của khát vọng con người

Dante đọc được những tầng sâu nhất của trái tim con người. Nơi mọi người, ngay cả nơi những kẻ đê tiện và gây lo ngại nhất, ông vẫn có thể biện phân được một tia lửa mong muốn đạt được một lượng hạnh phúc và viên mãn nào đó. Ông dừng lại và lắng nghe những tâm hồn ông gặp gỡ; ông trò chuyện với họ và hỏi họ, và do đó đồng nhất với họ và chia sẻ những dằn vặt hoặc phúc hạnh của họ. Bắt đầu từ hoàn cảnh bản thân của chính ông, Dante trở thành người giải thích cho khát vọng chung của con người muốn đi theo cuộc hành trình đời sống cho tới đích cuối cùng của nó, khi sự viên mãn của sự thật và câu trả lời cho ý nghĩa đời sống sẽ được tiết lộ và, theo lời Thánh Augustinô [12], tâm hồn chúng ta tìm được sự yên nghỉ và bình an trong Thiên Chúa.

Trong Convivio, Dante phân tích tính năng động của khát vọng: “khát vọng cuối cùng của mọi hữu thể, và khát vọng đầu tiên được thiên nhiên ban tặng, là khát vọng quay trở lại nguyên nhân đầu tiên của nó. Và vì Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên của linh hồn chúng ta… nên linh hồn trước hết khát vọng được trở về với Người. Giống như một người hành hương du hành trên một con đường chưa ai biết và tin rằng mọi ngôi nhà ông nhìn thấy đều là nhà trọ, và khi phát hiện không phải như thế, đã chuyển niềm tin này sang ngôi nhà tiếp theo được ông nhìn thấy, rồi ngôi nhà tiếp theo và tiếp theo nữa, cho đến khi cuối cùng ông đến được nhà trọ, thì linh hồn chúng ta cũng thế. Ngay khi khởi đầu trên con đường mới và chưa được ai đi qua của cuộc sống này, linh hồn không ngừng tìm kiếm điều tốt lành tối cao của nó; do đó, bất cứ khi nào nó nhìn thấy một điều gì có vẻ tốt, nó đều coi điều ấy là điều tốt lành tối cao” (IV, XII, 14-15).

Cuộc hành trình của Dante, đặc biệt là khi nó xuất hiện trong Bi Kịch Thần Thiêng, thực sự là một cuộc hành trình của khát vọng, của một quyết tâm sâu thẳm bên trong muốn thay đổi cuộc sống của mình, khám phá hạnh phúc và chỉ đường cho những người khác, giống như ông, thấy mình trong một “khu rừng đen tối ”sau khi đánh mất “con đường đúng đắn ”. Điều quan trọng là, ở ngay khởi đầu cuộc hành trình này, người hướng dẫn ông - nhà thơ Latinh vĩ đại Virgil - đã chỉ ra mục tiêu của nó và thúc giục ông đừng khuất phục trước sợ hãi hay mệt mỏi:

“Nhưng ngươi, tại sao ngươi lại khó chịu như vậy?
Tại sao ngươi lại leo lên không phải là Núi Khoan Khoái,
Đâu là nguồn gốc và nguyên nhân của mọi niềm vui?” (Inf. I, 76-78).

5. Nhà thơ của lòng Chúa thương xót và của tự do con người

Hành trình mà Dante trình bày không hề hão huyền hay không tưởng; nó thực tiễn và nằm trong tầm tay của mọi người, vì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn cung cấp khả năng thay đổi, hoán cải, tự nhận thức mới và khám phá ra con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Đáng chú ý về phương diện này là một số tình tiết và cá nhân trong Bi Kịch cho thấy không ai trên trái đất bị loại khỏi con đường này. Có hoàng đế Trajan, một người ngoại giáo nhưng cũng đã được đặt vào thiên đàng. Dante biện minh cho sự hiện diện của ông ta như sau:

“Nước trời chịu bạo lực
Từ tình yêu nhiệt thành, và từ hy vọng sống động
Vốn chiến thắng ý chí Thiên Chúa;
Không phải dưới lốt người thắng người
Nhưng chinh phục nó bởi vì nó sẽ bị chinh phục
Và người bị chinh phục chinh phục bởi lòng nhân từ”(Đoạn XX, 94-99).

Cử chỉ bác ái của Trajan đối với một "góa phụ nghèo" (45), hay "giọt lệ nhỏ" của sự ăn năn rơi vào lúc chết của Buonconte di Montefeltro (Purg. V, 107), không những là dấu hiệu của lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, mà còn xác nhận rằng con người luôn được tự do lựa chọn con đường phải đi và số phận nào phải nắm lấy.

Điều cũng quan trọng là Vua Manfred, được Dante đặt vào Luyện ngục, người mô tả cái chết của ông và sự phán xét của Chúa như sau:

“Sau khi cơ thể tôi bị rách nát
Bởi hai nhát dao chí mạng này, tôi đã khóc lóc tự phó mình cho Người, Đấng sẵn lòng tha thứ.
Tội lỗi của tôi thật kinh khủng;
Nhưng Lòng Tốt Vô Hạn có những cánh tay rộng mở đến
Có thể tiếp nhận bất cứ điều gì hướng về Người ”(Purg. III, 118-123).

Ở đây, chúng ta hầu như có thể thoáng thấy người cha trong dụ ngôn Tin Mừng, người đã mở rộng vòng tay chào đón sự trở lại của đứa con hoang đàng của mình (x. Lc 15:11-32).

Dante đề cao phẩm giá và sự tự do của mỗi con người như nền tảng cho các quyết định trong cuộc sống và cho chính đức tin. Số phận đời đời của chúng ta - Dante gợi ý như thế bằng cách kể lại các câu chuyện của rất nhiều cá nhân lớn nhỏ - phụ thuộc vào các quyết định tự do của chúng ta. Ngay cả các hành động thông thường và dường như không đáng kể của chúng ta cũng có một ý nghĩa vượt thời gian: chúng sở hữu một chiều kích vĩnh cửu. Hồng phúc lớn nhất của Thiên Chúa là sự tự do giúp chúng ta đạt được mục tiêu tối hậu, như Beatrice nói với chúng ta:

“Hồng phúc lớn nhất mà vì lòng đại lượng của Người,Thiên Chúa
thực hiện lúc tạo thành, phù hợp nhất với lòng tốt của Người,
và là điều Người qúy chuộng nhất,
chính là sự tự do của ý chí” (Đoạn V, 19-22).

Đây không phải là những tuyên bố hoa mỹ, vì chúng bắt nguồn từ cuộc sống của những người đàn ông và đàn bà, biết cái giá phải trả của tự do:

“Ông tìm kiếm Tự Do, thứ hết sức đắt giá
Như bất cứ ai vì nó mà cuộc sống bị bác bỏ đã từng biết” (Purg. I, 71-72).

Dante nhắc nhở chúng ta, tự do tự nó không phải là cùng đích; nó là điều kiện để không ngừng vươn lên cao hơn. Cuộc hành trình của ông qua ba vương quốc minh họa một cách sinh động sự đi lên này, một sự đi lên cuối cùng vươn tới thiên đàng và trải nghiệm phước hạnh hoàn toàn. “Khát vọng sâu sắc” (Đoạn XXII, 61) được tự do đánh thức không được thỏa mãn cho đến khi nó đạt được mục tiêu của nó, thị kiến cuối cùng và diễm phúc mà nó mang lại:

“Và tôi, người hiện đang tới tận cùng mọi khát vọng của mình,
như sự việc phải là,
sự cuồng nhiệt của khát vọng trong tôi cũng đã chấm dứt” (Đoạn XXXIII, 46-48).

Do đó, khát vong trở thành lời cầu nguyện, lời khẩn nài, lời cầu bầu và bài hát đi kèm và đánh dấu cuộc hành trình của Dante, giống như lời cầu nguyện phụng vụ đánh dấu các giờ kinh và khoảnh khắc trong ngày. Cách diễn giải của nhà thơ về Kinh Lạy Cha (xem Purg. XI, 1-21) đan xen bản văn Tin Mừng với tất cả những khổ cực và đau đớn của kinh nghiệm hàng ngày:

“Hãy đến với chúng con sự bình an của Nước Ngài,
Vì tự chúng con, chúng con không thể vươn tới nó…
Hôm nay, xin ban cho chúng con bánh manna hàng ngày của chúng con
Không có nó trong cảnh hoang dã khắc nghiệt này
Kẻ lao khó nhất để tiến tới cũng phải thối lui” (7-8, 13-15).

Sự tự do của những ai tin vào Thiên Chúa như Cha nhân từ chỉ có thể được dâng lại cho Người trong cầu nguyện. Điều này cũng không làm giảm bớt chi sự tự do đó; nó chỉ củng cố tự do đó mà thôi.

6. Hình ảnh con người trong thị kiến Thiên Chúa

Như Đức Bênêđictô XVI đã nhận định, trong suốt cuộc hành trình của Bi Kịch, sự tác động lẫn nhau của tự do và khát vọng, không bao hàm, như người ta vẫn nghĩ, sự suy giảm nhân tính cụ thể của chúng ta hay một kiểu tự tha hóa nào đó; nó không phá hủy hoặc coi thường tính lịch sử của chúng ta. Trong Paradiso, Dante trình bầy những người diễm phúc - “những khăn choàng mầu trắng” (XXX, 129) - trong hình thức cơ thể của họ, mô tả các tình cảm và cảm xúc, các liếc nhìn và cử chỉ của họ; nói ngắn gọn, ông cho chúng ta thấy nhân tính trong sự hoàn hảo tột cùng của linh hồn và thể xác, tiên báo sự sống lại của xác thịt. Thánh Bernard, người đồng hành với Dante trong đoạn cuối của cuộc hành trình, đã chỉ cho nhà thơ thấy sự hiện diện của những trẻ em trong bông hồng của những người diễm phúc; thánh nhân bảo ông ngắm xem chúng và lắng nghe giọng nói của chúng:

“Con có thể nhận ra nó trên khuôn mặt của họ
Và cả trong giọng nói trẻ thơ
Nếu con coi trọng các em và lắng nghe các em” (XXXII, 46-48).

Thật cảm động khi nghĩ rằng sự hiện diện chói sáng của những người được diễm phúc trong nhân tính trọn vẹn của họ không chỉ được thúc đẩy bởi tình cảm của họ dành cho những người thân yêu, mà trên hết còn bởi khát vọng minh nhiên một lần nữa được nhìn thấy thân xác họ, các đặc điểm trần thế của họ:

“Họ biểu lộ tốt khát vọng muốn thấy thân xác đã chết của họ;
Không những cho riêng họ, nhưng cho các bà mẹ,
Các người cha, và các người thân yêu khác của họ
Trước khi họ trở thành những ngọn lửa vĩnh cửu” (XIV, 63-66).

Cuối cùng, ở trung tâm của thị kiến sau cùng, trong cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Dante đã mô tả một khuôn mặt con người, khuôn mặt của Chúa Kitô, Ngôi Lời vĩnh cửu đã hóa thành xác phàm trong cung lòng Đức Maria:

“Trong sự tồn tại sâu thẳm và rực rỡ,
Của Ánh Sáng Cao Cả, xuất hiện với tôi ba vòng tròn
có ba mầu và một chiều kích…
Vòng tròn được quan niệm như thế,
Xuất hiện trong ngươi như một ánh sáng phản chiếu
Khi một điều gì đó được đôi mắt tôi chiêm ngắm
Tự trong chính nó, từ màu sắc của chính nó
Dường như được vẽ bằng hình ảnh của chúng ta” (XXXIII, 115-117, 127-131).

Chỉ trong visio Dei (thị kiến Thiên Chúa), khát vọng của con người chúng ta mới đạt được sự thành toàn và cuộc hành trình gian khổ của chúng ta mới đi đến hồi kết thúc:

“Tâm trí tôi bị một tia chớp đánh vào khát vọng của nó,
Ở đây óc tưởng tượng cao cả đã mất đi sức lực của nó” (140-142).

Mầu nhiệm nhập thể, mà chúng ta cử hành hôm nay, là trái tim và nguồn cảm hứng đích thực của toàn bộ thi phẩm. Vì nó đã thể hiện điều mà các Giáo phụ gọi là “sự thần hóa” của chúng ta, sự trao đổi thần kỳ, qua đó Thiên Chúa đi vào lịch sử của chúng ta bằng cách trở thành xác phàm, và loài người, trong xác phàm của mình, được phép bước vào lãnh địa thần thiêng, được tượng trưng bởi hoa hồng của những người diễm phúc. Nhân tính chúng ta, trong tính cụ thể của nó, với các cử chỉ và lời nói hàng ngày của chúng ta, với trí khôn và các tình cảm, với các thể xác và cảm xúc của chúng ta, được tháp nhập vào Thiên Chúa, nơi Người nó tìm được hạnh phúc đích thực và sự thành toàn sau hết, vốn là mục tiêu của mọi cuộc hành trình của nó. Dante đã khát mong và trông đợi mục đích này ngay ở đầu phần Paradiso:

“Khát vọng phải bừng bừng hơn nữa, được xem trong chúng ta,
Yếu tính tự chứng tỏ, bản chất ta và
Thiên Chúa kết hợp với nhau như thế nào.
Ở đấy, người ta sẽ thấy điều họ tin bằng bằng đức tin,
Chứ không được chứng minh, nhưng tự nó hiển nhiên,
như sự thật đầu tiên mà con người tin” (II, 40-45).

Kỳ tới: 7. Ba người đàn bà của Bi Kịch: Đức Maria, Beatrice và Thánh Lucia