Suy Niệm Tuần Thánh
Hai Nụ Hôn Tương Phản.

Nụ hôn diễn tả tình yêu.

Nụ hôn gửi gắm muôn điều thân thương.

Hôn là một hành động nhằm biểu đạt tình yêu. Nụ hôn luôn được coi là “biểu tượng đẹp” trong tình cảm của con người. Chữ hôn được ghép với nhiều chữ khác như hôn nhân, hôn ước, hôn phối, hôn lễ, thành hôn, kết hôn, tái hôn. Chữ hôn đứng vai chủ động diễn tả hành động yêu thương, cử chỉ trìu mến, tác thành như tân hôn, kết hôn, thành hôn, tái hôn. Chữ hôn dùng trong trường hợp cử hành các nghi thức mừng vui như hôn lễ, hôn phối, hôn ước. Và chữ hôn còn dùng diễn tả sự kiện đau buồn, cô đơn như tiêu hôn.
Tân Ước có mô tả về hai nụ hôn khá tương phản. Một của Giuđa, một của người phụ nữ tội lỗi trong Lc 7,37.

Trong mái nhà Nagiaret, Mẹ Maria và thánh Giuse chắc chắn đã hôn Chúa Giêsu nhiều lần khi Ngài còn bé thơ, những lúc ẵm bồng âu yếm con trẻ trên tay, nhưng phúc âm đã không nhắc gì đến điều này. Phúc âm chỉ kể lại có hai lần thôi Đức Giêsu được hôn trong cuộc đời rao giảng công khai.

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến cái hôn của Giuđa (Mt 26,48-49; Mc 14,44-45; Lc 22,47-48). Nét tinh tế của các tác giả Tin Mừng là ở chỗ này: Các ngài kể rằng Giuđa đã cho đám người đi bắt Đức Giêsu một dấu hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó” (Mt 26,48//Mc Mc 14,44//Lc 22,47); chữ “hôn” ở đây là phileô. “Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Đức Giêsu và nói: ‘Rabbi, xin chào Thầy!’, rồi hôn Người” (Mt 26,49//Mc 14,45); chữ “hôn” ở đây lại là kataphileô, “hôn thắm thiết, nồng nàn”. Giuđa đã dùng một cử chỉ để diễn tả “tình yêu thương tha thiết, trọn vẹn”, “cái hôn thắm thiết”, để phản bội Đức Giêsu là Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể! Một trái tim phản bội che giấu hành vi bất lương dưới một cái hôn nồng nàn…

Cái hôn của người phụ nữ vô danh. Đây là một “người phụ nữ tội lỗi trong thành”, nghĩa là “tội lỗi công khai” (Lc 7,36-50). Chị đã “đứng đàng sau, sát chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Chữ “hôn” ở đây là kataphileô, “hôn thắm thiết”. Một tâm hồn tội lỗi đến gặp Đức Giêsu để thú nhận tình trạng bất chính của mình cùng với lòng kính trọng và tâm tình biết ơn sâu xa bằng những nụ hôn thắm thiết đặt lên chân Người…(Lm Vũ Phan Long, ofm; kinhthanh.org).

Giuđa hôn má của Thầy, ông đang đứng ở một khoảng cách rất gần trong tương quan với Chúa Giêsu. Người phụ nữ tội lỗi hôn chân Thầy để biểu lộ lòng sám hối, cô ấy tự đặt mình ở một khoảng cách rất xa trong tâm hồn.

Nụ hôn của môn đệ nộp Thầy và nụ hôn của người đàn bà thống hối biểu tỏ lòng ăn năn. Cùng một nụ hôn nhưng khác nhau về nội dung. Hai nụ hôn này không chỉ khác về vị trí mà ánh mắt cũng rất khác lạ. Kinh Thánh không mô tả thần thái của hai gương mặt này trong khi hôn. Chỉ có Chúa mới đo được tình yêu của hai nụ hôn này và Ngài hiểu thấu tâm can của mọi hành vi, ngay cả khi hai người ấy chưa hành động.

Giuđa nói với đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc: “Tôi hôn ai thì đó chính là Người, các anh bắt lấy” (Mt 26,48). Cái bi đát của tình yêu là dùng chính cử chỉ âu yếm nhất để phản bội tình yêu. Nụ hôn của Giuđa đau hơn ngàn cái tát, nhục nhằn hơn dòng nước mắt, quặn thắt hơn vết thương sâu. Chúa Giêsu ngỡ ngàng trước thái độ của Giuđa nên hỏi: “Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? (Lc 22,48). Chúa Giêsu không tưởng tượng được một môn đệ sau ba năm chung sống, bây giờ dùng nụ hôn chỉ điểm cho đám người đến bắt Ngài. Nếu Giuđa dùng cái tát tai hoặc cú đấm để làm dấu chỉ thì Chúa đỡ đau lòng hơn. Cái bi đát ở đây là Giuđa dùng chính cái hôn để phản bội tình yêu, dùng chính cái hôn để chà đạp sỉ nhục tình yêu. Có nhiều cách phản bội, nhưng Giuđa đã chọn cách phản bội đau lòng nhất.

Giuđa đã dùng nụ hôn vốn là “ngôn ngữ yêu thương” để “chỉ điểm” và bán Thầy với giá “ba mươi đồng” (Mt 26,15; Mt 27,3.9). “Ba mươi đồng” chỉ là số tiền nhỏ so với “ba trăm quan tiền” giá chiếc bình bạch ngọc đựng dầu cam tùng hảo hạng (Mc 14,5; Ga 12,5) mà người phụ nữ tội lỗi đã đập bể và lấy dầu xức chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simon (Mt 26,6-13; Mc 14,3-9; Ga 12,1-8). Bán Thầy giá “ba mươi đồng” so với bình dầu “ba trăm quan tiền”, nên Giuđa tiếc nuối cho rằng cô kia làm như vậy là hoang phí (Mt 26,8; Mc 14,4). Giuđa không ngay thẳng khi mượn danh người nghèo để trách lòng quảng đại của người phụ nữ: “Phí phạm dầu để làm gì? Sao không bán để giúp cho người nghèo?”. Thánh Gioan nhận định: “Hắn nói thế không phải vì thương người nghèo đâu, nhưng vì hắn giữ tiền chung, hay bớt xén tiền của anh em”. Khi lòng người đã không ngay thẳng, không thật thà, thì những hành động hoặc lời nói bên ngoài cũng sẽ không trung thực.

Hai nụ hôn bởi hai con người khác nhau, mang hai tâm tình khác nhau. Hai nụ hôn bắt nguồn từ hai trái tim: một trái tim chất ngất yêu thương, còn một trái tim lừa lọc, bội phản. Từ đó, hai trái tim đưa về hai nẻo lối khác nhau: một lối đi về mênh mông thiên đường, còn lối kia dẫn về ngục tù hun hút.

Chúa xét đến tâm tư thầm kín của từng người. Giuđa đến hôn lên má Thầy, làm dấu hiệu cho người khác đến bắt Thầy. Còn người phụ nữ tội lỗi đến hôn chân Chúa để tỏ lòng thống hối bên trong, xin ơn làm lại cuộc đời. Bàn chân nằm ở vị trí thấp nhất. Chọn chân để hôn nhằm chứng minh tình yêu, lòng khiêm cung, người hôn muốn nói lên sự bất tương xứng trong tình yêu của mình.

Cái hôn của Giuđa chỉ tốt ở bên ngoài, hợp với phong tục tập quán. Người môn đệ hôn thầy mình đúng luật xã giao và hợp tình nghĩa, nhưng ý hướng bên trong thì thật xấu xa. Còn nụ hôn của cô ấy bên ngoài không được thích hợp, nhưng bên trong chất chứa những ý hướng tốt đẹp.

Cuộc sống với giá trị bên trong mới đáng kể: nếu thấy một người có những hành động và thái độ xem ra không thích hợp với thói quen xã hội và tôn giáo, chúng ta đừng vội nghi ngờ và lên án. Họ có thể không được xã hội đồng ý, không được đám đông chấp nhận, nhưng biết đâu trước mặt Chúa họ không có gì phải hổ thẹn và thua kém ai. Điều mà mỗi người cần lo sợ đề phòng hơn hết là thái độ như Giuđa, dùng cái hôn, dùng việc đạo đức tốt lành bên ngoài để nộp Chúa, bán Chúa. Đó là trường hợp người ta lợi dụng việc từ thiện việc đạo đức để kiếm tiền, dùng thế giá tôn giáo để xây dựng uy tín riêng mình, viện cớ tôn giáo để bắt nạt kẻ khác. Nêu ra lý do đạo đức để khoe khoang bôi nhọ, nói xấu người khác.... Thiếu gì những người nhân danh Chúa để loại trừ Chúa và làm hại anh chị em xung quanh.

Nụ hôn Giuđa đã khiến cho cái chết của Chúa Giêsu vốn đã đau đớn lại thêm tê tái hơn. Nụ hôn của Giuđa để lại một kỷ niệm buồn. Hơn hai nghìn năm lịch sử vẫn không phai mờ, bởi Giuđa đã hôn Thầy bằng một nụ hôn không chút tình yêu. Nếu mỗi nụ hôn trao nhau là một đóa hoa hồng, thì nụ hôn không chút tình yêu của Giuđa trở nên vòng gai nhọn trao cho Chúa Giêsu.

Suy ngẫm về nụ hôn không chút tình yêu Giuđa là dịp cho ta nhìn lại chính mình: Giuđa đã phản bội Chúa bằng môt nụ hôn khéo léo lọc lừa, còn chúng ta thì sao? Trong lời nói, suy nghĩ và hành động, có khi nào ta phản bội Chúa không? Trong tương quan với tha nhân nhiều lần ta thiếu vắng tình yêu chăng?.

Ngày thành hôn, đôi bạn trẻ thề non hẹn biển, nhưng không chừng ngày nào đó lời thề hứa ấy lại bay theo tiếng gọi của gió ngàn. Yêu đòi phải hy sinh cho nhau. Hy sinh là bảo chứng của tình yêu. Khi chấp nhận đau đớn vì nhau thì tình yêu mới trọn vẹn, nụ hôn trao nhau mới thực sự là bằng chứng của tình yêu.

Linh mục tu sĩ cũng đã có những cái ôm hôn trong ngày khấn dòng hay trong ngày lễ phong chức. Nghi thức trao hôn bình an của giám mục, của bề trên hay của người anh em cũng bào hàm một lời mời gọi yêu thương và trung thành với những điều đã khấn hứa, đã tuyên thệ. Thế nhưng lời thế ấy vẫn dang dở đôi lần vì bất trung, tình yêu ấy đã có lúc mai một.

Ba năm theo Chúa, Giuđa luôn đi trong ánh sáng của sự bình an, tình yêu và hy vọng. Nhưng cuối cuộc đời lại trở nên kẻ tối tăm, phản bội. Cuộc sống của chúng ta luôn có những người thân, những người bạn, những người đồng nghiệp…có ai ngờ được một lúc nào đó cũng là những kẻ phản bội chúng ta. Thực tế cuộc sống trong xã hội hôm nay đã cho thấy cảnh gia đình tan nát khi vợ chồng phản bội nhau, con cái phản bội cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp vì một mối tình, cạnh tranh làm ăn… mất tình bạn, tình yêu, đưa đến những cái chết đau thương. Chúa Giêsu đã biết rõ tận tâm can của con người: “kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 14,18). Hãy nhớ lời Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Ai tưởng mình đang đứng vững thì hãy coi chứng kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Và lời Thánh Phêrô căn dặn: “ma quỷ, thì địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5, 8).

Đừng trách Giuđa phản thầy của mình, nếu có trách thì trách ông đã để cho ma quỉ bước vào cuộc đời và dẫn lối đời mình (x. Lc 22,3). Mà nếu trách như vậy thì thử hỏi ai trong chúng ta không đáng trách! Ai trong đời cũng có đôi lần để ma quỉ dẫn lối đi về miến u tối của bất trung.

Lạy Chúa, xin dạy con sống trung thành với Chúa và chân thành với mọi người, biết sống yêu thương với hết mọi người. Xin dạy con sống quảng đại và luôn là khí cụ bình an của Chúa. Amen!