CN 6 PS B
Yêu Thương Là Mùa Xuân Hạnh Phúc

“Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây là di ngôn bất hủ của Thánh Gioan sau một đời theo Chúa. Thánh nhân đã được diễm phúc tựa đầu vào lòng Chúa trong tiệc ly, lắng nghe những thổn thức yêu thương của Chúa.Thánh nhân đã đi theo Chúa trên con đường thập giá đến tận đồi Canvê, được Chúa trối thay Ngài làm con Đức Mẹ. Sau đó là những năm tháng dài suy niệm chín mùi về con người, cuộc đời và tình yêu của Chúa, để sau cùng cất lên di ngôn bất hủ ấy. Thiên Chúa yêu thương tạo thành con người giống hình ảnh Người và mời gọi chung chia hạnh phúc muôn đời. Người yêu thương nên hứa cứu độ con người sau khi con người sa ngã phạm tội. Và Người đã ban Con Một để thực hiện cứu độ, hồi phục lại quyền làm con Thiên Chúa và được hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa.

Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã biểu hiện tình thương vô vàn của Cha bằng sự hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha trong mọi sự và vâng phục đến chịu chết thập giá. Suốt một đời, Chúa Giêsu miệt mài rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, chạnh thương đoàn chiên không người chăn dắt, đi lại và đồng bàn với người tội lỗi để ban ơn tha thứ cho họ. Chúa Giêsu ban luật mới là luật yêu thương mà thánh Phaolô quả quyết “yêu thương là chu toàn tất cả lề luật”. Chúa Giêsu dạy, vào ngày chung thẩm, Ngài sẽ xét xử mọi người dựa trên tình yêu : Sự gì làm cho một người bé mọn là làm cho chính Ta. Cuộc đời kitô hữu được mời gọi hãy sống yêu thương. Chỉ có tình yêu mới đem lại hạnh phúc. Chúa xét đoán chúng ta không dựa trên tuổi tác, công phúc, tài đức, nhưng chỉ dựa trên tiêu chuẩn độc nhất là yêu thương, vì Người là Thiên Chúa tốt lành, nhân hậu và giàu lòng thương xót.

Tin Mừng hôm nay, tiếp nối khung cảnh Tin Mừng Chúa nhật tuần trước. Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về ẩn dụ cây nho và cành nho để dạy các môn đệ bài học: ở lại trong tình yêu của Chúa : “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Điều răn của Chúa là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy, muốn “ở lại trong tình yêu của Chúa”, chúng ta phải yêu thương nhau “như Chúa đã yêu” chúng ta. Chúa còn hứa ban cho những ai biết yêu “như Chúa đã yêu” sẽ được hưởng niềm vui của Chúa, được làm bạn hữu của Chúa và muốn xin gì Chúa cũng ban cho.

Vì thế, khi nói đến Kitô giáo, cách riêng Công Giáo là người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.

1. Như Chúa Giêsu đã yêu

Thánh Augustinô viết : khi nói "yêu như Thầy đã yêu mến các con" là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng : "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 14, 13). Quả thật, chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Các con là bạn hữu" (Ga 14, 14). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu hiến dâng mạng sống.

Thánh Augustinô nói tiếp : "Yêu như Thầy đã yêu các con", khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Tình yêu của Chúa được biểu lộ qua những việc làm cụ thể sau đây.

Chúa yêu thương con người cả phần hồn lẫn phần xác. Chúa chữa lành bệnh tật phần xác như cho kẻ què được đi, người câm nói được, người mù sáng mắt, người phung hủi được sạch… và còn xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi… Chúa không chỉ ban lời hằng sống mà còn dùng quyền năng để nuôi đám đông dân chúng mà Tin Mừng tường thuật qua phép lạ hóa bánh (x. Lc 7,22; Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).

Chúa quan tâm săn sóc con người cả đời này lẫn đời sau. Sau phép lạ hóa bánh, Chúa mời gọi dân chúng hãy lo tìm kiếm lương thực đem lại sự sống trường sinh, đó là tin vào Người là Đấng mà Chúa Cha sai đến (x. Ga 6,26-29).

Chúa vừa khoan dung tha thứ cho người có tội nhưng vừa quyết liệt tẩy trừ tội lỗi và lên án các gương mù, gương xấu, nhất là khi chúng gây dịp tội cho những người bé mọn.

Khi yêu thương, Chúa sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn, đau khổ xảy đến cho mình, nhưng Người luôn tìm cách bảo vệ, gìn giữ những kẻ Chúa Cha đã ban cho Người khỏi những sự dữ (x. Ga 10,28; 17,11-12; 18,8-9). Người sẵn sàng đón nhận lời vu cáo, nhưng vẫn công bố lời chân lý trước cả thần quyền lẫn thế quyền (x. Mt 26,59-66; Ga 18,33-38)…

2. Anh em hãy yêu thương nhau

Con người được dựng nên để sống và sống để yêu Chúa và để yêu nhau. Thiên Chúa là tình yêu nên đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận đau thương để đem lại yêu thương cho con người. Người đã biến đổi viên mãn của đau thương thành viên mãn của yêu thương qua cuộc khổ nạn (x. 1Cr 15,26. 54; Dt 2,14), để từ trong cái chết vì tình yêu, sự sống vươn lên tươi đẹp như một mùa lúa mới (Ga 12, 24).

Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ phải làm được những công việc lớn lao, nhưng muốn “các con hãy thương yêu nhau”.

Nói lời yêu thương thì dễ, nhưng để thực hành giới răn yêu thương không dễ chút nào. Yêu thương đòi hỏi hy sinh, chấp nhận chịu thua thiệt và có khi chấp nhận tổn hại đến bản thân và cả mạng sống.

Yêu thương là ban tặng trái tim của mình cho người yêu; yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16); “ Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ cHồng Yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau.Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.Không ai thật sự yêu thương mà lại không sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Ai nói mình yêu thương mà lại không muốn hy sinh, kẻ ấy nói dối, hay tình yêu của kẻ ấy chỉ là trên môi miệng.

Yêu thương còn là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ cHồng Yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình.

Yêu nhau là đón nhận nhau: đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu.

Yêu nhau còn là gắn bó với nhau, càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ cHồng Yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình.

Tình yêu làm hỗn mang trở nên mầu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã bước vào trần thế bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương chúng ta bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống.

Chúng ta phải yêu thương nhau vì chính Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11); “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19); “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).

3. Dùng thời gian để yêu thương

Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.

Thời gian quý giá như vàng ngọc. Bởi vậy:

Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh.

Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan.

Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác.

Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn.

Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai

Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa.

Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa.

Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.

Giá trị đời người không được tính bằng thời gian ngắn hay dài, nhưng ở chỗ mình đã sử dụng nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ Chúa ban để phục vụ cuộc sống ra sao. Giá trị ở chỗ mình đã sử dụng thời gian như thế nào, có sinh nhiều ích lợi cho mình, cho tha nhân và cho thế giới hay không.Thời gian qua đi thật mau và chẳng chờ đợi ai. Sống có ý nghĩa là làm cho thời gian hiện tại trở thành yêu thương.

Và như thế, được sống ở trên đời phải là một hồng ân, được một phút giây hiện hữu phải là một lời ca ngợi và được một ngày phục vụ yêu thương là một mùa xuân hạnh phúc. Và như thế, chúng ta có thể nói lên trong thanh thản vui tươi như Kahil Gibran : Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy.Ta được thêm ngày mới để yêu thương.