LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
Quê hương chúng ta ở trên trời
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu lên trời. Trong bài đọc I tác giả sách Công Vụ Tông Đồ miêu tả biến cố này như sau: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,9-11).

Có thể nói rằng đây là sự miêu tả bên ngoài của biến cố. Thánh Phaolô trong bài đọc II nói đến ý nghĩa ẩn dấu bên trong của biến cố này. Theo ngài, “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ep 1,22). Như thế, lễ Lên Trời cử hành sự đăng quang vinh hiển của Chúa Kitô như là Chúa của hoàn vũ.

1- Lên trời nghĩa là gì?

Trong biến cố này, lời nhắc nhở của hai thiên thần mặc áo trắng làm chúng ta nhớ đến những lời của những người vô thần thường nói với các Kitô hữu: “Sao các ông còn đứng nhìn trời?” Thật vậy, triết gia Hegel đã từng mỉa mai rằng: “Người Kitô hữu đã hoang phí những kho tàng quý báu ở dưới đất khi mải mê hướng về trời.” Karl Mark cũng cho rằng: “Các Kitô hữu đã phỏng chiếu lên trời những khao khát không được thỏa mãn của họ ở dưới đất này.” Vì thế, thánh lễ hôm nay thúc đẩy chúng ta suy tư về việc “hướng về trời.” Đây là một hạn từ được các bài đọc Kinh Thánh nói tới.

Triết gia Platon, một trong những người thầy vĩ đại nhất của nhân loại, đã nói về ý nghĩa thiêng liêng của trời. Ông để lại vũ trụ quan của mình qua dụ ngôn về cái hang. Platon hình dung loài người là một đoàn người tù nhân bị trói chặt trong một hang động u tối. Họ quay mặt vào vách tường ở dưới đáy động. Vì bị trói chặt, đám người không thể nhìn ra cửa hang, cũng không thể đi ra ngoài hang. Bên ngoài cửa hang là cả một thế giới được Platon cho là Chân, Thiện, Mỹ. Trong thế giới đó có vô số thứ tốt lành mà ông gọi là thế giới các Ý Tưởng (Ideas). Theo ông, tất cả các ý tưởng đều tuyệt đẹp, vĩnh cửu và bất biến. Các vị thần là những sinh linh hay siêu nhân có thể nhận biết tất cả những ý tưởng đó. Thương loài người bị cầm tù, các thần làm một bản sao một số ý tưởng để mang vào hang cho loài người xem. Chúng giống như những con rối hay búp bê, được làm bằng vật liệu nào đó, chúng thực là những con rối, nhưng không phải là cái thực của hình mẫu lý tưởng. Để cho mọi người trong hang nhìn thấy chúng, các thần đốt lửa đằng sau để chiếu bóng của con rối lên bức tường. Nhờ ánh sáng mà người ta thấy được bóng của các con rối.

Như thế, theo Platon, thế giới vĩnh hằng với các ý tưởng chân thiện mỹ, vĩnh cửu, là mẫu mực của mọi sự vật trong tự nhiên. Thế giới tự nhiên, vật chất với những con rối, đối tượng được các thần sao chép từ các ý tưởng. Thế giới của các cái bóng những con rối là hình ảnh về những sự vật khách quan theo cảm nhận chủ quan của con người. Platon nói rằng đây là điều kiện của con người chúng ta ở trong thế giới. Thế giới này chỉ là một hang. Những điều mà chúng ta tin rằng là thực chỉ là bóng của thực tại ở đằng kia, ở trên trời. Chúng là sự bắt chước của thực tại trên trời. Vì thế, cần phải thoát khỏi thân xác là ngục tù nhốt chúng ta trong thế giới vật chất với những ảo tưởng, để “thoát khỏi hang tối” mà nhận biết thực tại đích thực. Vì thế, Platon hiểu rằng trời là quê hương vĩnh cửu của con người, chứ không phải là một không gian địa lý nào đó xa xôi trong vũ trụ này. Trời có ý nghĩa hoàn toàn khác, ở ngoài không gian và thời gian. Ông gọi đó là “thế giới của các ý tưởng” hay thế giới bên kia.

Danh họa Raffaello đã tóm tắt một cách tuyệt hảo ý tưởng của Platon trong một bức tranh nổi tiếng gọi là “Trường Athens.” Trong đó, chúng ta thấy hai nhà triết gia vĩ đại cổ, một Platon và một Aristotes, đại diện cho hai thái độ đối lập nhau. Với bàn tay chỉ xuống dưới, Aristotes nói rằng thực tại là ở trên mặt đất và sự hiểu biết của chúng ta phải khởi đi từ những sự vật mà chúng ta thấy và đụng chạm; còn Platon với ngón tay chỉ lên trời lưu ý rằng thực tại ở trên cao, trên trời.

Ngày hôm nay, tất cả chúng ta ít nhiều là những người theo Aristotes, ai cũng có cái nhìn và chú ý đến trần gian. Chúng ta cần bổ túc bởi cái nhìn của Platon.

Nếu chúng ta sống tình yêu mang tính “platonist,” nghĩa là tình yêu này có tính thiêng liêng hơn, hướng thượng hơn và lý tưởng hơn, lúc đó, cả trong tình yêu, tình yêu của chúng ta có ý nghĩa hơn, có giá trị hơn. Bởi lẽ, chúng ta thấy rằng mối nguy hiểm lớn nhất là hạ giá tình yêu khi chỉ giảm thiểu nó ở trong phạm vi thuộc thể lý, cảm xúc và tính dục.

2- Sự khác biệt của Kitô giáo về trời


Có những đoạn Kinh Thánh xem ra như phác họa lại khuôn mẫu của Platon để nhìn các sự vật như được miêu tả từ dụ ngôn cái hang. Nhân vật trong bức tranh của Raffaello với ngón tay chỉ về trời chính là hình ảnh rất đẹp về thánh Phaolô khi ngài nói: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

Như vậy, Đức tin Kitô giáo có phải là một dạng cập nhật tư tưởng Platon chăng? Đức Giêsu đến không mang lại gì mới mẻ chăng? Không, chúng ta phải nói rằng có một sự khác biệt nền tảng; trời trong mạc khải Kitô giáo không phải là trời như Platon quan niệm. Kitô giáo không quan niệm thế giới theo sơ đồ không gian trên/dưới, hoặc trên cao/dưới thấp, nhưng với lược đồ thời gian hiện tại/tương lai. Khi chúng ta nói về trời, chúng ta không hiểu rằng đó là một không gian ở trên chúng ta, nhưng là một biến cố trước mặt chúng ta, hướng về biến cố đó chúng ta tiến bước. Biến cố này chính là sự trở lại vinh quang của Chúa Kitô, sự trở lại lần thứ hai (parusia) là “trời mới đất mới.”

Đó là lý do tại sao hai thiên thần nhắc nhở các Tông Đồ không hướng nhìn lên trời mà phải hướng về sự trở lại của Chúa Kitô: “Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” Liên quan đến điều này, thánh Phaolô nói: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Kinh Thánh nói rằng: “Vì trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Hr 13,14).

Có ai đó sẽ nói: “Nhưng đâu có gì khác biệt?” Quả thật, có sự khác biệt lớn lao! Đối với cái nhìn của Platon, thế giới này không còn giá trị của nó. Thế giới này là một cái hang, nghĩa là một nhà tù. Nên ông dùng hai từ trong tiếng Hy Lạp khi nói: thân xác (soma) là một ngôi mộ (sema). Hãy chạy trốn, thoát khỏi thế giới này. Không có ơn cứu độ nơi thân xác và thế giới, nhưng chỉ khi con người rời khỏi thân xác và thế giới này mới có ơn cứu độ.

3- Hướng về sự trở lại của Chúa Kitô

Đối với người Kitô hữu không như thế, Kitô giáo không phải theo nhị nguyên luận như Platon. Thân xác không chỉ đơn giản là “phương tiện” hoặc là “tù ngục” cần phải trốn thoát. Thân xác con người được Thiên Chúa tiền định để tham dự vinh quang phục sinh với linh hồn. Sự phục sinh và sự lên trời của Đức Kitô minh chứng cho chúng ta chân lý này. Chúng ta được hạnh phúc “trong chính thân xác mình,” như đức tin đảm bảo điều đó cho chúng ta. Cuộc gặp gỡ với Chúa Đấng sẽ đến và “ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1,23), Người chính là “trời, là thiên đàng đối với người Kitô hữu chúng ta.”

Hơn nữa, nếu thế giới này thuộc về Thiên Chúa, được tạo dựng bởi Người, thì nó cũng được cứu độ (x. Rm 8,19), do đó, chúng ta không được tách khỏi vận mệnh thế giới, nhưng đóng góp để gìn giữ và xây dựng thế giới này đẹp hơn, tốt hơn và nhân bản hơn. Chúng ta có bổn phận phải làm cho những điều kiện sống ở đời này tốt hơn. Đức tin dạy chúng ta khi trông chờ Đức Kitô đến và hướng về tương lai không cho phép chúng ta an nhiên tự tại trong sự lười biếng hay bỏ bê bổn phận xây dựng xã hội trần thế. Thời gian được ban cho chúng ta để “làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,10) như thánh Phaolô dạy. Vì thế, “không được lãng phí những kho báu dưới đất khi hướng về trời.”

Nếu trời đối với chúng là “Chúa đến,” như thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức, bởi vì Người đang đến lúc này trong phép Thánh Thể, trong người nghèo, trong người đau khổ, cô đơn. Chúng ta hãy tỉnh thức để đón Chúa đến với cặp mắt không chỉ nhìn lên, nhưng còn phải biết nhìn xuống để nhận ra Chúa nơi anh chị em của mình. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/