Theo VaticanNews, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mạc cuộc gặp gỡ về “Tình Trạng Chung Của Việc Sinh Nở”, được tổ chức vào hôm thứ Sáu tại Thính phòng della Conciliazione, gần Vatican.



Sáng kiến này do “Diễn đàn dành cho các hiệp hội gia đình” tổ chức, nhằm mục đích khám phá cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Ý, vốn đã được lưu ý thêm bởi đại dịch Covid-19 đang diễn ra, dẫn đến mức độ nghèo đói ngày càng gia tăng trong các gia đình. Cuộc gặp gỡ quy tụ các chuyên gia và viên chức cao cấp của Ý, trong đó có Thủ tướng Mario Draghi.

Trong bài phát biểu của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hoan nghênh sáng kiến này, nhấn mạnh rằng điều cần thiết là phải đưa nước Ý phát triển trở lại, “bắt đầu với sự sống và với con người”.

Sinh suất thấp

Cung cấp một số bối cảnh về tình hình nhân khẩu học trong nước, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý rằng theo các dữ kiện, “hầu hết các người trẻ muốn có con, nhưng ước mơ đời họ… đụng độ với mùa đông nhân khẩu học, vẫn tiếp tục lạnh lẽo và đen tối: chỉ một nửa số người trẻ tin rằng họ sẽ có thể sinh hai con trong đời”.

Ngài cũng lưu ý thêm rằng Ý có sinh suất thấp nhất ở châu Âu, biến nước này thành một quốc gia già cỗi, không phải vì lịch sử của nó mà đúng hơn do tuổi già của người dân. Thực thế, năm 2020, “Ý đạt số lượng sinh thấp nhất kể từ khi thống nhất quốc gia, không phải vì Covid-19, mà vì xu hướng giảm liên tục, đi xuống dần dần, một mùa đông ngày càng ảm đạm hơn”.

Hơn nữa, Tổng thống Ý đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tỷ lệ sinh này như là “điểm nhắc nhở quan yếu nhất của mùa này”, bởi vì “gia đình không phải là mô liên kết nước Ý, mà gia đình là nước Ý”.

Bảo vệ gia đình

Để khắc phục tình trạng này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ đang bị tấn công bởi những lo lắng có nguy cơ làm tê liệt kế hoạch cuộc sống của họ.

Về phương diện trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hướng suy nghĩ của ngài vào những người bị ảnh hưởng bởi sự bấp bênh của việc làm, hoặc chi phí nuôi dạy con cái cao, cũng như vào nhiều gia đình đang phải lo giải quyết vấn đề giữa việc làm và trường học, với cha mẹ và ông bà thủ các vai trò khác nhau để chăm sóc gia đình.

Ngài cũng xót xa cho số phận của các phụ nữ lao động không được khuyến khích có con, hoặc những người phải giấu cái bụng to của mình.

Đức Giáo Hoàng nói, “Chính xã hội nên xấu hổ, không phải phụ nữ,”. “Vì một xã hội không chào đón sự sống sẽ ngưng sống. Trẻ em chính là niềm hy vọng khiến một dân tộc tái sinh!” Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng thừa nhận một đạo luật nhằm cung cấp một phụ cấp cho mỗi đứa trẻ mới sinh; ngài nói thêm rằng điều này sẽ tiến xa trong việc thỏa mãn các nhu cầu cụ thể của gia đình và sẽ đánh dấu việc khởi đầu các cải cách xã hội nhằm đặt trẻ em và gia đình vào tâm điểm.

Ngài nhấn mạnh, “Nếu gia đình không ở tâm điểm hiện tại, ta sẽ không có tương lai; nhưng nếu các gia đình được khởi động lại, thì mọi điều sẽ được khởi động lại”.

“Hồng phúc”

Sau đó, Đức Giáo Hoàng tiếp tục đưa ra ba suy nghĩ có thể hữu ích trên con đường thoát khỏi “mùa đông nhân khẩu học”.

Ngài nói, suy nghĩ đầu tiên “xoay quanh chữ ‘hồng phúc': Mọi hồng phúc đều được tiếp nhận, và sự sống là hồng phúc đầu tiên mà ai cũng nhận được. Không ai có thể tự cho chính mình hồng phúc này. Đầu tiên, có một hồng phúc”.

Ngài nói thêm, tất cả chúng ta đều đã nhận được một hồng phúc và chúng ta được kêu gọi truyền nó lại, và đứa con là hồng phúc lớn nhất đối với mọi người và vì vậy nó đứng hàng đầu.

Ngài nhấn mạnh thêm rằng “việc thiếu trẻ em, nguyên nhân gây ra dân số già nua, ngầm khẳng định rằng mọi sự sẽ kết thúc với chúng ta, nếu chỉ coi lợi ích cá nhân của chúng ta mới đáng kể”. Ngài lưu ý, điều này phổ biến ở các xã hội giàu có hơn, các xã hội theo chủ nghĩa tiêu dùng, có đặc điểm thờ ơ hơn và kém liên đới hơn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục mọi người giúp nhau “khám phá lại lòng can đảm biết cho đi, lòng can đảm biết lựa chọn sự sống”, vì đó mới có tính “sáng tạo và không tích lũy hay nhân thừa những gì đã có, nhưng mở cửa đón nhận sự mới mẻ”.

Tính bền vững thế hệ

Sự xem xét thứ hai của Đức Giáo Hoàng tập trung vào tính bền vững. Ngài lưu ý rằng ngay cả khi chúng ta nói về tính bền vững kinh tế, kỹ thuật và môi trường, chúng ta cũng nên xem xét tính bền vững liên thế hệ.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, “Chúng ta sẽ không thể nuôi sống việc sản xuất và bảo vệ môi trường nếu chúng ta không quan tâm đến các gia đình và trẻ em. Việc tăng trưởng bền vững bắt nguồn từ đây. Ngài nhắc nhở rằng trong các giai đoạn tái thiết sau các cuộc chiến tranh tàn phá châu Âu trong quá khứ, “không có sự khởi động lại nào mà không có sự bùng nổ của việc sinh nở, mà không có khả năng khơi lên niềm tin và hy vọng vào các thế hệ trẻ trung hơn”.

Tương tự như vậy, ngày nay, ngài nói tiếp, “chúng ta cũng đang ở trong một tình huống bắt đầu lại, khó khăn đấy nhưng cũng đầy kỳ vọng”. Do đó, chúng ta không thể tuân theo các mô hình tăng trưởng thiển cận, vì sinh suất và đại dịch đòi có sự “thay đổi và trách nhiệm”.

Vai trò các trường học

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến vai trò các trường học, bên cạnh vai trò chính yếu của gia đình.

“Nó không thể là một nhà máy chế tạo các ý niệm tuôn đổ trên các cá nhân; nó phải là thời gian đặc biệt để gặp gỡ và trưởng thành nhân bản. Ở trường học, người ta không chỉ trưởng thành nhờ điểm số thứ hạng, mà còn nhờ những khuôn mặt chúng ta gặp gỡ”.

Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của những mẫu mực cao thượng “vừa đào tạo trái tim vừa đào tạo đầu óc”, đặc biệt là đối với những người trẻ tiếp xúc với thế giới giải trí và thể thao và những người xem “các người mẫu chỉ biết quan tâm đến vẻ bề nhgoài trông sao cho xinh đẹp, trẻ trung và cân đối”.

Đức Giáo Hoàng nói: “Những người trẻ không trưởng thành nhờ ánh hào quang của ngoại hình, họ trưởng thành nhờ được thu hút bởi những người có can đảm theo đuổi ước mơ lớn, hy sinh bản thân vì người khác, làm điều tốt cho thế giới mà chúng ta đang sống”.

Liên đới về cơ cấu

Chữ thứ ba được Đức Giáo Hoàng đề nghị là “liên đới”. Ngài kêu gọi phải có tình liên đới “mang tính cơ cấu” nhằm mang lại sự ổn định cho các cơ cấu hỗ trợ các gia đình và giúp sinh suất, một điều vốn đòi hỏi “các chính sách, các nền kinh tế, việc thông tin và một nền văn hóa biết can đảm cổ vũ việc sinh con”.

Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu rõ sự cần thiết phải có “các chính sách gia đình có tầm nhìn xa, hướng tới tương lai: không dựa trên việc tìm kiếm sự đồng thuận tức khắc, nhưng dựa trên sự phát triển của công ích về lâu về dài”: ngài nói thêm rằng “hiện có nhu cầu cấp thiết phải cung cấp cho những người trẻ các bảo đảm việc làm đủ ổn định, an ninh cho tổ ấm của họ và sáng kiến để họ đừng rời khỏi đất nước của họ”.

Tiếp tục, ngài nói rằng tình liên đới cũng cần được phát biểu qua việc phục vụ của thông tin, đặc biệt là ngày nay khi những lời nói ngoa ngoắt và mạnh mẽ đang là cái mốt. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, ở đây, “tiêu chuẩn để giáo dục bằng thông tin không phải là khán giả, không phải là tranh cãi, mà là sự phát triển con người”.

Ngài nói thêm rằng chúng ta cần “thông tin kiểu gia đình, nơi mọi người nói về người khác với sự tôn trọng và tế nhị như thể họ là người thân của chính họ. Và đồng thời điều đó đưa ra ánh sáng các lợi ích và mưu toan làm tổn hại lợi ích chung, những thủ đoạn xoay quanh tiền bạc, hy sinh gia đình và cá nhân”.

Không có tương lai nếu không sinh con

Kết thúc bài diễn văn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn đối với sáng kiến này và tất cả những ai tin tưởng vào sự sống con người và tương lai.

Đức Giáo Hoàng nói “Đôi khi bạn sẽ cảm thấy như thể bạn đang hét lên trong sa mạc, chiến đấu chống lại những chiếc cối xay gió. Nhưng hãy tiến lên, đừng bỏ cuộc, vì ước mơ những điều tốt đẹp và xây dựng tương lai là điều rất đẹp đẽ. Và không có sự sinh nở thì không có tương lai”.