1. Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết đại dịch cũng không ngăn chặn nổi dòng người di cư
Số người trên thế giới buộc phải rời khỏi nhà cửa của họ đã tăng lên đến mức kỷ lục là 82 triệu trong năm ngoái bất chấp ảnh hưởng của đại dịch và bất kể việc đi lại trên toàn thế giới bị hạn chế nghiêm nhặt. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, gọi tắt là UNHCR, đã cho biết như trên.
Trong thập kỷ qua, tổng số người tị nạn đã tăng hơn gấp đôi, cụ thể là có hơn 1% tổng dân số thế giới phải di dời, xa nhà và không phải lúc nào đó cũng lựa chọn của họ.
Phần lớn là những người di cư trong nước, đặc biệt là do hạn chế đi lại và việc đóng cửa biên giới đã khiến họ gần như không thể vượt qua biên giới quốc tế. Kết quả là, chỉ có 250,000 người tị nạn có thể trở về quốc gia gốc của họ và chỉ có 34,000 người có thể tái định cư ở các nước thứ ba, UNHCR cho biết trong Báo cáo Xu hướng Toàn cầu của mình.
Theo UNHCR chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi số lượng người di cư trên toàn thế giới đạt đến kỷ lục 100 triệu người.
Người Syria chạy trốn chiến tranh và bạo lực đứng đầu danh sách với 6.8 triệu người, trong khi tổng cộng 13.5 triệu người Syria, tức là hơn một nửa dân số, đã phải di dời kể từ khi xung đột bắt đầu vào mùa xuân năm 2011. Người Venezuela theo sau với 4 triệu người.
Source:Asia News
2. Phép lạ Đức Mẹ chữa lành tức khắc, y khoa không thể giải thích, cho một phụ nữ liệt giường ở Tiệp
Chúa Nhật 20 tháng 6, trung tâm hành hương Đức Mẹ Philippsdorf, tiếng Tiệp gọi là Poutní místo Filipov, đã mừng 30 năm mở cửa trở lại sau thời kỳ cộng sản.
Nhân dịp này Thụy Khanh xin gởi đến quý vị và anh chị em một vài nét về phép lạ Đức Mẹ chữa lành tức khắc cho một phụ nữ nằm liệt giường tại Tiệp. Đó chính là phép lạ đã dẫn đến việc xây dựng đền thánh Đức Mẹ Philippsdorf.
Trong suốt lịch sử, Giáo Hội rất thận trọng trong việc nhìn nhận các cuộc hiện ra. Lý do phải thận trọng là vì rất nhiều các cuộc hiện ra được đính kèm với các thông điệp. Có những thông điệp phù hợp với đức tin Công Giáo, hướng dẫn các tín hữu sống tốt lành, và làm thế nào để trở nên gần gũi hơn với Chúa Kitô. Nhưng cũng có cả các “thông điệp” đưa ra những điều kỳ quái trái nghịch với đức tin Công Giáo, những lời tiên tri về thời sau hết, sự trở lại trái đất của các vật thể lạ, một số điều rất điên rồ, nên Giáo Hội cần phải tìm hiểu xem những điều nào có thể trở thành một vấn đề đối với các tín hữu hoặc đi ngược lại đức tin và luân lý và thực hiện các điều chỉnh về mục vụ.
Cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Philippsdorf là một trong 16 cuộc hiện ra được Tòa Thánh chính thức công nhận.
Magdalene Kade, sinh năm 1835, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Phép lạ diễn ra vào năm cô 31 tuổi. Khi ấy cô phải nằm liệt giường do nhiều bệnh tật. Lúc 2 giờ sáng ngày 13 tháng Giêng, 1866, cô không ngủ được vì đau đớn nên đã nhìn vào tấm hình Đức Mẹ Sầu Bi treo trên tường, đối diện với giường ngủ, và cầu nguyện.
Đến 4 giờ sáng, cô đánh thức người bạn thân đang chăm sóc cô, và nói: “Hãy nhìn vần sáng kia! Hãy nhìn người phụ nữ tuyệt đẹp.”
Người bạn nhìn nhưng không thấy gì. Magdalene là người có đặc ân duy nhất được nhìn thấy vẻ lộng lẫy của một phụ nữ mặc áo trắng, với vương miện vàng trên tóc, ở gần giường. Magdalene run rẩy và biết rằng mình đã được Đức Trinh Nữ Maria viếng thăm! Đức Mẹ khẽ mấp máy môi và nói: “Ta là Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu. Con gái của mẹ, giờ con đã được chữa lành!” Và rồi Đức Mẹ biến mất.
Magdalene thấy mình tràn đầy sinh lực. Cô đứng bật dậy và vui mừng thấy mình đã hoàn toàn lành lặn.
Một ủy ban do Đức Cha Pavel Wahala, Giám Mục giáo phận, thành lập đã xem xét sự kiện kỳ diệu này và công nhận việc chữa lành không thể giải thích về mặt y khoa và nhìn nhận tính cách siêu nhiên của biến cố này.
Trong khoảng thời gian từ năm 1870 đến năm 1885, một nhà thờ theo phong cách tân Rôma đã được xây dựng và được Giáo hoàng Lêô XIII nâng lên thành tiểu vương cung thánh đường. Ngài đã chính thức thánh hiến nhà thờ này và dành riêng kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu.
Ngôi đền này đến nay vẫn là một địa điểm hành hương quan trọng tại Tiệp mặc dù có một thời gian bị cộng sản cấm cách.
Magdalene Kade qua đời tại Gerorgswalde và được tổ chức tang lễ trọng thể. Cô đã bán tất cả mọi thứ để có chi phí xây dựng cung thánh nhà thờ.
Source:Miracle Hunter
3. Đền Thánh Maria-Hilf-Basilika, Filipov
Sau khi Magdalene Kade qua đời ở tuổi 70, hài cốt của bà cuối cùng đã được cải táng về đền thánh Đức Mẹ Philippsdorf vào năm 1994.
Nhân kỷ niệm 60 năm Đức Mẹ hiện ra với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh, Đức Cha Ambrogio Ratti, sau này là Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11, đã đến thăm Philippsdorf vào năm 1920. Hai năm sau đó, ngày 6 tháng Hai, 1922 ngài trở thành Giáo Hoàng. Ngài cổ vũ các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Philippsdorf. Vào cuối những năm 1930, ngôi thánh đường đã là một trong những địa điểm hành hương được ghé thăm nhiều nhất ở Trung Âu.
Thêm vào đó, các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế được ủy thác coi sóc đền thánh Đức Mẹ này từ năm 1884 đã không ngừng tổ chức các việc đạo đức thu hút biết bao cá tín hữu xa gần. Vì thế, đền thánh Đức Mẹ này càng trở nên nổi tiếng, và cũng trở thành cái gai trong mắt các phong trào cộng sản.
Tháng Hai, 1948, cộng sản cướp chính quyền, xóa sổ chế độ Đệ Tam Cộng Hòa. Chúng bắt ngay Cha Šimanovský, Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc đền thánh Đức Mẹ này, và nhà thờ bị đóng cửa.
Vương cung thánh đường và tu viện Dòng Chúa Cứu Thế đã bị mục nát theo dòng thời gian. Tượng Đức Mẹ được đưa về thủ đô Praha. Năm 1985, Đức Tổng Giám Mục František Tomášek của Praha, đã dâng cho tượng Đức Mẹ một chiếc vương miện bằng bạc với sáu viên đá garnet kiểu Bohemian.
Cuối tháng 12, 1989 cộng sản sụp đổ hoàn toàn. Đền thánh Đức Mẹ Philippsdorf được tái thiết và 30 năm trước các cuộc hành hương đã được tái tục.
Source:Wiki