1. Một nhà thờ Công Giáo khác tại Canada bốc cháy, nhưng nhà thờ này không nằm trên đất của người da đỏ
Thủ hiến Jason Kenney của Alberta đã lên án cái các cuộc tấn công đốt phá các nhà thờ Công Giáo sau khi một giáo xứ lâu đời bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn.
“Hôm nay tại Morinville, nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị phá hủy trong một hành động tội phạm là đốt phá,” Thủ hiến Kenney cho biết trong một tuyên bố.
“Nhà thờ lịch sử này nằm ở trung tâm của Morinville và là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng nói tiếng Pháp của Alberta”.
Thủ hiến cho biết các viên chức cảnh sát đã được gọi đến Giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Morinville, cách Edmonton khoảng 40 km về phía bắc, vào đầu giờ ngày thứ Tư.
Iain Bushell, tổng giám đốc cơ sở hạ tầng và dịch vụ cộng đồng của Morinville, xác nhận nhà thờ đã hoàn toàn bị thiêu rụi.
Ông cho biết ngọn lửa quá dữ dội khiến các nhân viên cứu hỏa không thể vào được tòa nhà 114 tuổi và mái nhà bị sập một thời gian ngắn sau đó.
Bushell, một lính cứu hỏa, cho biết hai tháp chuông chính và mặt tiền của nhà thờ đã hoàn toàn biến mất.
Trên phương tiện truyền thông xã hội, Thủ hiến Kenney mô tả vụ hỏa hoạn là “tội ác thù hận bạo lực nhắm vào cộng đồng Công Giáo”.
Thủ hiến cho biết chính phủ sẽ tăng gấp đôi kinh phí để giúp bảo vệ các nhà thờ và các mục tiêu dễ phải gánh chịu các hành động phá hoại và bạo lực khác. Và ông cho biết Bộ trưởng Tư pháp sẽ làm việc với các cảnh sát trưởng để tăng cường giám sát các địa điểm có thể bị nhắm mục tiêu.
Vài giờ sau, đại diện bộ lạc Kootenay ở British Columbia lại thông báo rằng một cuộc tìm kiếm sử dụng radar xuyên đất đã tìm thấy 182 bộ hài cốt trong những ngôi mộ vô danh tại một địa điểm gần một ngôi trường dân cư cũ.
Các vụ tìm kiếm sử dụng radar xuyên đất những ngôi mộ vô danh đang rộ lên ở Canada, và được sử dụng như một chất xúc tác cho một trào lưu tấn công đốt phá, vẽ bậy và cướp bóc các nhà thờ Công Giáo.
Vụ cháy nhà thờ ở Morinville xảy ra sau khi bốn nhà thờ Công Giáo nhỏ trên vùng đất của người bản địa ở vùng nông thôn miền nam British Columbia bị phá hủy bởi các đám cháy. Một nhà thờ Anh giáo cũ bỏ trống ở tây bắc British Columbia cũng vừa bị đốt vào sáng gày thứ Năm 1 tháng 7.
Tại Edmonton vào sáng Chúa Nhật, anh chị em giáo dân tại Nhà thờ Công Giáo Rất Thánh Mân Côi đã phát hiện bức tượng lớn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị vẽ bậy chằng chịt các bàn tay bằng sơn đỏ. Các dấu chân sơn đỏ cũng xuất hiện ở cửa trước, trong khi các con thú nhồi bông được đặt xung quanh chân tượng.
Trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Richard Smith của Tổng Giáo Phận Công Giáo Edmonton, cho biết giáo xứ Rất Thánh Mân Côi và Tổng Giáo Phận Edmonton “sát cánh với Người Bản Địa trong thời điểm đau buồn sâu sắc này. Cùng với họ, chúng tôi than thở về di sản đáng buồn của các Trường Nội Trú dành cho người bản địa và mong muốn các mối quan hệ của chúng ta được hàn gắn”.
Khoảng 150,000 trẻ em bản địa bị buộc phải đi học tại các trường nội trú, đã hoạt động hơn 120 năm ở Canada. Hơn 60% trường học được điều hành bởi Nhà thờ Công Giáo.
Trang web của chính phủ Alberta liệt kê nhà thờ Morinville là di tích lịch sử. Việc xây dựng nhà thờ được hoàn thành vào năm 1907 và thánh lễ đầu tiên được tổ chức vào ngày 1 tháng Giêng năm 1908.
Source:National Post
2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Canada - Đức Thánh Cha sẽ tiếp phái đoàn của người da đỏ
Trong bối cảnh các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội đang kêu gọi đốt phá và cướp bóc các nhà thờ Công Giáo trên toàn cõi Canada, hôm thứ Ba, ngày 29 tháng Sáu, Đức Tổng Giám Mục Richard Gagnon, Tổng Giám Mục Winnipeg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Canada đã ra tuyên bố sau.
Thứ ba, ngày 29 tháng Sáu năm 2021
Sau thông báo ngày 10 tháng 6 năm 2021 liên quan đến việc phái đoàn Người bản địa đến gặp Đức Thánh Cha để thúc đẩy các cuộc gặp gỡ đối thoại có ý nghĩa và chữa lành, các Giám mục Công Giáo Canada vui mừng thông báo rằng, do các hạn chế đi lại toàn cầu, cuộc gặp gỡ dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 20 tháng 12 năm 2021.
Đức Thánh Cha Phanxicô cam kết sâu sắc lắng nghe trực tiếp từ Người bản địa, bày tỏ sự gần gũi chân thành của ngài, đề cập đến tác động của quá trình thuộc địa hóa và vai trò của Giáo hội trong hệ thống Trường Nội Trú dành cho người bản địa, với hy vọng đáp ứng những đau khổ của Người bản địa và những tác động chấn thương liên tục giữa các thế hệ. Các Giám mục Canada rất biết ơn tinh thần cởi mở của Đức Thánh Cha trong việc quảng đại mở rộng lời mời gặp gỡ cá nhân với từng nhóm trong ba nhóm đại biểu riêng biệt - First Nations, Métis và Inuit - cũng như buổi tiếp kiến cuối cùng với tất cả các đại biểu trên vào Ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Chuyến thăm mục vụ này sẽ bao gồm sự tham gia của một nhóm đa dạng gồm những Trưởng Lão, những người gìn giữ tri thức, những người đã từng theo học các Trường Nội Trú dành cho người bản địa và thanh niên từ khắp đất nước, cùng với một nhóm nhỏ gồm các Giám mục và các nhà lãnh đạo bản địa. Việc lập kế hoạch cho phái đoàn đang được tiến hành và các thông tin chi tiết khác sẽ được thông báo khi chúng tôi có các thông tin.
Các Giám mục Canada tái khẳng định hy vọng chân thành rằng những cuộc gặp gỡ sắp tới này sẽ dẫn đến một tương lai hòa bình và hòa hợp chung giữa các Dân tộc Bản địa và Giáo Hội Công Giáo ở Canada.
29 tháng 6 năm 2021
Source:CCCB
3. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ cầu nguyện đại kết cho Li Băng
Theo sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 1 tháng Bẩy đã là ngày cầu nguyện cho Li Băng. Cùng tham dự Ngày cầu nguyện với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Thượng phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Maronite; Đức Thượng phụ Youhanna 10 của Chính thống giáo Đông phương; Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem Đệ Nhị của Chính thống Syria thành Antiôkia; Đức Thượng phụ Aram Đệ Nhất của Giáo hội Armenia ở Cicilia; Đức Thượng phụ Ignatius Youssef Đệ Tam của Công Giáo Syro thành Antiôkia; Đức Thượng phụ Youssef Absi của Công Giáo Hy lạp nghi lễ Melkite; Mục sư Joseph Kassab, chủ tịch Hội đồng tối cao các cộng đồng truyền giáo ở Syria và Li Băng; và Đức Cha Michel Kassarji, giám mục Beirut của Giáo Hội Công Giáo Chanđê.
Về phía Tòa Thánh, còn có Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương; Đức Tổng Giám Mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa thánh tại Li Băng; và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh.
Các hoạt động vào sáng thứ Năm 1 tháng 7
Đến trước bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, Đức Thánh Cha cùng các tham dự viên đọc kinh Lạy Cha và sau đó các ngài thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Tiếp đến các ngài xuống trước mộ thánh Phêrô, mỗi vị đốt một ngọn nến nhỏ và thinh lặng cầu nguyện trong ít phút.
Sau khi cầu nguyện Đức Thánh Cha và các Thượng phụ đến Hội trường Clêmentina để bắt đầu phần hội nghị riêng.
Các hoạt động vào chiều thứ Năm 1 tháng 7
Lúc 6 giờ chiều, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo các Giáo hội ở Li Băng đã cử hành giờ cầu nguyện đại kết.
Giờ cầu nguyện bắt đầu với cuộc rước sách Phúc Âm. Tiếp đến là lời khẩn cầu và ngợi khen Chúa Ba Ngôi và sau đó là lời cầu nguyện cầu xin hoà bình.
Phần thứ hai của giờ cầu nguyện là phần phụng vụ Lời Chúa với 3 bài đọc: bài thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia (29:11-14), với những lời sau của Thiên Chúa: “Ta biết những kế hoạch mà Ta đã dành cho các ngươi – những kế hoạch hoà bình chứ không phải phá huỷ, để ban cho các ngươi một tương lai tràn đầy hy vọng”.
Bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (12:9-21): “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa”.
Bài Phúc âm trích từ Tin mừng thánh Luca (6,17-36), với những lời kết thúc: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.
Tiếp đến, các ý nguyện được dâng lên cầu nguyện cho tinh thần liên đới và hoà giải, kiến tạo hoà bình và hoà hợp cho vùng Trung Đông, các quốc gia và cộng đoàn vốn đang là nạn nhân của bạo lực và xung đột; cầu cho Kitô hữu Li Băng xây dựng cộng đoàn sống động và đóng góp cho xã hội. Lời nguyện cũng được dâng lên cầu cho toàn thể nhân loại và các nhu cầu: cho người nghèo, người bệnh, người trẻ và người cao niên, người di dân và tị nạn, người bị bách hại vì tư tưởng và tôn giáo.
Sau lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người đọc kinh Lạy Cha. Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo thinh lặng cầu xin ơn hoà bình và sau đó các bạn trẻ trao cho mỗi vị một ngọn đèn được thắp sáng như dấu chỉ mong muốn trở thành người mang ánh sáng hoà bình cho thế giới.
Trong diễn từ của mình trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha nói:Chư huynh thân mến,
Hôm nay chúng ta tụ họp để cầu nguyện và suy tư, xuất phát bởi mối quan tâm đối với Li Băng, một mối quan tâm mạnh mẽ, khi nhìn thấy đất nước mà tôi mang trong lòng và tôi muốn đến thăm, rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tôi biết ơn tất cả những người tham gia đã sẵn sàng chấp nhận lời mời và chia sẻ huynh đệ. Chúng ta là những Mục tử, được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của Dân Thánh Thiên Chúa, trong hoàn cảnh tăm tối này, chúng ta đã cùng nhau cố gắng định hướng chính mình trong ánh sáng của Thiên Chúa. Và dưới ánh sáng của Người, trước hết chúng ta thấy rõ những lỗi lầm của mình: những sai lầm đã mắc phải khi chúng ta không làm chứng cho Tin Mừng một cách nhất quán và sau cùng, những cơ hội đã mất trên con đường huynh đệ, hòa giải và hiệp nhất trọn vẹn. Về điều này, chúng ta phải cầu xin sự tha thứ và với tấm lòng sám hối, chúng ta nói: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!” (Mt 15:22).
Đây là tiếng kêu của một người phụ nữ đã gặp Chúa Giêsu chính tại Tirê và Sidon, và trong cơn đau khổ, đã khẩn thiết van nài Ngài: “Lạy Chúa, xin hãy cứu con!” (câu 25). Ngày nay, tiếng kêu này đã trở thành tiếng kêu của cả một dân tộc, những người dân Li Băng thất vọng và kiệt quệ, cần những điều chắc chắn, hy vọng, và hòa bình. Với lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta muốn đồng hành với tiếng kêu này. Chúng ta đừng bỏ cuộc, chúng ta đừng mệt mỏi cầu xin từ Thiên đàng cho nền hòa bình mà loài người đã vất vả xây dựng trên mảnh đất này. Chúng ta hãy khẩn thiết van nài cho Trung Đông và Li Băng. Đất nước thân yêu này, một kho tàng văn minh và tâm linh, nơi đã tỏa sáng trí tuệ và văn hóa qua nhiều thế kỷ, nơi làm chứng cho một trải nghiệm độc nhất về chung sống hòa bình, không thể bị phó mặc cho số phận hay cho những ai theo đuổi tư lợi ích của họ. Li Băng là một quốc gia nhỏ nhưng lớn, và còn hơn thế nữa: Li Băng là một thông điệp phổ quát về hòa bình và tình anh em đến từ Trung Đông.
Một cụm từ Chúa phán trong Kinh thánh đã vang lên giữa chúng ta ngày nay, hầu như đáp lại tiếng kêu cầu nguyện của chúng ta. Đây là một vài lời mà Thiên Chúa đã phán, đó là Ngài có “kế hoạch cho hòa bình chứ không phải cho sự phá hủy” (Giê 29:11). Có các dự án cho hòa bình chứ không phải cho bất hạnh. Trong những thời điểm bất hạnh này, chúng ta muốn khẳng định với tất cả sức mạnh của mình rằng Li Băng, phải là, và vẫn là một dự án hòa bình. Ơn gọi của nó là trở thành một vùng đất khoan dung và đa nguyên, một ốc đảo của tình huynh đệ, nơi các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau gặp gỡ, nơi các cộng đồng khác nhau cùng tồn tại, đặt thiện ích chung lên trên những lợi thế riêng. Do đó, tôi muốn nhắc lại rằng điều cần thiết là những người nắm quyền phải tối hậu và dứt khoát đặt mình vào mục tiêu phục vụ hòa bình thực sự chứ không phải các lợi ích của chính họ. Đã quá đủ rồi cái cảnh tạo ra lợi thế của một số ít người trên da thịt của nhiều người! Đã quá đủ rồi cái cảnh sự thật bị bóp méo chiếm ưu thế hơn hy vọng của mọi người! “ (Diễn từ cuối cuộc đối thoại, Bari, ngày 7 tháng 7 năm 2018). Hãy ngừng sử dụng Li Băng và Trung Đông cho các lợi ích và lợi nhuận nước ngoài! Người Li Băng phải được trao cơ hội trở thành nhân vật chính của một tương lai tốt đẹp hơn, trên đất nước của họ và không bị các can thiệp quá mức từ bên ngoài.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Những người Li Băng thân mến, các bạn đã làm nổi bật mình qua nhiều thế kỷ, ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, vì sự tháo vát và cần cù của mình. Những cây hương nam cao vút của các bạn, biểu tượng của đất nước, gợi lên sự giàu có hưng thịnh của một lịch sử độc đáo. Và chúng cũng nhắc nhớ rằng những cành lớn chỉ có thể mọc ra từ rễ sâu. Cầu mong sao cho những tấm gương của những người đã có thể xây dựng các nền móng chia sẻ sẽ truyền cảm hứng cho các bạn, để nhìn thấy sự đa dạng không phải là trở ngại nhưng là khả năng. Hãy đắm mình trong giấc mơ hòa bình của những bậc tiền bối. Chưa bao giờ, như trong những tháng gần đây, chúng ta hiểu rằng một mình chúng ta không thể tự cứu mình và những vấn đề của một số lại không liên quan đến những vấn đề của người khác. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các bạn. Với các công dân: chúng tôi kêu gọi anh chị em đừng nản lòng, đừng mất niềm tin, nhưng hãy tìm trong cội nguồn lịch sử của mình niềm hy vọng sẽ nảy mầm trở lại. Với các nhà lãnh đạo chính trị: chúng tôi cầu mong rằng theo trách nhiệm của mình, các bạn có thể tìm ra các giải pháp cấp bách và ổn định cho cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay, và hãy nhớ rằng không có hòa bình nếu không có công lý. Với các cộng đồng người Li Băng hải ngoại thân yêu: chúng tôi mong anh chị em có thể sử dụng các tài nguyên và những nguồn lực tốt nhất để phục vụ quê hương. Với cộng đồng quốc tế: hãy tạo ra các nỗ lực chung, và các điều kiện để đất nước này không sụp đổ nhưng khởi hành trên con đường phục hồi. Điều đó sẽ tốt cho tất cả mọi người.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Là các tín hữu Kitô, hôm nay chúng ta muốn đổi mới cam kết xây dựng tương lai cùng nhau, bởi vì tương lai sẽ hòa bình chỉ khi nó là của chung. Mối quan hệ giữa con người không thể dựa trên việc theo đuổi lợi ích, đặc quyền và tư lợi phe phái. Không, tầm nhìn của Kitô Hữu về xã hội đến từ các Mối phúc, bắt nguồn từ sự hiền lành và lòng thương xót, phải dẫn đến việc bắt chước hành động của Thiên Chúa, Đấng là Cha và muốn hòa hợp các con cái của Ngài trong thế giới này. Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở thành những người gieo hòa bình và là những nghệ nhân của tình huynh đệ, không sống trên những oán hận và thù hằn trong quá khứ, không trốn tránh những trách nhiệm của hiện tại, nhưng nuôi dưỡng cái nhìn hy vọng về tương lai. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa chỉ ra một con đường duy nhất cho lộ trình của chúng ta: đó là con đường hòa bình. Do đó, chúng ta hãy bảo đảm với các anh chị em Hồi giáo của chúng ta và những người thuộc các tôn giáo khác sự cởi mở luôn luôn và sự sẵn sàng cộng tác để xây dựng tình huynh đệ và thúc đẩy hòa bình. Nó “không yêu cầu phải có kẻ thắng hay người thua, mà đòi hỏi chúng ta là những anh chị em, những người, bất chấp những hiểu lầm và vết thương của quá khứ, đi từ xung đột đến thống nhất” (Diễn văn trong cuộc họp liên tôn ở vùng đồng bằng Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021). Với ý nghĩa này, tôi hy vọng rằng ngày này sẽ được tiếp nối bằng các sáng kiến cụ thể nhân danh đối thoại, dấn thân giáo dục và đoàn kết.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Hôm nay chúng ta đã lấy lại những lời đầy hy vọng của nhà thơ Gibran: “Xa hơn bức màn đen của đêm tối, có một bình minh đang chờ đợi chúng ta”. Một số bạn trẻ vừa đưa cho chúng ta một số đèn thắp sáng. Họ, những người trẻ tuổi, là những ngọn đèn cháy sáng trong giờ phút đen tối này. Niềm hy vọng về tương lai sáng bừng trên khuôn mặt họ. Họ phải nhận được sự lắng nghe và chú ý, bởi vì sự tái sinh của đất nước phải thông qua họ. Và tất cả chúng ta, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, hãy hướng đến những hy vọng và ước mơ của những người trẻ. Và chúng ta hãy nhìn những người trẻ: đôi mắt của họ sáng lên, nhưng đọng quá nhiều nước mắt, lay động lương tâm và những lựa chọn trực tiếp. Những ánh sáng khác tỏa sáng ở chân trời Li Băng: họ là những phụ nữ. Tượng đài Mẹ Của Tất Cả xuất hiện trong tâm trí chúng ta, Mẹ, từ ngọn đồi Harissa, ôm lấy những người đến với đất nước này từ Địa Trung Hải bằng ánh mắt từ mẫu của mình. Đôi tay rộng mở của Mẹ hướng về biển cả và hướng về thủ đô Beirut, để chào đón những hy vọng của mọi người. Phụ nữ là những người tạo ra sự sống, là những người tạo ra hy vọng cho tất cả mọi người; họ phải là những người được tôn trọng, được đánh giá cao và tham gia vào quá trình ra quyết định của Li Băng. Và cả những người già, những người là cội nguồn, những người già của chúng ta: hãy nhìn họ, hãy lắng nghe họ. Cầu mong họ bảo ban cho chúng ta sự huyền bí của lịch sử, cho chúng ta những nền tảng của đất nước để tiếp tục. Họ muốn quay lại với những giấc mơ: chúng ta hãy lắng nghe họ, để trong chúng ta những giấc mơ đó được chuyển thành lời tiên tri.
Diễn giải lại câu thơ này một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng không có con đường nào khác để đến với bình minh khác hơn là trải qua đêm đen. Và trong đêm đen khủng hoảng, chúng ta cần phải đoàn kết. Cùng nhau, thông qua sự trung thực của đối thoại và sự chân thành của ý định, chúng ta có thể mang lại ánh sáng cho những vùng tối. Chúng ta hãy giao phó mọi nỗ lực và cam kết cho Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, bởi vì, như chúng ta đã cầu nguyện, “khi những tia sáng rạng ngời của lòng Chúa thương xót bừng lên, bóng tối vụt tắt, chạng vạng kết thúc, bóng tối lùi dần và màn đêm tan biến”. (x. Thánh Grêgôriô thành Narek, Sách Ai Ca, 41). Hỡi anh chị em, hãy để màn đêm xung đột biến mất và bình minh hy vọng sống lại. Hãy để những thù hận chấm dứt, những bất đồng tan biến, và Li Băng sẽ trở lại tỏa sáng hòa bình.
Source:Libreria Editrice Vaticana