1. Sức khỏe của Hồng Y Burke đã xấu đi
Tình trạng của Đức Hồng Y Raymond Burke, người vừa mới nhập viện vì Covid-19, đã được báo cáo là xấu đi.
Một nguồn tin đã nói chuyện với một người thân cận với Đức Hồng Y nói với CNA rằng tình trạng của ngài đã xấu đi và 48 giờ tới là rất quan trọng.
Đức Hồng Y Raymond Leo Burke đã được khẩn cấp đưa vào bệnh viện và đang phải sử dụng một máy thở khi ngài chiến đấu với các biến chứng tai hại của COVID-19. Một tweet cập nhật về tình trạng của ngài được công bố trên tài khoản Twitter của Đức Hồng Y vào tối thứ Bảy 14 tháng 8 theo giờ địa phương, tức là sáng Chúa Nhật theo giờ Việt Nam.
Dòng tweet đưa tin: “Đức Hồng Y Burke đã được đưa vào bệnh viện vì COVID-19 và đang được hỗ trợ bằng máy thở. Các bác sĩ cảm thấy khích lệ vì sức khoẻ của ngài có tiến triển. Đức Hồng Y đã siêng năng lần chuỗi Mân Côi cho những người bị vi rút. Trong đêm Canh thức lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời này, chúng ta hãy lần chuỗi Mân Côi cho ngài”.
Một báo cáo hôm thứ Bảy trên tờ St. Louis Post-Dispatch cho biết vị Hồng Y, sống ở Rôma, bị ốm khi đến thăm Wisconsin, nơi ngài đã trải qua thời thơ ấu.
Giữa những tin đồn rằng ngài bị đau nặng, vị Hồng Y 73 tuổi và tổng giám mục danh dự của St. Louis đã xác nhận vào ngày 10 tháng 8 rằng ngài đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Trong tweet vào ngày đó, ngài viết:
“Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô! Tôi muốn thông báo với anh chị em rằng gần đây tôi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút COVID-19. Tạ ơn Chúa, tôi đang nghỉ ngơi thoải mái và được chăm sóc y tế tuyệt vời. Xin hãy cầu nguyện cho tôi khi tôi bắt đầu hồi phục. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Xin Chúa phù hộ anh chị em.”
Đức Hồng Y Raymond Leo Burke sinh ngày 30 tháng 6 năm 1948, năm nay 73 tuổi, là một giám mục Mỹ. Hiện nay ngài là vị lãnh đạo tinh thần của Dòng Malta. Ngài đã lãnh đạo Tổng giáo phận St. Louis từ năm 2004 đến năm 2008 và Giáo phận La Crosse từ năm 1995 đến năm 2004. Từ tháng 6 năm 2008 đến tháng 11 năm 2014, ngài là Chánh Tòa Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.
Là một luật sư giáo luật, Đức Hồng Y Burke thường được coi là tiếng nói truyền thống trong số các Giám Mục Công Giáo. Ngài đã tạo dựng được danh tiếng là một nhà lãnh đạo bảo thủ khi phục vụ ở La Crosse và St. Louis. Đức Hồng Y Burke là người cổ vũ chính cho Thánh lễ Latinh Truyền thống. Ngài thường xuyên dâng lễ và phong chức cho các linh mục theo các nghi lễ truyền thống.
Trong cuốn The Next Pope, nghĩa là Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo, Edward Pentin, ký giả kỳ cựu về Vatican của National Catholic Register của đài truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN nhận định rằng Đức Hồng Y Burke là một papabili, tức là một ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng trong Cơ Mật Viện tiếp theo.
Source:Catholic News Agency
2. Linh mục Dòng Tên ở Afghanistan cho biết tình hình ở Kabul rất hỗn loạn
Một linh mục Dòng Tên bị mắc kẹt ở Afghanistan sau khi Taliban tiếp thu đất nước cho biết tình hình đang “thay đổi” và “hỗn loạn”.
“Tình hình đang thay đổi trong cả nước, ai cũng có thể tưởng tượng ra”, Cha Jerome Sequeira, người đứng đầu công cuộc truyền giáo ở Afghanistan cho biết, trong một emails cho bạn bè và đồng nghiệp.
Vị linh mục cho biết cơ quan truyền giáo của Dòng Tên đã đình chỉ các hoạt động trên toàn quốc và đã bảo đảm an toàn cho tất cả các nhân viên của họ.
Cha Sequeira đã viết: “Dịch vụ dành cho người Tị nạn của Dòng Tên” đã đình chỉ vô thời hạn tất cả các hoạt động, và tất cả đều đang co cụm trong nhà hoặc trong cộng đồng của họ.”
Ngài nói thêm: “Tất cả các chuyến bay đều bị hủy và tất cả phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các cơ quan của Liên hợp quốc và Taliban”.
Vị linh mục cho biết Dòng Tên “đang nỗ lực hết sức” để di tản ngài và một linh mục Dòng Tên khác.
“Cảm ơn vì những lời cầu nguyện liên tục của các bạn cho sự an toàn của chúng tôi”, Cha Sequeira nói, và thêm rằng “an toàn không còn ý nghĩa ở đây nữa vì tình hình rất là nguy hiểm”.
Hôm 17 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội Hoa Kỳ, cho biết “sự sụp đổ của Afghanistan và sự ra đi của các nhà lãnh đạo được bầu là nguyên nhân gây lo ngại, vì Taliban có thể bị từ chối nhân quyền, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hai chuyến thăm của tôi ở đất nước này đã khẳng định ấn tượng của tôi về những hy sinh, thậm chí kể cả cái chết, của nhiều thành viên Lực lượng vũ trang và dân thường trong nỗ lực mang lại ổn định và hòa bình cho người dân ở đó. Tuy nhiên, vào lúc này, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho người dân Afghanistan, ủng hộ bất kỳ nỗ lực nhân đạo nào đang được thực hiện ở đó và gióng lên tiếng nói với các nhà lãnh đạo địa phương của lưỡng đảng. Nhân phẩm của dân tộc này phải được tôn trọng”.
Ngài nói thêm: “Tôi đặc biệt quan tâm đến những người trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ, những người tiếp tục bảo vệ người tị nạn và tài sản trong nước. Chúng tôi cầu nguyện rằng sẽ không có bạo lực và một sự ra đi hòa bình cho tất cả những người muốn ra đi”.
Cha Sequeira cho biết Taliban “đang bận rộn chiếm giữ tất cả các hệ thống chính phủ và đưa người của chúng vào”.
“Họ không làm hại dân thường vào lúc này, nhưng điều đó sẽ xảy ra khi họ chiếm được hoàn toàn tất cả các hệ thống của đất nước”.
Ngài nhấn mạnh rằng nhóm chiến binh Hồi Giáo quá khích này có danh sách tất cả các tổ chức.
“Ở một số nơi, họ đã bắt đầu gõ cửa từng nhà hỏi han tận nơi về nhân sự của các tổ chức”.
Cha Sequeira cho biết “hàng ngàn người đang cố gắng chạy trốn” và đang chạy đến các sân bay”. Tại sân bay, Taliban bắn chỉ thiên và cố gắng để kiểm soát đám đông”.
Vị linh mục kết thúc bức thư của mình nói rằng: “Chúng ta, cộng đồng quốc tế, đã đầu tư rất nhiều và thiết lập rất nhiều trong 20 năm qua chỉ để giao nó cho Taliban trong vài ngày sao?”
Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu người Công Giáo trên toàn thế giới cầu nguyện cho người dân Afghanistan.
Tôi hiệp với những ai đang quan tâm đối với tình hình ở Afghanistan. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em cầu nguyện cùng tôi với Chúa hòa bình để tiếng ồn ào của vũ khí có thể chấm dứt và giải pháp có thể được tìm thấy trên bàn đối thoại. Chỉ như vậy, những người dân bị tàn phá của đất nước đó - đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em - mới có thể trở về nhà của họ, và sống trong hòa bình và an ninh, trong niềm tôn trọng lẫn nhau.
Trong khi đó, Caritas Italiana bày tỏ lo ngại đối với sự an toàn của các Kitô Hữu trong nước, đồng thời cảnh báo rằng tổ chức này có thể cần phải đình chỉ các hoạt động của mình khi tình trạng bất ổn gia tăng.
Tổ chức bác ái của các giám mục Ý đã có mặt ở Afghanistan từ những năm 1990 và hiện đang tập trung vào việc giúp đỡ những trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương.
Caritas Italiana đã và đang hỗ trợ một chương trình lớn về viện trợ khẩn cấp, phục hồi và phát triển ở Afghanistan, bao gồm việc xây dựng 4 trường học và 100 ngôi nhà.
Taliban đã chiếm được các thành phố lớn nhất của Afghanistan chỉ trong vài ngày thay vì trong vài tháng như tình báo quân đội Mỹ dự đoán trước đó.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi đàm phán để tạo ra một chính phủ mới ở Afghanistan sau khi Tổng thư ký Antonio Guterres cảnh báo về vấn đề nhân quyền và vi phạm đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong thời kỳ cai trị kéo dài từ 1996 đến 2001, phụ nữ không được làm việc và các hình phạt như ném đá, đánh đòn, và treo cổ nơi công cộng đã được áp dụng.
Source:Catholic News Agency