1. Xúc động trước tình cảnh kinh hoàng ở Việt Nam, Đức Thánh Cha ủng hộ 100,000 Euro
Trong bản tin đánh đi hôm thứ Ba 24 tháng 8, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đang thể hiện tình đoàn kết của mình đối với Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, bằng những hành động trực tiếp.
Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, hôm nay thông báo rằng Đức Giáo Hoàng sẽ gửi 100.000 euro viện trợ khẩn cấp cho người dân Việt Nam, khi quốc gia này đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do ảnh hưởng của thảm họa kinh tế - xã hội từ đại dịch coronavirus.
Theo Đức Hồng Y, sự ủng hộ của Đức Thánh Cha cũng mở rộng đến hai khu vực khác trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thảm kịch, đó là Bangladesh, nơi gần đây đã bị bão Yaas; và đến Haiti, là quốc gia bị rung chuyển một tuần trước bởi một trận động đất kinh hoàng. Đức Giáo Hoàng đóng góp 69,000 đô la Mỹ cho Bangladesh và 200,000 euro cho Haiti.
Tại Việt Nam, tình liên đới của Đức Giáo Hoàng thể hiện một lần nữa tình liên đới của Giáo Hội Công Giáo với các nạn nhân COVID-19, đã và đang được thể hiện một cách quảng đại trong những cống hiến không ngừng nghỉ của giới Công Giáo.
Điều này được thể hiện rõ nhất bởi chị Th, một thành viên của Dòng Mến Thánh Giá Giáo phận Xuân Lộc, là người đã cùng với các nữ tu và một nhóm thiện nguyện viên dành hàng tháng để giúp đỡ các bệnh nhân trong các bệnh viện tỉnh Đồng Nai.
Sơ Th đã nhiễm coronavirus, nhưng sơ sẽ không từ bỏ nhiệm vụ của mình. Hiện sơ đang được cách ly, và tạ ơn Chúa, sơ đang dần khỏi bệnh.
“Tôi cảm ơn Chúa, người đã cho tôi có thời gian này để gần gũi với Ngài hơn bao giờ hết,” sơ viết trong một thông điệp do Giáo phận Xuân Lộc phát đi.
Sơ giải thích rằng Mẹ bề trên đã giao cho sơ sứ mệnh làm việc với các quan chức y tế địa phương và cộng đồng.
“Tôi được gửi đến một nơi không phải là giáo xứ cũng không phải trường học. Đó là một bệnh viện, một cơ sở cách ly, một phòng xét nghiệm”.
“Công việc của tôi không phải là trưởng ca đoàn hay cắm hoa, mà là mang bữa ăn cho bệnh nhân và rửa ráy cho họ. Là một phần trong nhiệm vụ của mình, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ bị nhiễm bệnh”.
“Ở đây Chúa Giêsu đang chờ đợi tôi để trao tình yêu của mình cho người khác.”
Source:Asia News
2. TGPSG -- Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đã gửi tin nhắn đến anh chị em tu sĩ kết thúc một tháng phục vụ tuyến đầu trở về:
Chiều Chúa nhật 22/08/2021
Mến gửi anh chị em tu sĩ thiện nguyện sắp rời bênh viện,
Vậy là một tháng phục vụ đã qua rất mau, phải không?
Tôi biết anh chị em còn đang nhiệt tình muốn ở lại tiếp tục phục vụ, nhưng vì công việc đành phải trở về.
Xin cám ơn anh chị em rất nhiều. Bằng sự hiện diện, tận tụy phục vụ, bằng tình yêu thương và niềm vui, anh chị em đã để lại một ấn tượng tốt đẹp nơi lòng mọi người.
Tôi đã đọc những cảm nghiệm anh chị em đã chia sẻ. Một số đoạn được in đậm tô màu hơi quá, nhưng tất cả đều là những cảm nghiệm quí báu chân thành. Thời gian vừa qua anh chị em đã cho đi, nhưng chính anh chị em lại nhận được nhiều. Những kinh nghiệm phục vụ đã là những bài học “đào tạo” mà chúng ta chưa được học.
Chắc chắn anh chị em ra về mà lòng vẫn nhớ: nhớ bệnh nhân, nhớ những cảnh đời đau khổ...
Xin hãy tiếp tục “nhớ”, nhớ để cầu nguyện, nhớ để quyết tâm hành động, nhớ để biến đổi cuộc đời.
Giáo phận đã thu xếp để anh chị em nghỉ ngơi tại Foyer Cao Thái ít ngày trước khi trở về cộng đoàn.
Cầu chúc anh chị em bình an, vui khỏe và hạnh phúc trong đời dâng hiến.
Chúc anh chị em tối nay từ giã nhau thật vui.
+ Giuse Nguyễn Năng
3. Tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế - Vài cảm nghiệm về chuyến thiện nguyện.
Hai anh em chúng con được phân chia vào nhóm sàng lọc bệnh nhân, với nhiệm vụ chính là đo thân nhiệt và Sp02 cho các bệnh nhân. Mặc dù đã được các bác sỹ và anh chị điều dưỡng nhắc rằng mặc đồ bảo hộ sẽ rất nóng và mồ hôi sẽ ra nhiều nhưng khi mặc vào để làm việc quả là một trải nghiệm không thể nào quên!
Những lần đầu mang trên mình bộ đồ bảo hộ, có lẽ vì chưa quen nên còn cảm thấy choáng váng và ngột ngạt; đầu nôn nao như muốn ói! Đứng đo nhiệt độ và Sp02 cho bệnh nhân chẳng mấy chốc hai bàn tay đã ướt sũng mồ hôi. Thỉnh thoảng chị nhóm trưởng nhóm sàng lọc lại nhắc nhở giữ khoảng cách cần thiết với bệnh nhân. Khâu tiếp nhận liên tục phải liên lạc với phòng kế hoạch tổng hợp để xin ý kiến về các bệnh nhân khi họ thiếu giấy tờ hoặc chưa đăng ký trước...nên đôi khi giờ làm sẽ bị kéo dài thêm hàng giờ. Ngoài công việc chính bên nhóm sàng lọc, chúng con cũng phụ giúp anh em trong việc thu gom rác bệnh viện.
Những phút giây thư giãn
Sáng nào khu bệnh viện dã chiến chúng con cũng phát bài "Hôm nay bạn như thế nào?" của Minh Khang để động viên tinh thần bệnh nhân. Thầy Hậu vốn sẵn có máu nghệ sỹ cũng ngân nga theo nhưng chế thêm vào để anh em trong phòng được thư giãn: "Hôm nay Hoàng như thế nào? Hoàng có còn ho nhiều không? Cảm giác có khó thở không? Đừng lo lắng vì chúng tôi đang ở bên cạnh."
Cùng với việc cập nhật về tình hình dịch, ngày nào anh em chúng con cũng chia sẻ cho nhau những câu chuyện đẹp đầy tình người đang diễn ra: chuyện anh "Minh Râu" dễ thương tặng rau miễn phí cho người nghèo; chuyện về chuỗi siêu thị 0 đồng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; chuyện về nhiều cha, thầy, sơ trở thành "shipper" trao từng ổ bánh mì, bố rau cho người nghèo; chuyện về người cha bất đắc dĩ vi phạm chỉ thị 16 đi lấy bình oxy về cho con thở, chuyện những ông bà cụ già ở quê gom từng củ cải, quả bí... để gởi vào cho saigon... Tất cả những câu chuyện đó vừa phảng phất trong tâm trí chúng con về một Việt Nam vẫn dạt dào tình nghĩa ruột thịt từ bao đời; lại vừa khơi lên trong chúng tôi một ước mơ về một nước Việt tươi sáng hơn trong nay mai...
Những lúc được nghỉ ngơi trong phòng anh em lại lấy điện thoại để lưu lại những hình ảnh, những đoạn video nho nhỏ để gửi cho nhà dòng, cho anh em và người thân. Mặc dù công việc có mệt và nguy hiểm nhưng mỗi ngày trong phòng riêng của anh chị em tu sĩ đều có những phút giây thư giãn, hài hước nhẹ nhàng. Hạnh phúc vẫn hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống của anh chị em tu sĩ chúng con.
Khi màn đêm buông xuống...
Mỗi khi màn đêm buông xuống, không gian trở nên tĩnh lặng hơn, tiếng xe cứu thương cũng trở nên “đanh” hơn! Những giây phút nhói lòng bởi cảnh gia đình ly tán do dịch bệnh (mà tận mắt chúng tôi chứng kiến) lại càng hiện lên rõ nét hơn...Có lẽ, chưa bao giờ chúng con cảm nhận được sự thiêng liêng của sự sống và của nghĩa tình gia đình nhiều đến như thế!
Đâu đó trong các phòng của anh chị em tu sĩ những lời kinh thì thầm : "Lạy Chúa, lúc chúng con còn thức xin Ngài cứu giúp cho. Khi chúng con đã ngủ xin Chúa cũng giữ gìn. Để cùng thức tỉnh với Đức Kitô và được nghỉ ngơi an bình..."
Ngoài hành lang một vài tu sĩ khác đang đi đi lại lại với tràng chuỗi nhỏ trên tay. Cùng với toàn thể Giáo hội hoàn vũ, chúng con luôn nhớ để cầu nguyện cho các bệnh nhân, các nhân viên y tế, những nhà hữu trách trong xã hội để với ơn Chúa chúng ta sớm vượt qua cơn đại dịch này.
Được nhận lại nhiều hơn là cho đi
Trước khi lên đường chúng con đã được cha Giám tỉnh, quý cha trong Ban Giám Đốc chúc lành và căn dặn nếu cần gì thì cứ liên lạc về các cha sẽ hỗ trợ. Ngày nào chúng con cũng được quý cha và anh em trong cộng đoàn cầu nguyện, nhắn tin, gọi điện thăm hỏi. Chúng con cũng được cộng đoàn và quý ân nhân gửi tặng những món đồ cần thiết như cà phê, trà, sữa...
Ngoài ra chúng con cũng nhận được những lời động viên, thăm hỏi kịp thời từ Đức tổng Giuse, Đức cha Luy... Chúng con còn được cha đại diện Hội Đồng Giám Mục và cha trưởng Ban Tu sĩ Giáo phận nhắn tin, gửi quà. Đó thực sự là nguồn động viên khích lệ tinh thần quý giá cho chúng con.
Bên cạnh đó, chúng con còn được nhận những nhu yếu phẩm và những lời chúc thân thương từ các cá nhân và tổ chức thiện nguyện. Một trong những lời chúc siêu dễ thương và ngọt ngào đó là: "Thương gửi người tiền tuyến. Từ tận đáy lòng cảm ơn bạn nhiều lắm. Hãy cho mình 'ôm bạn' một cái. Thương lắm!"
Quả là ngay khi chúng con chưa làm được gì, thì chúng con đã nhận được nhận lại nhiều hơn gấp bội rồi!
Một tâm tình nho nhỏ
Chúng con ý thức rằng mình chỉ là "5 chiếc bánh và 2 con cá" bé nhỏ của Chúa. Nhưng chúng con xác tín rằng còn vô số những anh chị em khác nữa cũng đang trao dâng những chiếc bánh và những con cá của mình. Với tất cả số lương thực đó, Chúa sẽ làm lan tỏa tình yêu thương đến mọi người. Xin cho tất cả mọi thành phần trong xã hội được liên đới và đùm bọc nhau trong thời khắc khó khăn nhưng rất đỗi ý nghĩa này. Sau cùng dịch bệnh sẽ qua đi và chúng ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, nghĩa tình hơn. Yêu thương và cầu nguyện cho mọi người.
4. Sài Gòn cực lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi.
[Bs Phan Xuân Trung]
Với cái thẻ bác sĩ, tôi thông chốt dễ dàng từ quận này sang quận khác. Các anh chốt chặn thấy là phẩy tay cho qua nhanh. Thà là có các anh ngồi thì mình còn thông chốt được chứ không có anh nào, chỉ có các hàng rào sắt kẽm gai chằng chịt khắp các con hẻm thì cái thẻ của mình hoàn toàn vô dụng. Không biết thường ngày những cái khung kẽm gai đó cất ở đâu mà khi có dịch thì xuất hiện đầy khắp hang cùng ngõ hẻm!
Tôi đã nổi điên hét vào mặt một anh phó chủ tịch phường: "Các anh muốn giết người à? Hàng rào kiểu này thì xe cấp cứu vào kiểu gì? Xe chữa lửa vào kiểu gì?". Tôi thật sự không hiểu tác dụng của các rào kẽm gai đó để làm gì. Chặn con virus chăng? Virus bay vi vu trong gió chứ có thèm đứng ngoài hay trong hàng rào đâu. Vậy thì hàng rào chỉ có tác dụng nhốt dân, nhưng mà nhốt để làm gì? Để cho dân đừng có đi và do vậy sẽ không có lây à? Là giải pháp bảo vệ dân à? Thực tế không phải vậy, dân đang chịu trận vì người hàng xóm F0 mà không biết phải làm sao. Một hàng xóm F0, hai ngày sau cả nhà đó F0, bốn ngày sau cả xóm đó F0, tám ngày sau những cái quan tài xuất hiện một cách yên lặng, sau đó sẽ đi lòng vòng để ra được đường lớn vì đầu hẻm đã bị rào kẽm gai.
Có những bệnh nhân chỉ cần ngó qua đã biết sống không nỗi trong 24 tiếng đồng hồ tới. Đó là những bà nội, bà ngoại mập mập tròn tròn, nằm ngủ li bì, phản ứng chậm chạp... Oxy không đủ nên sức sống tựa như ngọn đèn hết dầu, leo lét, chực tắt trong giây lát. Nhìn là biết bị nhiễm Cúm Tào rồi nhưng người nhà thì nhất mực là "em mớt test cho bà ngày hôm kia, âm tính". "Test lại đi em..."... "Dạ... dương tính rồi thưa bác sĩ. Mà, bà em mới đi chích ngừa hôm kia. Sau chích thì bà trở yếu như vậy...". Chẳng phải do chích ngửa đâu em. Bà đã bị nhiễm từ trước đó rồi, qua giai đoạn ủ bệnh, bây giờ mới phát. Khi bệnh nhân ủ rủ như con gà rù thì cơ hội để cứu giúp rất mong manh. Thế nhưng nếu nhanh tay chút thì cũng thoát được cửa tử.
Cái con Vi rút kia bản thân nó không có độc tố. Nó chỉ chuyên tâm đi tìm tế bào niêm mạc hô hấp để làm tổ, mượn nhân tế bào để sao chép thông tin di truyền và tổng hợp protein, duy trì nòi giống thôi. Kẻ ăn nhờ ở đậu kia xâm nhập vào cả hô hấp trên và hô hấp dưới, khác với thằng anh nó là Sars CoV 1 chỉ làm tổ ở phổi. Chính vì sinh sản ở niêm mạc hô hấp trên nên mới gây lây dữ. Chu kỳ sinh sản của Cô chỉ có 7 ngày nằm giường đẻ và khi phóng thích ra hằng hà sa số những bản sao, chúng tiếp tục xâm nhập tế bào mới và lan xuống hô hấp dưới. Khi xâm nhập tế bào niêm mạc phổi thì chúng kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể.
Ở chỗ này có vài sự nhầm lẫn. Người ta nói rằng bệnh nhân chết là do hệ miễn dịch "yếu". Thật ra không phải vậy, phải nói là ngược lại. Người càng già và nhiều bệnh nền thì bên trong cơ thể có sẵn rất nhiều yếu tố miễn dịch được sinh ra trong suốt cuộc đời từng trải với môi trường cùng bệnh tật. Những yếu tố miễn dịch này hoạt động mạnh đến nỗi làm tăng dịch viêm trong mô kẽ phổi, làm đông đặc các mạch máu nhỏ và thậm chí còn sinh ra cơ chế tự miễn, tức là tấn công vào tế bào lành.
Thật ra virus đang nằm trong lòng tế bào niêm mạc, đâu có chường mặt ra môi trường huyết tương hay mô kẽ để bị thực bào. Hệ miễn dịch bị báo động và hoạt động quá mức đến mức gây hại cho cơ thể ngay cả sau khi chu kỳ sinh sản của virus đã chấm dứt. Trên một biểu đồ, người ta thấy virus từ ít tăng lên nhiều trong 7 ngày đầu, sau đó từ nhiều giảm xuống ít đến bằng 0 trong 7 ngày tiếp theo. Song, phản ứng viêm lại xảy ra rất kinh khủng vào sau ngày thứ 14 đó và càng ngày càng tồi tệ, mặc dù chẳng còn bóng kẻ "giặc" nào trong cơ thể. Rõ ràng là virus đã chọc giận hệ miễn dịch khiến cho hệ miễn dịch tấn công vào chính cơ thể của mình một cách mù quáng.
Hiểu vậy nên phải tìm mọi cách kìm hãm phản ứng viêm và ngăn ngừa đông máu ngay từ khi chớm phát hiện phản ứng viêm. Thuốc để chữa Co-Vid căn bản là kháng viêm và chống đông máu. Kháng viêm bằng gì và chống đông bằng gì thì tùy quan điểm. Đối với đại dịch thì phải tìm giải pháp nào mà dễ tìm, dễ xài nhất cho dân chúng. Nếu dùng kháng viêm mà mỗi lần uống một bụm 8 đến 12 viên thuốc "đề-xa" thì khá vất vả. Còn chống đông mà bắt phải đi tìm các biệt dược lạ hoắc hay đắt tiền thì khó áp dụng cho số đông. Vậy nên bác Trung vẫn cứ thích dùng thuốc đơn giản, dễ tìm, uống 1-2 viên một ngày cho gọn.
Thấy vui khi bạn Loan ở chung cư Era quận 7 nhắn tin: "Em khỏe rồi, SpO2 của em hôm nay lên 97 rồi". Cái ngày gặp Loan, bạn như không còn sức để làm gì, mặt mày ảm đạm, nói chẳng ra hơi. Niềm vui khi anh Phương gọi nói: "Má tui hôm nay tươi tỉnh lắm rồi". Bà cụ ở tuổi trên 80. Cô Lam gọi báo "Em theo cách của anh, chỉ dẫn cho ông anh, giờ ổng khỏe rồi"...
Suốt tuần qua ngày nào cũng hoạt động hỗ trợ sức khoẻ trong các xóm đạo trên Tân Bình. Có mấy thanh niên sốt, ho... bảo bác sĩ cho thuốc cảm ho, viêm họng. Bác sĩ hỏi anh test Cô-Vit chưa, anh nói "Em test rồi, âm tính. Ba ngày em test một lần, tất cả đều âm tính". Tôi bảo "Ông test lại đi, bởi vì việc điều trị viêm họng, viêm phổi và điều trị cho Covid là hoàn toàn khác nhau". "Dạ, để em mua đồ tét lại"... "Dạ, bác sĩ ơi, dương tính rồi!" "Vậy thì test cả nhà đi... Dạ, cả nhà dính hết rồi.
Khỏi nói cũng biết dính cả nhà. Có dịch mới có dịp xâm nhập nhà cửa của dân Sài Gòn ở khắp nơi, hang cùng ngõ hẻm. Ai đó ngày xưa hát "Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi, Sài gòn ơi..." có lẽ là người ưa dạo phố. Sài gòn thời Pháp xây dựng thì đường xá, kiến trúc, cây xanh đẹp đẽ. Có dịp vào nhà dân ở khu Đoàn Văn Bơ, Xóm Chiếu, khu Xóm Đạo Tân Bình... thì mới thấy hết cái thật của Sài Gòn. Hẻm hóc, chật chội, ngổn ngang, nhếch nhác, tối tăm... Một gia đình nhiều thế hệ sống chung. Trẻ con nằm lê dưới đất, người già nằm trong những chiếc giường nhỏ hẹp... Những người Bắc Di Cư ngoan đạo, chấp nhận số phận của mình, xem đó là sự an bài của Chúa... Trong những cái nhà hộp quẹt như vậy không lây cả nhà mới là lạ.
Xóm đạo dường như không có tiếng khóc khi có người mất.Giáo dân tin rằng linh hồn đã về với Chúa nên chỉ làm nghi lễ đám tang trong yên lặng. Sáng nay đi ngang qua một nhà có người vừa qua đời, chỉ có một người con ngồi trước quan tài, thật lặng lẽ, không khách thăm, không kèn trống... Những người vừa từ trần đó vẫn còn hạnh phúc vì ít ra còn có con cháu vuốt mặt, có Cha nhà thờ đến làm lễ hoặc có Thầy Chùa đến tụng kinh. Do vậy, nhiều gia đình chấp nhận để cha mẹ trị bệnh tại nhà. Ngưởi ta dần dần bắt đầu chấp nhận chuyện sinh tử. Người ta bắt đầu không còn bàn tán về chuyện ai chết, ai sống. Người ta nhận được kết quả xét nghiệm dương tính cả nhà và chỉ cầu mong Chúa che chở. Nếu Chúa gọi đi thì cứ phải đi. Người ta không còn tránh né con virus quái ác kia nữa. Có tránh cũng không tránh được. Có ở nhà đóng cửa kín mít, không thò chân ra khỏi ngạch cửa suốt mấy tháng trời mà vẫn bị nhiễm, không biết bằng cách nào.
Con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Cứ 100 năm lại xảy ra đại dịch như thể một sự thanh lọc nào đó của tạo hóa. Những kẻ ngỗ ngáo thì ra sức hô hào chống dịch như chống giặc, rằng trang bị vũ khí cho bác sĩ để giết giặc Covid-19! Tôi tin rằng những kẻ đó chưa từng dám bước chân đến nhà bệnh nhân nhiễm virus, nắm bàn tay của bệnh nhân xem ấm lạnh thế nào. Những kẻ khờ khạo thì chống dịch theo kiểu chăng dây, ngăn đường. Càng ngăn cản chừng nào thì càng làm bít tắc hệ tuần hoàn xã hội và dẫn đến cái chết của xã hội.
Con virus đã kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể và đồng thời kích hoạt luôn cả phản ứng viêm của xã hội. Người ta đã phản ứng thái quá và sai vấn đề một cách nghiêm trọng. Trong khi phản ứng viêm bùng phát, hệ miễn dịch đã không ăn được xác con virus nào lại đi tấn công tế bào lành của cơ thể. Trong xã hội, người ta cũng không tấn công được đứa giặc nào mà chỉ làm chết thêm dân chúng từ những giải pháp ấu trĩ, thiển cận, thiếu suy nghĩ. Dân chết không phải do Covid mà chết vì tất cả các mặt bệnh khác không được chữa trị. Dân chết không phải do Covid mà chết vì đói, vì sợ hãi.
Đã đến lúc phải chấp nhận một sự thật rằng mọi giải pháp "chống giặc" đều vô nghĩa. Virus Covid không phải đến với thế gian này để tạo nên tận thế. Covid đến và lấy đi sinh mạng một cách có chọn lọc.