1. Máu Thánh Gennariô có hóa lỏng tại Napoli hay không?
Một lọ máu khô của Thánh Gennariô được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples, tiếng Ý gọi là Napoli. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, là ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Napoli; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Napoli thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chứng kiến lọ máu khô hóa lỏng khi ngài cầm trên tay vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, khi ngài gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.
Trong những ngày này, người dân Italia trông đợi xem Máu Thánh Gennariô có hóa lỏng tại Napoli hay không. Các đài truyền hình được tin là sẽ trực tiếp truyền hình diễn biến này, mặc dù đó là một công việc vất vả. Máu Thánh Gennariô có thể hóa lỏng vào bất cứ lúc nào trong ngày 19 tháng 9, và cũng có thể không.
Italia đang trải qua những ngày đầy khó khăn sau nhiều đợt lockdown vì COVID-19. Dân nghèo lãnh đủ, đặc biệt là những người không có công ăn việc làm ổn định, phải vay mượn tín dụng của bọn mafia để sống qua ngày.
Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục hiệu tòa của Napoli, đã nhắc lại một ý kiến mà ngài đã đưa ra trước đây 2 năm. Phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng liên tiếp xảy ra phải là một dấu chỉ hùng hồn dẫn đến lòng hoán cải.
Tưởng cũng nên nhắc lại, khoảng 10 giờ sáng thứ Năm 19 tháng Chín, 2019, máu thánh Gennariô đã hóa lỏng tại nhà thờ chính tòa Napoli trong thánh lễ do Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục Napoli, cử hành.
Trong bài giảng của mình, ngài đã chỉ trích mạnh mẽ tội ác bạo lực trên đường phố Napoli.
Mặc dù phép lạ tái diễn liên tục tại thành phố này, nhưng “những điều ác gây ra bởi những kẻ giết người và thù ghét nhân loại tại Napoli vẫn không dừng lại,” ngài nói. “Hệ quả là họ giết chết ngay từ trong trứng nước tất cả mọi ước mơ và khả năng xây dựng một tương lai.”
Điều này, ngài lưu ý rằng, đã tạo ra sự sợ hãi và bất an, và đi ngược lại thiện ích chung.
Chúng ta phải tự hỏi: “Có phải người dân Napoli vẫn có một trái tim vĩ đại và chân thành hay không? Các công dân của thành phố chúng ta ngày nay phải trả lời câu hỏi này bằng sự thật, bằng hiện thực, với sự trung thực và can đảm, không để mình bị cuốn theo một nỗi hoài nhớ sai lầm về thời đại chúng ta đã từng có”.
Những lời hùng hồn của ngài đã nhận được nhiều tràng pháo tay của anh chị em tín hữu. Thánh Gennariô có lẽ cũng tán thưởng những lời này của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục nên máu khô của ngài đã hóa lỏng hoàn toàn.
Thánh Gennariô là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Napoli nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.
Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festô, Sosiô và Proculôs; thầy đọc sách Desideriô và hai giáo dân Eutyches và Acutiôs. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sosiô, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.
Ngày 16 tháng 12 năm 2016, bửu huyết của Thánh Gennariô đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Napoli, đã rục rịch hoạt động trở lại.
Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.
Nhiều cư dân của Napoli tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Napoli làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.
Hoán cải cũng là điều được Đức Thánh Cha hô hào khi chứng kiến Máu Thánh Gennariô hóa lỏng khi ngài cầm lọ máu khô trên tay.
Vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.
Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennariô. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.
Ngài nói:
“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy San Gennariô thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.
Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:
“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”
2. Gia Đình, Tiếng Gọi Thân Thương Trong Đại Dịch
Đã quá nửa đêm, tôi chuẩn bị vào ca trực. Ở một góc phố của Bệnh viện Dã chiến, vẫn còn sáng rực ánh đèn. Làn gió hiu hiu trong đêm bỗng gợi nhớ trong tôi về… gia đình.
‘Gia đình’ - tiếng gọi thân thương mà ai sinh ra trong cuộc đời cũng đều mong được ấp ủ trong đó. Đó là nơi không chỉ đơn thuần là một mái nhà thật to với vài ba con người sinh sống, mà còn là nơi được sưởi ấm bởi tình yêu thương giữa vợ chồng, giữa ba mẹ với con cái. Đó là nơi mà bất kì ai đã ở rồi thì đều không muốn rời xa.
Khi nói về gia đình, người ta thường nói về hạnh phúc, yêu thương và thành công. Với tôi, gia đình là nơi tình yêu xen lẫn đau khổ và cả những hy sinh, là nơi thiêng liêng vì nó mang lại cho ta biết chung nhịp đập với nỗi đau của người bên cạnh.
B.T.N. - một bạn trẻ bị con virút hành hạ - đã làm cho tôi thấy quý biết bao giây phút bên gia đình thân thương của mình. Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia giọng nghẹn ngào: “Sơ ơi, sơ nhớ thăm N. giúp con. Nhà con bị Covid cả nhà, mỗi người một nơi. Nay chúng con đã được về nhà. Hơn một tháng rồi, con chưa nghe tiếng của nó. Chúng con nhớ và mong nó lắm!”
Tôi đã không thể kìm nước mắt khi nhìn hình ảnh của em. Gần một tháng trời, em chiến đấu trong từng hơi thở. Em nằm khoa ICU, có khi không đủ sức, bác sĩ cho chạy máy ECMO. Tuy nhiên, khuôn mặt em lúc nào cũng tươi tắn, miệng lúc nào cũng nở nụ cười. Mỗi lần gặp mặt, câu đầu tiên em hỏi: “Sơ ơi, cả nhà con vẫn bình an đúng không ạ? Con nhất định sẽ khỏe để về gặp cả nhà. Con nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ cả em gái hay ghẹo con nữa!”
Gia đình chính là động lực cho em đủ sức vượt qua khó khăn. Em có một nghị lực phi thường. Bác sĩ bảo: “Ca này tưởng không qua khỏi, không ngờ nay có dấu hiệu khá lên rồi. Người nhà của sơ à? Sơ cứ tiếp tục động viên, thăm hỏi như thế, hy vọng sẽ có tin vui.” Nghe đến đó, những giọt nước mắt trong tôi trào ra, hòa lẫn với những giọt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. Niềm vui như vỡ òa. Không biết tôi đã trở thành ‘người thân’ của em tự bao giờ. Được phục vụ nơi đây, vui và hạnh phúc nhất chính là khi nhận được tin một bệnh nhân được xuất viện. Do đó, nếu có chút thời gian, tôi thường rủ một số chị em khác đi thăm hỏi và động viên bệnh nhân, giúp họ lấy lại tinh thần để chiến đấu.
Thăm hỏi nhau là một điều gì đó ‘xa xỉ’ trong mùa dịch, vì hành vi này có thể mang mầm bệnh đến cho người khác. Nhiều khi không thăm hỏi lại là đang làm điều tốt cho nhau. Nghịch lý ấy làm cho ta thấy rằng, chúng ta đã bỏ sót nhiều cơ hội viếng thăm, ở cạnh nhau, chưa coi trọng sự hiện diện và cơ hội được ở bên nhau trước khi Covid đến. Nhiều khi ở bên nhau nhưng tâm hồn xa cách nhau, hoặc nhiều khi ở chung trong một gia đình mà không cảm nhận được niềm vui và sự hiện diện của nhau. Đúng là có xa nhau mới thấy nhớ, có mất đi thứ gì đó mới biết trân trọng nó.
N. đã làm tôi thức tỉnh để nhận ra và trân quý phút giây được ở bên gia đình, bên ba mẹ yêu quý của mình. Bởi có nhiều bệnh nhân chỉ thèm giây phút được nhìn ba, mong được nhìn mẹ từ xa dù chỉ là một phút mà cũng không thể. Con virút nhỏ bé làm cho N. yếu dần đi từng ngày. Em không biết còn có cơ hội để được nhìn mặt ba mẹ nữa không. Nhưng nghị lực nơi em khiến tôi phải cảm phục. Tôi tin em nhất định làm được.
Mỗi lần gặp tôi, tuy mệt mỏi nhưng em luôn có nụ cười trên khuôn mặt nhỏ nhắn. Em bảo: “Con cười thì sẽ mau khỏe, đúng không sơ? Rồi con sẽ được về nhà với ba, với mẹ, với em gái nữa. Con nhớ... con nhớ cả nhà lắm, sơ ạ! Sơ nhắn với cả nhà là con sẽ khỏe lại, sẽ về với mọi người. Sơ nói với mẹ đừng lo cho con, đừng khóc. Mẹ chờ con… nhất định con sẽ về!” Phải, em sẽ về, em sẽ làm được N. ạ! Cố lên em nhé!
Em tâm sự: “Thực sự trước đây, con đã không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ. Con cũng chưa hề mở miệng nói với ba mẹ một câu: ‘Con yêu ba, con thương mẹ nhiều lắm!’”
Thế đấy, dường như, càng lớn, con cái càng xa bố mẹ. Những cái ôm hôn và câu nói yêu thương, cảm ơn bố mẹ ngày càng ít dần và khó mở lời. Nhiều bạn trẻ dù rất yêu thương bố mẹ của mình nhưng lại không thể hiện được bằng lời nói. Câu nói ‘Con yêu ba, con yêu mẹ’ trở nên ngượng nghịu. Không chia sẻ, không thể hiện tình cảm, vô tình khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cứ thế mà lớn dần. Trong khi thời điểm hiện tại, có những bạn khao khát được gặp ba mẹ để nói lên câu này mà không thể được.
Giây phút này, N. rất nhớ và chỉ mong được ở trong vòng tay của ba mẹ dù chỉ một phút thôi nhưng cũng không được. Quả thật, những ai còn ba mẹ bên cạnh mình thực sự là rất may mắn và hạnh phúc.
Em kể tôi nghe ba mẹ của em luôn là một người quá đỗi nghiêm khắc và khó tính. Có những lúc em cảm thấy thật ganh tị với những đứa bạn có người cha luôn vui vẻ, dịu dàng; có người mẹ thương yêu, chiều chuộng. Em đã từng nghĩ rằng, “Ba mẹ không yêu thương con, không quan tâm con, không hiểu con. Khi con làm sai ba mẹ thường mắng con, không cho con cơ hội giải thích. Những ngày ở nhà, con thực sự không hề vui, sơ ạ! Con đã khóc, khóc vì mình không có được sự quan tâm, sự thông hiểu của ba mẹ.” Khi nghe những tâm sự ấy tôi đã không cầm được nước mắt, khóe mắt tôi cay cay. Tôi thấy nơi khóe mắt em cũng đang tuôn trào hai hàng nước mắt.
Em tâm sự: “Cứ như vậy, càng lớn con càng không dám mở lòng với ba mẹ. Em rất sợ ra ngoài bởi sẽ bắt gặp những gia đình tràn ngập tiếng cười mà tủi thân.”
Giờ đây, em đang khóc không phải vì tủi thân nhưng khóc vì thèm biết bao những khoảnh khắc đã qua ấy, khoảnh khắc ba quan tâm, giây phút được mẹ mắng yêu. Bởi em tin và cảm nhận được ba mẹ làm tất cả vì yêu.
“Con thật vô tâm đúng không sơ? Con đã không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ. Con cũng chưa hề mở miệng nói với ba mẹ một câu: ‘Con yêu ba, con thương mẹ nhiều lắm!’ Con muốn sơ giúp con chuyển những lời này đến ba mẹ yêu quý của con: ‘Con yêu ba mẹ nhiều nhiều lắm. Ba mẹ chờ con trở về. Mong mẹ đừng lo nghĩ nhiều.’ Con sợ ở nhà mẹ lại trằn trọc suy nghĩ về con và sợ nhất giọt nước mắt của mẹ.”
Em nói trong mệt nhọc: “Con không chắc mình sẽ sớm khỏe nhưng con hứa sẽ cố gắng hết sức, từng hơi con thở là để nhớ đến tình yêu ba mẹ dành cho con. Sơ biết không, con là anh hai khỏe mạnh hơn em, con tự nhủ: mình phải là đứa con ngoan, không làm ba mẹ phải phiền lòng. Vậy mà, giờ đây con lại làm mẹ phải khóc. Con thật tệ phải không sơ?”
N. mang căn bệnh này, lỗi đâu phải do em! Khi mang trong mình nỗi đau đớn, em lại nghĩ về người khác hơn là bản thân mình.
N. đã làm tôi phải nhìn lại mình. Chính khi tôi còn được đứng đây nghe em tâm sự, còn được hít thở qua lớp khẩu trang, đó đã là ơn đặc biệt Chúa ban rồi.
Tôi chợt nhận ra: Đại dịch làm cho ta phải xa cách, phải cô lập để bảo vệ nhau, nhưng lại cũng là cơ hội để ta quý trọng giây phút mình được ở bên nhau. Tôi tin rằng khi dịch qua đi, mình sẽ thật sự biết trân trọng nhau, biết cảm ơn nhau, biết mang niềm vui đến cho nhau.
Đến đây, tôi nhớ câu nói của một thi hào người Anh: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui - Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.”
Gia đình thực sự là nơi để trở về, là động lực cho biết bao tâm hồn yếu đuối. Xin cho những ai có gia đình luôn biết quý trọng những gì mình có, vì chỉ có yêu thương mới làm nên tổ ấm thực sự. Đại dịch đến cho ta một cơ hội nhìn lại sự may mắn của bản thân, để thấy quý giá hơn những gì mình đang có, để nhớ thật nhiều về tình người, về sự quan tâm và yêu thương dành cho nhau.
Têrêsa Nguyễn Vui - Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
3. Chuyến viếng thăm cộng đoàn người Gypsi của Đức Thánh Cha
Tiếp tục các tường thuật liên quan đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Slovakia, chúng tôi xin trình bày một biến cố quan trọng liên quan đến cộng đoàn người Gypsi hay còn gọi là người Roma.
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 08:10 sáng thứ Ba 14 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay đến Košice
Lúc 10:30, Đức Thánh Cha đã cử hành Phụng Vụ Thánh Thể theo nghi thức Byzantine tại Quảng trường thể thao Mestská ở Prešov.
Sau khi nghỉ ngơi tại Tòa Giám Mục, lúc 16:00, Đức Thánh Cha gặp gỡ cộng đoàn Roma tại Khu vực Luník IX ở Košice.
Kể từ năm 1990, khu này của thành phố, nơi có dân số chủ yếu là người Roma - khoảng 4,300 người - đã được hưởng chế độ tự quản. Các vấn đề về cơ sở hạ tầng, nước, khí đốt, hệ thống sưởi, đều đáng được lưu ý ở đó.
Các tu sĩ dòng Phanxicô đã thành lập một khu truyền giáo tại khu phố này từ năm 2008, với một “Trung tâm Mục vụ” được khánh thành vào năm 2012 để hội nhập, trợ giúp và truyền giáo cho người Roma. Trung tâm do Cha Peter Besenyei chỉ đạo này bao gồm một phòng tập thể dục, một khu vực để đón tiếp các nhóm, và Nhà thờ “Chúa Kitô Phục sinh”. Các tu sĩ làm công việc giáo dục và giúp công ăn việc làm.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói rằng lòng ngài nặng chĩu “bởi nhiều kinh nghiệm kỳ thị, cô lập và đối xử tàn tệ” mà cộng đồng Roma từng phải chịu.
Điều đáng nói, theo ngài, là “lịch sử cho chúng ta hay cả các Kitô hữu, trong đó có người Công Giáo, không xa lạ gì với các tàn bạo này”. Nên, ngài nói với họ “tôi muốn xin lỗi anh chị em về điều này. Tôi xin sự tha thứ, nhân danh Giáo Hội và nhân danh Chúa – và tôi xin sự tha thứ của anh chị em”.
Ngài từng gặp một phái đoàn người Roma tại Nhà Trọ Thánh Marta, nơi ngài cư ngụ tại Vatican.
Con số của sắc dân này đông nhất tại Âu Châu, vào khoảng 2 triệu người. Và nền văn hóa du mục của họ, rất thích hợp để hội nhập các nét tôn giáo và ngôn ngữ của nước tiếp đón họ. Phần đông người Roma ở Âu Châu theo Chính Thống Giáo, khoảng 7% theo Công Giáo và Tin Lành.
Một phần gây trở ngại cho việc hội nhập là nỗi khó khăn của người Roma trong việc thích ứng với xã hội Tây Phương nhưng cũng vì sự kỳ thị chủng tộc và thiên kiến của người Tây Phương đối với họ. Như tục họ cưới vợ cưới chồng rất trẻ, lúc mới 11, 12 tuổi, đến nỗi họ được gọi là “dân con nít”. Tại một số nước trong Liên Hiêp Âu Châu, 42% người Roma chỉ học hết bậc tiểu học, 10% hoàn tất bậc trung học.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn tìm thấy nhiều ưu điểm của họ đến nỗi ngài bảo rằng “họ có vai trò lớn lao để thủ diễn” và họ đừng sợ chia sẻ vẻ đẹp và sự phong phú trong nền văn hóa của họ với thế giới, tức việc họ nhấn mạnh tới sự sống, gia đình, quan tâm đến người dễ bị thương tổn, kính trọng người cao niên và lòng hiếu khách.
Ngay từ tháng 9 năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tỏ quan tâm đối với cộng đồng này khi cử hành thánh lễ tại Trại Roma Quốc Tế ở Pozezia. Dịp này, ngài nói với họ “anh chị em ở bên trong Giáo Hội; không ở bên lề, mà theo một nghĩa nào đó, ngay ở trung tâm, anh chị em ở ngay trung tâm Giáo Hội. Anh chị em ở trong trái tim của Giáo Hội vì anh chị em đơn độc”.
Dịp đó, Đức Phaolô Đệ Lục cũng nhắc đến các lạm dụng, kỳ thị và bách hại chống lại người Gypsies, dù không tỏ lời xin lỗi; tuy nhiên, ngài vẫn là vị giáo hoàng đã khai mở thời đại tìm sự tha thứ từ các giáo hội Kitô giáo khác vì những trang sử đen tối của quá khứ.
Đức Gioan Phaolô II đã đề cập cụ thể đến việc xin lỗi người Roma, và ngài thực hiện trong lễ nghi thống hối nhân dịp Năm Thánh 2000 “Chúng ta hãy cầu xin để khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, Chúa và là Hoà Bình của chúng ta, các Kitô hữu có khả năng ăn năn vì những ngôn từ và thái độ gây ra do kiêu căng, thù hận hay ý muốn thống trị người khác, ghét bỏ thành viên các tôn giáo khác và các nhóm yếu đuối nhất trong xã hội, như di dân và người du mục”.
Đức Bênêđíctô XVI cũng biểu lộ sự quan tâm và hiểu biết đối với các cộng đồng này khi ngài tiếp đón đại diện khác nhau của người Roma và các sắc dân du mục khác: “bất hạnh thay, qua nhiều thế kỷ, anh chị em đã từng nếm mùi đắng đót của việc thiếu lòng hiếu khách và đôi khi, bị bách hại... Lương tâm Âu Châu không thể quên những đau khổ như thế! Ước mong sao dân tộc anh chị em không bao giờ là đối tượng của xách nhiễu, khước từ và khinh miệt nữa!”
4. Diễn từ của Đức Thánh Cha với người Roma
Trong diễn từ với người Roma, Đức Thánh Cha đã lặp lại lời cũng Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã từng nói với cộng đồng người Roma năm 1965: “Anh chị em ở trong Giáo hội, anh chị em không ở bên lề... Anh chị em ở nơi con tim Giáo hội”, ngài khuyến khích: “Không ai trong Giáo hội nên cảm thấy lạc lõng hoặc bị bỏ rơi. Đó không chỉ là một cách nói, đó là cách Giáo hội tồn tại.”
Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta là con cái: Người nhìn với cái nhìn của người Cha, cái nhìn yêu mến dành cho mỗi đứa con. Nếu tôi đón nhận ánh nhìn ấy lên tôi, thì tôi học được cách nhìn người khác tốt hơn: tôi khám phá ra rằng còn có những người con khác của Thiên Chúa bên cạnh tôi và tôi nhận ra họ là anh em với tôi. Đây là Giáo Hội, một gia đình gồm những anh chị em cùng một Cha, Đấng đã cho chúng ta Chúa Giêsu là người anh em, để chúng ta hiểu được Người yêu mến tình huynh đệ đến nhường nào. Và Người muốn toàn thể nhân loại trở thành một đại gia đình.
Đi từ lời chứng thực tế của anh Ján, Đức Thánh Cha nói rằng: Anh Ján và Beáta vợ anh đã chào tôi: anh chị đã cùng nhau đặt ước mơ của gia đình trước sự đa dạng tuyệt vời về nguồn gốc, phong tục, tập quán của mình. Hơn nhiều lời nói, chính cuộc hôn nhân của anh chị là minh chứng cho sự cụ thể của việc chung sống có thể phá đổ nhiều định kiến cho rằng điều này dường như không thể vượt qua được. Không dễ gì vượt ra khỏi thành kiến, ngay cả giữa các Kitô hữu. Thật không dễ để đánh giá cao người khác, người ta thường nhìn thấy những trở ngại hoặc những kẻ thù, và diễn tả sự xét đoán mà không cần biết khuôn mặt và câu chuyện của họ.
Liên quan đến sự xét đoán, Đức Thánh Cha trích lời Chúa Giêsu: “Đừng xét đoán”. Ngài nói: “Đức Kitô nói với chúng ta: “Đừng xét đoán”. Tuy nhiên, đã bao nhiêu lần, chúng ta không chỉ ngồi lê hay đồn thổi, mà còn tự cho mình là công chính khi làm người phán xét khắt khe về người khác. Khoan dung với bản thân, nhưng lại cứng rắn với người khác. Thực tế, các xét đoán là định kiến bao nhiêu, thì chúng ta thường tô màu thêm bấy nhiêu! Đó là dùng lời nói làm biến chất vẻ đẹp của con cái Thiên Chúa, là anh em của chúng ta. Không thể hạ giảm thực tại về người khác thành những mô hình có sẵn của chính mình, không thể đóng khung người khác. Trên hết, để thực sự biết về người khác, chúng ta phải nhận biết họ: nhận biết rằng mỗi người đều mang nơi mình vẻ đẹp tuyệt vời của một người con Thiên Chúa, nơi đó phản chiếu hình ảnh Đấng Tạo Hóa.”
Đức Thánh Cha khuyến khích những người Rom sống trong sự hội nhập và phẩm giá. Ngài nói: “Sự bốc đồng và lời lẽ to tiếng chẳng giúp ích gì. Cô lập người khác không giải quyết được gì. Khi gia tăng sự đóng kín, thì sớm hay muộn cơn giận cũng bùng lên. Con đường để chung sống hòa bình là hội nhập. Đó là một quá trình hữu cơ, chậm rãi và quan trọng, bắt đầu với sự hiểu biết lẫn nhau, tiến bước với sự kiên nhẫn và hướng tới tương lai. Và tương lai sẽ thuộc về ai? Thuộc về con cái chúng ta. Chính chúng giúp định hướng chúng ta: những ước mơ lớn của chúng không thể va vào những bức tường chúng ta dựng lên. Chúng muốn phát triển cùng với những người khác, không có ngăn trở và không bị dập tắt. Chúng xứng đáng có một cuộc sống hòa nhập và tự do. Chúng là những người thúc đẩy những lựa chọn có tầm nhìn xa, vốn không tìm thấy sự đồng thuận ngay lập tức nhưng hướng đến tương lai của mọi người. Những lựa chọn can đảm phải được thực hiện vì con cái chúng ta: vì phẩm giá của chúng, vì sự giáo dục của chúng, để chúng lớn lên vừa bén rễ nơi nguồn gốc của chúng nhưng cũng đồng thời không bị ngăn trở trước những cơ hội.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cảm ơn những người đang dấn thân giúp cộng đồng người Rom. Ngài nói: “Tôi cảm ơn những người thực hiện công việc hội nhập này, ngoài việc đòi hỏi không ít vất vả, đôi khi còn phải nhận sự hiểu nhầm và vô ơn, có lẽ ngay cả trong Giáo hội.
Các linh mục, tu sĩ và giáo dân và những người bạn thân mến! Xin cảm ơn anh chị em là những người đã cống hiến thời gian cho sự phát triển toàn diện của anh chị em của mình! Cảm ơn vì tất cả công việc với những ai ở bên lề. Tôi cũng đang nghĩ đến những người tị nạn và tù nhân. Tôi đặc biệt diễn tả sự gần gũi với những ai đang bị cầm tù. Xin cám ơn cha Peter kể về các trung tâm mục vụ, nơi không chỉ trợ giúp xã hội, mà còn đồng hành cá nhân. Hãy tiến bước trên con đường này, dù không thấy được tất cả thành quả ngay lập tức, nhưng nó có tính ngôn sứ, bởi vì nó bao gồm những anh chị em rốt hết, xây dựng tình huynh đệ, gieo hòa bình. Đừng ngại đi ra để gặp gỡ những người thiệt thòi. Anh chị em sẽ thấy mình bước ra để gặp Chúa Giêsu, Người chờ đợi anh chị em ở nơi người đang cần, nơi thiếu thốn; nơi phục vụ chứ không phải nơi quyền lực; nơi nhập thể chứ không phải nơi dễ chịu. Chính người hiện diện ở đó.”
Sau bài chia sẻ, Đức Thánh Cha đọc Kinh Lạy Cha và ban phép lành cho những người hiện diện.