1. Dấu chỉ của hy vọng từ Budapest

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest đã diễn ra từ 5 đến 12 tháng 9 vừa qua, đã kết thúc với thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại quảng trường Anh Hùng. Giáo sư Gladden J. Pappin của Đại Học Dallas Texas đã tham gia Đại hội Thánh Thể này. Ông có một bài nhận định đăng trên tờ First Things số ra ngày 15 tháng 9.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nếu bạn giống như tôi, Đại hội Thánh Thể Quốc tế năm nay ở Budapest đã không nằm trong tầm ngắm của bạn. Nhưng thật tình cờ, khi tôi đến Budapest tuần trước để làm việc cho một dự án kéo dài một năm, đại hội mới bắt đầu. Tôi đã không chuẩn bị cho một tuần thật đáng khích lệ.

Trong những tháng gần đây, các phương tiện truyền thông đã chú ý đến Đại hội Thánh Thể Quốc tế, gọi tắt là IEC, với một câu hỏi duy nhất: Liệu chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Budapest để dự đại hội có bao gồm một cuộc gặp chính thức với Viktor Orbán, thủ tướng Hung Gia Lợi hay không. Chuyện đó đã xảy ra. Ngoại trừ chuyện đó, IEC, được tổ chức từ ngày 5 tháng 9 đến 12 tháng 9 không mấy khi được đưa tin — ngoại trừ từ các phương tiện truyền thông địa phương và EWTN. Do đó, ít ai biết rằng IEC của Budapest là lần đầu tiên có một vị giáo hoàng tham dự trong suốt 21 năm qua. Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng vào ngày Chúa Nhật đã được cử hành bằng tiếng Latinh kèm theo các bài thánh ca Grêgoriô. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã khiến đám đông thích thú khi đọc thuộc lòng một vài cụm từ bằng tiếng Hung Gia Lợi, là ngôn ngữ nổi tiếng khó học. Andrassy Avenue, đại lộ lớn dẫn đến Quảng trường Anh hùng, chật ních, ngút ngàn người là người, đến mức mắt thường khó có thể nhìn thấy hết được.

Tuy nhiên, đại hội cũng đầy những ấn tượng vì một số lý do khác. Khi hàng trăm nghìn người xếp hàng trên đường phố để tham dự các thánh lễ và đám rước, khẩu trang y tế hiếm khi xuất hiện, và sự kiện này không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đang gây ra các tranh cãi hàng ngày ở Mỹ và các nơi khác.

Và sự khác biệt của Công Giáo Hung Gia Lợi đã được thể hiện rõ ràng, bắt đầu từ Thánh lễ khai mạc của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco vào ngày 5 tháng 9. Tại buổi lễ này, một dòng các áo chùng thâm của các linh mục kéo dài vô tận dọc theo vỉa hè của Quảng trường Anh hùng. Các vũ công trong trang phục truyền thống của Hung Gia Lợi biểu diễn trên sân khấu — nhưng chỉ trước, chứ không phải trong Thánh lễ. Thánh lễ tôn vinh những yếu tố đẹp đẽ nhất của truyền thống dân tộc, nhưng không có bất kỳ hoạt động vui nhộn nào thường được tổ chức trong các nghi lễ với quy mô lớn như thế này. Trên bàn thờ có một hình thánh giá tuyệt đẹp. Nhìn từ xa, nó trông hơi nhăn nhó, nhưng khi kiểm tra thì lý do rất rõ ràng: Đồ kim loại đặc biệt đã gói các thánh tích quý giá của mọi vị thánh Hung Gia Lợi vào cây thánh giá để công chúng tôn kính.

Trong suốt tuần, toàn thành phố đã lưu ý đến IEC. Các biểu tượng của Bí tích Thánh Thể có thể nhìn thấy bên ngoài mọi nhà thờ, và nhiều trưng bày, cũng như chính các nghi lễ, đã thu hút sự chú ý đến Vương miện của Thánh Stêphanô tượng trưng cho nhà nước Hung Gia Lợi. Các buổi biểu diễn âm nhạc rải rác trong tuần và các cuộc nói chuyện đóng vai trò như những buổi đưa ra các chứng tá. Tại một buổi nói chuyện, tổng thống Hung Gia Lợi János Áder đã nói về tầm quan trọng của Công Giáo trong cuộc đời ông. Mọi người Công Giáo mà tôi gặp bằng cách nào đó đều tham gia vào việc lập kế hoạch của IEC. Thật vậy, người Công Giáo Hung Gia Lợi từ lâu đã cầu nguyện sau mỗi Thánh lễ cho sự thành công của đại hội.

Khi một tuần trôi qua, ảnh hưởng của ký ức lịch sử Hung Gia Lợi đã được thể hiện rõ ràng. Vào tối thứ Ba, Nhà thờ Thánh Matthêu có từ thế kỷ 14 tổ chức Thánh lễ cầu xin cho tiến trình tuyên chân phước cho Hoàng hậu Zita của Bourbon-Parma được thuận lợi. Bà là vị Hoàng hậu cuối cùng của Áo Hung, và đã qua đời vào năm 1989. Sau đó, những buổi Kinh chiều được tổ chức để tưởng nhớ từng nhà dòng — Đa-minh, Xitô, và những dòng khác - đã bị tàn sát trong thời kỳ Liên Sô chiếm đóng quốc gia này.

Đức Hồng Y Péter Erdő đã dâng thánh lễ vào Tối Thứ Bảy tại Quảng trường Kossuth Lajos — một quảng trường rộng lớn. Tòa nhà Quốc hội Hung Gia Lợi mọc lên như một cây đại thụ khổng lồ phía sau bàn thờ. Để đánh dấu sự kiện này, di vật quý giá của Thánh Stêphanô đã được đưa từ Vương cung thánh đường Thánh Stêphanô đến Tòa nhà Quốc hội. Do đó, thánh tích, có chứa cánh tay phải của Thánh Stêphanô, đứng bên cạnh Vương miện của ngài trong tòa nhà ngay phía sau nơi vị Hồng Y cử hành Thánh lễ. Trong bản sửa đổi hiến pháp năm 2011, Vương miện của ngài đã được phục hồi và được gọi trở lại là một biểu tượng của nhà nước.

Sau đó, đám đông tham gia cuộc rước Thánh Thể dài hàng dặm từ Quốc hội đến Quảng trường Anh hùng. Chúng tôi đi ngang qua Tòa Nhà Kinh Hoàng, đó là tòa nhà thẩm vấn của Liên Sô cũ được chính phủ Orbán chuyển đổi thành bảo tàng viện để lưu giữ ký ức về những nỗi kinh hoàng trước đây trong thời kỳ cộng sản. Đang nhìn chằm chằm vào tòa nhà, người đàn ông bên trái tôi - một người Hung Gia Lợi sinh tại Mỹ, đã trở về nước vào những năm 1990 - kể cho tôi nghe chuyện ông nội của anh đã bị giam ở đó trong cuộc Cách mạng Hung Gia Lợi năm 1956. Trong khi bà của anh bị giữ bên ngoài, thì ông nội của anh ấy đã được những kẻ bắt ông bảo cho biết rằng những tiếng la hét phát ra từ phòng bên cạnh là của vợ ông. Đó là một cách để hù dọa tâm lý người bị bắt để người ấy phải khai báo.

Do đó, Đại hội Thánh Thể Quốc tế là một tuyên bố về sự tái sinh của Hung Gia Lợi và sự bền vững của đức tin. Đại hội thánh thể cuối cùng của Budapest đã được tổ chức vào năm 1938 - khi những người Công Giáo Đức bị Đức Quốc Xã cấm tham dự. Tám mươi ba năm sau, người Công Giáo Hung Gia Lợi dồn hết tâm trí vào việc làm cho công chúng nhận ra rằng Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của đời sống quốc gia của họ — và chào đón Đức Thánh Cha.

Khi tôi rời Quảng trường Anh hùng vào tối thứ Bảy, một cặp vợ chồng trung niên người Hung Gia Lợi hỏi tôi quê ở đâu. Nghe nói rằng tôi đến từ Hoa Kỳ và hiện đang sống ở Budapest, người phụ nữ chào đón tôi và nói: “Hung Gia Lợi là một nơi yên bình”. Những người phương Tây hãy cầu nguyện để quốc gia này vẫn như vậy.
Source:First Things

2. Liệu Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ có cho phép nữ vệ binh trong tương lai hay không?

Khi Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ của Đức Giáo Hoàng đang tiếp tục với kế hoạch đại tu doanh trại ở Vatican, đã có báo cáo rằng thiết kế mới có thể phù hợp với các nữ vệ binh. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu đội quân 515 tuổi có thể sẵn sàng thực hiện một thay đổi đáng kể đối với các yêu cầu nhập ngũ của họ hay không..

“Trước hết, hãy để tôi nói rằng phản ứng của báo chí Thụy Sĩ về phát biểu của tôi đã quá nhiều”, Jean-Pierre Roth, chủ tịch quỹ từ thiện tài trợ việc xây dựng mới các doanh trại của Thụy Sĩ, nói với CNA qua email.

Roth nói với tờ báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger vào đầu tuần này rằng “ngay từ đầu, điều quan trọng đối với chúng tôi là tòa nhà mới cung cấp không gian cho phụ nữ”.

Dự án xây dựng trị giá khoảng 60 triệu Mỹ Kim bao gồm kế hoạch mở rộng khu vực sinh sống cho các vệ binh, một số người hiện đang ngủ trong các phòng chung hoặc trong cá gôi nhà ở bên ngoài Vatican. Doanh trại mới sẽ cho phép mỗi lính canh có một phòng riêng với phòng tắm riêng.

Tờ The Telegraph của Anh dẫn lời Trung úy Urs Breitenmoser, phát ngôn viên của Lực lượng vệ binh Thụy Sĩ, cho biết rằng các phòng riêng có nghĩa là “trong tương lai, nếu quyết định được đưa ra, chúng tôi cũng có thể có nơi cho phụ nữ”.

Roth giải thích với CNA rằng nền tảng của tòa nhà là “quy hoạch doanh trại đáp ứng nhu cầu của Lực lượng vệ binh Thụy Sĩ trong những thập kỷ tới. Ai biết được liệu những người phụ nữ có thể được nhận vào đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ trong tương lai hay không? “

“Quyết định thuộc về Đức Thánh Cha. Quỹ của chúng tôi không có thông tin về một quyết định khả thi”, ông nói.

Để gia nhập Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, ứng cử viên phải là một nam giới Công Giáo độc thân có quốc tịch Thụy Sĩ trong độ tuổi từ 19 đến 30, cao ít nhất 5 feet, 8 inch.

Các lính canh được phép kết hôn khi đang tại ngũ, và một số lính canh sống trong gia đình với vợ và con của họ.

“Mục tiêu chính của dự án là cung cấp nhiều căn hộ hơn cho những vệ binh đã lập gia đình. Doanh trại sẽ có 25 căn hộ cho các gia đình”, Roth nói.

Việc cải tạo, đang trong giai đoạn lập kế hoạch từ năm 2016, vẫn chưa có ngày bắt đầu xây dựng, mặc dù một số báo cáo đã trích dẫn việc khởi công sẽ xảy ra năm 2023. Roth nói rằng dự án đang được thảo luận bởi Ủy ban Bất động sản của Vatican và sau đó phải được sự chấp thuận của UNESCO. Công việc dự kiến sẽ mất vài năm.

Roth lưu ý rằng nhiều quốc gia có nữ binh sĩ và cảnh sát, vì vậy “có thể Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ cũng sẽ có nữ vệ binh”.

“Là những nhà lập kế hoạch cẩn thận, chúng tôi phải xem xét sự phát triển đó như một phương án khả thi”, ông nói thêm. “Do đó, chúng tôi đã dự kiến các phòng đơn dành cho tất cả những người bảo vệ không kết hôn và cấu trúc bên trong linh hoạt của tòa nhà cho phép tạo ra một khu vực phụ nữ. Đó chỉ là ý thức tốt và lập kế hoạch cẩn thận”.

Doanh trại mới cũng cần thiết để thích ứng với sự phát triển, vì Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã mở rộng từ 110 lên 135 lính canh vài năm trước.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay là ai?

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 15 tháng 9, có một bài nghiên cứu khá thú vị của Daniel Esparza nhan đề “The first pope who traveled by plane”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trước Công đồng Vatican II, các Đức Giáo Hoàng hiếm khi đi ra ngoài thành phố Rôma.

Đức Innocent 12 là vị giáo hoàng có râu cuối cùng, Đức Clement thứ 8 là người đầu tiên thử cà phê, và Đức Leo 10 là người đầu tiên và cuối cùng nuôi voi làm thú cưng. Còn Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, được gọi là “Giáo hoàng hành hương” là người đầu tiên đi du lịch bằng máy bay. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên rời Ý kể từ năm 1809, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm tất cả các lục địa.

Ngài đã có những chuyến thăm mục vụ đến Uganda, và do đó trở thành vị Giáo Hoàng tại vị đầu tiên trong lịch sử đến Phi Châu và Phi Luật Tân, tham dự các đại hội thánh thể ở Bombay, Ấn Độ và Bogotá, Colombia, và phát biểu trước Liên Hợp Quốc tại Thành phố New York ở Tháng 10 năm 1965.

Thời nay, chúng ta có thể quen nhìn thấy các vị Giáo Hoàng đi tông du khắp thế giới, nhưng trong các thế kỷ trước, việc một vị Giáo Hoàng đi du lịch bên ngoài Rôma là một điều ngoại thường. Trong 500 năm đầu tiên của Kitô Giáo, các vị Giáo Hoàng chỉ rời khỏi Rôma nếu bị buộc phải làm như thế, thường là do bị chính quyền đế quốc đưa đi lưu vong. Trên thực tế, lưu đày dường như là quy luật trong những ngày đầu của Kitô Giáo. Đức Giáo Hoàng Clement Đệ Nhất, tức là vị giáo hoàng thứ tư, ngay sau Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Linus và Đức Giáo Hoàng Cletus, đã bị hoàng đế Trajan lưu đày, và sau đó tử vì đạo tại Biển Đen vào khoảng năm 99. Đức Giáo Hoàng Pontian trị vì từ năm 230 đến năm 235 đã chết trong thời gian lưu vong ở Sardinia. Đức Giáo Hoàng Cornelius trị vì từ năm 251 đến năm 253 cũng qua đời sau một năm lưu đày ở Civitavecchia, chỉ cách Rôma 80 cây số. Đức Giáo Hoàng Liberius trị vì từ năm 352 đến năm 366 bị hoàng đế Constantius Đệ Nhị đày đến Beroea. Nhưng lưu đày không thể được coi là “đi du lịch”.

Từ thế kỷ thứ sáu trở đi, chúng ta thấy có ít nhất ba vị Giáo Hoàng đi từ Rôma đến Constantinople: Đức Vigilius năm 547, Đức Agatho năm 680, và Đức Giáo Hoàng Constantine năm 710. Đức Giáo Hoàng Stêphanô Đệ Nhị trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên vượt qua dãy Alps vào năm 752 để trao vương miện cho Pepin the Short, và Đức Piô Đệ Thất đã làm điều tương tự khoảng một nghìn năm sau trong lễ đăng quang của Napoléon. Nhưng, tất nhiên, không ai trong số các vị đi bằng máy bay.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện nhiều chuyến tông du hơn tất cả những vị tiền nhiệm của ngài cộng lại: ngài đã đi khoảng 721,052 dặm, trong 31 chuyến tông du khắp thế giới. Nhưng Đức Phaolô VI vẫn giữ danh hiệu không chỉ là vị Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay, mà còn là vị đầu tiên tông du bên ngoài Âu Châu. Chuyến đi của ngài đã nêu gương cho các vị Giáo Hoàng tiếp theo, và được tiếp tục bởi các vị kế vị của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Chuyến đi đầu tiên của Đức Phaolô Đệ Lục bên ngoài Âu Châu là chuyến hành hương đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Thánh Địa trong lịch sử. Ngài thăm cả Jordan và Israel vào tháng Giêng năm 1964. Vào tháng 12 cùng năm đó, ngài đã đi đến Li Băng và Ấn Độ. Vào tháng 10 năm 1965, ngài đến thành phố New York và gặp Tổng thống Lyndon B. Johnson, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Yankee.


Source:Aleteia