Chúa Nhật 19 tháng 9, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 25 Mùa Quanh Năm, bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta một tình cảnh trớ trêu: Trong khi Chúa loan báo về cuộc thương khó và cái chết của Ngài, các môn đệ lại tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 9, 30-37) thuật lại rằng, trên đường lên Giêrusalem, các môn đệ của Chúa Giêsu đã thảo luận “với nhau, ai là người lớn nhất” (c. 34). Vì vậy, Chúa Giêsu đã hướng những lời gay gắt về phía họ, những lời mà vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (câu 35). Nếu anh chị em muốn đứng đầu, anh chị em cần phải xếp hàng, xếp cuối cùng và phục vụ mọi người. Thông qua cụm từ gây ngỡ ngàng này, Chúa mở đầu cho một sự đảo ngược: Ngài lật ngược các tiêu chí về những gì thực sự quan trọng. Giá trị của một người không còn phụ thuộc vào vai trò của họ, công việc họ làm, số tiền họ có trong ngân hàng. Không, không, không, nó không phụ thuộc vào những điều này. Sự vĩ đại và thành công trong mắt Thiên Chúa được đo lường một cách khác: chúng được đo lường bằng sự phục vụ. Không phải những gì ai đó đang sở hữu, nhưng dựa vào những gì người đó trao ban. Anh chị em có muốn là người lớn nhất không? Hãy phục vụ. Đây là con đường.

Ngày nay, từ “phục vụ” có vẻ hơi lỗi thời, và bị biến dạng vì lạm dụng. Nhưng nó có một ý nghĩa chính xác và cụ thể trong Tin Mừng. Phục vụ không phải là một cách diễn đạt nhã nhặn: phục vụ nghĩa là hành động như Chúa Giêsu, Đấng, khi tóm tắt cuộc đời mình trong một vài từ, đã nói rằng Ngài đến “không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ” (Mc 10,45). Đây là những gì Chúa đã nói. Vì vậy, nếu muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải đi theo con đường mà chính Người đã vạch ra, con đường phục vụ. Sự trung thành của chúng ta với Chúa tùy thuộc vào sự sẵn lòng phục vụ của chúng ta. Và chúng ta biết điều này thường phải trả giá đắt, bởi vì “phục vụ có hương vị giống như một cây thánh giá”. Tuy nhiên, khi sự quan tâm và sẵn sàng của chúng ta đối với người khác ngày càng tăng, chúng ta trở nên tự do hơn trong lòng, và giống như Chúa Giêsu hơn. Càng phục vụ, chúng ta càng ý thức về sự hiện diện của Chúa. Trên hết, khi chúng ta phục vụ những người không thể hồi đáp những người nghèo, đón nhận những khó khăn và nhu cầu của họ với lòng trắc ẩn, dịu dàng: thì đến lượt chúng ta, chúng ta khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa và đón nhận tình yêu đó.

Sau khi nói về tính ưu việt của sự phục vụ, Chúa Giêsu đã minh họa chính xác điều này. Chúng ta đã thấy rằng hành động của Chúa Giêsu mạnh hơn lời Ngài dùng. Và hành động đó là gì? Thưa: Ngài bế một đứa trẻ và đặt cháu bé ở giữa các môn đệ, ở trung tâm, ở vị trí quan trọng nhất (xem câu 36). Trong Tin Mừng, đứa trẻ không tượng trưng cho sự ngây thơ cho bằng sự rốt cùng. Vì giống như trẻ em phụ thuộc vào người lớn, những người rốt cùng phụ thuộc vào người khác. Chúa Giêsu ôm những đứa trẻ đó và nói rằng những ai chào đón một đứa trẻ nhỏ, là chào đón Ngài (xem câu 37). Những người cần được phục vụ trên hết là: những người túng quẫn, những người không thể hồi đáp. Chúng ta hãy phục vụ những người cần nhận nhưng không thể hồi đáp lại. Khi chào đón những người bên lề, những người bị bỏ rơi, chúng ta chào đón Chúa Giêsu vì Ngài ở đó. Và nơi những người bé nhỏ, nơi người nghèo mà chúng ta phục vụ, ở đó chúng ta nhận được vòng tay âu yếm của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, trước thách đố của Tin Mừng, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi, người theo Chúa Giêsu, có quan tâm đến người bị bỏ rơi không? Hay tôi thích tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân, giống như các môn đệ ngày đó? Hay tôi chỉ hiểu cuộc sống ở khía cạnh cạnh tranh để giành giật cho bản thân với giá phải trả của người khác? Hay tôi tin rằng trở thành người đầu tiên có nghĩa là phục vụ? Và, cụ thể là: tôi có dành thời gian cho “một đứa trẻ”, cho một người không có cách nào để hồi đáp cho tôi không? Tôi có lo lắng về một người không thể cho tôi bất cứ thứ gì để đáp lại, hay tôi chỉ cho người thân và anh chị em bạn bè của tôi? Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần tự hỏi mình.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, tôi tớ khiêm nhường của Chúa, giúp chúng ta hiểu rằng phục vụ không phải là xem thường chính mình, nhưng là giúp mình trưởng thành. Và rằng cho thì được nhiều niềm vui hơn là nhận (xem Cv 20:35).

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi gần gũi các nạn nhân của trận lụt xảy ra ở Bang Hidalgo của Mễ Tây Cơ, đặc biệt là những bệnh nhân đã chết trong bệnh viện Tula và gia đình của họ.

Tôi xin cam đoan lời cầu nguyện của mình cho những người bị giam giữ vô cớ ở nước ngoài: thật không may, nhiều trường hợp như thế đã xảy ra, vì những nguyên nhân khác nhau, và đôi khi, phức tạp. Tôi hy vọng rằng, khi công lý được thực thi đầy đủ, những người này có thể trở về quê hương càng sớm càng tốt.

Tôi chào tất cả các anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương từ các quốc gia khác nhau - người Ba Lan, người Slovakia, những người đến từ Honduras - anh chị em thật tuyệt! - các gia đình, các nhóm, hiệp hội và các tín hữu. Đặc biệt, tôi chào mừng các ứng viên Thêm Sức từ Scandicci và Hiệp hội Sinh viên Allievi do Tôi tớ Chúa, Cha Gianfranco Maria Chiti, một tu sĩ dòng Capuchin, thành lập, nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Ngài.

Suy nghĩ của tôi dành cho những người đang tập trung tại Đền La Salette ở Pháp, nhân kỷ niệm 175 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, và rơi nước mắt với hai đứa trẻ. Những giọt nước mắt của Đức Maria khiến chúng ta liên tưởng đến những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đối với Giêrusalem và nỗi thống khổ của ngài ở Giệtsimani: Những giọt lệ ấy phản ánh sự đau khổ của Chúa Giêsu vì tội lỗi của chúng ta và là lời kêu gọi luôn mang tính thời đại, hãy phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tôi hy vọng tất cả các anh chị em tận hưởng ngày Chúa Nhật của anh chị em và làm ơn, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.

Các bạn trẻ Immacolata thật tuyệt vời!
Source:Holy See Press Office