1. Một thầy Dòng Augustinô gặp tai nạn liệt hết tứ chi, được cho phép thụ phong linh mục, sắp được tuyên thánh.
Tiến trình tuyên thánh cho Cha Bill Atkinson, một linh mục dòng Augustinô từ Philadelphia qua đời năm 2006, đã tiến gần hơn một bước nữa. Trong một buổi lễ vào hôm thứ Ba, Tổng Giáo phận Philadelphia đã chính thức khép lại giai đoạn cấp giáo phận, đây là bước đầu tiên của tiến trình này. Tổng giáo phận hiện sẽ bàn giao toàn bộ tài liệu cho Rôma để kiểm tra thêm.
“Ngài thực sự là một người đàn ông rất trầm lặng, một người khiêm tốn, nhưng là một cá nhân rất đạo đức và dấn thân sâu sắc với đời sống tu trì, với bản sắc Augustinô, và đã phục vụ tận tâm trong 30 năm với những người ở những trường học”, Cha Michael Di Gregorio, OSA, giám tỉnh tiền nhiệm của Tỉnh Dòng Thánh Thomas thành Villanova, nơi Cha Bill là một thành viên, cho biết như trên.
Cha Bill là linh mục đầu tiên được thụ phong linh mục bị liệt tứ chi. Ngài bị liệt từ cổ trở xuống trong một tai nạn xe trượt tuyết trong năm đầu tiên làm việc tại nhà tập của Dòng Thánh Augustinô.
Cha Michael cho biết: “Cha ấy luôn đáp ứng những yêu cầu được đưa ra đối với chức vụ của mình mặc dù những người khác đang ở trong những tình huống khuyết tật như ngài hầu chắc sẽ thoái thác”.
Ngài thường đến thăm các bệnh viện và nói chuyện với các cựu chiến binh đã bị thương, sử dụng kinh nghiệm của bản thân để phục vụ những người khuyết tật.
Cha Michael nói: “Có điều gì đó rất bình thường về Cha Bill về cách ngài làm công việc của mình. Điểm đặc biệt là ngài đã làm công việc của mình, chức vụ của mình, thực hiện chức tư tế của mình trong hoàn cảnh rất hạn chế - một hạn chế về thể chất, nhưng chắc chắn không có bất kỳ hạn chế nào trong khả năng tinh thần hoặc ý chí và mong muốn được phục vụ của ngài”.
Sinh ra ở Philadelphia vào năm 1946, Cha Bill vào nhà tập sau một năm dự bị tại Học viện Augustinô ở Đảo Staten, New York. Trong vụ tai nạn nghiêm trọng đến mức mọi người không rõ Cha Bill có sống sót hay không, vì thế ngài đã tuyên thệ những lời thề đầu tiên từ trên giường bệnh. Ngài bắt đầu một quá trình phục hồi chức năng dài và sâu rộng và tiếp tục ở nhà tập.
Cha Michael, người đã sống với Cha Bill trong vài năm đào tạo cho biết: “Tôi thực sự nhận thấy rằng ngài giống như một trong những người còn lại trong chúng tôi. Ngài ngồi trên xe lăn và luôn cần sự trợ giúp của những người xung quanh, nhưng ngài đã tham gia vào mọi việc mà chúng tôi làm. Ngài luôn cầu nguyện. Ngài đến dùng bữa với chúng tôi và không muốn ai phải lo cho mình.”
Gần chín năm sau tai nạn, Cha Bill đã hoàn thành việc học của mình và thỉnh cầu Thánh Phaolô Đệ Lục cho được thụ phong linh mục. Đức Giáo Hoàng đã ban phép miễn chuẩn và vào ngày 2 tháng 2 năm 1974, Cha Bill được thụ phong linh mục.
“Ngài đã làm những gì cần làm bất kể là việc đó có đi đến đâu hay không. Sự kiên trì là một dấu ấn tuyệt vời trong cuộc đời ngài.”
Cha Bill qua đời ngày 15 tháng 9 năm 2006, tại Tu viện Thánh Tôma thuộc Đại học Villanova. Vài năm sau, các nhà Augustinô quyết định xem xét khả năng đưa ra án tuyên thánh. Cha Bề Trên Tổng quyền đã gặp gỡ những người thân, anh em, bạn bè và những người chăm sóc Cha Bill, và yêu cầu họ giải thích cho ngài lý do họ muốn Cha Bill được tuyên th1nh.
Vào năm 2015, Đức Tổng Giám Mục Chaput đã chỉ định một tòa án và một ủy ban lịch sử để xem xét tài liệu về Cha Bill. Tòa án được giao nhiệm vụ phỏng vấn những người biết Cha Bill và những người muốn đưa ra lời khai về án tuyên thánh.
Source:Catholic News Agency
2. Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã trả lời bức thư của Đức Gioan Phaolô II bằng một phép lạ
Kỷ niệm ngày lễ nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, và ngày ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “Padre Pio replied to John Paul II’s letter with a miracle”, nghĩa là “Cha Piô Năm Dấu Thánh đã trả lời bức thư của Đức Gioan Phaolô II bằng một phép lạ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Đức Gioan-Phaolô II đã viết một lá thư cho Cha Piô Năm Dấu Thánh để xin những lời cầu nguyện và vị thánh đã đáp lại bằng một phép lạ.
Năm 1947, khi mới được thụ phong linh mục, Cha Karol Wojtyla, sau này là Đức Gioan Phaolô II, đã đến thăm Cha Piô Năm Dấu Thánh để gặp vị tu sĩ Capuchin nổi tiếng này. Đó là một chuyến thăm ngắn ngủi, nhưng Cha Wojtyla không quên chuyến viếng thăm ấy, vì sau đó ngài đã viết một bức thư cho Cha Piô Năm Dấu Thánh để xin những lời cầu nguyện.
Bức thư được viết bằng tiếng Latinh vào năm 1962, khi Cha Wojtyla đã trở thành một giám mục ở Ba Lan. Sau đây là một đoạn trích trong bức thư từ cuốn sách The Making Of The Pope Of The Millenium, nghĩa là Việc Hình Thành Nên Vị Giáo Hoàng Của Thiên Niên Kỷ.
Thưa Cha, tôi xin Cha cầu nguyện cho một phụ nữ khoảng 40 tuổi, mẹ của 4 cô con gái, là người đã phải ở trại tập trung ở bên Đức suốt 5 năm trong thời gian chiến tranh. Hiện tại tính mạng của cô đang bị đe dọa bởi khối u. Xin Chúa qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Cực Thánh bày tỏ lòng thương xót của Ngài đối với người phụ nữ này và gia đình của cô ấy.
Đức Gioan-Phaolô II không bao giờ nhận được thư hồi âm từ Cha Piô Năm Dấu Thánh, nhưng một vài ngày ngắn ngủi sau đó, đã xảy ra một phép lạ. Đức Gioan-Phaolô II đã viết một lá thư gửi lại Cha Piô Năm Dấu Thánh, bày tỏ niềm vui của ngài.
Thưa Cha, người phụ nữ ở Krakow đã được chữa lành ngay lập tức vào ngày 21 tháng 11 trước khi cần đến can thiệp phẫu thuật. Tôi xin tạ ơn Chúa. Tôi cũng cảm ơn Cha.
Không có gì ngạc nhiên khi Thánh Gioan Phaolô II trở thành người ủng hộ mạnh mẽ cho Thánh Piô Năm Dấu Thánh khi ngài trở thành giáo hoàng. Ngài đã phong thánh cho vị tu sĩ Capuchin vào năm 2002.
Source:Aleteia
3. Nhiều người lớn từ Afghanistan, Iran chuẩn bị được rửa tội thành người Công Giáo ở Vienna
11 người đến từ Afghanistan nằm trong số 27 người trưởng thành sẽ sớm được rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại tổng giáo phận Vienna của Áo.
Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna đã chính thức chào đón các ứng viên cho lễ rửa tội cho người lớn trong một buổi lễ vào ngày 20 tháng 10 tại một nhà thờ của dòng Carmêlô ở quận Döbling của thành phố.
Ngoài 11 người Afghanistan, còn có 6 người Iran và 4 người Áo, những người còn lại đến từ 5 quốc gia khác.
Hơn 2/3 trong số các vị này là nam giới và trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Vị Hồng Y 76 tuổi nói với các ứng viên: “Việc trở thành một Kitô Hữu mang lại hy vọng lớn hơn những vấn đề và khủng hoảng của thế giới này và cũng lớn hơn những tấn kích cá nhân của số phận mà một số các bạn đã trải qua.”
Theo nhóm vận động cho tự do tôn giáo Open Doors, Afghanistan là quốc gia trong đó tình trạng của các tín hữu Kitô tồi tệ thứ hai trên thế giới chỉ sau Triều Tiên. Iran xếp ở vị trí thứ tám.
Daniel Vychytil, người giám sát nhóm bí tích khai tâm dành cho người lớn ở Vienna và ở cấp quốc gia, nói với hãng thông tấn Công Giáo Áo Kathpress rằng nhiều người muốn được rửa tội là những người đã được cấp quy chế tị nạn. Chi tiết này nhằm bác bỏ ý kiến cho rằng họ xin được rửa tội để được cấp quy chế tị nạn. Thực tế, họ đã được cấp quy chế tị nạn rồi, biết chắc mình không phải quay trở lại cố hương, họ mới xin được rửa tội. Những người này hầu hết đã có cảm tình với Công Giáo qua các chứng tá của các nhà truyền giáo và các cơ quan bác ái Công Giáo.
Sau khi Taliban nắm chính quyền ở Afghanistan vào tháng 8, người Afghanistan ở Áo lập tức nhận được giấy phép cư trú.
Nhưng những người Afghanistan đã rửa tội thường lo lắng về các thành viên trong gia đình vẫn ở lại quê hương của họ.
Vychytil nói: “Ngay cả khi họ đã được cho phép tị nạn, người thân trước tiên phải xoay sở để trốn sang Pakistan và nộp đơn đến đại sứ quán Áo để được đoàn tụ gia đình.
Ông nói thêm rằng cũng có một số các ứng viên rửa tội người Afghanistan lần đầu gặp gỡ Kitô Giáo trên hành trình rời Afghanistan hoặc ở chính nước Áo. Nhưng nhắc lại rằng một số người đã có “kinh nghiệm tôn giáo rất sâu sắc” từ khi còn ở quê nhà.
“Một số đã tin vào Chúa Giêsu Kitô qua những cuộc trò chuyện với những người đồng hương đã cải đạo và đang tích cực trong công việc truyền giáo, những người khác qua những chuyến viếng thăm không gian nhà thờ, nơi họ cảm nhận được sự yên bình và tĩnh lặng sâu sắc và gặp gỡ Thiên Chúa”.
Vychytil nói thêm rằng anh biết những người Afghanistan trong những năm trước đã bị trục xuất khỏi Áo ngay cả sau khi đã được rửa tội.
Kathpress cho biết ở Áo, số lượng người trưởng thành rửa tội – tức là những người từ 14 tuổi trở lên - đã tăng lên kể từ đầu thiên niên kỷ, đạt đỉnh cao vào năm 2017.
Tương tự như các giáo phận khác của Áo, tổng giáo phận Vienna nhận các ứng viên rửa tội mỗi năm vào mùa xuân, nhưng có một buổi lễ khác vào mùa thu dành cho các ứng viên trưởng thành bắt đầu chuẩn bị muộn hơn.
Lễ rửa tội diễn ra tại các giáo xứ địa phương xung quanh Lễ Chúa Kitô Vua, rơi vào ngày 21 tháng 11 năm nay.
Vychytil ước tính rằng sẽ có khoảng 200 người lớn được rửa tội ở Áo trong năm nay, 80 người trong số họ ở tổng giáo phận Vienna.
Có khoảng 45,000 trẻ sơ sinh được rửa tội hàng năm ở Áo, một quốc gia trung tâm Âu Châu với chín triệu dân, khoảng 57% trong số đó là người Công Giáo được rửa tội.
Source:Catholic News Agency