1. Đức Hồng Y Sri Lanka cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ tình đoàn kết với Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka trong nỗ lực tìm kiếm công lý cho các nạn nhân của các vụ đánh bom vào hôm Chúa Nhật Lễ Phục sinh năm 2019.
Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Colombo cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho tôi một lá thư viết tay của ngài bằng tiếng Ý hỏi xem Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka yêu cầu Đức Giáo Hoàng nên có hành động gì liên quan đến cuộc điều tra vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh”.
Đức Hồng Y đã mô tả nội dung của bức thư trong cuộc họp trực tuyến ngày 24 tháng 10 về các cuộc điều tra do Diễn đàn Công lý Sri Lanka có trụ sở tại Úc, tổ chức nhằm ủng hộ việc đòi công lý cho các nạn nhân của vụ tấn công.
Đức Giáo Hoàng hứa sẽ chú ý theo dõi các diễn biến, cầu nguyện cho người dân Sri Lanka và mở rộng sự hỗ trợ cho tất cả những người tìm kiếm công lý.
“Như các bạn đã biết, Đức Thánh Cha nhận thức được tình hình và rất ủng hộ chúng tôi,” Đức Hồng Y Ranjith nói thêm.
Đức Hồng Y đọc các đoạn trích từ bức thư trong đó Đức Giáo Hoàng nói rằng “tình hình làm cho tôi rất buồn.”
“Tôi hứa sẽ cầu nguyện nhiều hơn và luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì anh chị em thấy cần thiết. Ngày mai tôi sẽ nói chuyện với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về việc này”, bức thư viết.
“Tôi nhớ rằng trong những ngày đó Đức Hồng Y đã can đảm như thế nào để ngăn chặn bất kỳ sự trả thù nào của các Kitô Hữu và Đức Hồng Y đã cùng với các lãnh tụ của cộng đồng Hồi giáo đến gặp họ để họ có thể chứng kiến tình bạn giữa các tôn giáo. Tôi không quên tấm gương mục tử này. Xin hãy tin tưởng vào tôi và cho biết điều gì tốt nhất nên được thực hiện từ đây”, Đức Giáo Hoàng viết.
Đức Hồng Y Ranjith nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với tiến độ điều tra của các cơ quan thực thi pháp luật đối với vụ tấn công và nỗ lực của chính phủ nhằm phá hoại các cuộc điều tra này.
Người Sri Lanka ở hải ngoại đã tổ chức các cuộc biểu tình, chẳng hạn trong các chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa khi ông tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Thành phố New York và trong chuyến công du Ý của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Các cuộc biểu tình tập trung vào việc thiếu công lý cho các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 21 tháng 4 năm 2019, tại hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành và ba khách sạn, khiến hơn 300 người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Các quan chức Công Giáo ở Sri Lanka đã nhiều lần tìm kiếm sự minh bạch trong các cuộc điều tra và quy trình xét xử liên quan đến các vụ tấn công. Đức Hồng Y Ranjith trước đó đã thông báo cho Vatican về những lo ngại của Giáo Hội địa phương và đã được bảo đảm rằng vấn đề sẽ được nêu ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva.
Source:Crux
2. Ma quỷ gõ trên điện thoại và ném chén dĩa. Tường thuật của nhà trừ tà
Đức Ông Stephen Rossetti là phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua tại giáo phận Syracuse, Hoa Kỳ. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #160: A Wild, Dark Week”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 160. Một tuần lễ đầy những kinh hoàng và tối tăm”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Đó là một tuần kinh hoàng, tăm tối...
Đầu tiên, khi bắt đầu một buổi cầu nguyện, một người đau khổ nhận được một tin nhắn từ mụ phù thủy đang hành hạ anh ta. Bà ta nhắn tin một cách mỉa mai: “Tôi đã sẵn sàng cho buổi cầu nguyện. Thần của tôi cũng sẵn sàng”. Bà ta biết thời điểm chính xác mà chúng tôi sẽ bắt đầu, đó là điều mà con người không thể làm được. Những con quỷ đã cho bà ta kiến thức huyền bí này. Bà ta đang cố gắng làm chúng tôi sợ hãi và hành hạ chúng tôi, để cho thấy rằng bà ta và vị thần của bà ấy có quyền lực và trên cơ chúng tôi.
Thứ hai, trong tuần lễ này, một trong những người nhạy cảm thiêng liêng có năng khiếu của chúng tôi đã tham gia vào một nỗ lực thánh thiện nhằm đe dọa ma quỷ. Vì vậy, trước mắt cô, chúng cầm chiếc đĩa sứ của cô và ném nó ngang qua căn phòng. Nó bị vỡ thành nhiều mảnh khi đập vào tường. Những con quỷ đang khẳng định sức mạnh của chúng và cố gắng khiến cô ấy sợ hãi, và phải phục tùng.
Thứ ba, giữa một trong những trường hợp căng thẳng nhất của chúng tôi, nhóm của chúng tôi nhận được một tin nhắn ma quỷ dài thoòng. Thông điệp có những lời chế nhạo tiêu biểu của ma quỷ: “Bạn không thể giúp cô ấy; Bạn đã thất bại; Bạn tưởng tượng rằng bạn là người công bình và kính sợ Chúa... thực sự sẽ không đi đến đâu; Cô ấy sẽ chết vào cuối tháng này.”
Một người bạn của nạn nhân đang ở trong phòng và nhìn thấy chiếc điện thoại trên bàn một mình. Anh ta nói rằng nó đã gõ văn bản mà không có bất kỳ người nào ở gần. Những con quỷ một lần nữa cố gắng đưa ra quan điểm của chúng: chúng trên cơ chúng tôi và chúng tôi nên sợ chúng.
Đập bát đĩa. Quỷ nhắn tin. Phù thủy chửi bới. Đó là một tuần kinh hoàng và tăm tối. Nhưng trong mỗi trường hợp, các thành viên trong nhóm tràn đầy đức tin của chúng tôi tiếp tục thực hiện sứ vụ của họ, không hề nao núng trước những mối đe dọa của ma quỷ. Họ tràn đầy tin tưởng vào Chúa Phục Sinh. Tôi thật may mắn khi được ở bên những người can đảm như vậy.
Source:Catholic Exorcism
3. Kinh nghiệm của một Tổng Giám Mục với bọn cầm quyền: Họ xoa mình một cái, là để chuẩn bị thọi mình một cú
Trong một diễn biến quan trọng, Thủ tướng Narendra Modi dự kiến sẽ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô, tại Vatican vào hôm thứ Sáu, trước khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài hai ngày ở Rôma. Tuy nhiên, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một Tổng giám mục Công Giáo Ấn Độ đã lên tiếng cảnh giác anh chị em giáo dân chớ có vội mừng. Kinh nghiệm cho thấy, khi họ xoa mình một cái, là họ đang chuẩn bị thọi mình một cú.
Ngài đặc biệt đề cập đến một cuộc khảo sát do chính quyền Ấn Độ đề xuất liên quan đến các nhà truyền giáo Kitô và nơi thờ tự của họ.
Đức Tổng Giám Mục Peter Machado của Bangalore đã đưa ra một tuyên bố trước các báo cáo của giới truyền thông rằng chính quyền bang Karnataka, phía tây nam Ấn Độ, dự định thực hiện một cuộc khảo sát trong khi cân nhắc xem có nên thông qua luật chống cải đạo hay không.
“Chúng tôi coi cuộc khảo sát này là vô ích và không cần thiết”. Đức Tổng Giám Mục nói.
“Trên thực tế, trong bối cảnh các câu chuyện cải đạo hoang đường và tình cảm chống đối các tôn giáo đang được hô hào, việc thực hiện những cuộc điều tra như vậy là rất nguy hiểm.”
“Với cuộc khảo sát này, các nơi thờ phượng của cộng đồng chúng tôi cũng như các mục tử, tu sĩ nam nữ, và anh chị em chúng tôi sẽ được xác định, khoanh vùng và có thể bị nhắm mục tiêu không công bằng. Chúng tôi đã nghe nói về những biến cố lẻ tẻ như vậy ở phía bắc và ở Karnataka.”
Tám trong số 29 bang của Ấn Độ đã thông qua luật chống cải đạo, nhằm ngăn chặn việc chuyển từ Ấn Độ giáo sang các tôn giáo thiểu số bằng “vũ lực” hoặc “xúi giục”.
Theo điều tra dân số năm 2011, Kitô Hữu chiếm 2.3% dân số Ấn Độ, sau Ấn Độ giáo (79.8%) và Hồi giáo (14.2%).
Riêng tại bang Karnataka trong dân số 64 triệu người, 84% là người theo Ấn Giáo, 13% theo đạo Hồi và chỉ có 2% theo Kitô Giáo.
Đức Tổng Giám Mục Machado, người chịu trách nhiệm chăm sóc một đàn chiên 400,000 tín hữu, nhấn mạnh rằng Giáo Hội đã luôn phản đối “những cuộc cải đạo cưỡng bức, gian lận và bị xúi giục”.
Ngài nói thêm rằng cộng đồng Công Giáo tuân thủ Hiến pháp “tối cao và thiêng liêng” của Ấn Độ.
Vị tổng giám mục 67 tuổi kết luận: “Cộng đồng Kitô hữu yêu nước, tuân thủ luật pháp và muốn hết lòng phục vụ những người nghèo khổ và bị áp bức trong đất nước. Chúng tôi cần sự hỗ trợ và khuyến khích từ chính phủ”.
Source:Catholic News Agency