1. Giả danh Công Giáo để thoát hiểm, rồi gia nhập Công Giáo thực sự, và cuối cùng trở thành một linh mục

Cha Gregor Pawlowski, tên khai sinh là Jacob Zvi Griner, lớn lên trong một gia đình Do Thái ở Zamosc, Ba Lan. Năm 1942, khi lên 11 tuổi, quân đội Đức đến thị trấn của ngài và ra lệnh bắt tất cả người Do Thái.

Griner, mẹ và hai chị gái của ngài trốn trong tầng hầm. Khi quân Đức phát hiện ra họ, Griner đã tìm cách trốn thoát, nhưng mẹ và các chị em gái của ngài bị đưa đến nghĩa trang Do Thái ở Izbica, nơi họ bị tàn sát trong một ngôi mộ tập thể. Cha của Griner có lẽ cũng đã bị giết, và anh trai của ngài là Chaim đã trốn sang Nga.

Sử dụng giấy chứng nhận rửa tội Công Giáo giả mạo do một thiếu niên Do Thái trao cho mình, cậu Griner cuối cùng được đưa vào trại trẻ mồ côi Công Giáo do Hội Hồng Thập Tự Ba Lan điều hành.

Chính tại đây, Griner đã tiếp nhận đức tin Công Giáo.

“Tôi xuất thân từ một gia đình sùng đạo sâu sắc và tôi rất muốn có lại tôn giáo trong cuộc đời mình,” cậu nói.

Ngài được thụ phong linh mục Công Giáo năm 1958, lấy tên “Pawlowski” từ chứng chỉ rửa tội giả mạo của mình.

Năm 1966, lần đầu tiên ngài quyết định kể câu chuyện về nguồn gốc Do Thái của mình.

“Tôi bắt đầu nhận thức được rằng tôi đã không dám tự nhận mình là ai và dân tộc của mình là dân tộc nào”.

Trong một bài báo cho một tuần báo Công Giáo Ba Lan, ngài viết, “Một số người Do Thái có thể nhìn tôi như một kẻ phản bội, nhưng tôi vẫn cảm thấy họ là những người Do Thái đáng mến.”

Khi kết hợp đức tin Công Giáo với bản sắc Do Thái của mình, ngài nói: “Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và Ngài cũng là người Do Thái và các tông đồ của Ngài cũng vậy”

Năm 1970, Cha Pawlowski nhập cư đến Israel, nơi ngài được chào đón bởi các thành viên trong hàng giáo sĩ Công Giáo, và anh trai Chaim, người đã đọc về câu chuyện của em trai mình trong một bài báo bốn năm trước đó trên tờ Jerusalem Post.

Cha Pawlowski là một thành viên Công Giáo nói tiếng Do Thái, và trong 38 năm đã phục vụ cho một cộng đồng Công Giáo Ba Lan ở Jaffa. Tấm bảng trên cửa căn hộ của ngài có hai tên: Gregorcz Pawlowski, và bên dưới nó bằng tiếng Do Thái, Zvi Griner, tên khai sinh của ngài.

Năm 1974, Cha Pawlowski trở về nghĩa trang Do Thái ở Izbica, nơi mẹ và em gái của ngài bị sát hại, và cùng với anh trai, dựng một tấm bia tưởng niệm mẹ và các chị của mình với các dòng chữ sau:

“Tôi đã bỏ rơi gia đình của mình

Để cứu mạng tôi tại thời điểm của cuộc diệt chủng.

Họ đến để đưa chúng tôi đi tiêu diệt.

Cuộc sống của tôi tôi đã cứu và đã dâng hiến nó

Để phụng sự Thiên Chúa và nhân loại.”

Lúc này, vị linh mục cũng lập khu mộ cho mình bên cạnh mộ người thân trong gia đình.

“Tôi sinh ra là một người Do Thái, tôi sống như một Kitô Hữu, và tôi sẽ chết như một người Do Thái”

Nhiều năm sau, tờ Jerusalem Post đưa tin, Giáo sĩ Shalom Malul, khoa trưởng Đại Học Amit Ashdod Yeshiva ở Israel có chuyến du lịch tới Ba Lan với các sinh viên của mình. Ông nhận thấy đài tưởng niệm mẹ và em gái của Cha Pawlowski. Malul đã liên lạc với vị linh mục khi ông trở về Israel và hai người bắt đầu tình bạn.

Theo báo cáo trên tờ Jerusalem Post, “Malul nói rằng Pawlowski nói với ông rằng ngài đã cống hiến cuộc đời mình cho Giáo Hội Công Giáo vì mạng sống của ngài đã được người Công Giáo cứu và ngài cảm thấy vô cùng cảm kích vì điều này, vì vậy đã cống hiến cuộc đời mình cho Giáo Hội Công Giáo và cộng đồng người Ba Lan”.

Ngày 25 tháng 10, thánh lễ an táng Cha Pawloski đã được cử hành tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Jaffa. Và theo nguyện vọng của Cha Pawlowski, ngài được chôn cất tại Ba Lan, bên cạnh gia đình, theo nghi lễ của người Do Thái.

Bia mộ của ngài có khắc hình bánh mì và cá, tượng trưng cho những phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện.
Source:Aleteia

2. Chỉ có 7 phụ nữ trên thế giới được mặc đồ trắng để chính thức gặp Đức Giáo Hoàng

Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tới Vatican đã thu hút sự chú ý của thế giới vì nhiều lý do khác nhau trong đó có chuyện Melania và Ivanka đều mặc những trang phục mầu đen và đeo mạng che mặt để gặp Đức Thánh Cha.

Tòa thánh không áp đặt quy định bắt buộc về trang phục, nhưng đề xuất một quy định cho các cuộc viếng thăm và tiếp kiến cấp nhà nước với Đức Giáo Hoàng, cho cả nam và nữ.

Đối với người nữ, giao thức yêu cầu một trang phục màu đen với đường viền cổ cao, tay áo dài và mạng che mặt màu đen. Tuy nhiên, vì lý do lịch sử, một số hoàng hậu hoặc người phối ngẫu của các vị vua Công Giáo theo truyền thống được miễn sử dụng màu đen. Điều này được gọi là “privilège du blanc” hay đặc quyền mầu trắng, một đặc quyền đặc biệt được cấp theo tiêu chí của Tòa Thánh.

Hiện tại, chỉ có bảy nữ hoàng, công chúa hoặc phối ngẫu của các vị vua được ban cho “đặc quyền mầu trắng”: Đó là Nữ hoàng Leticia của Tây Ban Nha, Nữ hoàng danh dự Sofia của Tây Ban Nha, Nữ hoàng Matilde của Bỉ, Nữ hoàng Paola của Bỉ, Nữ công tước Maria Teresa của Luxembourg, Công chúa Charlene của Monaco và Công chúa Marina của Naples, là thành viên của Hạ viện Savoy.

Đó là một truyền thống nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Đức Giáo Hoàng, nhưng bản thân các Đức Giáo Hoàng không yêu cầu nhất thiết phải tôn trọng các giao thức này.

Trong những năm gần đây, một số người đứng đầu chính phủ hoặc nhà nước đã được Đức Giáo Hoàng tiếp đón mà không mặc đồ đen. Ví dụ như trường hợp của các cựu Tổng thống Ái Nhĩ Lan Mary Robinson và Mary McAleese, cũng như Raissa Gorbachev của Liên Xô cũ. Trong tất cả những trường hợp này, họ vẫn được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp.

Trong một số trường hợp, ngay cả các hoàng hậu và công chúa có “đặc quyền mầu trắng” cũng không muốn sử dụng đặc quyền này, chọn mặc đồ đen để bày tỏ lòng tôn kính với Đức Thánh Cha.
Source:Aleteia

3. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sang Mỹ xin Biden can thiệp chẳng được ơn ích gì lại tốn rất nhiều tiền

Sau kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan, cũng như hội chẩn với các bác sĩ, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ nhập viện vào chiều 4 tháng 11 để đánh giá nhu cầu đặt stent. Stent là một ống kim loại hoặc một ống nhựa được dùng để mở rộng những lòng mạch bị tắc hẹp. Ví dụ, khi lượng choresterol tích tụ làm tắc nghiẽn động mạch, stent có thể được sử dụng để giúp máu lưu thông trở lại và giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Các stent còn giúp ngăn ngừa chứng phình động mạch trong não và mở thông các đường dẫn khác trong cơ thể, chẳng hạn như ống mật, đường dẫn khí trong phổi, đường tiết niệu và động mạch chân.

Thông báo ban đầu từ Tổng giáo phận Chính Thống Giáo Hoa Kỳ cho biết kết quả kiểm tra y tế tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan là “rất khả quan”, và trên thực tế, Đức Thượng phụ Đại kết và đoàn tùy tùng của ngài đã chuẩn bị rời New York để quay về Constantinople bằng máy bay riêng.

Tổng Giáo phận đã đăng một bức ảnh của Đức Thượng Phụ Đại Kết đến tòa nhà Tổng Giáo Phận để dùng bữa sáng với các Giám Mục nói lời chia tay.

Tuy nhiên, một thông báo mới cho biết Bệnh viện Mount Sinai lại yêu cầu ngài quay ngược trở lại để họ đánh giá nhu cầu đặt stent.


Source:Orthodox Times