1. Các bác sĩ Công Giáo cảm ơn tổng thống Bồ Đào Nha vì đã phủ quyết dự luật trợ tử
Hiệp hội các bác sĩ Công Giáo Bồ Đào Nha hôm thứ Ba đã cảm ơn Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa vì đã phủ quyết dự luật về trợ tử được Quốc hội Bồ Đào Nha thông qua vào tháng 11, đồng thời tái khẳng định rằng với tư cách là những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ không thể là tác nhân gây tử vong.
Quốc hội Bồ Đào Nha đã thông qua phiên bản đầu tiên của dự luật an sinh vào đầu năm 2021. Nhưng vào tháng 3, tổng thống Rebelo de Sousa đã phủ quyết văn bản này và gọi đó là một văn bản vi hiến. Quốc hội đã thông qua phiên bản thứ hai vào ngày 5 tháng 11, sau đó lại bị tổng thống phủ quyết vào ngày 29 tháng 11.
Các bác sĩ Công Giáo đã cảm ơn tổng thống trong một tuyên bố ngày 30 tháng 11, tái khẳng định rằng tính mạng con người phải được bảo vệ “trong mọi hoàn cảnh” và nhấn mạnh rằng “các bác sĩ không thể là tác nhân của cái chết.”
“Là các bác sĩ Công Giáo, chúng tôi muốn tiếp tục chăm sóc cho tất cả những người bệnh, kể cả những người đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời, những người mong manh hơn bình thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì họ, chữa trị cho họ và mang lại ý nghĩa cho từng khoảnh khắc trong cuộc sống của họ, cũng như mang lại ý nghĩa cho lời thề mà chúng tôi đã thực hiện với tư cách là những người chuyên nghiệp và làm sáng tỏ đức tin Kitô mà chúng tôi tin tưởng”
Khi phủ quyết dự luật lần thứ hai, Rebelo de Sousa yêu cầu quốc hội làm rõ “những gì xem ra là mâu thuẫn trong luật về một trong những lý do để viện đến cái chết được hỗ trợ.”
Quốc hội Bồ Đào Nha đã thông qua luật trợ tử trong phiên họp cuối cùng trước khi bị giải tán vì không thông qua được ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo hiệp hội, kể từ năm 2015, các nhà lập pháp “đã cố tình không lắng nghe các phản đối của xã hội dân sự, Hội đồng Quốc gia về Đạo đức Khoa học Đời sống và các hiệp hội đạo đức sinh học khác, tuyên bố chung của các tôn giáo và sự nhất trí lên án các Bác sĩ và các hiệp hội chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác”.
Source:Catholic News Agency
2. Đường sắt Viêng Chăn-Côn Minh, cơ hội và rủi ro nợ nần cho người Lào
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một tuyến đường sắt cao tốc nối Lào và Trung Quốc đã được khánh thành hôm mùng 2 tháng 12 tại Viêng Chăn. Dự án trị giá 5,3 tỷ euro là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, do Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhằm tăng cường liên kết cơ sở hạ tầng giữa gã khổng lồ Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Đó thực ra là một cách để tăng cường vị trí trung tâm thương mại của Bắc Kinh.
Lào là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Á Châu. Người Lào hy vọng dự án sẽ mang lại những cơ hội kinh tế mới, nhưng có những lo ngại nghiêm trọng về chi phí của nó.
Tuyến đường sắt mới chạy khoảng 1,000 km từ Viêng Chăn đến thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Người Trung Quốc muốn liên kết nó với Singapore, thông qua Thái Lan và Mã Lai Á. Bắc Kinh có 70% trong liên doanh vận hành tuyến đường sắt mới.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng người Trung Quốc không mong đợi lợi nhuận từ sáng kiến này; nó sẽ có ý nghĩa chiến lược-địa chính trị nhiều hơn, cho phép Bắc Kinh mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á.
Trái lại, chính quyền Lào coi dự án là một bước tiến hiện đại. Đối với chính quyền cộng sản ở Viêng Chăn, tuyến đường sắt có nghĩa là hội nhập kinh tế nhiều hơn với Trung Quốc, một yếu tố chính đối với một quốc gia nhỏ không giáp biển. Hiện tại, tuyến đường sắt này chỉ vận chuyển hàng hóa; nó sẽ được mở cho khách du lịch và các hành khách khác khi tình trạng khẩn cấp Covid-19 giảm xuống.
Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã gây ra một chi phí kinh tế và xã hội to lớn đối với một bộ phận người dân Lào. Các nhà chức trách ở Viêng Chăn đã buộc khoảng 4,400 nông dân từ bỏ đất đai của họ. Nhiều người trong số những người bị tịch thu đã không nhận được khoản bồi thường như đã hứa, trong khi những người khác nhận được ít hơn những gì đã được thỏa thuận.
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc ra mắt tuyến đường sắt mới sau đó có thể làm cho Lào lún sâu hơn vào vũng lầy nợ nước ngoài, trong đó chủ yếu là nợ của Trung Quốc. Đối với các đối tác Vành đai và Con đường, từ lâu người ta đã nói đến một “cái bẫy nợ”: rủi ro phải bán tài sản của họ cho Bắc Kinh, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như bến cảng, trong trường hợp không trả được các khoản vay và lãi liên quan.
Theo AidData, 40 trong số 50 khoản vay lớn nhất được phân bổ bởi các chủ nợ nhà nước Trung Quốc đã nhận được “tài sản thế chấp” từ các chính phủ khách hàng.
Source:Asia News
3. Ngoại trưởng Tòa Thánh lạc quan vì Công Giáo và Chính thống Serbia xích lại gần nhau
Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, tỏ ra lạc quan vì sự xích lại gần nhau giữa Chính thống và Công Giáo tại Cộng hòa Serbia.
Đức Tổng Giám Mục Gallagher, gốc người Anh, đã đến viếng thăm tại Serbia từ ngày 20 đến 23 tháng Mười Một vừa qua. Ngoài các cuộc tiếp xúc với chính quyền nước này, ngài còn gặp gỡ các vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống địa phương, và đặc biệt đã chủ sự thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha Fabijan Svalina, Giám mục Phó giáo phận Srijem, ngày 21 tháng Mười Một.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công Giáo Glas Koncila, Tiếng nói Công đồng, tại Croatia, Đức Tổng Giám Mục Gallagher cho biết trong dịp lễ truyền chức giám mục cho Đức cha Svalina, ngài đã gặp được đông đảo các giám mục Công Giáo tại vùng Balkan, không những từ Croatia và Serbia, nhưng còn từ các nước khác trong vùng.
Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng cũng được mời dùng bữa tối với Đức tân Thượng phụ Porfirije Peric của Chính thống Serbia và “hiển nhiên đây là một dấu hiệu tốt về cuộc đối thoại và cuộc đối thoại này cần phải tiếp tục tiến hành. Có một lịch sử cần được đương đầu”. Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài rất lạc quan về vấn đề này và nói rằng: “Tôi thấy có những dấu hiệu rất tích cực và những bình luận của Đức tân Thượng phụ Chính thống cũng theo chiều hướng này. Tôi có thể nói Đức Thánh Cha rất tôn trọng và quí mến Đức tân Thượng phụ và coi người như một người anh em trong Giáo hội Kitô hoàn vũ”.
Trong quá khứ có những tương quan không tốt giữa các tín hữu Chính thống Serbia và Công Giáo Croatia, đặc biệt trong thời chiến tranh vùng Balkan, hồi đầu thập niên 1993. Giáo hội Chính thống Serbia cũng chống đối dự án phong hiển thánh cho chân phước Hồng Y Stepenac, vì cho rằng Đức Hồng Y đã đứng về chế độ phát xít Ustascia để bách hại các tín hữu Chính thống, điều mà Giáo Hội Công Giáo Croatia luôn phủ nhận.
Trong bài giảng thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha Svalina, Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng nói rằng quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo tại Croatia và Giáo hội Chính thống Serbia có ảnh hưởng lớn đối với tương quan nói chung giữa hai Giáo hội. Và theo ngài, hiển nhiên con đường cần theo là con đường hòa giải: “Chúng ta cần nhìn đến lịch sử chung tại vùng Balkan. Chúng ta cần củng cố căn tính của chúng ta, trước tiên như Kitô hữu, và giải thích lịch sử, hiện tại và tương lai dưới ánh sáng ý muốn của Chúa Kitô. Đó thực sự là điều quan trọng. Có nhiều điều khác như những vết thương, lịch sử và những vấn đề khác. Xét cho cùng, điều quan trọng đối với các môn đệ của Chúa Kitô là thi hành thánh ý của Chúa”.
Source:Catholic News Agency