Chiến lược của Tòa Thánh đối với cuộc xâm lăng của Nga hiện đang làm nhiều người gãi đầu gãi tai, nhưng với phát biểu gần đây nhất của Đức Hồng Y Parlin, Quốc vụ khanh của Tòa Thánh, Cha De Souza cho rằng chiến lược ấy bắt đầy thay đổi có lợi cho Ukraine. Sau đây là bài nhận định của ngài (https://www.ncregister.com/commentaries/why-was-rome-finally-willing-to-call-out-russia-as-an-aggressor):



Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã nhanh chóng đảo ngược các chủ trương và mối liên hệ lâu dài - và chính sách ngoại giao của Vatican đang cố gắng theo kịp.

Hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin đã nói tới “cuộc chiến tranh do Nga mở ra chống lại Ukraine”. Ngài đã nêu rõ tên chế độ chuyên chế mà từ trước đến nay vốn không được gọi tên tại Vatican: “Nga”.

Đó là một sự đảo ngược đáng ngạc nhiên đối với chính sách ngoại giao của Vatican, vốn khư khư từ chối gọi Nga là kẻ xâm lược kể từ khi Nga xâm lược, chiếm đóng và sáp nhập Crimea năm 2014. Ngay cả mới đây nhất trong Kinh Truyền Tin Chúa nhật, một ngày trước tuyên bố của Đức Hồng Y Parolin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn đã không gọi Nga là kẻ xâm lược.

Mặc dù không ai nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô tán thành hành động gây hấn của Vladimir Putin, nhưng ngài đã coi các mối liên hệ đại kết với Giáo Hội Chính thống Nga và nhà lãnh đạo của nó, Thượng phụ Kirill của Moscow, ưu tiên hơn. Thượng phụ Kirill có mối quan hệ thân thiết và gắn bó với Putin đến nỗi Tổng giám mục Borys Gudziak, Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine cấp cao tại Hoa Kỳ, đã gọi Kirill là “cậu bé giúp lễ” của Putin. Vì liên minh chặt chẽ đó, Kirill chỉ được tự do liên kết với Vatican trong phạm vi được Putin cho phép.

Thật vậy, Chúa nhật vừa qua, bốn ngày sau cuộc xâm lược toàn diện, Kirill đã thuyết giảng về Kyiv và Moscow tạo thành “một không gian duy nhất của Giáo Hội Chính thống Nga”, một tiếng vọng trực tiếp của việc Putin biện minh cho cuộc xâm lược là bảo vệ một “không gian tâm linh chung”. Kirill hát, nhưng Putin chọn bài thánh ca.

Cái giá của một cuộc gặp gỡ

Sự dè dặt của Vatican về việc sáp nhập Crimea năm 2014 đã được khen thưởng khi Putin cho phép Kirill gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở Cuba năm 2016, cuộc gặp mặt đầu tiên giữa một vị giáo hoàng và vị thượng phụ Chính thống giáo Nga. Nó đã được Vatican đánh trống như một chiến thắng đại kết thuộc hàng đệ nhất đẳng, nhưng nó đã được mua với giá rất đắt.

Thật vậy, Robert Mickens, một người nhiệt tình ủng hộ cách giải thích tự do nhất về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã lên án chính sách nước Nga của Đức Giáo Hoàng như một sự từ bỏ đầy tính khuyển nho: “Đức Giáo Hoàng và các phụ tá Vatican của ngài có thực sự tin rằng xoa dịu các đầu sỏ chính trị và các giáo phẩm cao cấp Nga là chiến lược tốt nhất của họ trong việc thăng tiến chính nghĩa hiệp nhất Kitô giáo không? Và trên bàn thờ nào họ đã sẵn sàng hy sinh những người dân Ukraine để làm như vậy?”

Một cuộc gặp gỡ khác? Một cái giá khác?

Tháng 12 năm ngoái, Giáo Hội Chính thống Nga đã đưa ra khả thể tổ chức cuộc gặp gỡ Phanxicô -Kirill lần thứ hai vào năm 2022. Putin đã treo Kirill lơ lửng như một phần thưởng cho sự im lặng của Vatican trong kế hoạch xâm lược Ukraine. Điều này có thể giải thích cho sự dè dặt của Vatican trong việc cũng nói thẳng thắn về sự hung hăng của Nga, như khi nói đến các ưu tiên khác, thí dụ biến đổi khí hậu hoặc chính sách di dân, chẳng hạn.

Giải thưởng lơ lửng đã giảm giá trị nhanh chóng trong vài ngày qua. Nếu không công khai từ bỏ sự ủng hộ của mình đối với cuộc xâm lược của Putin, rất có thể Thượng phụ Kirill sẽ trở thành một nhà ngoại giao không được nhìn nhận suốt quãng đời còn lại của mình.

Rôma bị Chính thống giáo qua mặt

Điều gì đã thay đổi trong việc thúc đẩy tuyên bố về nước Nga của Đức Hồng Y Parolin? Tại sao lại thay đổi từ điều được Mickens gọi là “xoa dịu”?

Nói một cách đơn giản, Vatican nhận thấy mình ít lớn tiếng về sự hung hăng của Putin hơn so với các thượng phụ Chính thống giáo có liên quan. Rôma dường như sợ hãi những gì Kirill nghĩ hơn là các giám mục Chính thống giáo đồng nghiệp của ngài nghĩ.

Sự bối rối đó, nếu không nhanh chóng được khắc phục, có thể sẽ phá hủy uy tín của Vatican ở châu Âu trong một thế hệ. Do đó, Đức Hồng Y Parolin đã nhanh chóng nhưng khiêm tốn tuyên bố rằng Nga phải chịu trách nhiệm về việc khơi mào chiến tranh.

Moscow tự cô lập

Một chút bối cảnh là điều cần thiết. Tòa Thượng phụ Moscow coi Ukraine là một phần của "lãnh thổ giáo luật", có nghĩa là tùy thuộc vào quyền tài phán của họ. Do đó, Thượng phụ Chính thống giáo Onuphrios của Kyiv hiệp thông với Kirill và là thuộc hạ của ngài.

Năm 2019, Chính thống giáo Ukraine muốn có một Giáo hội “tự trị”, một tổ chức độc lập với Moscow, đã thành lập tòa thượng phụ riêng của họ, do Thượng phụ Epiphanios đứng đầu. Thượng phụ Đại kết Bartholomew của Constantinople đã công nhận vị thượng phụ mới, tự trị. Kirill rất tức giận và tố cáo tòa thượng phụ mới ở Kyiv. Putin cũng vậy.

Kirill do đó đã cắt đứt sự hiệp thông với Bartholomew và từ chối sự hiệp thông với Epiphanios.

Tội lỗi của Cain

Sau cuộc xâm lược, Bartholomew đã tố cáo nó bằng những lời lẽ rõ ràng nhất, bày tỏ “sự cảm thông trọn vẹn đối với người anh em của chúng tôi, Giáo chủ của Giáo Hội Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Epiphanios của Kyiv”.

Ephiphanios cũng tố cáo cuộc xâm lược.

Đáng chú ý nhất, Onuphrius đã phát biểu sau đây vào ngày xảy ra cuộc xâm lược, buộc tội Putin và chia tay với “cậu bé giúp lễ” của Putin, mặc dù Kirill là cấp trên của ngài:

“Bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn của Ukraine, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Nga và yêu cầu các bạn chấm dứt ngay cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Các dân tộc Ukraine và Nga bước ra từ giếng rửa tội của Dnepr, và cuộc chiến giữa các dân tộc này là sự lặp lại tội lỗi của Cain, kẻ đã giết chết em trai mình vì ghen tị. Một cuộc chiến như vậy không được sự biện minh của cả Thiên Chúa lẫn loài người”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô duy trì phương thức dè dặt của mình từ Thứ Năm đến Chúa Nhật, không nói về Putin hay Nga. Nhưng càng ngày càng không thể giữ im lặng về danh tính của Cain và Abel. Làm sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể dè dặt trong việc nói thẳng thắn hơn người của Kirill ở Kyiv hay Bartholomew? Làm thế nào Vatican có thể coi là ưu tiên các mối liên hệ đại kết với một người chủ trương hợp tác với Putin là Kirill khi chính vị thượng phụ đại kết là Bartholomew sẵn sàng nói một cách thẳng thừng?

Đến Chúa nhật, lập trường hoàn toàn không thể nâng đỡ được của Vatican đã rõ ràng. Đức Hồng Y Parolin đã từ bỏ nó.

Chuyến viếng thăm Tòa đại sứ và việc làm trung gian

Tuy nhiên, nó không phải là không có một vài lá vả hay che đậy hở hang.

Chuyến thăm kỳ lạ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Tòa Đại sứ Nga tại Tòa thánh được giải thích là việc sẵn sàng phá bỏ giao thức để theo đuổi hòa bình. Các đại sứ được triệu tập để nhận các thông điệp quan trọng chứ không phải ngược lại.

George Weigel, người có mối liên hệ tuyệt vời với Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, đã giải thích lý do thực sự của chuyến thăm trong một cuộc phỏng vấn với Catholic World Report. Putin sẽ không nhận cuộc gọi từ Đức Giáo Hoàng trên đường dây của Vatican do hoang tưởng về hoạt động gián điệp. Vì vậy, Đức Phanxicô đã phải đến tòa đại sứ để nói chuyện trên đường dây an toàn của Nga với Putin. Tác dụng phụ của việc khiến Đức Giáo Hoàng xem ra như người cầu khẩn được Putin coi như một phần thưởng.

Đức Hồng Y Parolin vốn ngụ ý rằng việc Vatican miễn cưỡng tố cáo sự gây hấn của Putin là để giữ cho mình được tin cậy trong tư cách người hòa giải. Sự hòa giải của Vatican, đạt đến đỉnh cao vào năm 1978, với sự hòa giải của Thánh Gioan Phaolô II giữa Chile và Argentina về Kênh Beagle, gần đây khá kém hiệu quả, vì nó không có kết quả ở Venezuela, làm suy yếu các giám mục địa phương và củng cố chế độ Maduro. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Parolin đã thả nổi điều vô giá trị đó.

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết, “Tòa thánh, một cơ chế, trong những năm gần đây, đã theo dõi các biến cố ở Ukraine liên tục, kín đáo và hết sức chú ý, tỏ ý sẵn lòng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại với Nga, luôn sẵn sàng giúp các bên nối lại con đường đó”.

Trong khi các nhà ngoại giao của Đức Hồng Y Parolin có thể có một số tín nhiệm đối với Nga, tám năm “kín đáo” đã khiến nó không được nhiều tín nhiệm quý giá lắm về phía Ukraine. Chính sách kín đáo ngoại giao đã được Ukraine đón nhận một cách im lặng lạnh lùng, thậm chí thờ ơ. Tại cuộc gặp với Kirill ở Cuba, Vatican đã ký một bản tuyên bố chung làm suy yếu bản sắc của người Công Giáo Ukraine. Giáo Hội Công Giáo Ukraine đã phải lên tiếng phản đối, như Mickens viết, vì bị "hy sinh trên bàn thờ" để có được thỏa hiệp với Moscow.

Người Ukraine - cả Chính thống giáo lẫn Công Giáo - sẽ không cho phép điều đó xảy ra một lần nữa.

Cuộc xâm lược đã gây ra tình trạng xuất huyết lớn trong chính sách Nước Nga của Vatican kể từ năm 2014. Đức Hồng Y Parolin đã cố gắng ngăn chặn tình trạng rỉ máu. Ngài đã khôn ngoan khi làm như vậy.