Vào ngày 24 tháng 2, quân đội Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, châm ngòi cho một cuộc chiến đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người và khiến lịch sử quay ngược trở lại thế kỷ trước, thời Chiến tranh Lạnh.

Nhận dịnh của Alessandro Gisotti, Phó giám đốc Xã luận của Tòa Thánh.



Một tháng trong đời một người là gì? Nếu cuộc sống trôi đi một cách “bình thường” thì đó là một quãng thời gian ngắn ngủi, một đoạn đường hầu như không để lại những dấu chân sâu đậm nào trên con đường ta đi. Mọi điều sẽ thay đổi nếu vài tuần đó bị đảo lộn bởi một biến cố làm thay đổi đột ngột đường rầy mà trên đó đoàn tàu lịch sử đang chạy ngon chớn.

Đó chính là những gì đã xảy ra trong một tháng đơn nhất này phân cách chúng ta với đêm giữa ngày 23 và ngày 24 tháng 2 khi các lực lượng vũ trang Nga tiến hành cuộc tấn công chống lại Ukraine. Đúng, một tháng là một khoảng thời gian ngắn, nhưng những ngày đầy đau đớn, khổ sở và thống khổ này dường như dài cả thế kỷ, bởi vì chúng đã đưa chúng ta trở lại cả một thế kỷ cách đáng kinh ngạc— thế kỷ 20 — với mối đe dọa ló dạng của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thậm chí cả nỗi lo sợ một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba hoàn toàn.

Rất ít người thực sự tin rằng Vladimir Putin sẽ ra lệnh tấn công, vì điều đó có vẻ rất vô lý, quá điên rồ - ngay cả vì lợi ích của người dân Nga - để phát động một cuộc chiến tranh ở trung tâm châu Âu, và hơn thế nữa đang trong một giai đoạn lịch sử trong đó vì đại dịch Covid-19, nhân loại đang phải lao đao để trở lại trên đôi chân của mình.

Nay, rõ ràng những người tìm kiếm cuộc chiến tranh liều lĩnh và bất chính này đã không nghĩ đến việc phải chạm trán với sự phản kháng ngoan cường đến thế của người dân Ukraine, những người mà đối với họ, châu Âu, và không phải chỉ có âu Châu, phải nhìn với sự ngưỡng mộ đối với sức mạnh mà họ đang biểu lộ trong việc bảo vệ tự do của mình.

Người đàn ông, kẻ đã mang nỗi kinh hoàng của chiến tranh trở lại Lục địa Cổ xưa, có lẽ nghĩ rằng chỉ trong vài ngày "vấn đề" sẽ được giải quyết.

Theo cách đó, một lần nữa, ông ta đã phớt lờ bài học lịch sử từng nhắc nhở chúng ta một cách bi thảm - ngay cả đối với những nước được gọi là siêu cường - rằng một khi chiến tranh đã bắt đầu, bạn không bao giờ biết khi nào (và bằng cách nào) nó sẽ kết thúc. Điều chắc chắn duy nhất là cuộc sống của người ta sẽ bị gián đoạn mãi mãi.

“Những kẻ gây chiến đã coi thường nhân loại; chúng không thèm nhìn đến cuộc sống cụ thể của người ta”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thế trong lời kêu gọi chân thành chống lại cuộc xung đột được trình bầy sai trái như "một hoạt động quân sự đặc biệt" này. Điều này hoàn toàn đúng.

Theo quan điểm của những người tiến hành cuộc chiến, Kiev, Mariupol và Kharkiv chỉ là những mục tiêu cần đạt được, những mảnh ghép cần được ghép lại với nhau để đạt được "chiến thắng cuối cùng".

Nhưng đây không phải là Rủi ro của trò đánh cờ tướng, cũng không phải là một trò chơi điện tử. Người người đã thực sự chết trong tháng này, một điều đã làm thay đổi lịch sử và họ tiếp tục chết hàng ngày, thậm chí hàng giờ, tại các thành phố tử đạo của Ukraine.

Cuộc sống cụ thể của con người, cuộc sống của các gia đình, của các người cha, người mẹ, người con của họ, đã bị đảo lộn vĩnh viễn. Những hình ảnh đến hàng ngày từ Ukraine — và một lần nữa, theo lời của Đức Giáo Hoàng, chúng ta phải cảm ơn những nhà báo đã cho phép chúng ta "gần gũi với thảm kịch của dân số đó" - cho chúng ta thấy sự tàn ác của chiến tranh trong tất cả sự man rợ của nó. Và vô nghĩa. Nó không tha điều gì và không tha một ai.

Còn gì khủng khiếp hơn một người mẹ đang mang thai chết cùng đứa con trong bụng dưới những cuộc oanh kích?

"Tất cả những điều này là vô nhân đạo! Thật vậy, nó thậm chí là phạm thánh", Đức Giáo Hoàng đã cảnh cáo bằng những lời lẽ hẳn phải lay động lương tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là các tín hữu, " vì nó đi ngược lại tính thánh thiêng của sự sống con người, đặc biệt là chống lại sự sống con người không có khả năng tự vệ".

Mỗi ngày chiến tranh thêm là một thất bại đối với nhân loại, ở Ukraine cũng như ở Yemen, ở Syria và ở Somalia, cũng như ở mọi nơi khác trên hành tinh nơi người ta phải đau khổ vì sự ghê tởm này.

Đây là một thất bại mà Đức Thánh Cha Phanxicô - bằng lời nói, bằng cử chỉ và trên hết là bằng lời cầu nguyện - yêu cầu chúng ta đừng quen với nó, khuyến khích chúng ta xây dựng, với lòng kiên nhẫn và lòng can đảm, một tương lai hòa bình và hy vọng.