1. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết mối đe dọa tấn công của Nga từ lãnh thổ Belarus ngày càng tăng

Mối đe dọa về các hoạt động tấn công mới của Nga trên mặt trận phía bắc đang ngày càng gia tăng. Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 21 tháng 10, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Chuẩn tướng Oleksiy Hromov nhận định rằng hướng tấn công có thể được chuyển sang biên giới phía tây Ukraine để cắt đứt các tuyến đường hậu cần mà Ukraine tiếp nhận vũ khí và trang thiết bị từ các đối tác quốc tế.

“Những lời lẽ hung hăng của giới lãnh đạo quân sự-chính trị của Nga và Belarus đang ngày càng gia tăng, đi kèm với việc triển khai các nhóm quân trong khu vực mà Putin và Lukashenko gọi là lực lượng quốc gia đồng minh. Mối đe dọa nối lại cuộc tấn công của các lực lượng vũ trang Nga trên mặt trận phía bắc ngày càng lớn. Lần này, hướng tấn công có thể được chuyển sang phía Tây biên giới Ukraine-Belarus nhằm cắt đứt huyết mạch hậu cần chính của nguồn cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine từ các nước đối tác. Các đơn vị không quân, các đơn vị thuộc các ngành quân sự khác, các lực lượng vũ trang Nga đang được triển khai tại các sân bay và cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ Belarus, kể cả những nơi được nhượng lại cho các lực lượng vũ trang Liên bang Nga hoàn toàn kiểm soát”.

Chuẩn tướng Oleksiy Hromov lưu ý rằng các biện pháp huy động bí mật đang được thực hiện ở Belarus và giới lãnh đạo Belarus tiếp tục cung cấp lãnh thổ của mình để phóng hỏa tiễn đạn đạo và máy bay không người lái của Nga.

Cụ thể, Nga đã triển khai máy bay MiG-31 tại các sân bay của Belarus có thể được trang bị hỏa tiễn hành trình Kalibr. Tướng Hromov nhấn mạnh rằng Bộ Tổng tham mưu liên tục theo dõi tình hình này.

“Hiện tại, các biện pháp đang được thực hiện để che chắn một cách đáng tin cậy biên giới quốc gia và thành phố Kyiv từ hướng bắc. Nếu đối phương đưa ra quyết định mở cái gọi là mặt trận thứ hai, cụ thể là tiến hành các hoạt động tấn công từ Cộng hòa Belarus, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp trả tương xứng.”

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy các thiết bị và một lực lượng đông đảo quân đội Nga tại sân bay quân sự Zyabrovka gần biên giới Belarus với Ukraine.

2. Đại Sứ của Nga tại Hoa Kỳ: Kênh Ngừng Chiến tranh Hạt nhân 60 năm trước đã không thể sử dụng được nữa

Một bài tường trình trên tờ Newsweek đang gây ra nhiều âu lo. Bài báo có nhan đề “Russia Envoy to U.S.: Channel That Stopped Nuclear War 60 Years Ago Is Dead”, nghĩa là “Đại Sứ của Nga tại Hoa Kỳ: Kênh Ngừng Chiến tranh Hạt nhân 60 năm trước đã không thể sử dụng được nữa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Một kênh bí mật, trực tiếp giữa Điện Cẩm Linh và Tòa Bạch Ốc đã giúp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân cách đây 60 năm, khi Mạc Tư Khoa và Washington tham gia vào một cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Hoa Kỳ được gọi là Cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba.

Tuy nhiên, hôm nay, với mối quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và cuộc thảo luận mới về các trường hợp hạt nhân đang xuất hiện từ cả hai bên, Đại Sứ của Mạc Tư Khoa tại Washington đã nói với Newsweek rằng hiện nay không có liên lạc nào như vậy nữa, điều này tạo tiền đề cho một kỷ nguyên mới và nguy hiểm cho hai quốc gia, và cho phần còn lại của thế giới.

Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Mỹ, nhớ lại những lời của người tiền nhiệm Anatoly Dobrynin, người đã nói trong nhiệm kỳ của mình rằng “cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba cho thấy mối nguy hiểm chết người của một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp giữa hai cường quốc, một cuộc đối đầu diễn ra ở bờ vực của chiến tranh đã được dừng lại nhờ cả hai bên đã kịp thời nhận ra những hậu quả thảm khốc.”

Antonov cũng dẫn lời Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, người, ngay sau khi cuộc khủng hoảng tháng 10 năm 1962 đã giải quyết bằng một thỏa thuận để Mạc Tư Khoa rút hỏa tiễn khỏi Cuba và Washington rút vũ khí của chính mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói với Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Anastas Mikoyan: “Những gì chúng ta có bây giờ là, mặc dù hai quốc gia của chúng ta không trực tiếp thách thức nhau, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đụng độ nhau ở hầu hết mọi nơi, trong thời đại hạt nhân đầy rẫy những mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với hòa bình thế giới.”

Antonov nói với Newsweek: “Những lời này của cựu tổng thống Mỹ có thể được sử dụng rất đúng để mô tả tình trạng quan hệ hiện tại giữa Nga và Mỹ. Thế giới một lần nữa đang tăng tốc để tiếp cận ranh giới mà không có gì đằng sau nó.”

Ông nói thêm: “Lợi thế không thể phủ nhận của thời điểm đó là một kênh bí mật hoạt động liên tục giữa Anatoly Dobrynin và Robert Kennedy,” ông nói thêm khi đề cập đến Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, em trai và cố vấn của tổng thống, người đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán chấm dứt cuộc khủng hoảng. “Nó cho phép Điện Cẩm Linh và Tòa Bạch Ốc chuyển tiếp thông tin cho nhau một cách kịp thời, thực hiện các phân tích thích hợp và làm rõ lập trường của hai quốc gia.”

Nhưng Antonov cho biết hai cường quốc hiện đang gặp bất lợi đáng kể, vì “ngày nay, cơ sở hạ tầng liên lạc của chúng tôi với người Mỹ đã bị phá bỏ.”

Antonov đã đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Ông nói: “Những nỗ lực của các nhà ngoại giao Nga ở Washington nhằm thiết lập lại các mối liên hệ như vậy đã vô ích. Chính quyền Mỹ không sẵn sàng nói chuyện bình đẳng với chúng tôi.”

3. Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết một máy bay chiến đấu của Nga đã bay cách máy bay Nato trong vòng 5 mét - một hành động mà ông mô tả là “liều lĩnh” và “không cần thiết”.

Trong buổi điều trần trước Quốc Hội Anh, nữ chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc Hội Anh, Alicia Kearns, hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace:

“Tôi lo ngại về sự leo thang quân sự trên Hắc Hải và tôi biết ông có mối quan hệ thân thiết với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy, xin ông vui lòng cho chúng tôi biết về cách ông làm việc với các đồng minh của chúng ta ở Thổ Nhĩ Kỳ, và Rumani để bảo vệ an ninh trên không?”

Wallace nói: “Trong một sự kiện mà tôi được biết, một máy bay chiến đấu của Nga đã bay trong vòng 15 feet hay 4.5m bên cạnh một máy bay Nato. Bạn biết điều đó là liều lĩnh, không cần thiết và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người.”

Wallace cho biết một trong những đồng minh mà ông đã thảo luận về vụ việc đang ở Thổ Nhĩ Kỳ “vào thời điểm điều đó xảy ra”.

Ông nhắc lại rằng Vương quốc Anh không coi đây là một “sự leo thang có chủ ý” của người Nga nhưng nhấn mạnh “đó là một lời nhắc nhở về những điều nguy hiểm có thể xảy ra khi bạn quyết định sử dụng máy bay chiến đấu của mình theo cách mà người Nga đã làm trong nhiều thời điểm khác nhau.”

4. Anh trừng phạt Iran vì cung cấp cho Nga máy bay không người lái được sử dụng trong các cuộc tấn công của Putin vào Ukraine

Anh đang thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với ba cá nhân Iran và một doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp cho Nga các máy bay không người lái được sử dụng để bắn phá Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao James Cleverly cho biết: “Sự ủng hộ của Iran đối với cuộc chiến tàn bạo và phi pháp của Putin chống lại Ukraine là đáng trách. Hôm nay, chúng tôi đang xử phạt những người đã cung cấp máy bay không người lái mà Nga sử dụng để nhắm vào dân thường Ukraine. Đây là bằng chứng rõ ràng về vai trò gây bất ổn của Iran đối với an ninh toàn cầu”.

“Những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hèn nhát này là một hành động tuyệt vọng. Bằng cách tạo điều kiện cho các cuộc tấn công này, những cá nhân Iran và một nhà sản xuất đã gây ra cho người dân Ukraine vô vàn đau khổ. Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng họ phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình,” Bộ trưởng James Cleverly nói.

Nga đã phóng hàng chục máy bay không người lái “kamikaze” vào Ukraine, tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng và giết chết 5 người ở thủ đô Kyiv trong tuần này. Tehran phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Mạc Tư Khoa, trong khi Điện Cẩm Linh phủ nhận lực lượng của họ đã sử dụng máy bay không người lái của Iran để tấn công Ukraine hôm thứ Ba.

Ông James Cleverly nhấn mạnh rằng bằng cách cung cấp các máy bay không người lái này, Iran đang “tích cực dự phần trong cuộc chiến, thu lợi từ các cuộc tấn công ghê tởm của Nga nhằm vào công dân Ukraine, đồng thời gây thêm đau khổ cho người dân và phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cùng một doanh nghiệp và ba cá nhân như Liên Hiệp Âu Châu.

Shahed Aviation Industries, mà Vương quốc Anh cho biết đã sản xuất máy bay không người lái, sẽ bị đóng băng tài sản. Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Iran, Thiếu tướng Mohammed Hossein Bagheri, chỉ huy hậu cần Tướng Sayed Hojatollah Qureishi và chỉ huy máy bay không người lái của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, Chuẩn tướng Saeed Aghajani, bị đóng băng tài sản và cấm đi lại.

5. Bộ Ngoại giao Nga phản đối lệnh trừng phạt Iran của Anh và Liên Hiệp Âu Châu

Bộ Ngoại giao Nga cho biết phương Tây đang tìm cách gây “áp lực” lên Tehran với cáo buộc rằng Mạc Tư Khoa đang sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất ở Ukraine, là điều mà Nga và Iran phủ nhận.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói:

“Mọi thứ hiện đang được thực hiện liên quan đến Iran đều phụ thuộc vào một mục tiêu - đó là áp lực lên đất nước này. Và Washington đang vận động các nước NATO và Liên Hiệp Âu Châu về việc này để ủng hộ lập trường của mình.”

Liên minh Âu Châu đã công bố các lệnh trừng phạt đối với ba tướng lĩnh Iran và một công ty vũ khí bị cáo buộc cung cấp máy bay không người lái của Iran cho Nga mà Kyiv nói đã được sử dụng để tấn công Ukraine.

Zakharova bác bỏ các cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga chỉ là “tin đồn”.

“Tất cả chỉ là một tập hợp các kết luận không có cơ sở và những giả định xa vời mà Anh và Pháp đang cố gắng xây dựng thành một công trình kiến trúc và lần nào nó cũng sụp đổ trước mặt mọi người,” bà ta nói.

6. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã đưa ra lời khẩn thiết tại sự kiện xuất bản lớn nhất thế giới dành cho các tác giả viết về “nỗi kinh hoàng” do cuộc xâm lược của Nga gây ra.

Ukraine sẽ là tâm điểm của hội chợ sách Frankfurt năm nay, với nhiều tác giả và nhân vật văn hóa xuất hiện trong suốt tuần tại gian hàng lớn của đất nước.

Trong một video gởi quốc dân đồng bào, Zelenskiy nói về hội chợ như sau:

Thay vì nhập khẩu văn hóa, Nga nhập khẩu cái chết.

Vì vậy, tôi yêu cầu các bạn, hãy làm mọi thứ để mọi người biết về sự khủng bố mà Nga mang lại cho Ukraine.

Kiến thức là câu trả lời. Sách, kịch bản phim tài liệu, bài báo, phóng sự - đây là những câu trả lời.

Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska, sẽ đích thân xuất hiện vào hôm thứ Bảy, và sẽ phát biểu tại một sự kiện bên lề.

Các nhà tổ chức và những người tham gia coi các sự kiện nổi tiếng như vậy là chìa khóa để quảng bá văn hóa Ukraine khi đối mặt với những gì họ nói là nỗ lực xóa sạch bản sắc của đất nước bằng các hình thức tuyên truyền của Nga.

Các thể chế văn hóa của nhà nước Nga đã không được mời tham gia vào hội chợ năm nay. Thay vào đó, các đối thủ nổi bật của Vladimir Putin được mời tham dự hội chợ này.

7. Nga ra lệnh bắt nhân viên truyền hình nhà nước phản đối cuộc xâm lược Ukraine

Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, chính phủ Nga đã ra lệnh tầm nã một cựu nhân viên của mạng lưới truyền hình nhà nước Channel One ở Nga vì “truyền bá thông tin sai lệch” về cuộc chiến ở Ukraine.

Vào tháng 3, nhà báo Marina Ovsyannikova đã xuất hiện ở hậu cảnh trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên Kênh Một, cầm một tấm biển có nội dung “Hãy dừng chiến tranh!” và “Họ đang nói dối các bạn!”

Ovsyannikova hai lần bị phạt tiền và quản thúc tại gia. Vào đầu tháng 10, cô và gia đình đã trốn khỏi Nga đến Âu Châu trong khi các nhà chức trách Nga tiếp tục điều tra cô.

Ovsyannikova tham gia một danh sách ngày càng tăng các nhà báo, bao gồm Alexander Nevzorov và Dmitry Gordon, những người mà Nga đã ra lệnh bắt giữ vắng mặt vì chỉ trích nhà nước.

Ngay sau cuộc xâm lược của Nga, Duma Quốc gia đã thông qua đạo luật áp dụng bản án tù lên đến 15 năm đối với bất kỳ ai cố ý phát tán “tin tức giả” làm mất uy tín của Lực lượng vũ trang Nga và “hoạt động quân sự đặc biệt”.

8. Mạc Tư Khoa đã buộc tội Mỹ chống lại 5 công dân Nga trong mưu toan gây bất ổn chính trị

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mạc Tư Khoa đã cáo buộc Mỹ chống lại 5 công dân Nga với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt như một nỗ lực nhằm đe dọa cộng đồng doanh nghiệp ở Nga và nước ngoài.

Hôm thứ Tư, các công tố viên Mỹ đã buộc tội 5 người này về tội trốn tránh lệnh trừng phạt và các vi phạm khác liên quan đến việc vận chuyển các công nghệ quân sự mua từ các nhà sản xuất Mỹ để đưa sang Nga. Các công tố viên cho biết một số thiết bị điện tử thu được thông qua kế hoạch này đã được tìm thấy trong các giàn vũ khí của Nga bị quân Ukraine tịch thu trên chiến trường.

Một trong những người bị buộc tội trong vụ án đã bị bắt ở Đức và một người khác bị giam ở Ý.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết:

“Trong tình huống này, chúng tôi nghi ngờ rằng là việc bắt con tin là nhằm đạt được lợi ích chính trị hơn nữa. Chúng tôi coi việc giam giữ các công dân Nga để dẫn độ họ về Mỹ là sự tiếp tục trong chiến dịch quy mô lớn do Washington thực hiện nhằm bắt giữ những người Nga mà Mỹ có 'yêu sách', nhằm bảo đảm sự kết án sau đó của họ trước công lý trừng phạt của Mỹ cho các thời hạn tù kéo dài.”

Các cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Washington đang tìm cách mở rộng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên Điện Cẩm Linh để ngăn chặn cuộc xâm lược Ukraine, mà Mạc Tư Khoa gọi là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Maria Zakharova nói thêm rằng “Hành động mới nhất này là một phần của sự can dự trên thực tế của Washington vào Ukraine với tư cách là một bên trong cuộc xung đột, và là một nỗ lực khác nhằm tạo ra những thách thức đe dọa cộng đồng doanh nghiệp ở Nga và nước ngoài. Rõ ràng là việc săn lùng công dân Nga của các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ sẽ ngày càng gia tăng. Những hành động thù địch như vậy tất nhiên sẽ không thành công”.

Các phương tiện truyền thông Nga đi xa hơn Maria Zakharova khi cho rằng việc bắt giữ hàng loạt các doanh nhân Nga là nhằm gây bất ổn chính trị.

9. Putin đối mặt với 'thảm họa sắp xảy ra của Nga ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Facing 'Imminent Russian Disaster' in Ukraine: Retired U.S. General”, nghĩa là “Tướng hồi hưu Mỹ nhận định rằng Putin đối mặt với 'thảm họa sắp xảy ra của Nga ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với một thảm họa sắp xảy ra ở Ukraine và lệnh động viên của ông đang gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết.

Hertling đã lên Twitter hôm thứ Tư để phản ánh về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine trong một loạt các tweet. Ông cũng chia sẻ các bài báo có liên quan khi đề cập đến quan điểm của mình về tình trạng chiến tranh.

Ông nhấn mạnh rằng cuộc xung đột về cơ bản bắt nguồn từ câu chuyện về Ukraine của Putin và các chiến lược của Tổng thống Nga cho đến nay đã có những dấu hiệu thất bại.

“Có vẻ như Putin đang lật lại một trang của thế kỷ 17. Ông ta hiện đang cố gắng ‘dragoon’ hay ‘ép buộc’ người ta phải chiến đấu trong quân đội Nga cho bản thân ông ta”.

Tướng Hertling giải thích rằng: “Dragoon thường là một danh từ có nghĩa là sự ép buộc ai đó làm điều trái với ý muốn của họ, nhưng nó có thể được sử dụng như một động từ. Là một động từ, nó có nghĩa là: 'khuất phục hoặc khống chế và mở rộng ra nó có nghĩa là ép buộc bằng các biện pháp bạo lực hoặc đe dọa.”

“Từ ngữ này có từ năm 1689, khi người Pháp buộc những người theo đạo Tin lành phải xung quân với chi phí gia đình phải trả.”

“Vào thế kỷ 17, nó mở rộng ra có nghĩa là buộc người dân địa phương phải ‘phục tùng ý chí và tham gia chiến đấu’”.

“'Dragooning gợi ý rằng buộc ai đó phải cầm vũ khí để hỗ trợ một người cai trị mà không có lòng trung thành hoặc nghĩa vụ yêu nước. Những kẻ khuất phục thường được đưa ra lựa chọn: chiến đấu hoặc là chết.”

Đánh giá này của Hertling được đưa ra sau khi Putin ban hành sắc lệnh thiết quân luật ở các vùng của Ukraine, các khu vực Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia.

Mặc dù Putin không nói rõ ngay lập tức những bước có thể được thực hiện theo thiết quân luật, nhưng luật đã được thông qua cho rằng lệnh này có thể dẫn đến việc kiểm duyệt nhiều hơn và hạn chế việc đi lại và tụ tập công cộng. Nó cũng có thể cung cấp thẩm quyền rộng rãi hơn cho việc thực thi pháp luật.

Trong một dòng tweet khác, Hertling viết: “Đây là cách mà những kẻ hèn nhát xây dựng một đội quân, đặc biệt là khi những người thường trung thành với họ không muốn chiến đấu.”

Ông tiếp tục: “Điều này đưa chúng ta trở lại với Putin. Việc điều động của Putin đang gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết các vấn nạn”.

“Khi lệnh động viên được thông báo, việc điều động đã gây ra những vấn đề lớn do thiếu huấn luyện và hội nhập vội vàng những người lính chưa được chuẩn bị.”

“Sau 3 tuần, các phương tiện truyền thông Nga báo cáo rằng lệnh động viên đang gây ra các vấn đề kinh tế, ngoại giao, đối nội, nguồn cung và 'các vấn đề chính trị tiềm ẩn' ở Mạc Tư Khoa.

“Nói cách khác, việc huy động 'quân dự bị' của Nga đang gây ra những vấn đề CHỦ YẾU đối với Putin.”

“Các bình luận viên hiện đang được hỏi 'điều này có cho thấy dấu hiệu của sự yếu kém của Nga không?' Không. Nó cho thấy một dấu hiệu của thảm họa đối với Nga sắp xảy ra”.

“Việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine, vận chuyển thường dân Ukraine đến Crimea hoặc Nga, đưa trẻ em Ukraine đến Nga, o ép động viên, thiết quân luật, tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy sự thất bại chiến lược tiếp tục của Putin.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.