VĨNH LONG -- Vùng đồng bằng ở hạ nguồn sông Cửu Long đẹp như một bức tranh.; có những cánh đồng lúa mượt mà, vườn cây trĩu quả, sông nước mênh mang, cá tôm hiền hòa, những cây cầu là của sự an bình chứ không phải là của hẹn hò…… vì thế chúng tôi không thể so sánh chuyến đi về miền Tây, ngày thứ bảy 06/8/2005, với chuyến đi nào khác.

Có lẽ đúng như vậy, lên xe từ lúc nắng chưa lên, chúng tôi cười nói liên tục đến gần trưa, suốt chặng đường dài, mỗi người kể một câu chuyện, mà tùy theo chuyện kể của mỗi người, có kẻ lên thiên đàng, có người xuống hỏa ngục! Còn tôi được vào lửa luyện tội vì kể chuyện dài giữa tôi và cha xứ ở xứ tôi !

Khi qua cầu Mỹ Thuận rẽ về bên trái được một đoạn đường dài, thị xã Vĩnh Long hiện ra tuy không ồn ào nhưng cũng tấp nập, nhộn nhịp với những con đường trải rộng. Nương theo những con đường, chúng tôi đến ấp An Hương 2, xã Mỹ An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long để thăm họ đạo Cái Lóc, giáo phận Vĩnh Long.

Được báo trước, cha xứ đứng ở ven đường cười đón chúng tôi. Cả đoàn không vào thẳng họ đạo mà đến “ nhìn ngắm “ một khung nhà thờ xây dở dang. Cũng thấy thương thương khi được nghe giải thích thế này: họ đạo ở cách đường nhựa 300 mét, cha sở mua miếng đất sát mặt đường này có ý chuyển nhà thờ ra phía ngoài cho tiện, nhưng đang xây dở dang thì phải ngưng vì nhiều lý do, thế là gió mượn cơ hội thổi xập tường gạch phía trước, còn phía trong thì vẫn “ trơ gan cùng tuế nguyệt” từ đó đến nay, (ai muốn biết tại sao xin cứ đến hỏi cha! ). Đi trên mấy gờ đất nhỏ, dọc ao cá hàng cây, chúng tôi đi vào họ đạo bằng ngõ tắt phía sau.

Nhà thờ của họ đạo trên nền xi-măng đen với những hàng ghế gỗ có rõ ràng những nốt mối mọt ăn, mà đứng ở chỗ nào trên nền đất vuông vức ấy cũng nhìn thấy cung thánh đơn sơ của nhà thờ. Bên cánh phải nhà thờ là ao cá, tiếp nối ao cá là cánh đồng. Gió thổi mạnh đến nỗi mái tôn của nhà thờ kêu phầm phập, làm những người quen sống ở thành thị thấy ơn ớn.

Họ đạo chỉ có 260 giáo dân, trực thuộc giáo xứ Đình Khao, trung tâm hành hương, nơi thánh MINH tử đạo, cách Cái Lóc 2 km. Trước đây nơi này không có linh mục thường trú; từ năm 2003 đến nay, có Cha Giuse Đinh Quang Lục đến ở cùng giáo dân. Giáo dân ở đây có hoàn cảnh “đạo rối “ khá nhiều, tâm tình lợt lạt, ít thân thiết với nhà thờ, đa số làm mướn, ngày công của một người từ 1,5 đến 2 usd. Nhà xứ cũng có nuôi cá nhưng cha sở nói làm kinh tế ở nơi này không ăn thua gì. Mỗi tháng cha cho người nghèo gạo, trợ giúp người già neo đơn.

Nói thật mà nghe cho vui, trước kia cha là một thanh niên đẹp trai, con nhà giàu ở vùng Ông Tạ, Sài Gòn nhưng cha nhất quyết đi tu, dấn thân phục vụ sống nghèo ở vùng Vĩnh Long ngay sau khi chịu chức, đến nay đã U 61 rồi. Ông bà cố mất đi, nhiều anh em ruột ra nước ngoài sinh sống, phần gia tài cha nhận được của gia đình hiện đang sinh lợi cho cha mỗi tháng vài triệu đồng, nhiêu đó đủ làm cho cha yên tâm phục vụ nơi khỉ ho cò gáy này! Thế đấy, việc tính toán hơn thua nơi những người đích thực là môn đệ Chúa Kitô dường như chẳng là gì cả!

Bữa cơm trưa ở họ đạo vùng quê làm làm người Sài Gòn lạ miệng. Cá Diêu Hồng om cà, cá cơm kho tiêu đường, ốc bươu hấp gia vị, gỏi đu đủ xanh với tôm chẳng hiểu sao lại có màu đỏ tía, ngòn ngọt cay cay….

Sau những phút nghỉ trưa dã chiến, chúng tôi cùng cha sở, đại diện Hội Đồng Mục Vụ, thiếu nhi Thánh Thể họp thành vòng tròn sinh hoạt. Nào là múa, hát tập thể, diễn kịch, trao học bổng, cầu nguyện chung…..cũng thành một buổi giao lưu vui vẻ lịch sự.

Rời họ đạo, chúng tôi đến thăm lò gạch của một vị trong Hội Đồng Mục Vụ. Lò gạch của ông cứ bốn tháng ra một mẻ khoảng một trăm mấy chục ngàn viên qua qui trình như thế này: người ta lấy đất sét ở độ sâu 1-2 mét, đóng thành từng tảng vuông 30cm x 10cm, rồi thợ đóng vào khuôn thành những viên gạch ống, gạch Tàu; xếp vào lò gạch nung liên tục 90 ngày, để nguội 20 ngày mới lấy ra, lên màu. Sản phẩm là những viên gạch, những chậu cảnh… Khi nung gạch, những người thợ coi lò phải liên tục cho trấu vào lò suốt ngày đêm; vì thế cứ sáu tiếng đồng hồ, thợ phải thay phiên nhau trông coi cho trấu cháy liên tục. Những đống trấu to bằng căn nhà, màu vàng ươm như thân thiết với cuộc đời của những người làm mướn mà một ngày công của họ là 2 usd. Dường như huyện Măng Thít của Vĩnh Long đã giàu lên nhờ có khá nhiều lò gạnh như thế và làm cho huyện có nếp sinh hoạt rất riêng.

Xế chiều, ngồi trên xe, đi qua những con đường, hoàng hôn của vùng quê có nét đẹp nhẹ nhàng: màu của nắng và của những sản phẩm lò gạch hòa thành một độ vàng cam đẹp mắt làm chúng tôi rời thị xã Vĩnh Long một cách lưu luyến.

Trời xẩm tối, se se lạnh. Nếu có ai từ miền Tây về Sài Gòn mà không ghé vào một quán ở gần ngã ba Trung Lương để ăn cháo cá rau đắng thì thật “thiếu sót”. Cháo nấu với cá lóc và thịt bằm, múc vào những cái chén có sẵn rau đắng, mồng tơi, giá sống, ai thích thì đập hột gà vào, húp sì sụp ngon tuyệt!

Quê hương đất nước thật đáng yêu. Mỗi vùng một vẻ, mỗi nơi một duyên, mỗi chỗ mặn mà khác nhau. Có phải cái duyên, cái mặn mà ấy do sông do nước? Hay do cỏ do hoa? Hay khách vãng lai cảm nhận được do tâm tình dấn thân của môn đồ Đức Kitô? -- rải khắp mọi miền đất nước, làm đậm đà những cuộc gặp gỡ, làm những nụ cười của khách hành hương như có hoa văn trên môi, một thứ hoa văn xuất phát từ nền văn hóa tình yêu trong Thiên Chúa?

LỜI CẢM TẠ CÁC ÂN NHÂN GIÚP CHO HỌC SINH NGHÈO

Nhân đây, chúng tôi cũng muốn xin cám ơn một số vị ân nhân Việt Kiều đã đáp ứng Lời Kêu gọi của chúng tôi trong THƯ NGỎ HỌC BỔNG CHO HỌC SINH NGHÈO TẠI VIỆT NAM, mà trong tuần qua đã được VietCatholic phổ biến. Đã có chừng 10 ân nhân đã giúp Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi được chừng $700 US đô-la. Chúng tôi đã dùng số tiền này cấp học bổng cho học sinh nghèo tại một số địa điểm. Tuy nhei6n nhu cầu thì còn rất nhiều, chúng tôi tiếp tục kêu gọi lòng hảo tâm của qúi vị và xin mời qúi vị cùng chúng tôi xoa dịu những đau khổ và cứu trợ cho các em học sinh nghèo tại vùng sâu vùng xa, như tại họ đạo Cái Lộc trên đây.

Chương trình được thực hiện tùy theo sự trợ giúp của quí ân nhân. Số đơn được ưu tiên cho các em khó khăn nhất.

Địa chỉ liên lạc:

>b>Nhóm Bông Hồng Xanh

C/o Maria Vũ Loan

Số nhà 154 / 69 Đướng Phạm Văn Hai

Quận Tân Bình - Tp Ho Chi Minh, Viet Nam

Phone 08. 9912133, yeutrebuidoi@yahoo.com