ĐỜI SỐNG NỘI TÂM TRONG CUỘC ĐỜI PHỤC VỤ TẬN HIẾN

1. Đời sống nội tâm: những cuộc chuyển mình

Nói đến đời sống nội tâm trong việc phục vụ tông đồ là nói đến cái tinh thần, cái hồn của người tông đồ.

Trong môi trường tông đồ truyền giáo hiện đại, đã phải có nhiều cuộc chuyển mình người ta mới nhận ra được tầm mức quan trọng của đời sống nội tâm. Thực ra, các thánh và các nhà đại truyền giáo vẫn đặt nặng đời sống nội tâm, nhưng trong thời đại mới, nói đến nội tâm, người ta cứ cho như truyện hoang đường vậy. Trong những thập niên '60 - '70, người ta để ý rất nhiều đến phương pháp và dụng cụ trong công việc truyền giáo. Người ta vò đầu, vuốt trán làm ra bao nhiêu là dự án, đẻ ra bao nhiêu phương pháp, nhưng rồi đâu cũng hoàn đó. Biết bao nhiêu phong trào, nhà dòng đã bỏ ra cơ man sức lực trí tuệ và thời giờ loay hoay soạn thảo chương trình, phương pháp. Chương trình có thể hay, phương pháp có lẽ rất mới mẻ, phương tiện dồi dào hơn, nhưng hai người tông đồ hục hặc với nhau, anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi, người này nghi kỵ người kia, nên chi, chương trình phương pháp xếp đó để năm sau lại kéo ra bàn lại.

Thấy phương pháp, dụng cụ chẳng đưa đến đâu, bước sang thập niên '80, người ta chuyển hướng và để tâm đến nhân sự. Tuy đã chuyển mình từ sự vật sang con người, nhưng xem ra chỉ xoay có một nửa vòng, vì trong thập niên này, trọng tâm người ta đặt nặng trên kiến thức thần học và khả năng chuyên môn của các nhà thừa sai truyền giáo. Các dòng đua nhau gửi người đi học trăm ngành chuyên môn và các cuộc học hỏi thì xoay vần chung quanh các vấn đề mục vụ. Nhưng vấn đề đẻ thêm vấn đề, chưa giải quyết xong một vấn đề thì đã thấy ló dạng một vấn đề mới và đầu óc cứ luẩn quẩn chung các vấn đề.

Vào cuối thập niên '80 sang đầu thập niên '90, lại có một cuộc chuyển mình thứ hai: người ta chuyển hướng, từ khả năng chuyên môn, người ta để ý hơn tới cái hồn của nhà thừa sai truyền giáo. Cái quan trọng tối hậu trong việc phục vụ tông đồ là cái hồn của người tông đồ và lấy đó, không như yếu tố duy nhất, nhưng như điểm nồng cốt và điểm tựa để chiếu sáng tất cả các khía cạnh khác, chẳng hạn như phương tiện, khả năng chuyên môn, phương pháp... Cuộc chuyển mình này có lẽ có thể được diễn tả qua lời phát biểu của cha Fernando Sooãi, vị thừa sai người Ý, dòng PIME, mới qua đời cách đây ít năm, sau 50 năm phục vụ truyền giáo bên Bangladesh như sau:

"Ngày nay người ta nói nhiều về các phương pháp mục vụ, và người ta tổ chức nhiều cuộc học hỏi. Các việc đó cũng là điều tốt. Nhưng phần tôi thì tôi không tin vào các phương pháp, nhưng vào tinh thần hướng dẫn các phương pháp. Bên Bengala, tôi đã thử tất cả: tôi huấn luyện các giáo lý viên, tôi đi thăm các cứ điểm truyền giáo trong nhiều tháng, tôi đánh guitar và gảy đàn mandoline, tôi tổ chức các hợp tác xã và ngân hàng tín dụng nông nghiệp, tôi dạy giáo lý cho từng cá nhân và cho các nhóm, tôi tổ chức làm kịch với ý nghĩa tôn giáo. Nói tóm lại, tôi đã thử tất cả các điều mới mẻ. Tuy nhiên, nếu muốn thành thực, tôi phải nói là tôi cảm thấy là nhà truyền giáo thực sự, và có được các ơn trở lại và được dân chúng tín nhiệm, khi tôi cầu nguyện nhiều hơn. Chú trọng đến các phương pháp, cách thức mục vụ, đến thần học là điều hợp lý. Tuy nhiên, một điều không bao giờ được quên, đó là việc tông đồ không phải của chúng ta, nhưng Thánh Thần Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng cứu chuộc và giải thoát con người. Dân chúng, cả những người nghèo nhất, không cần chúng ta, sự trợ giúp và công việc của chúng ta, nhưng họ cần Chúa Giêsu... Cần phải suy niệm những điều này nhiều giờ trong kinh nguyện, nghiền gẫm đến độ có thể gặp được Chúa Giêsu trong tâm hồn và thấy vui sướng được gặp gỡ Ngài và sống say sưa hạnh phúc với Ngài" (P. Gheddo, PIME una proposta per la missione, EMI, Bologna 1989, trg. 131).

2. Đời sống nội tâm: nền tảng của công việc phục vụ tông đồ tận hiến

Nói về Đời Sống Nội Tâm trong cuộc đời phục vụ tận hiến là nói đến cái tâm, cái hồn của người tông đồ và để cắt nghĩa tính cách nền tảng của đời sống nội tâm, có lẽ không hình ảnh nào nói lên vấn đề cách rõ ràng cho bằng dụ ngôn Chúa nói trong sách Tin Mừng thánh Matthêu (7,21-23):

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”

Áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay, có lẽ chúng ta có thể diễn tả lại đoạn Sách Thánh như sau: "Trong ngày ấy, nhiều người sẽ nói với Ta rằng: 'Lạy Chúa, Chúa không nhớ sao, con đã xây mấy nhà thờ rộng lớn, tháp cao chọc trời, mà lại còn cố gắng hội nhập văn hóa, làm theo kiểu á đông, để làm sáng danh Chúa'; người khác thì nói: 'Lạy Chúa, con đã xây mấy viện tế bần, con đã hô hào lạc quyên giúp đỡ người nghèo, con đã đi thăm tận nhà những ông già bà lão cô đơn, con còn can đảm nói lên bênh vực người bị áp bức, người bị đối xử bất công'; người kkác thì nói: 'Lạy Chúa, con đã dạy bao nhiêu trẻ biết đọc biết viết, con còn dạy chúng đọc kinh và xưng tội rước lễ, con đã tổ chức các hội đoàn hát khản cổ tôn vinh Chúa; có khi con còn chịu đựng hy sinh, nhịn ăn nhịn uống đi giảng và giảng hùng hồn làm cho đàn bà con nít khóc như rươi'; người khác thì nói: 'Lạy Chúa, con đã hy sinh cặm cụi viết sách, viết báo, viết cả một luận án dài 1000 trang dạy đàng nhân đức, v.v.'

Biết đâu lúc đó Chúa chẳng nói: "Ta chưa hề bao giờ biết người, cút khuất mắt Ta, tên lưu manh gian ác!" Lời trách mắng của Chúa thật dễ sợ nói lên tất cả tính cách trầm trọng của vấn đề. Nhưng có cái lạ là Chúa đi quở trách rất nặng nề những người, nói cho cùng, đã làm những điều thiện, điều tốt có ích cho tha nhân? Tại sao vậy? Lý do là họ đã lấy danh nghĩa Chúa để phục vụ chính mình, đã dùng công việc của Chúa để thực hiện một chương trình nhân loại, một tham vọng cá nhân. Lý do rất đơn giản, nhưng lại là cái cốt tủy của tất cả cuộc đời phục vụ tông đồ tận hiến. Nhiều người có thể cùng làm một công việc, nhưng lý do, mục đích và tinh thần có thể rất khác, có thể còn trái ngược nhau nữa. Công việc giúp đỡ phục vụ, tự bản tính, là một diễn tả của tình yêu, nhưng trong thực tế, lắm khi lại không phải như thế. Có người phục vụ vì tình yêu Chúa thúc đẩy; có người phục vụ vì bản tính tự nhiên thích phục vụ; người khác phục vụ hết mình để cạnh tranh ảnh hưởng; cũng có thể có người phục vụ để trả đũa người khác, v.v. Chính vì vậy mà công việc từ thiện bác ái tự bản tính là công việc tốt và có tính cách xây dựng, nhưng trong thực tế lắm khi không những không xây dựng mà còn gây chia rẽ. Người ta cũng đánh đấm nhau vì công việc bác ái đấy. Nhiều người suốt đời vất vả phục vụ người nghèo đói, bệnh tật mà trong tâm hồn vẫn đầy dẫy kiêu căng, hờn giận, bạo động, áp bức. Công việc phục vụ của họ chẳng xây dựng cho họ, mà cũng chẳng xây dựng những người họ phục vụ.

Vũ Như Hiên trong cuốn "Đêm giữa ban ngày" có thuật lại là trong một cuộc hội thảo các nhà văn ở Hà Nội, Nguyễn Tuân khéo léo kể câu truyện ngồ ngộ, lấy tên là "Cái Rắm". Rằng

"Một hôm nhà vua đang ngự triều bỗng đánh rắm, tả quan lắng tai rồi tâu: "Muôn tâu bệ hạ, nghe như tiếng đàn, tiếng sáo", hữu quan hít hà rồi tâu: "Muôn tâu bệ hạ, ngửi như mùi huệ mùi lan". Nhà vua nghe tâu sướng tai lắm, nhưng rồi đâm lo: "Phàm thiên hạ đánh rắm thời phải thối, nay trẫm đánh rắm lại không thế, e trẫm băng hà đến nơi". Tả hữu mặt chảy dài. May sao giữa lúc đó nhà vua lại phun ra phát rắm thứ hai. Tả quan liền vươn cổ ra tâu: "Muôn tâu bệ hạ thối ạ!" Hữu quan cũng không kém: "Muôn tâu bệ hạ, không những thối mà còn thối lắm ạ!" (Vũ Như Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày. Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, Văn Nghệ, California, 1977, pp. 428-429).

Nguyễn Tuân kể câu truyện này để chửi xéo những cây bút nịnh bợ, viết để lấy lòng quyền lực, nhưng nó cũng giúp để làm sáng tỏ vấn đề của cái tâm. Nói có thể là hay và làm có khi cũng hay nữa, nhưng nếu lòng mà không hay thì hỏng bét tất cả. Có lẽ đôi lần chúng ta đã ăn lầm trái táo. Chọn một trái táo, bề ngoài xem thật tuyệt vời, nhưng khi bổ ra thì ôi thôi, cái ruột lốm đốm bao nhiêu chấm đen, có chỗ bị ủng và đôi trường hợp khủng khiếp hơn thì còn có giòi nữa. Thì đành bỏ đi chứ ăn sao được! Đó là vấn đề cái tâm, cái hồn của người tông đồ. Nó muôn vàn hệ trọng đối với công việc phục vụ tông đồ. Khi lòng không trong sáng thì lời nói và việc làm không tốt được. Cũng có thể lời hay, việc tốt, nhưng đó sẽ chỉ là cái vỏ, có khác chi trái táo bị ủng ruột nói trên (Mt 7,15-18).

3. Chúa Giêsu: điểm tựa duy nhất

Tình trạng thường hay gặp trong đời sống nội tâm là tình trạng, con tạm dùng một hình ảnh, mối bòng bong. Có nghĩa là tình trạng tâm hồn bị phân hóa, tình trạng một tâm hồn có quá nhiều điểm tựa và mỗi điểm tựa theo một tiêu chuẩn, một quy luật riêng. Nói cho cùng, trong cuộc đời phục vụ tận hiến, ít khi xảy ra tình trạng một tông đồ loại Chúa ra khỏi cuộc đời và công tác phục vụ của mình, và biến việc tông đồ thành việc tìm kiếm những lợi lộc, danh vọng hay phục vụ một ý thức hệ. Tuy tình trạng đó cũng có thể xảy ra, nhưng ít. Bình thường, vấn đề là đặt Chúa Giêsu ngang hàng hơn kém giữa biết bao giá trị. Cuộc đời được hướng dẫn hay bị chi phối bởi nhiều hấp lực, mỗi lúc một hấp lực khác nhau. Những quyết định, lời nói và hành động sẽ tùy thuộc vào hấp lực mạnh nhất trong lúc đó. Chính vì vậy, cuộc đời và công việc tông đồ trở nên hàm hồ và mâu thuẫn và trong tình trạng này người tông đồ thường dễ bị mệt mỏi, chán nản trước những khó khăn và dễ bị lạc hướng, có khác chi một chiếc xe, cùng một lúc bị nhiều con ngựa lôi kéo, mỗi con theo một hướng khác nhau. Kết quả là cỗ xe cứ nhùng nhằng, không tiến, cũng không lùi được và nếu nhiều con ngựa mạnh cùng kéo, cỗ xe có thể bị phá tan ra từng mảnh. Muốn cho cỗ xe chạy ngon trớn, phải làm sao tháo dây các con ngựa bất kham, hướng tất cả các con ngựa khác về một mối để chỉ có một con ngựa đầu đàn hướng dẫn thôi. Đây chính là khía cạnh thứ nhất đòi nhiều cố gắng trong đời sống nội tâm của người tông đồ tận hiến: quy tụ tất cả cuộc sống về Chúa Giêsu và hướng dẫn tất cả hoạt động dưới ánh sáng của Chúa Giêsu. Tiến trình của đời sống nội tâm ở đây có thể được diễn tả bằng hai đồ hình dưới đây:



4. Sống trong mối tình thâm với Chúa Giêsu

Quy tụ được tất cả cuộc sống về Chúa đã là điều tốt, nhưng như vậy vẫn chưa đủ; còn cần phải móc nối được mối dây liên lạc cá nhân thân tình với Chúa Giêsu nữa mới được, vì nội tâm là chỗ tinh túy nhất của con người, là chỗ thể hiện sâu sa nhất của căn tính một người. Đàng khác, nếu không có được mối dây thân tình mật thiết với Chúa thì cũng chẳng quy tụ tất cả cuộc sống về Chúa được.

Ngày nay, người ta bàn cãi nhiều về căn tính người tông đồ; các ý kiến thì nhiều và có khi trái ngược nhau, nhưng nếu muốn đi đến tận ngọn nguồn thì người tông đồ, khi muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa, phục vụ Giáo Hội, phục vụ tha nhân, lý do chính yếu không phải là để làm tốt làm đẹp cho thế giới, hay để thực hiện một chương trình, dự án cho Giáo Hội, cho dù có cao đẹp đến mấy đi nữa, nhưng vì đã được tình yêu Chúa Giêsu chinh phục. Như các môn đệ đầu tiên, khi được Chúa gọi, liền bỏ tất cả (thuyền, chài lưới, cha mẹ...) để theo Chúa, cũng thế, người tông đồ hôm nay, khi được Chúa chinh phục, cũng quyết định dâng hiến tất cả cuộc sống cho Chúa, quy tụ tất cả con người, tài năng, sức lực về Chúa và để cho Chúa sai khiến, hướng dẫn. Đây chính là nền tảng cùng cực của đời sống nội tâm và cũng là sức mạnh và sự dũng cảm của cuộc đời tông đồ tận hiến. Cái nội tâm đã được Chúa Giêsu chinh phục thực sự có lẽ không ai nói lên được cách hùng hồn bằng thánh Phaolô:

"Những gì xưa kia tôi cho là lợi lộc, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Nói thành thực, tất cả tôi đều coi là thiệt thòi, so với sự tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đã bỏ hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người." (Phil 3,7-9)

"Trong khi người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ và người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, chúng tôi rao giảng Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, chúng tôi tuyên xưng Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa
." (1 Cor 1,22-24)

Được Chúa Giêsu chinh phục và sống thân tình với Ngài là nguồn sức mạnh của cuộc đời tông đồ tận hiến, làm cho người tông đồ sống hăng say và trở nên quả cảm, biết biến các khó khăn thành cơ hội mới để loan báo Tin Mừng, làm cho nhiều người hơn có thể biết và yêu mến Chúa Giêsu. Nhưng đã là tông đồ, ai lại không biết Chúa Giêsu? Vậy, cái khác biệt nằm ở đâu? Sự khác biệt căn bản ở đây nằm tại chỗ biết Chúa theo lý thuyết trừu tượng và biết Chúa trong mối dây liên lạc thân tình. Biết Chúa rồi việc mình, mình làm, Chúa không có ăn nhằm chi hết, còn biết Chúa rồi thì coi mọi sự như phân bớn và chỉ muốn cho người khác biết Chúa thì có khác thiệt.

Người ta kể có lần kia, một gia đình giầu có tổ chức ăn tiệc. Có mặt, ngoài những trai tài gái sắc, còn có một tài tử diễn kịch tài giỏi và một linh mục đã có tuổi. Giữa bữa tiệc, có người đề nghị tài tử diễn kịch trổ tài. Vì là tài tử đại tài nên không sợ hãi nên hỏi những người có mặt: "Qúi vị có muốn điều chi đặc biệt không?" Vị linh mục già đề nghị: "Xin anh đọc cho chúng tôi nghe thánh vịnh 'Mục Tử nhân lành'". Sau một giây phút lưỡng lự, anh tài tử đáp: "Được, con sẽ làm theo ý cha, với điều kiện là tiếp theo, cha cũng phải đọc thánh vịnh đó". Linh mục đáp: "Tôi có phải là tài tử diễn kịch đâu? Nhưng nếu anh muốn thế, tôi cũng xin cố gắng". Và anh tai tử kịch nghệ bắt đầu ngâm nga thánh vịnh với tất cả tài năng của mình. Khi anh kết thúc, tất cả cùng vỗ tay ran nhà. Đến lượt vị linh mục, với giọng nho nhỏ run run, ngài bắt đầu ngâm thánh vịnh. Khi ngài ngâm xong, chẳng ai vỗ tay cả, tất cả đều im lặng, nhưng người ta thấy trên mắt nhiều người chảy đôi hàng nước mắt. Sau một hồi im lặng, anh tài tử kịch nghệ đứng lên và nói: "Thưa qúi vị và bạn hữu, tôi đã đánh động đôi mắt và đôi tai của các bạn, còn vị linh mục đây, ngài đã đánh động con tim của các bạn. Lý do vì tôi biết thánh vịnh về mục tử, còn ngài thì biết vị mục tử". Biết các lý thuyết về Chúa và biết Chúa quả có khác.

5. Làm công việc của Chúa

Còn một khía cạnh nữa rất quan trọng trong nội tâm của người tông đồ. Đó là ý thức về bản tính công việc mình làm. Nói đến việc tông đồ là nói đến ra đi và nói đến phục vụ. Nhưng muốn nói đến cùng cực thì người tông đồ không ra đi, nhưng được sai đi để cộng tác làm công việc của Chúa, nên chi người tông đồ ra đi chỉ vì được sai đi. Các văn kiện của Giáo Hội sau Công Đồng Vaticanô luôn nhắc đi nhắc lại điều này. Tông thư "Rao giảng Tin Mừng" (Evangelii Nuntiandi) thì nói là trong sứ mệnh của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần đóng vai chính (RGTM 75), còn thông điệp "Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế" thì nói: "Chúa Thánh Thần là Đấng chủ động của tất cả sứ vụ của Giáo Hội, đặc biệt trong sứ mệnh truyền giáo" (SMĐCT 21).

Ngày nay người ta hay than thở là công việc tông đồ, nhất là công việc truyền giáo, gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Cũng đúng thôi, nhưng nói cho cùng, khối người gặp khó khăn nguy hiểm trong công việc của họ. Có một cái khó khăn đặc thù và cũng là cái khó nhất của người tông đồ thì lại ít ai nói, nhưng nó lại là cái khó thực. Đó là người tông đồ phải làm công việc không phải của mình mà của Chúa. Dấn mình làm việc tông đồ là lao mình cộng tác với Chúa Thánh Thần, nên việc hệ trọng là nhìn ra được hướng đi của Chúa và làm công việc Chúa chỉ cho làm. Nhưng làm sao nhìn ra được đường đi của Chúa, khi ý nghĩ của Chúa không phải là ý nghĩ của mình, cách ra như trời với đất (Is 55,8-9; Rom 11,33-36). Đó, cái khó nó nằm ở chỗ đó, nhưng phải nhìn cho ra đường đi của Chúa, bằng không thì sẽ làm công việc riêng tư của mình. Có thể việc làm cũng tốt, nhưng nếu là việc riêng thì không còn phải là cộng tác với Chúa Thánh Thần, mà là tiếm đoạt địa vị của Chúa để làm chủ động.

6. Vậy, phải làm gì?

Nếu đó là những điều nội tâm căn bản trong cuộc đời tông đồ tận hiến thì cụ thể phải làm chi để đáp ứng lại những đòi hỏi đó? Cuộc hành trình thiêng liêng có thể diễn tả qua mấy chặng đường sau đây:

a) Lắng nghe tiếng lòng để nhận ra và theo con đường của Chúa

Trong cuộc đời phục vụ tận hiến, có nhiều mối bận tâm, lo lắng, nhưng mối bận tâm đầu tiên luôn thúc bách tâm hồn người tông đồ chắc phải là mối bận tâm tìm kiếm để chân nhận ý Thiên Chúa và lần theo con đường của Ngài. Đó là thái độ của nhà chiêm niệm thần bí, người nhậy cảm và tuyêt đối vâng theo các tác động của Chúa Thánh Thần trong nội tâm và để cho tiếng nội tâm hướng dẫn mọi hành động và tất cả cuộc sống. Sống triền miên trong thái độ lắng nghe để tìm kiếm và lần mò theo tiếng nội tâm. Chính vì vậy mà các nhà tu đức thường gọi đời sống chiêm niệm thần bí là đời sống thụ động, nhưng lại linh động tích cực hơn đời sống tích cực.

Đời sống tích cực là mẫu sống khi người tông đồ băn khoăn lập chương trình hoạt động, tính toán dựa theo tiêu chuẩn loài người. Đời sống thụ động bắt đầu khi người tông đồ biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần nói trong nội tâm và để cho tiếng nội tâm hướng dẫn. Vì vậy, người tông đồ nhiều khi đi những nơi không muốn, làm những điều không thích và do đó, trở nên rất linh động tích cực và can trường. Cuộc đời của các tiên tri, các thánh Tông Đồ, các nhà đại truyền giáo là như vậy. Và đó là ý nghĩa lời Chúa nói với thánh Phêrô trong sách Tin Mừng thánh Gioan: "Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mặc áo lấy và ngươi đi nơi ngươi muốn. Nhưng khi đã về già thì ngươi giang tay để người khác choàng áo cho và dẫn ngươi đi nơi ngươi không muốn" (Gio 21,18). Già trẻ đây không tính về tuổi tác, nhưng về sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, và người khác ở đây không ai khác hơn là Chúa Thánh Thần. Chính vì vậy mà người tông đồ trở nên can đảm và tích cực hơn trước, vì không dựa theo sự khôn ngoan của loài người, nhưng dựa trên sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Nhưng không phải tất cả mọi tiếng nội tâm đều là tiếng Chúa Thánh Thần. Cũng có tiếng của tư lợi, tiếng của danh vọng, tiếng của ảo tưởng, và cả tiếng của thần dữ tìm cách đánh lừa người tông đồ để lái đi theo đường khác. Vì vậy, sống theo tiếng Chúa Thánh Thần đòi hỏi một cuộc hành trình thiêng liêng có thể tóm lại trong ba nấc chính yếu:

i. Tự do nội tâm: đời sống tông đồ truyền giáo đòi hỏi, trước nhất, cuộc hành trình thanh luyện để có được sự tự do nội tâm. Nếu không có tự do nội tâm, người tông đồ sẽ không nghe thấy Tiếng Huyền Nhiệm, mà chỉ nghe thấy lộn xộn muôn tiếng ồn ào chen lấn. Cần phải thanh luyện cho lòng mình được tự do thanh thản trước tất cả thụ tạo. Chúa Giêsu còn nói là phải từ bỏ chính bản thân và sự sống riêng mình. Nếu người tông đồ không biết từ bỏ tất cả, coi chúng tất cả là tương đối thì chúng sẽ trở thành ngẫu tượng trong lòng và lúc đó, người tông đồ chỉ nghe thấy tiếng các ngẫu tượng chứ không nghe thấy tiếng Chúa. Trái lại, nếu người tông đồ biết từ bỏ tất, thì không mất mát gì, mà lại tìm được tất cả một cách trung thực. Chúng sẽ trở lại trúng vị trí của chúng trong con tim của người tông đồ. Đó là ý nghĩa lời Chúa trong sách Tin Mừng thánh Matêo: "Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy, không đáng thuộc về Thầy... Ai muốn bảo vệ mạng sống mình thì sẽ mất sống; còn ai thí mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì lại được sống" (Mt 10,37-39). Nói cho cùng thì vấn đề không phải do các thực tại gây lên, nhưng tại con tim của người tông đồ làm chúng thành méo mó. Không phải là các thực tại xấu, nhưng vì con tim của con người sa đọa.

Chính vì vậy mà đời sống thiêng liêng tông đồ thường được ví von như cuộc hành trình vào sa mạc. Khách lữ hành muốn băng qua sa mạc phải lên đường với ít hành trang. Nhưng rồi trong cuộc hành trình sẽ thấy là số ít hành trang mang theo vẫn còn qúa nặng, quá cồng kềnh và cản trở cho cuộc hành trình. Vì vậy, từ từ phải vất bỏ tất cả những gì không tối cần thiết, và sau cùng phải vất tất cả, chỉ giữ lại một vật duy nhất. Đó là nước. Đi trong sa mạc, điều cần thiết duy nhất là nước. Có thể thiếu tất cả, nhưng nếu thiếu nước thì sẽ chết khô trong sa mạc.

ii. Thực với lòng mình: tất cả mọi hoạt động của cuộc đời tông đồ chỉ nhắm có một mục đích duy nhất: đem Chúa đến cho người khác để xây đắp cuộc đời của họ; phục vụ Chúa và làm vinh danh Chúa, hay nói theo khẩu hiệu của thánh Ignacio "ad majorem Dei gloriam". Nhưng lắm khi nói là vì Chúa, tình thực là vì những lý do khác. Vì vậy, cần phải thực với lòng mình. Dám nhìn thẳng mặt các động cơ thúc đẩy làm căn nguyên cho các lựa chọn và hành động. Trong kinh nghiệm phục vụ tông đồ, có khi một người lao mình làm việc trối chết, xem ra xả thân phục vụ rất quảng đại; nhưng lắn khi lý do chính yếu lại là cạnh tranh, sợ mất ảnh hưởng, hay vì hư danh hoặc một lợi lộc nào đó. Vì vậy, cần phải trở về nội tâm để dò hỏi lòng mình và gọi mỗi căn nguyên với chính tên của nó. Đó, nhà chiêm niệm thần bí vâng theo tác động của Chúa Thánh Thần là vậy đó. Không phải là người có nhiều kinh nghiệm xuất thần ngây ngất, nhưng thiết yếu phải là người có can đảm nhìn nội tâm để không dối lòng mình.

iii. Chết cho chính bản thân. Chính vì có can đảm nhìn thẳng sự thật để khỏi tự dối mình mà nhà chiêm niệm thần bí trong hành động dần dần tiến từ đời sống tông đồ trong đó mình là trung tâm điểm để bước sang đời tông đồ trong đó Chúa Giêsu là trung tâm điểm. Trong chiều hướng đó, đời tông đồ truyền giáo là một cuộc chiến đấu liên lỉ và gay go để đưa mình ra ngoài và đưa Chúa Giêsu vào trong, tận trung tâm cuộc sống và mọi hoạt động. Cuộc chiến này đưa đến một cái chết thực sự cho chính bản thân mình. Chỉ khi người tông đồ biết chấp nhận chết cho chính mình mới có thể phục vụ Chúa thực sự. Bằng không thì chỉ là cái vỏ bề ngoài.

b) Tiến bước trên đường say yêu Chúa

Tông đồ là người được Chúa chinh phục nên điểm đặc trưng của tất cả cuộc đời tông đồ tận hiến là tình say mến Chúa Giêsu. Tình yêu say mến Chúa Giêsu tiến triển trên 3 bình diện:

i. Hiện diện: khi người ta thương yêu nhau thì thường nghĩ tưởng đến nhau và hành dưới sức mạnh của sự hiện diện đó. Cũng tương tự thế, người tông đồ say mến Chúa cũng luôn nghĩ tưởng đến Chúa và sự hiện diện của Chúa trở thành nguồn nguồn gợi hứng, là sức mạnh nâng đỡ và là tiêu chuẩn quyết định lựa chọn.

ii. Gặp gỡ đối thoại: gặp nhau trò truyện để khen ngợi, cám ơn, xin lỗi, xin giúp đỡ và nhất là để chia sẻ tâm tư. Nhờ vậy, hai người được biến đổi trong tâm tình, lý tưởng, tiêu chuẩn sống để trở nên giống nhau và khắng khít lấy nhau. Đây là chính là mục đích của các giờ suy ngắm để hiểm thấu đáo mầu nhiệm của Chúa: các tâm tình, ý nghĩ, tâm thức, tiêu chuẩn lựa chọn và hành động. Suy để hiểu, hiểu để thấm nhuần, thấm nhuần để lấy đó làm tiêu chuẩn sống.

iii. Lòng với lòng: sống trong thinh lặng để cảm nghiệm sự hiện diện của nhau, để dâng hiến cho nhau. Trong tiến trình say mến Chúa, đây là những phút giây chiêm niệm trong thinh lặng để quy tụ tất cả con người của mình về Chúa và sống trong sự xác tín đức tin là được Thiên Chúa thương yêu vô điều kiện và để dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa.

Tiến bước trên cuộc hành trình nội tâm như thế, người tông đồ sẽ trở nên như một thửa vườn mầu mỡ có muôn hoa đua nở mời gọi chim chóc tu họp ca hót líu lo ca ngợi Thiên Chúa và vui sướng lòng người.