1. Đức Cha Syukur từ chối chức Hồng Y để ‘thăng tiến đời sống linh mục’

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Giám mục Paskalis Bruno Syukur, Giáo phận Bogor Nam Dương, xin không nhận chức Hồng Y trong cuộc tấn phong sắp tới vào ngày 7 tháng 12 năm 2024.

Giám mục dòng Phanxicô người Indonesia Paskalis Bruno Syukur, 62 tuổi, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyển chọn làm Hồng Y vào ngày 21 tháng 11 năm 2013, sau khi phục vụ với tư cách là Giám tỉnh của Dòng Anh em Hèn mọn tại Indonesia từ năm 2001 đến năm 2009. Tuy nhiên, vị Giám mục đã thỉnh cầu không tấn phong làm Hồng Y trong Công nghị sắp tới.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, vào tối thứ Ba, cho biết Đức Cha Syukur đã bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển bản thân “trong việc phục vụ Giáo hội và dân Chúa”, một sự lựa chọn, xuất phát từ mong muốn đào sâu hơn nữa đời sống linh mục của mình.

Kết quả là, số lượng Hồng Y nhận mũ đỏ từ Đức Thánh Cha sẽ là 20 thay vì 21.

Tiểu sử của Đức Giám Mục Syukur

Đức Giám Mục Paskalis Bruno Syukur sinh ngày 17 tháng 5 năm 1962 tại Ranggu, thuộc Giáo phận Ruteng, trên Đảo Flores, Indonesia. Sau khi hoàn tất chương trình tiểu học, ngài theo học tại Chủng viện Piô X ở Kisol và sau đó theo học triết học tại Khoa Triết học Driyakara ở Jakarta, và sau đó là thần học tại Khoa Thần học ở Yogyakarta.

Ngài tuyên khấn trọn đời trong Dòng Anh em Hèn mọn vào ngày 22 Tháng Giêng năm 1989 và được thụ phong linh mục vào ngày 2 tháng 2 năm 1991.

Cha Syukur đã đảm nhiệm nhiều vai trò mục vụ và lãnh đạo trong suốt thời gian phục vụ. Từ năm 1991 đến năm 1993, ngài phục vụ với tư cách là một linh mục tại giáo xứ Moanemani, Giáo phận Jayapura (Tây Papua). Từ năm 1993 đến năm 1996, ngài theo học chương trình Cử nhân Tâm linh tại Antonianum ở Rôma.

Sau khi hoàn tất văn bằng, ngài trở thành cha tập sự ở Depok từ năm 1996 đến năm 2001, và từ năm 1998 đến năm 2001, ngài cũng là Người cổ súy dòng Phanxicô ở Depok và là thành viên của Hội đồng Tỉnh.

Từ năm 2001 đến năm 2009, ngài giữ chức Giám Tỉnh của Dòng tại Indonesia, và năm 2009, ngài được bổ nhiệm làm Tổng cố vấn cho Á Châu và Châu Đại Dương tại Rôma.

Vào ngày 21 tháng 11 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Giáo phận Bogor.

2. Thỏa thuận giám mục Vatican-Trung Quốc được gia hạn thêm bốn năm

Vatican thông báo hôm thứ Ba rằng Tòa Thánh đã gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo thêm bốn năm nữa.

Việc gia hạn diễn ra vài ngày sau khi một báo cáo từ Viện Hudson nêu chi tiết về việc bảy giám mục Công Giáo ở Trung Quốc đã bị giam giữ mà không có thủ tục tố tụng hợp pháp, trong khi các giám mục khác đã phải chịu áp lực, giám sát và điều tra của cảnh sát dữ dội kể từ khi thỏa thuận Trung quốc-Vatican được ký kết lần đầu tiên cách đây sáu năm.

Với việc gia hạn, thỏa thuận Trung-Vatican hiện sẽ có hiệu lực cho đến ngày 22 tháng 10 năm 2028.

Bản dịch tiếng Anh của tuyên bố chính thức từ Tòa thánh cho biết “Phía Vatican vẫn tận tụy thúc đẩy đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng với phía Trung Quốc, vì sự phát triển hơn nữa của quan hệ song phương vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và toàn thể người dân Trung Quốc”.

Tuyên bố nói thêm rằng cả hai bên đã đồng ý gia hạn thỏa thuận tạm thời sau khi “tham vấn và đánh giá phù hợp”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cũng xác nhận việc gia hạn, nói rằng hai bên sẽ duy trì “liên lạc và đối thoại theo tinh thần xây dựng”, theo hãng tin Associated Press.

Ban đầu được ký vào tháng 9 năm 2018, thỏa thuận tạm thời trước đó đã được gia hạn thêm hai năm vào năm 2020 và một lần nữa vào tháng 10 năm 2022.

Các điều khoản của thỏa thuận chưa được công khai, mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng thỏa thuận bao gồm một ủy ban chung giữa chính phủ Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo, do Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican giám sát.

Đối thoại của Vatican với Trung Quốc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tòa thánh đã thừa nhận rằng Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận khi đơn phương bổ nhiệm các giám mục Công Giáo tại Thượng Hải và “giáo phận Giang Tây”, một giáo phận lớn do chính phủ Trung Quốc thành lập nhưng không được Vatican công nhận.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự hài lòng với cuộc đối thoại đang diễn ra với Trung Quốc trong một cuộc họp báo vào tháng 9. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, đã thận trọng hơn, gọi thỏa thuận này là “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” và lưu ý những nỗ lực đang diễn ra để cải thiện việc thực hiện thỏa thuận.

Kể từ năm 2018, “khoảng 10 giám mục” đã được bổ nhiệm và tấn phong theo các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican, theo Vatican News.

Theo Asia News, một giám mục phó mới của Bắc Kinh dự kiến sẽ được bổ nhiệm vào thứ sáu này theo thỏa thuận với Vatican. Giám mục phó sẽ chỉ trẻ hơn năm tuổi so với Tổng giám mục hiện tại của Bắc Kinh là Joseph Li Shan, người vẫn còn cách tuổi nghỉ hưu thông thường của các giám mục Công Giáo hơn một thập niên.

Vào tháng 8, chính phủ Trung Quốc đã chính thức công nhận Giám mục Melchior Shi Hongzhen, 95 tuổi, một cựu giám mục hầm trú. Vatican gọi sự công nhận này là “thành quả tích cực của cuộc đối thoại” với Bắc Kinh.

Những người ủng hộ nhân quyền đã chỉ trích sự im lặng của Vatican về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán, bao gồm việc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và giam giữ những người ủng hộ dân chủ như Công Giáo Jimmy Lai ở Hương Cảng.

Theo một báo cáo gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, các quan chức Trung Quốc được cho là đã ra lệnh gỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ và thay thế hình ảnh Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Trinh bằng hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cũng báo cáo rằng chiến dịch “Hán hóa tôn giáo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi tắt là ĐCSTQ đã dẫn đến việc kiểm duyệt các văn bản tôn giáo, buộc các giáo sĩ phải rao giảng ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và yêu cầu phải trưng bày các khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các nhà thờ.

“Mặc dù một số người Công Giáo chọn thờ phượng hợp pháp trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, nhưng họ chắc chắn không được tự do vì họ phải tuân thủ các cơ chế kiểm soát và can thiệp khắc nghiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” Ủy viên Asif Mahmood của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã nói với CNA vào đầu tháng này.

“Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc truyền bá sự tuân thủ và tận tụy không lay chuyển đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, chương trình nghị sự chính trị của họ và tầm nhìn của họ đối với tôn giáo, chứ không phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo,” ông nói

3. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân chỉ trích sự thao túng của Thượng Hội Đồng

Đức Hồng Y Quân chỉ trích 'sự kiêu ngạo đáng kinh ngạc' và sự bất nhất trong việc Vatican chấp thuận các phước lành cho người đồng giới mà không tham khảo ý kiến của Thượng hội đồng

Một trong những Hồng Y nổi tiếng nhất của Trung Quốc cho biết Thượng hội đồng về tính đồng nghị đã phải chịu tổn thất từ những người ủng hộ việc công nhận nhiều hơn các mối quan hệ đồng giới.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, cựu Giám mục Hương Cảng, 92 tuổi, cho biết hai vị Hồng Y chủ trì hội nghị – Đức Hồng Y Mario Grech người Malta và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich người Luxembourg – cùng với tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández người Á Căn Đình, “không nhấn mạnh đến việc bảo tồn đức tin, nhưng nhấn mạnh đến những thay đổi, đặc biệt là những thay đổi về cơ cấu và giáo lý đạo đức của Giáo hội; đặc biệt là về vấn đề tình dục”.

Vị Hồng Y người Trung Quốc được coi là nhân vật chủ chốt trong phe bảo thủ của Giáo hội, và từ lâu đã bị coi là người phản đối phương pháp cai trị của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là trong cách đối xử với Bắc Kinh.

Trong một bài viết trực tuyến, Đức Hồng Y Quân lưu ý rằng cụm từ “synod” có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau.

Ngài thừa nhận dựa trên nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Synod”, có nghĩa là “cùng nhau bước đi”, nhưng nói thêm rằng trong lịch sử của Giáo hội, các synod là những cấu trúc “mà thông qua đó, hàng giáo phẩm của Giáo hội dẫn dắt Giáo hội đi qua lịch sử”.

Đức Hồng Y người Trung Quốc cho biết vào năm 2021, Bộ Giáo lý Đức tin đã được hỏi “liệu có được phép ban phước cho các cặp đồng giới hay không” và câu trả lời là “không”, điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận, trước khi những điều này lại bị phủ nhận bởi Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.

Đức Hồng Y Quân cho biết hội đồng hiện tại được thiết kế “nhằm lật đổ hệ thống phẩm trật của Giáo hội và thực hiện một hệ thống dân chủ”.

“Điều đáng ngạc nhiên nhất là trong số những người tham dự Thượng hội đồng, có tới 96 người 'không phải giám mục' (bằng 26 phần trăm của toàn bộ nhóm) và có quyền bỏ phiếu”, ngài viết.

“Giáo hoàng có quyền triệu tập bất kỳ cuộc họp cố vấn nào. Tuy nhiên, Thượng hội đồng giám mục do Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khởi xướng được thiết kế cụ thể để cho phép giáo hoàng lắng nghe ý kiến của các giám mục anh em của mình. Với việc 'những người không phải giám mục' bỏ phiếu cùng nhau, thì đó không còn là Thượng hội đồng giám mục nữa”, vị Hồng Y nói.

Quay trở lại vấn đề quan hệ đồng tính, ngài nhớ lại rằng ngay sau khi kết thúc phiên họp năm 2023 của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành Fiducia Supplicans, trong đó nêu rõ giáo sĩ có thể ban phước cho các đôi đồng giới trong một số trường hợp nhất định.

“Vị bộ trưởng của bộ thậm chí còn nói rằng bản tuyên bố đã đủ rõ ràng và ông ta không chuẩn bị để thảo luận thêm về nó. 'Họ' đã quyết định về vấn đề này, không tham khảo ý kiến của các giám mục trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội Đồng. Đây là sự ngạo mạn đáng kinh ngạc!” Đức Hồng Y Quân viết.

“Sau khi công bố bản tuyên bố đó, đã có một sự chia rẽ lớn trong Giáo hội và sự nhầm lẫn lớn giữa các tín hữu. Điều này hiếm khi xảy ra trong lịch sử của Giáo hội… Đức Giáo Hoàng và Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã bày tỏ 'sự hiểu biết' về tình hình mà không thu hồi bản tuyên bố. Vậy, vấn đề này vẫn sẽ được thảo luận tại cuộc họp năm 2024 chứ? “ ngài hỏi.

Đức Hồng Y Quân tuyên bố nếu vấn đề này không được giải quyết tại Thượng hội đồng, “tương lai của Giáo hội sẽ rất mờ mịt, bởi vì một số giáo sĩ và bạn bè của Giáo hoàng, những người khăng khăng muốn thay đổi truyền thống của Giáo hội về vấn đề này, vẫn tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch của họ một cách mạnh mẽ.”

“Trong khi Thượng hội đồng đang diễn ra, họ đã tích cực thúc đẩy chương trình nghị sự của mình bên ngoài hội trường cuộc họp. Điều đáng lo ngại là ngay cả cái gọi là nhóm các Con Đường Mới, ủng hộ trào lưu chuyển giới, cũng đã được Đức Giáo Hoàng đón nhận rất nồng nhiệt cách đây vài ngày”, vị Hồng Y nói.

Ngài nói thêm rằng không có vấn đề cụ thể để tranh luận, cuộc thảo luận của Thượng hội đồng sẽ tập trung vào tính đồng nghị của Giáo hội.

“Tôi e rằng điều này cũng giống như việc thảo luận xem liệu các tín hữu có nên có nhiều quyền hơn để 'chia sẻ' trách nhiệm của các 'mục tử' trong hệ thống phẩm trật hay không. Nếu những người ủng hộ sự thay đổi này không thể giành chiến thắng ở cấp độ toàn thể Giáo hội, thì phải chăng họ sẽ đấu tranh cho sự đa dạng giữa các giáo hội địa phương?” Đức Hồng Y Quân hỏi.

“Các hội đồng giám mục riêng lẻ có nên có thẩm quyền độc lập đối với giáo lý đức tin không? Đây là một viễn cảnh đáng sợ”, ngài nói tiếp.

“Nếu ý tưởng này thành công, chúng ta sẽ không còn là Giáo Hội Công Giáo nữa – (Giáo hội Anh đã công nhận hôn nhân đồng giới và tín hữu của họ chỉ chiếm thiểu số chưa đến 20 phần trăm trong Giáo hội Anh giáo toàn cầu.) Làm sao chúng ta có thể không cảnh giác?” Đức Hồng Y Quân hỏi.


Source:Catholic Herald