CHÚA GIÁNG SINH TRÊN HẢI ĐẢO KANGAROO

Nhễ nhãi mồ hôi, vai trĩu nặng cặp sách bé Thủy Dương xuống xe tram bước lẹ về phía cổng trường. Bé lầm lũi rảo chân. Ngôi trường mới xa lạ. Bạn bè hiếm giữa cả ngàn đứa. Bé mới được đưa vào trường tư này chưa đầy một tháng. Bé vào lớp 9. Nhìn mấy đứa học sinh, có cha có mẹ, có xe đưa đón. Bé tủi thân!

Bé được cha được bảo lãnh qua, nhưng vì cuộc đò mới. Bé phải xa bến cảng an toàn êm ấm. Tưởng rằng cuộc sống trên hải đảo “Kangaroo” lớn rộng, đúng với cái danh xưng Úc Đại Lợi. Một đất nước phì nhiêu sang giầu, chắc bé sẽ được vui sống hạnh phúc. Thực tế lại phũ phàng! Lắm lúc bé vẫn hối tiếc quá khứ: dẫu tại quê nhà, cả đất nước nghèo, không tiện nghi bằng cuộc sống Âu Mỹ Úc. Nhưng ít ra bé sống trong bến cảng mái ấm. Chiếc thuyền con bé bỏng của bé được nương neo theo thuyền mẹ… Bé hậm hực. Bé buồn.

Mấy tháng trước bé theo học Anh văn tại Trung Tâm Sinh Ngữ, bé gặp gỡ đôi ba hoàn cảnh tương tự như bé. Bé bớt cô đơn. Hồi tâm suy nghĩ, bé vẫn thấy mình hạnh phúc hơn biết bao bé lớn bé nhỏ tại quê nhà. Vì ít ra ở đây bé thấy bầu trời tương lai được mở rộng đón chờ bé. Tương lai sáng hay tối, giỏi hay đần, trí thức hay công nhân… Tất cả đều lệ thuộc nơi sự cố gắng học hành của bé. Ở đất nước này bé được đi học, dù chẳng có cha, có mẹ. Dù chẳng có đồng xu nào do bàn tay non trẻ của bé có thể lao động. Có chính phủ lo cho đi học. Có an sinh xã hội giúp đỡ. Bé quyết tâm tự tay lập sự nghiệp. Bé tự nhủ bé phải ngước đầu ngoi lên. Bé không được buông xuôi nản chán.

*

* *

Thằng Sinh nhanh như sóc ra dấu hiệu cho thằng bạn. Cả hai cùng băng qua đường. Thằng Sinh đã bắt được mối. Thằng bạn cũng qua đường. Đảo mắt chung quanh, rồi ra chừng canh gác cho thằng Sinh hành động.

Thằng Sinh trao đổi dăm câu gì với một cô gái Úc. Tay vân vê điếu thuốc. Phì phà nhả khói. Thế rồi đưa tay lên miệng, vứt bỏ mẩu thuốc tàn. Khách qua đường thấy cảnh đó rất tầm thường. Nào ai có ngờ, với tài tinh sảo thằng Sinh đã nhả theo tàn thuốc một gói bạch phiến nhỏ từ trong miệng ra như món hàng trao đổi cho cô gái.

Dù có tinh sảo đến mấy thằng Sinh cũng bị chụp hình quả tang và bị thọp cổ… Trong tù, tưởng chừng nó được cảm hóa, nhưng nó lại được trau luyện cao đẳng hơn. Sau ít năm ra tù, nó trở thành một tay anh chị của giới “Băng đảng Á châu”.

Mấy năm gần đây ‘nạn xì ke ma túy’ tăng nhanh với những án tử hình những chàng trai Úc gốc Việt tại Singapore, rồi Việt Nam hay Bali, Nam Dương??? Chắc Chúa cung xót xa cho tự do bị lạm dụng của giới trẻ tại đây!!

*

* *

Chị Thanh khóc sướt mứơt, năn nỉ cha xứ giúp đỡ chị. Lạ nhỉ, trong cuộc sống tại đất nước thanh bình này, chính phủ có để cho ai phải đói khổ đâu? Vì nếu tiền an sinh như mức sống tạm đủ tối thiểu của một người Úc thất nghiệp, thì với một người Việt Nam, với chế độ ăn uống tần tiệm, tiêu sài vừa phải, số tiền này đâu đến nỗi thiếu thốn! Chị Thanh khóc chẳng phải vì đói ăn đói mặc. Chị khóc vì nỗi khổ của tâm hồn dằn vặt!

Chị Thanh tới Úc qua diện hôn thê vợ chồng. Ở Việt Nam chị ao ước qua Mỹ, qua Úc. Chị nghĩ với đời sống cao về vật chất sẽ giúp chị tạo hạnh phúc, dù có phải sống thua kém người đời trong xã hội hải ngoại, thì chắc cũng là vương giả so với nếp sống tại quê nhà. Suy nghĩ ấy đã làm chị xây lâu đài mộng mơ. Tâm trí chị vẽ vạch ngàn vạn cảnh thần tiên và tâm hồn chị say sưa khao khát.

Vả lại Việt kiều, ai về nước cũng thấy trắng trẻo, trẻ đẹp và tiêu tiền như vua quan quí phái. Đặc biệt các tay sở khanh, trong ví dăm ba cái cards: dù thẻ tín dụng không tiền, thẻ ngân hàng chỉ dăm trăm. Oai thiệt! Nếp sống đài các… Ai chẳng ham, chẳng sấn vào… chẳng cần biết có yêu hay không!

Chị đã vì những hào nhoáng mê hoặc mà trao thân gửi phận cho gã sở khanh. Khi giấy tờ bảo lãnh qua, chị hỡi ơi… Người chồng lý tưởng của chị cũng năm thê bẩy thiếp! Một thân một mình, chị đành câm nín sống cảnh tôi đòi cho người chồng đi sớm về khuya. Chẳng phải vì lam lũ công việc làm ăn, nhưng vì đam mê, thức sáng thâu đêm tại sòng bài Casino. Chị ở nhà nai lưng ra may từng chiếc áo, lượm bạc cắc… nhưng rồi tiền to tiền nhỏ thu vén bao nhiêu cũng bị gã chồng nướng sạch trong sòng bài.

Chị cứ cắn răng chịu đựng cho đầy hai năm. Chị sợ bị trục xuất về Việt Nam nếu ly dị sớm! Vả lại giữa một đất nước không một người thân thì biết nương vào đâu? Lạ lẫm và ngỡ ngàng!

Thôi thì cha xứ, dẫu chẳng biết phải giúp ra sao, nâng đỡ thế nào. Âu là mách bảo và giới thiệu chị tới Hội Phụ Nữ và mong chị sớm dược giải thoát khỏi cảnh buồn tủi cuộc đời.

*

* *

Nếu Chúa giáng sinh hôm nay trên hải đảo Kangaroo này, Chúa sẽ nghĩ sao? Chúa có lạ lẫm với xe cộ nối đuôi nhau kẹt cứng mỗi sáng chiều vào giờ cao điểm? Dù có siêu xa lộ. Dù có đường hầm qua Victor Harbour tại Sydney hay City Link dưới lòng sông Yarra tại Melbourne. Hai ngàn năm trước cuộc sống của Chúa đơn sơ mộc mạc. Chúa sống với thiên nhiên dùng ngựa lừa, sức người như những phương tiện di chuyển…

Chúa có ngỡ ngàng đi vào hệ thống điện toán, vào Internet, và vui sướng thụ hưởng những tiện nghi thời đại. Chân Chúa đỡ mệt mỏi, Chúa khỏi phải to tiếng giảng giải cho đoàn đoàn lớp lớp dân chúng tuôn đến nghe Lời Chúa giảng dậy, hay chỉ đến vì tò mò muốn chứng kiến các phép lạ Chúa làm hay được ăn bánh lạ Chúa trao. Chúa có thể lên đài truyền hình, truyền thanh giảng giải Tin mừng hay ‘búng lên mạng lưới toàn cầu’công bố Tin mừng cho toàn thế giới…

Chúa có phải dùi mài kinh sử để thu góp một hiểu biết phổ quát của thời đại và vất vả để giật lấy những mảnh bằng như con người chúng con không? Chắc hẳn là không vì Chúa là Chúa mà! Tuy thế, con nghĩ Chúa cũng phải đổ mồ hôi lao nhọc như chúng con, vì Thánh Kinh đã nói: “Ngài tự hạ mặc lấy thân phận con người, sống kiếp phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi”.

Như vậy chắc Chúa cảm thông, vui và an ủi vì thấy biết bao người trẻ đang chăm chỉ học hành vươn lên như bé Thủy Dương. Chúa chắc cũng hả dạ khi ngàn vạn ức triệu người thiện tâm lam lũ xây dựng gia đình, xây dựng xã hội và Giáo hội. Nỗ lực góp sức cho bàn chân Chúa được đi tới hang cùng ngõ hẻm gieo rắc yêu thương. Kéo dài bàn tay Chúa xoa dịu vết thương, ủi an và nuôi sống. Cho ánh mắt Thầy Chí Thánh cải đổi những cặp mắt cau có soi mói hiểm độc của chúng sinh. Cho nụ cười và lời nói yêu thương vang vọng trên môi miệng thế nhân và cho tai con người được nghe những lời nói xoa dịu trìu mến…

*

* *

Chúa có sững sờ khi sống trên hải đảo Kangaroo bình yên này mà lại bắt gặp những người khùng điên bắn sối sả vào đồng loại như tên khùng Martin Bryant 23 tuổi sách súng ra bắn 35 sinh mạng giữa phố xá, chốn du khách vãng lai thăm viếng: một di tích lịch sử nằm cạnh bờ biển thơ mộng Port Arthur, tiểu bang Tasmania hồi tháng 4 năm 1996! Chắc Chúa xót xa lắm khi hắn hạ thủ hai em bé 3 tuổi đang ôm mẹ và đứa chị 6 tuổi, sợ chạy núp vào một gốc cây mà hắn chẳng buông tha? Chắc Chúa cũng rùng mình như chúng con trong ngày Martin Bryant bị kết tội hạ sát 35 người, thay vì hối hận thì hắn lạ cười! Không biết nụ cười của ngạo mạn hay của thẹn thùng?

*

* *

Từ xưa tới nay, ai cũng mang canh cánh bên lòng giới luật Chúa dậy phải tôn trọng sinh mạng con người. Ấy thế mà thế giới hôm nay người ta phá thai, giết hại hàng triệu thai nhi hàng tháng. Mỗi giây có vài ngàn bào thai bị lôi ra khỏi lòng mẹ để bỏ vào thùng rác!

Chắc Chúa thấy lạ khi mà Bắc Úc, đạo luật được quyết định chết được quốc hội thông qua. Bob Dent là người đầu tiên, tự hào được hưởng đạo luật này vào cuối tháng 10 năm 1996! Ông đã quyết định chết. Ông tự hào là người đã đi vào lịch sử nước Úc và thế giới quyền tự do được chết này!

May thay Quốc hội liên bang xứ này đã không phê chuẩn đạo luật này cho toàn nước Úc trong lần biểu quyết đầu tháng 11/1996. Nếu không, nhiều sinh mạng sẽ chết oan uổng vì không có can đảm chấp nhận khổ đau tật bệnh! Hay nông nỗi cướp quyền Thượng Đế trên sinh mạng!

*

* *

Chúa sẽ xử trí ra sao trong thế giới văn minh này, người ta thích đảo lộn tự nhiên: trai thì thích làm gái, đàn bà thì thích làm đàn ông và nam nữ đổi giống! Chúa chắc phải phì cười khi ông giáo thuộc vùng biển miền Nam Melbourne quyết định: đã chích, đã giải phẫu để lộn giống thành cô giáo. Bị cha mẹ phụ huynh học sinh và nhà trường phản đối. Ông đã lại tới luật pháp, tới quyền tự do để được tiếp tục hành nghề và danh chính ngôn luận đang từ danh xưng Mr. - ‘ông’ thành Miss - ‘cô’.

Chắc Chúa cũng phải nhức đầu vì có những người đã lấy nhau, chẳng được bao lâu lại thôi nhau! Có những đám cưới thay vì cô dâu chú rể bình thường, thì nay lại là hai tên “đực rựa” kết hôn cùng nhau hay hai bà “cái gái” ký giấy hôn thú cùng nhau trước bá quan văn võ. Lắm chuyện nực cười quá nhe Chúa?

*

* *

Là dân “Mít” chúng con, da vàng mũi tẹt. Được sống trong đất nước đa văn hóa đại đồng, nhưng chúng con vẫn cảm thấy sức ép của việc kỳ thị chủng tộc. Đặc biệt hiện nay trào lưu này đang được bộc phát và nổ tung do một nữ dân biểu độc lập - bà Hanson - Sao mà bà ta ghét Á châu vậy? May thay chúng con còn được nhiều người có lương tâm và tấm lòng bảo vệ, bao che chống đỡ… Nhưng nếu Chúa được sinh ra tại Á châu, là người Á châu sống tại Âu - Mỹ - Úc, Chúa có thấy tủi không Chúa?

*

* *

Con biết Chúa là Vua trời, Chúa đã nhập thể làm người, sống kiếp phàm nhân, tôi đòi như chúng con. Con thấy thương Chúa và biết ơn Chúa lắm. Nhìn lên cuộc đời Chúa, con kín múc cho mình sức mạnh và những tấm gương soi cho con hành động, cho con bước tới: Là một thơ nhi ngoan hiền trong mái ấm gia đình Nazaret. Là một thiếu nhi dễ thương trong lối xóm và chắc phải là một học trò ngoan giỏi trong Hội trường. Là một trang thanh niên khôi ngô tuấn tú tài đức vẹn toàn, là đối tượng hấp dẫn biết bao cô gái đương thời. Là ngưỡng vọng kính tôn của các môn sinh đồ đệ. Là hy vọng trông chờ của toàn dân Do Thái. Nhưng chắc chắn cũng là mốc điểm cho nhiều tỵ hờn ghen ghét và thù hằn. Chỉ vì Chúa đã nhìn thấu suốt tâm can con người: những tham vọng gian dối, những giành giật thấp hèn, những đồi trụy ghê tởm v.v…

Nam nay n?u Chúa sinh sống ở Melbourne Úc Châu này, chắc Chúa sẽ tham quan và tham dự nhiều cuộc tranh tài của Thế Vận của Khối Thị Trường Chung được tổ chức tại một vùng đất biệt danh là bốn mùa trong một ngày này. Mong Chúa có những thời giờ thanh thản tươi vui để quên đi bao nhọc nhằn, nhức nhối của con người phức tạp và của thế giới đầy nhiễu nhương hôm nay!!!

Hôm nay mừng ngày Giáng sinh của Chúa, con mừng chính ngày tái sinh của con - vì hôm nay, giờ này, chính nơi đây trên hải đảo Knagaroo này, Chúa đã đang giáng sinh và lớn lên trong con, qua con để sống cho trần gian và gọi mời hướng về thiên quốc.

Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb