LTS: Chúng tôi mới nhận được cuốn sách tài liệu với nhan đề "Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội" của LM Tân Yên Nguyễn Hùng Oánh tặng. Sách bàn về nền tảng Thánh Mẫu Học trong Kinh Thánh và theo Công Đồng Vatican II. Tài liệu này nhằm giúp những bạn trẻ hay những ai chưa hiểu rõ về vai trò của Đức Mẹ Maria trong đời sống Giáo Hội và trong đời sống từng người. Nhất là trước trào lưu có những bạn trẻ Tin Lành tìm đến các bạn trẻ Công giáo làm lung lạc đức tin chân chính của giới trẻ về vấn đề này. Chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng từng phần một trong cuốn sách này.
ĐỨC TRINH NỮ MARIA MẸ GIÁO HỘI
(Theo Kinh Thánh và theo Công Đồng Vaticano II)
BÀI I: CÔNG ĐỒNG VATICAN II THẢO LUẬN VỀ ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Trong thời gian chuẩn bị cho Công Đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII gửi thư cho các Đức Giám Mục, các Bề Trên Dòng và các Viện Đại học Công giáo thăm dò nhiều vấn đề sẽ thảo luận trong Công Đồng.
Về Đức Trinh Nữ Maria có nhiều ý kiến :
- - Khoảng 400 ý kiến mong muốn có một định tín mới về Đức Mẹ.
- - Khoảng 300 vị mong muốn Công Đồng định tín vai trò “Trung gian phổ cập của Đức Maria” (dựa vào ý kiến của Đức Hồng Y Mercier năm 1921).
- - Khoảng 50 vị muốn định tín thiên chức làm mẹ thiêng liêng của các tín hữu.
- - Khoảng 50 vị muốn định tín về vai trò của “Đồng công cứu chuộc” của Đức Maria.
- - Khoảng 20 vị mong muốn có định tín về “Vương quyền” của Đức Maria.
- - Khoảng 100 vị muốn Công Đồng đừng có những định tín mới về Đức Maria.
- - Một vài vị yêu cầu Công Đồng đừng bàn đến vấn đề Đức Mẹ.
- - Khoảng 1400, nghĩa là đại đa số, không có ý kiến.
Công Đồng nhóm họp khóa đầu tiên từ 11 tháng10 đến 8-12-1962. Ngày 23-11-1962, lược đồ “De Ecclesia” cùng với “lược đồ Đức Maria” được trao cho các nghị phụ. Chủ tọa đoàn dự tính sẽ thảo luận lược đồ Đức Maria để kịp công bố ngày 8-12-1962, Lễ Vô Nhiễm. Một số nghị phụ phản đối vì một mặt không đủ thời giờ thảo luận, mặt khác thảo luận trong bầu khí chuẩn bị Lễ Vô Nhiễm và tách khỏi lược đồ Giáo hội sẽ làm hại đến tinh thần hiệp nhất, nhất là thấy thái độ một số quan sát viên Tin Lành không bằng lòng.
Đức Hồng Y Ottaviani phát biểu xin Công Đồng thảo luận để kịp công bố vào Lễ Vô Nhiễm. Đức Hồng Y Montini (sau này là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI) và Suenens can thiệp thật hào hứng trước các nghị phụ, mong ước lược đồ Đức Maria được sát nhập vào lược đồ Giáo hội và xin Công Đồng suy tôn Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu “Mẹ của Giáo hội”. Chủ tọa đoàn quyết định không thảo luận và để Ủy Ban Thần Học duyệt lại.
Bản văn được in lại, hầu như y nguyện, chỉ sửa đổi đầu đề, gọi là “Mẹ Thiên Chúa và Giáo hội”.
Khóa hai của Công Đồng họp từ ngày 29-9-63 đến 4-12-63. Đức Hồng Y Frings và Garonne mong muốn Công Đồng sát nhập lược đồ Maria vào lược đồ Giáo hội. Đức Hồng Y chủ tọa đoàn quyết định các nghị phụ bỏ phiếu trả lời câu hỏi “Xin Ngài vui lòng cho biết Ngài có đồng ý để cho lược đồ về Đức Maria diễm phúc, Mẹ Giáo Hội, được làm chương cuối cùng của lược đồ Giáo hội không ?”
Một bầu không khí thuận và chống nổi lên khắp Roma. Trên một số truyền đơn, người ta đọc thấy câu này :
“Bỏ phiếu sát nhập chính là chống lại Đức Trinh Nữ Maria”.
Trên truyền đơn khác :
“Nhân danh Đông phương và để cổ võ hiệp nhất, xin các Ngài hãy bỏ phiếu chống lại sự sát nhập”.
Trước giờ bỏ phiếu, còn có hai Hồng Y đại diện hai khuynh hướng trình bày luận cứ của mình :
- - Hồng Y Konig muốn sát nhập vào lược đồ Giáo hội.
- - Hồng Y Sanctos muốn làm một lược đồ riêng.
- - 1114 phiếu thuận sát nhập vào lược đồ Giáo hội.
- - 1047 phiếu chống sát nhập.
- - 5 phiếu bất hợp lệ (ngày 29-10-1963).
Một giải pháp dung hòa đặt ra : Công Đồng trao cho một nhóm 4 vị soạn theo một lược đồ về Đức Maria :
- - Đức Hồng Y Sanctos, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân, đại biểu khuynh hướng chống sát nhập.
- - Đức Hồng Y Konig, Vienne, Áo, đại biểu khuynh hướng sát nhập.
- - Đức Cha Doumith, Giám Mục thuộc lễ nghi Maronite, đại biểu cho các giáo đoàn Công giáo Đông phương.
- - Đức Cha Théas, Giám mục Lộ Đức.
Và ngày kết thúc khóa họp, Đức Phaolô VI đã diễn tả niềm mong ước trong bài diễn văn :
“Chúng tôi hy vọng rằng Công Đồng sẽ làm cho lược đồ về Đức Trinh Nữ được kết quả tốt đẹp ngần nào có thể. Chúng tôi mong Công Đồng hãy đồng tâm nhất trí, với lòng hiếu thảo cao độ, công nhận vị trí tuyệt vời phải dành cho Mẹ Thiên Chúa ở trong mầu nhiệm Giáo hội, mà Giáo hội là đối tượng chính yếu của Công Đồng này. Chúng tôi nhắc lại : địa vị cao vời nhất sau Đức Kitô, nhưng lại gần gũi chúng ta nhất đến nỗi chúng ta có thể tôn kính Mẹ với danh hiệu “Mẹ Giáo hội”, và điều đó sẽ trở nên vinh dự cho Mẹ và an ủi cho chúng ta”.
Như vậy quyền tối cao trong Giáo hội đã can thiệp :
- - Sát nhập lược đồ Đức Maria vào lược đồ Giáo hội.
- - Sát nhập không có nghĩa là hạ thấp địa vị của Đức Maria, trái lại được tôn vinh sau Chúa Kitô trong Giáo hội của Chúa Kitô với tước hiệu “Mẹ Giáo hội”.
Khóa III Công Đồng họp từ ngày 14-9-1964 đến 21-11-1964. Thảo luận chương Đức Maria ngắn hơn và nhanh hơn vì theo quy chế mới : nghị phụ phải báo trước năm ngày những ý kiến mình phát biểu ở Công Đồng để tránh những ý kiến lặp nhau, các Hồng Y cũng mất đặc ân phát biểu không cần báo trước… Tất cả có 33 phát biểu :
-
- Hồng Y Wyszynski, Ba Lan, yêu cầu Công Đồng định tín trước hiệu “Đức Maria, Mẹ Giáo hội”.
- - Một Giám mục Mễ Tây Cơ phản đối, cho rằng công thức “Đức Maria, Mẹ Giáo hội” là một công thức mơ hồ.
- - Một Giám Mục Tây Ban Nha cãi lại : “trong Giáo hội cũng như trong một gia đình đàng hoàng, phải có mẹ…”.
- - Lúc này Mục sư Max Thurian đề nghị công thức : “Maria Mater in Ecclesia : Đức Maria, Mẹ trong Giáo hội”.
- - Hồng Y Alfrink, Léger, Bea khẩn khoản xin Công Đồng xóa bỏ tước hiệu : “Maria, Đấng trung gian” vì các Ngài nghĩ rằng tước hiệu này tối nghĩa và không hợp thời (lối xưng tụng này không có nền tảng trong Kinh Thánh và xem ra nghịch với tư tưởng Thánh Phaolô, Tin Lành lại phản đối nữa) và các Ngài đề nghị một vài tước hiệu hợp với tập truyền : Trạng sư, Đấng phù hộ.
- - Trái lại, vài nghị phụ tha thiết yêu cầu Công Đồng cứ dùng tước hiệu “trung gian” cho Đức Maria nếu không phải là công khai định tín tước hiệu này.
- - Một số khá đông muốn Công Đồng công khai dâng thế giới và loài người cho Đức Mẹ.
- - Tước hiệu “trung gian” giữ lại nhưng được trộn lẫn giữa những tước hiệu khác, và như thế nói lên được tính cách tương đối của tước hiệu này.
- - Thay vì câu “praecursor in sinu matris sanctificatus est” thì dùng đúng câu của Thánh Luca : “praecursor in sinu matris exultavis” (Đấng tiền hô trong dạ nhảy mừng lên) (số 57).
- - Thay vì câu “ut plene conformaretur Filio suo” Công Đồng sửa lại “ut plenius conformaretur Filio suo” (“để nên giống Con của Ngài cách trọn vẹn hơn” thay vì “nên hoàn toàn giống Con của Ngài” vì có thể hiểu sai như thể ở trên trời Đức Maria ngang hàng với Chúa Giêsu) (số 59).
- Placet : 1559
- Non placet : 0
- Placet juxta modum : 521
Ngày 9-11-1964, bỏ phiếu :
- Placet : 2096
- Non placet : 23 (tức 1% chống).
Cùng trong ngày này, khóa III của Công Đồng bế mạc, Đức Phaolô đọc diễn văn công bố hiến chế Lumen Gentium để kết thúc khóa III. Tới một đoạn hầu như ai cũng chú ý lắng nghe :
“Đây là giây phút trọng đại nhất và thích hợp để đáp ứng một ước nguyện mà chúng tôi đã nói ám tàng trong cuối khóa họp trước, và cũng là nguyện vọng của một số nghị phụ đã tha thiết mong rằng trong thời gian họp Công Đồng này phải rõ ràng công bố chức làm Mẹ của Đức Trinh Nữ đối với dân Kitô giáo. Với mục đích đó chúng tôi thấy thật thuận tiện để tuyên nhận nơi công hội này một tước hiệu danh dự của Đức Trinh Nữ. Chúng tôi tuyên bố : “ĐỨC MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI”.
Lúc đó, một số nghị phụ đứng lên vỗ tay vang dội. Dần dần tiếng vỗ tay lan rộng tới 4/5 hội trường, và kéo dài 1 phút. Bấy giờ, Đức Phaolô VI mới nói tiếp :
“Mẹ Giáo hội tức là Mẹ của toàn dân Thiên Chúa, của các tín hữu cũng như của mục tử”.
Lời tuyên bố này làm phấn khởi một vài miền (đặc biệt Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan), nhưng đối với một vài giới, người ta hơi tiếc về lời tuyên bố này.