ĐỨC MA-RI-A MẸ GIÁO HỘI
Đức Ma-ri-a, Mẹ Giáo hội là danh hiệu Đức Giáo hoàng Phao-lô VI dùng để tôn phong Đức Mẹ ngày 16.12.1964, nhân dịp kết thúc khóa III Công đồng Va-ti-ca-nô II. ĐGH nói : “Đây là lần đầu tiên một Công đồng đưa ra một tổng hợp sâu rộng về học thuyết công giáo bàn về địa vị của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo hội.”
Thực ra, Giáo hội đã dành nhiều danh hiệu xưng tụng Đức Mẹ như Nữ Vương, Trạng Sư, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phúc. Chỉ cần đọc lại kinh cầu Đức Me, chúng ta cũng thấy danh hiệu dành cho Người phong phú biết bao !
Tuy nhiên, theo ĐGH, học thuyết về Đức Mẹ đã được tổng hợp cách tài tình trong danh hiệu Mẹ Giáo hội. Quả vậy, Đức Ma-ri-a thực là Mẹ Giáo hội, vì Người là Mẹ của Con Thiên Chúa, Đấng đã thành lập Giáo hội. Đức Giê-su đã trao phó Giáo hội cho Đức Me, đồng thời trao phó Tông đồ Gio-an cho Người và gửi gắm Người cho Tông đồ Gio-an.
Người là Mẹ Giáo hội. Người đã thực hiện vai trò này bằng lời khuyên, gương lành và lời cầu nguyện cho Giáo hội. Chúng ta có thể dựa vào các sách Tin Mừng, lấy lời khuyên, gương lành và lời cầu của Đức Mẹ để làm chứng tư cách Mẹ hiền của Người đối với Giáo hội.
1. Lời khuyên
Trong phép lạ ở tiệc cưới Ca-na, Đức Mẹ đã khuyên các gia nhân làm như lời Chúa Giê-su dạy : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2,5) Điều đáng lưu ý ở đây là thái độ thản nhiên, bình tĩnh của Đức Mẹ. Nếu đọc kỹ câu đối đáp giữa Chúa Giê-su và Đức Mẹ, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên, khi nghe giọng nói xa lạ của Chúa Giê-su đối với Mẹ mình : “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” Rồi tiếp theo là lời nhắn bảo ân cần của Đức Mẹ đối với gia nhân. Giữa hai câu nói đó, có một quãng cách, một sự hiểu ngầm nào đó, vì không thấy Đức Mẹ đả động gì đến câu trả lời của Chúa Giê-su.
Thật vậy. Nếu chỉ dựa vào văn mạch mà không tìm hiểu dụng ý sâu xa của những lời đó, tất nhiên phải hiểu như trên. Nhưng qua cái vẻ bề ngoài xem ra như lỏng lẻo và không ăn ý đó, có tiềm ẩn một dụng ý sâu xa làm tăng giá trị cho câu nói. Dụng ý đó là sự chấp nhận và tin tưởng mà Đức Mẹ muốn bày tỏ cho chúng ta, vì khi nghe một câu nói xa lạ và có vẻ trách móc như thế giữa mẹ và con, tự nhiên Đức Mẹ có thể cảm thấy bực bội khó chịu. Thế mà ở đây tuyệt nhiên không thấy Đức Mẹ tỏ ra một lời nói, một cử chỉ hay thái độ nào khiến chúng ta có thể hiểu được như vậy. Mà ngược lại, như đã nói, chỉ thấy một sự bình tĩnh lạ lùng dường như không có sự gì xảy ra cả.
Thái độ ấy chắc hẳn phải là phản ánh của một tâm hồn tin tưởng sâu xa tuyệt đối. Lòng tin tưởng phi thường ấy làm cho Đức Mẹ chấp nhận tất cả dù chưa hiểu hay không hiểu hết ý Con mình muốn nói gì. Phải có điều gì bí nhiệm trong câu nói đó. Phải hiểu biết về người Con của mình lắm mới giữ được thái độ gương mẫu như vậy. Tựu trung, chính vì Đức Mẹ có đức tin vững mạnh.
Đức tin ấy đã đưa Đức Mẹ đến chỗ chấp nhận. Người ta thường nói tin nhận, vì hễ tin thì nhận. Mà nhận ai là ngụ ý tin tưởng người đó. Đức Mẹ tin nên chấp nhận lời Chúa, dù đó là một lời đòi hỏi, trái ý, không thuận tai hay khó hiểu, như khi nghe lòi truyền tin của thiên thần Gáp-ri-en. Chấp nhận như vậy không phải dễ, vì tin là một thử thách. Ở đây Đức Mẹ cũng đã bị thử thách qua câu nói khó hiểu, làm đảo lộn cuộc đời mình. Điều này thật là rõ rệt khi Đức Mẹ bằng lòng thụ thai, dù đã tính giữ mình đồng trinh. Đó là hai điều trái ngược nhau, nhưng Đức Mẹ đã nhận, vì biết Chúa muốn như vậy, dù không hiểu rồi ra sẽ thế nào. Cái thế nào đó là điều hiển nhiên đối với Thiên Chúa, nhưng đối với Đức Mẹ thì vẫn còn là điều chưa sáng tỏ.
Xưa kia, tổ phụ Ap-ra- ham đã nhờ hành động như vậy mà được xưng tụng là cha của những người tin. Cũng thế, Đức Mẹ được xưng tụng là người diễm phúc vì nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa và hoàn toàn vâng theo như lời thiên thần truyền. Đây là một trong những hành động tiêu biểu của Đức Me, khiến chúng ta có thể ví đó như một hạt ngọc bên cạnh những hạt ngọc khác kết thành triều thiên vinh quang cho Người.
Nếu nói về lời khuyên của Đức Mẹ thì ngoài lời khuyên ở tiệc cưới Ca-na người ta ít thấy lời nào khác nữa trong Tin Mừng, bởi một lẽ đơn giản là Đức Mẹ ít nói và Tin Mừng cũng ít nói về Người. Người hoàn toàn muốn sống ẩn khuất, đóng vai trò một hiền mẫu kín đáo, không thích xuất hiện mà chỉ sống như một cái bóng vào ngày dâng Chúa Giê-su trong Đền thánh, ngày trẩy hội lên Giê-ru-sa-lem, lúc gặp con trên đường thọ hình, khi đứng dưới chân thập giá. Đây lại là một nét đẹp tinh thần cao quí của Đức Mẹ nữa. Đức Mẹ đã ít dùng lời nói để khuyên bảo nhưng ngược lại, đã lấy việc làm và đời sống mà khuyên nhủ nhiều lắm. Các vị thánh, các nhà truyền giáo đích thật đã dùng hình thức khuyên bảo này. Nhiều khi các vị chỉ cần đi qua hay sống giữa đám đông cũng đủ để gây thắc mắc cho người ta về những vấn đề trọng đại như sự sống, sự chết, ý nghĩa và mục đích đời người v.v…
2. Đời sống gương mẫu
Cuộc đời của Đức Mẹ đã trở thành gương mẫu cho Giáo hội noi theo. Cuộc đời ấy có thể thu tóm lại trong mấy chữ sau đây : lắng nghe, thông cảm, hợp tác, yêu thương.
2,1 Lắng nghe
Đức Mẹ đã lắng nghe lời Chúa ngay từ những giây phút đầu tiên khi được truyền tin. Đức Mẹ đã đáp lại lời mời làm Mẹ Đấng Cứu Thế và để cho lời Chúa hoạt động nơi mình. Nhiều khi, dù chưa hiểu ý nghĩa của những lời đó, nhưng Đức Mẹ vẫn đón nhận, ghi nhớ và suy gẫm trong lòng (Lc 2,51). Thái độ lắng nghe đó chứng tỏ khả năng tiếp nhận phong phú nơi Người. Suốt đời mình, Đức Mẹ đã nhìn xem và lắng nghe lời Chúa qua người Con của mình và cũng là Con Thiên Chúa, từ lời nói đầu tiên ở tiệc cưới Ca-na cho đến lời nói cuối cùng dưới chân thập giá. Lời Chúa âm vang trong lòng Đức Mẹ như một sức mạnh phi thường, điều khiển và hướng dẫn cuộc Người. Người đã không nao núng và ái ngại trước những lời Con mình nói với tư cách là Con Thiên Chúa, nhưng thật khó nghe và khó chấp nhận theo thói thông thường của người trần gian, như khi người ta báo cho Đức Giê-su có Mẹ đang muốn gặp mà Đức Giê-su lại hỏi : “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi” ? (Mt 12, 48)
Chắc có người sẽ bảo diễn nghĩa những lời đối đáp trên thành những câu như thế là cố ý tạo ra vẻ sống sượng và chói tai, chứ thực ra Đức Giê-su không có ăn nói như vậy. Vì thế, để tỏ lòng tôn kính đối với Chúa Giê-su, người ta cố chuyển sang tiếng Việt cho thật êm tai lễ phép. Nhưng như thế là không trung thành với nguyên ngữ. Đàng khác cũng không bóc lột được hết vẻ đẹp thâm thúy và niềm tin sâu xa của Đức Mẹ. Đức Giê-su muốn nói như vậy là để phân biệt rõ ràng tư cách con Thiên Chúa với tư cách con Đức Mẹ nơi mình. Đức Mẹ được xưng tụng là người diễm phúc không nguyên vì đã sinh ra và nuôi dạy Đấng Cứu Thế mà chính vì đã nghe và giữ lời Thiên Chúa.
2,2 Thông cảm, hợp tác, yêu thương
Không những Đức Mẹ đã nghe và giữ lời Thiên Chúa mà còn thông cảm, hợp tác, yêu thương để cho lời ấy sinh hoa kết quả dồi dào nơi người trần gian. Chỉ nguyên một câu : “Người bảo gì anh em cứ làm như vậy” cũng đủ cho thấy mối bận tâm của Đức Mẹ đối với lời của Đức Giê-su trong tình cảnh bế tắc của chủ tiệc, và phần đóng góp của Đức Mẹ trong việc khuyên nhủ gia nhân làm theo lời ấy.
Ngoài ra, trên đồi Gon-go-tha, Đức Mẹ đã ưng thuận hiến tế Con mình. Người đã kết hợp nỗi đau trong lòng với hy lễ của Con mình đang diễn ra trên thập giá, mà không thốt ra một lời than van rên xiết. Bằng cái chết của mình, Chúa Giê-su đã chuộc tội cho thiên hạ thì nhờ sự chấp nhận những đau khổ theo sau cái chết của Con mình, Đức Mẹ cũng đã góp phần vào việc thanh tẩy nhân loại và sinh ra các con cái thiêng liêng cho Giáo hội nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô.
2.3 Lời cầu
Trở lại tiệc cưới Ca-na, chúng ta thấy Đức Mẹ nói : “Họ hết rượu rồi”. (Ga 2.4). Thoạt nghe thì đó chỉ là nhận xét của Người về một sự kiện. Nhưng nghĩ kỹ thì đó lại là một sự can thiệp và còn hơn thế nữa, một lời cầu xin. Đức Mẹ đã can thiệp xin Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên. Do lời can thiệp và cầu xin này, Chúa Giê-su đi trước giờ Người đã định, nhưng có thể hiểu ngầm là vì Đức Mẹ yêu cầu nên Người cho giờ ấy đến trước thời hạn. Chủ nhà và khách dự tiệc có thể được coi như hình ảnh về Giáo hội. Cầu xin cho chủ nhà và khách dự tiệc là điềm tiên báo Đức Mẹ sẽ cầu xin và can thiệp cho Giáo hội sau này. Sách Công vụ Tông đồ cho hay sau khi Chúa Giê-su về trời, Đức Mẹ cùng cầu nguyện với các Tông dồ : “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh anh em của Đức Giê-su.” (Cv 1, 14) Cũng như các sách Tin Mừng, sách Công vụ Tông đồ không nói nhiều về Đức Mẹ. Vai trò của Người trong cộng đoàn các Tông đồ có vẻ mờ nhạt, nhưng không phải vì thế mà kém phần quan trọng, cũng như vai trò của trái tim trong thân xác con người. Bên ngoài, người ta không trông thấy trái tim, nhưng trái tim lại là trung tâm của sự sống; trái tim ngừng là người ta chết. Vai trò của Đức Mẹ cũng có thể ví được như thế.
Sách Công vụ Tông đồ không nói rõ Đức Mẹ cầu nguyện thế nào và xin những ơn gì, nhưng chúng ta có thể dựa vào lòng từ mẫu của Người đối với Chúa Giê-su, mà nghĩ rằng Người đã cầu xin cho Giáo hội được vững mạnh và trung thành với sứ mệnh Chúa Giê-su đã giao phó. Sứ mệnh đó là làm chứng cho Chúa Giê-su và đoàn kết yêu thương nhau.
Hiện nay Đức Mẹ vẫn còn cầu xin và phù trì cho Giáo hội, qua những ơn lành Người đã chuyển đạt cho Giáo hội trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, với những phép lạ Người đã làm và còn đang làm ở nơi này nơi khác trên thế giới như Lộ đức, Fatima v.v…
Xưng tụng Đức Ma-ri-a là Mẹ Giáo hội vào thời sau Công đồng Va-ti-ca-nô II thật là thích hợp và ý nghĩa, vì danh hiệu ấy nói lên niềm tin tưởng của Giáo hội đối với Đức Mẹ và ước mong tha thiết được Người che chở và thương mến giữa bao khó khăn và thử thách mà hiện nay Giáo hội đang phải trải qua.