Thiên Thần của hoà bình!
Ðại lễ Giáng Sinh, một đại lễ Kitô giáo của ơn phúc Thiên Chúa tuôn đổ trên nhân loại Ơn Hòa Bình! Ðể hiểu và sống trọn ơn đó, chúng ta hãy theo dõi câu chuyện sau đây:
“Trong khi đại ca đoàn Thiên thần vui mừng múa nhảy và ca hát nhịp nhàng trên cánh đồng Bê-lem ‘Vinh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho mọi người dương gian!’ bổng nhiên một vị Thiên thần nhỏ đã ngừng hát. Thấy thế, những vị Thiên thần bạn đứng bên cạnh cảm thấy mất hứng và cũng không chịu tiếp tục hát nữa. Sự im lặng cứ thế lan ra cách nhanh chóng, gần như làm lung lay cả ca đoàn Thiên quốc, nếu như các vị Thiên thần lớn tuổi và có tiếng hát mạnh mẽ không tìm cách hát thay vào để ngăn cản sự cắt quãng đột ngột của bài hát. Sau đó một trong các vị lớn tuổi đi tìm hiểu lý do của sự cố. Ngài đến bên vị Thiên thần nhỏ và nghiêm nghị hỏi « Tại sao em không muốn tiếp tục hát nữa?” Vị Thiên thần nhỏ bèn lễ phép trả lời « Dạ, em rất muốn hát chứ! Và em đã hát hết câu ‘Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời’. Nhưng khi đến câu ‘Bình an dưới thế cho mọi người dương gian’ em không sao tiếp tục hát được nữa. Bởi vì có lần em đã trông thấy có quá nhiều quân lính Roma đang trú đóng miền Bê-lem này cũng như ở nhiều nước khác nữa, họ đã luôn luôn gây ra chiến tranh và bao nhiêu điều khủng khiếp khác, họ sát hại các trẻ sơ sinh, các bà mẹ và cả những ông bà già, để mọi người sợ mà tuân theo mệnh lệnh bất công của họ, chứ không dám kêu ca phản đối, và họ gọi đó là nền hòa bình thịnh vượng của đế quốc Roma. Ngoài ra, còn ngự trị trên khắp thế giới nào là cãi cọ, tranh chấp, bạo động, thù hằn giữa con người với nhau. Cả giữa những người được gọi là trí thức, những học giã, những người được học nhiều biết rộng, cũng vì bất đồng quan điểm về chính trị, văn hóa, xã hội hay tôn giáo, v.v.. mà đâm ra hận thù, ghen ghét và bài trừ, thủ tiêu lẫn nhau. Phải chăng người ta có thể gọi đó là hòa bình, là bình an, cho mọi người đang sống trên dương gian? Phần em, thú thật, em không sao tiếp tục chỉ hát trên đầu môi chóp lưỡi những điều không đúng sự thật như thế được. Em không thể đi ngược lại sự xác tín của lòng em”. Nghe thế, một số Thiên thần trẻ đứng gần đó liền vổ tay hoan hô! « Im lặng! hãy hát tiếp đi!” vị Thiên thần lớn tuổi la lớn, và đưa vị thiên thần nhỏ ra một bên và nói nhỏ « Em chưa biết hết những gì đã xảy ra trong đêm nay tại Bê-lem cả. Em đã nắm vững hết mọi nỗi đau khổ của toàn thế nhân loại trong tay chưa?” Vị Thiên thân nhỏ bào chữa «Em không khẳng định là em hiểu hết tất cả mọi sự. Tuy nhiên em ghi nhận là có sự khác biệt giữa những điều chúng ta hát với những điều thực tế trên trái đất. Và sự khác biệt đó đối với em là quá lớn, em không sao chịu đựng lâu được sự căng thẳng đó”.
Vị Thiên thần lớn im lặng nhìn vị Thiên thần nhỏ một hồi lâu, rồi nói « Ðồng ý, em không chịu đựng được sự chia rẽ giữa trời và đất. Nhưng em hãy biết rằng trong đêm hôm nay tình trạng chia rẽ đó vừa được xóa bỏ. Hài Nhi vừa được sinh ra và đang nằm trong máng cỏ kia sẽ mang sự an hòa Thiên quốc của chúng ta xuống cho mọi người trên trái đất. Vì thế, chúng ta mới hát ca vui mừng, mặc dù đa số nhân loại chưa nghe nói tới và chưa hiểu được mầu nhiệm đó!” Nghe thế, vị Thiên thần nhỏ liền hí hửng nói « Nếu vậy, em xin vui mừng tiếp tục hát!”
Nhưng vị Thiên thần lớn liền lắc đầu « Không, em sẽ không còn tiếp tục hát nữa. Từ hôm nay trở đi, em sẽ mang Hài Nhi trong mang cỏ và sự bình an của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Ngày đêm em sẽ không được mỏi mệt đến với họ, gõ vào cửa nhà họ và đặt để vào con tim họ sự khao khát tìm đến với Hài Nhi. Em phải luôn luôn có mặt trong các buổi tọa đàm, các cuộc bàn hỏi khó khăn vất vã của họ và trong những lúc họ cãi cọ la lối với nhau thì đừng vội đưa ra ý kiến này ý kiến nọ! Họ sẽ đuổi em ra khỏi nhà, nhưng em cứ kiên nhẫn ngồi chờ trước cửa nhà họ. Em phải che chở những kẻ vô tội dưới đôi cánh của em và mang những tiếng khóc than của bao người bất hạnh về Thiên Quốc cho chúng ta. Em sẽ không còn hát ca gì nữa hết. Trái lại, em sẽ phải khóc than nhiều!”
Giữa những lời nói nghiêm trọng như thế, vị Thiên thần nhỏ trước hết hãy còn bé tí, nhưng rồi từ từ lớn và càng lớn lên, đến nỗi chính vị Thiên thần cũng không để ý. Thoạt đầu, vị Thiên thần không muốn nhận lãnh trách nhiệm khó khăn đó, nhưng các vị Thiên thần bạn khác nói « Anh cứ nhận sứ mệnh và lên đường xuống với nhân loại đi. Những lời ca của chúng tôi sẽ đồng hành với anh, để anh không bao giờ quên được nữa là trong đêm nay bình an chân thật đã được ban cho thế gian!”
Thế là vị Thiên thần hòa bình của chúng ta từ giã Thiên cung, đi khắp nơi trên thế giới và bắt đầu ra tay hoạt động. Từ đó vị Thiên thần đã thi hành sứ mệnh của mình một cách thật tuyệt vời Ngài đã lo lắng cho niềm khát vọng hòa bình không còn bao giờ phai nhạt nữa, trái lại càng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đến nỗi tất cả mọi người đều nỗ lực tìm kiếm vả kiến tạo hòa bình. Những ai mở cửa lòng cho vị Thiên thần hòa bình và thành tâm cộng tác với ngài, liền bổng nhiên nghe tự đáy lòng mình một bản hòa ca du dương huyền diệu của các Thiên thần, động viên họ và làm cho họ thêm can đảm trong việc hiện thực công cuộc kiến tạo một nền hòa hòa bình chân chính giữa tất cả mọi người!”
(Trích trong D. Steinwede, Vom Engel, der nicht singen sollte. Die schönsten Weihnachtsgeschichten, Gütersloher Verlagshaus Gerd Mohn 1990.)
Anh chị em thân mến, vị Thiên thần nhỏ từ chối tiếp tục hát. Hòa bình dưới thế - điều đó có đúng chăng?
Hòa bình dưới thế! Ðã hơn 2000 năm trôi qua sau khi sứ điệp hòa bình được loan báo khắp nơi trên cùng cõi trái đất. Sứ điệp đó đã mang lại được những gì? Sứ điệp đó đã làm thay đổi được những gì? Phải chăng chính Giáo Hội đã được giao phó cho sứ điệp đó lại đã không phải thất vọng khi làm hết mọi nỗ lực, tìm hết mọi cách để xây dựng sự cảm thông giữa các dân tộc và kiến tạo một nền hòa bình chân chính trên thế giới? Vâng, trong khi Giáo Hội cùng với những người thiện tâm trên khắp thế giới mong mỏi và tìm kiếm hòa bình, thì chiến tranh tiếp tục bùng nổ khắp nơi, giết hại bao sinh linh vô tôi Sau cuộc nội chiến giữa các sắc dân ở Nam Tư củ, thì đến chiến tranh ở Ðông Ti-mor, ở Áp-ga-nít-tan, ở Irắc, ở Li-băng, v.v... Và đâu đâu chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, chia rẽ, cãi cọ, khủng bố! Ngay trong lúc nhân loại mừng lễ Giáng Sinh, lễ của hòa bình, thì khắp nơi trên thế giới hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong sự khốn cùng, với một mức độ không thể tưởng tượng được, hoàn toàn bất xứng với nhân phẩm con người! Còn chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình và có nền kinh tế phồn thịnh như CHLB Ðức giữa một thế giới nghèo nàn, cũng tương tự như sống trên một hòn đảo của các tiên nữ, chúng ta có nhận chân được rằng nền hòa bình và đời sống sung túc vật chất chúng ta đang thụ hưởng cũng chỉ là những món hàng dễ đổ vỡ không?
Hòa bình dưới thế? Thành thật mà nói, khi nhìn lại thực tại cụ thể của thế giới, chúng ta không được phép trách móc vị Thiên thần nhỏ khi ngài từ chối tiếp tục hát „bài ca hòa bình”!
Chưa lâu, có người nói với tôi „Nếu mỗi buổi tối khi con xem qua các tin tức về chiến tranh và những khủng bố vô nhân đạo xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhiều lúc con đâm ra hoài nghi và tự hỏi Còn có Chúa nữa không?” Vị Thiên thần được gửi đến với nhân loại để nhắc nhủ họ luôn biết khao khát hòa bình. Ðó phải là một sứ mệnh gai góc! Chắc hẳn vị Thiên thần phải đối mặt với những cự tuyệt và chống đối! Bởi vì con người rất ngần ngại và đầy đắn đó đi trên con đường hòa bình. Hình như sự bất bình luôn đồn trú kín đáo trong mỗi người chúng ta. Chúng ta phải giải quyết thế nào với những tư tưởng hận thù, ghen ghét và chống đối? Chúng ta đã không thường gây ra sự bất hòa, làm thương tổn kẻ khác, để họ phải thất vọng, bất kiên nhẫn, gạt bỏ ý kiến kẻ khác cách bất công?
Hòa bình dưới thế! Ðó là cả một sứ mệnh khó khăn! Hãy bắt đầu kiến tạo hòa bình ngay từ nơi chúng ta. Hãy lấy cách thức và thái độ sống của Ðức Giêsu Na-da-rét làm chương trình sống của chúng ta! Ðức Giêsu đã không loại trừ ai. Cả khi người nghiêm khắc cảnh cáo họ, thẳng thắn chỉ trích những quan niệm sai lạc và cố chấp của họ, Người vẫn không bao giơ chủ ý bài trừ hay tẩy chay họ. Người chỉ muốn giúp đỡ họ. Ðức Giêsu nhìn con người như Thiên Chúa nhìn họ vậy. Người nhìn thấy những khả năng tốt lành trong họ, Người nhìn thấy những điều thiện hảo được tiềm tàng và dấu ẩn trong mỗi người. Vì thế Người đã quảng bá một bầu không khí an hòa và thân thiện. Nhưng việc bước theo Ðức Giêsu trên con đường hòa bình của Người? Ðó là cả một điều không dễ dàng đối với con người, vì con người thường quá phức tạp và khó khăn! Còn chính chúng ta? Làm thế nào để người ta có thể cầm cự được suốt cả một đời với bao thất vọng và bao chống đối được? Nhiều người trong chúng ta khi gặp phải một sự thử thách nặnng nề, bổng trở nên thất vọng, mất hết nghị lực và chỉ muốn buông xuôi Từ trong cuộc sống vợ chồng, cho đến công ăn việc làm và việc nuôi dạy con cái... và họ luôn đinh ninh rằng tất cả chỉ là điều vô ích khi còn tìm cách cứu vãn hoàn cảnh.
Sự bất ổn của cuộc sống trên trái đất có thể làm cho chúng ta bị khủng hoảng sâu xa. Cả tới sự bất mãn trong con người chúng ta. Nhiều người sống một cuộc sống bất khoan dung và bất hòa giải - không những với người khác – nhưng cả với chính mình, với lịch trình cuộc sống của họ và với định mệnh của họ. Dĩ nhiên có những lịch sử cuộc đời và những số phận thật hẩm hiu chua xót, xô đẩy những người trong cuộc rơi vào con đường cùng. Khiến họ mất hết can đảm và nghị lực. Bấy giờ một câu hỏi thường được đặt ra Còn có Chúa nữa chăng? Hay một cảm nghĩ đầy thất vọng chua cay Nếu như còn có Chúa, thì tại sao tôi ra nông nổi này? Thiên Chúa đã bỏ tôi. Tôi cảm thấy Thiên Chúa đã bỏ rơi tôi!
Chúng ta biết rằng, Ðức Giêsu, Hài Nhi trong máng cỏ, đã chết như một người thanh niên trưởng thành, với khoảng độ 33 tuổi. Và Phúc Âm thánh Mác-cô đã tường thuật cho chúng ta rằng trong cảnh cùng khổ của thập giá, Người đã lớn tiếng kêu lên „Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con? “ (Mc 15,34). Ðiều đó muốn nói lên rằng cả Ðức Giêsu cũng không được chuẩn chước khỏi phải thất vọng trước sự độc ác và sự hẹp hòi cố chấp của con người cũng như trước những thách đố quá to lớn của cuộc sống và trước sự im lặng làm ngơ của Thiên Chúa! Ở đây chúng ta đã động chạm đến chính mầu nhiệm trọng yếu nhất của niềm tin Kitô giáo mà không một trí óc nhân loại nào có thể hiểu thấu được cũng như không một ngôn ngữ nhân loại nào có thể diễn tả hết Ðức Giêsu là Ðấng Thiên Sai, là Con Một Thiên Chúa, chính Người đã phải gánh chịu cảnh sống cơ hàn, sự sợ hãi, sự hoài nghi của con người, Người đã sống một cuộc sống hoàn toàn như chúng ta! Một Thiên Chúa toàn năng đã trở thành một hài nhi non nớt yếu hèn! Một Thiên Chúa toàn năng đã trở thành một phàm nhân bất lực, hấp hối như một tử tội trên thập giá trong sự quên lảng! Thật trí năng nhân loại hoàn toàn bất lực, không sao hiểu thấu, ngôn ngữ nhân loại không sao cắt nghĩa nổi. Trong điểm này, chúng ta chỉ có thể nói, hoặc Tất cả những điều đó là một sự điên cuồng, không còn nằm trong tầm kiểm soát của trí năng chúng ta; hoặc Chúng ta bắt đầu cảm nhận được rằng tất cả những điều đó là sức mạnh đem lại sự an ủi vô tận. Ðúng vậy, ngay khi chúng ta kiệt lực, bị ngã quị, mọi hy vọng đều tiêu tan và đang trên miệng vực thẳm của hoài nghi chán chường, thì cũng chính lúc đó Người hiện diện một cách đặc biệt bên ta, cũng chính lúc đó chúng ta vẫn có thể hy vọng cả những gì không còn có thể hy vọng được nữa! Chúng ta hy vọng rằng Thiên Chúa luôn gần gủi bên ta những khi chúng ta đang ngụp lặn dưới hố sâu của cuộc đời, hầu để giải cứu ta, và những khi chúng ta hoàn toàn mất hết đất đứng, sau cùng là chính ngay trong sự chết, thì Thiên Chúa vẫn một mực trung thành.
Nếu chúng ta đón nhận sứ điệp đó, tức chân lý Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện bên ta, chúng ta sẽ có thể vững bước trên con đường cuộc đời đầy chông gai vất vả của mình. Một khi xác tín được rằng Thiên Chúa luôn hiện diện bên tôi, tôi sẽ có thêm can đảm và nghị lực, để không bao giờ hết khao khát sự công bằng và nền hòa bình trong xã hội. Không, tôi không chỉ khao khát, nhưng còn tìm mọi cách để kiến tạo sự công bằng và nền hòa bình! Ðồng thời cũng biết tha thứ cho kẻ khác, như Người đã làm, cả khi tôi cảm thấy quá khó khăn phải làm điều đó; biết chấp nhận người khác với tất cả những ưu khuyết điểm, với tất cả những sở trường sở đoản của họ, như Người đã làm, chứ không kỳ thị hay có định kiến với bất cứ ai.
Và một khi chúng ta sống được như vậy, một khi chúng ta hiện thực được tất cả những điều đó, bấy giờ „hòa bình dưới thế”không còn là một mơ ước, nhưng là một thực tại của cuộc sống!