MỘT CÁCH NHÌN VỀ CÁC BÀ MẸ KƠHO



Có một vị giáo sĩ nọ, sau khi rảo qua các làng Thượng, có dịp quan sát nếp sống và tiếp xúc cụ thể, cách riêng với những bà mẹ người Koho. Vị ấy suy nghĩ và chia sẻ rằng :

- “Tôi tin rằng những bà mẹ người Koho sau khi chết đều được lên Thiên đàng”.

Vị ấy giải thích rằng :

- “Vì tôi thấy các bà mẹ ấy quá vất vả trong cuộc sống hằng ngày, dậy sớm thức khuya, bếp núc, giã gạo, gùi nước, dọn bữa, kiếm củi, nuôi con…, đó là những công việc của một người mẹ, một người vợ phải làm trong trong điều kiện đặc biệt kham khổ. Chừng ấy những công việc chất trên đôi vai của phận đàn bà, khiến cho những người từ ngoài cuộc nhìn vào cảm thấy thương thay những thân phận nhọc nhằn ! Cuộc đời họ giống như một hy tế liên lỷ”.

Đó là một nhận định từ một con người đứng từ ngoài cuộc, ngoài những yếu tố khách quan còn có cả sự cảm thông của một tâm hồn tu hành, còn những người trong cuộc thì sao ?

1. Một cách nhìn về xã hội mẫu hệ.

Người Koho sống theo chế độ mẫu hệ, nghĩa là người chồng về nhà vợ hay nói cách khác là người con gái đi cưới chồng, cho đến nay chưa ai biết tập tục này đã có từ bao giờ, người Koho cho đó là chuyện tự nhiên không cần phải bàn cãi, bởi vì một người vợ, một người mẹ làm chủ gia đình thì mọi sự ổn định cho con cái hơn là quyền ấy thuộc về người cha.

Trong thực tế nếu người cha chết thì con cái vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, dù cho bà mẹ có tái giá thì người chồng sau vẫn coi những đứa con của người chồng trước như những đứa con của mình, đó là một nét độc đáo của người Koho và vẫn thấy thể hiện nhiều chỗ nhiều nơi, khiến có thể hiểu rằng đó là một tập tục lâu đời, nghĩa là những người đàn ông khi cưới một người đàn bà góa thì đương nhiên phải chấp nhận cả con cái trước của bà ấy nữa.

Đàng khác đó cũng là một điều lợi, bởi vì những đứa con của đời chồng trước người chồng sau chẳng tốn công nuôi nấng dạy dỗ chúng khi chúng còn bé, mà lại có người đỡ đần mình trong công việc, vì chúng đã khôn lớn, nếu khéo xử với chúng thì chúng sẽ trở nên hữu ích.

Ngược lại, nếu người vợ mất thì người chồng đi cưới vợ khác, lúc ấy trên lý lẽ ông ta không còn trách nhiệm về những đứa con vợ trước của mình nữa, mọi sự trao lại cho họ hàng bên vợ quá cố, có khi phải chia năm sẻ bảy, đứa này thì ở với dì, đứa kia thì ở với bác gái, đứa còn lại thì phải ở với chị họ…, như thế quyền làm con không còn được nguyên vẹn mà tùy thuộc vào gia đình mới tiếp nhận chúng, thực tế cho thấy nhiều đứa mồ côi mẹ phải chấp nhận những điều kiện sống không như ý muốn, vì lẽ những đứa con nhận thì làm sao bằng những đứa con đẻ được !

Có lẽ do những thực tế ấy nên trong gia đình người mẹ được con cái coi là cột trụ, mẹ còn thì mọi sự còn, mẹ mất thì mọi sự mất.

Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận có nhiều người cha người chồng tốt, rất thương con cái cả khi người vợ đã qua đời, những người chồng ấy được con cái yêu mến, nhưng khó cho ông, bởi vì nếu ông tái giá thì mọi sự lại tùy thuộc nơi bà vợ mới. Thực tế cho thấy những đứa con thường chỉ còn được hỗ trợ tinh thần từ người cha của mình mà thôi.

2. Một chỗ đứng không thể phủ nhận

Bối cảnh thực tế khiến có thể suy đoán rằng : xã hội người Thượng tồn tại được là do chế độ mẫu hệ, bởi vì chính những con gà mẹ biết ấp ủ những bầy con của nó hơn là những con gà trống, do vậy mà con cái được bảo toàn hơn, tránh được nguy cơ phân tán, khiến đứa thì ở nhà này, những đứa khác thì ở nhà kia, có trường hợp lâu năm trở nên như những người xa lạ với nhau, dù biết là anh chị em ruột, nhưng đối xử với nhau ở mức như người bà con mà thôi.

Mẹ là gốc nên quí mẹ, thương mẹ, có mẹ là có tất cả, còn mẹ là còn tất cả tuy không bao giờ phủ nhận có những người cha tốt lành và rất đáng yêu mến.

Người mẹ Koho thường quí những đứa con, chúng có điều gì sai trái thì chỉ la mắng nhẹ mà thôi, bởi vì la mắng chúng quá lời mà chúng bỏ nhà thì cả là một nỗi bất hạnh lớn cho bà, trong thực tế có những bà mẹ không muốn đứa con bỏ nhà, dù chúng chỉ đi trong một đêm. Bởi thế có thể nói rằng : những đứa con trong gia đình Koho là những con người rất tự do, chúng rất bình đẳng và sống thoải mái, chúng muốn làm thì làm, muốn chơi thì chơi, muốn ăn thì ăn, muốn nghỉ thì nghỉ, cha mẹ chỉ nói chúng rất nhẹ nhàng, cha mẹ không muốn mất chúng, bởi vì chúng là những đứa con từ dòng máu của mình mà ra, dù chúng hay hoặc dở chúng vẫn là đứa con của mình.

Hình ảnh người mẹ địu con vẫn là hình ảnh sống động cho đến ngày hôm nay, bà mẹ luôn mang con bên mình cả khi đang giã gạo, đang gùi củi hay gùi nước, bởi vì chúng không chịu rời mẹ, bất đắc dĩ lắm mới phải nhờ đến người chị hay người anh địu thay, nhưng chỉ quanh quẩn ở gần đấy mà thôi chứ không đi xa. Người mẹ phải cho con bú hay mớm cho con trực tiếp từ miệng qua miệng giống như chim, ngày nay không làm kiểu này nữa vì dư luận và vấn đề vệ sinh, hơn nữa cũng do điều kiện ẩm thực dã có phần cải thiện nhiều hơn.

Người cha cũng có lúc phải địu con để đỡ đần cho vợ, nhưng vai trò ấy luôn thuộc về người mẹ, do vậy những đứa con tự nhiên có một mối liên kết mật thiết hơn với mẹ mình, người cha có thể đi vắng nhiều ngày do nhu cầu công việc, nhưng người mẹ không thể đi vắng dù chỉ một đêm mà thôi.

Vai trò làm mẹ vừa cao cả, nhưng cũng rất nặng nề và nhiều hy sinh.

Tiếng nói của người mẹ trong gia đình rất quan trọng, như trong việc quản trị của cải, trong việc quyết định tương lai cho con cái…, khi mẹ chấp nhận hay mẹ phản đối thì mọi quyết định thường cũng dựa vào đó, dĩ nhiên vẫn luôn có sự dung hòa và không coi nhẹ ý kiến của người chồng, nhưng ý kiến của mẹ bao giờ cũng là ý kiến tối hậu.

3. Thử tìm những lý do cho sự tồn tại của chế độ mẫu hệ

Có thể thấy một số lý do quan trọng để biện minh cho sự tồn tại của chế độ mẫu hệ, đó là người đàn ông Koho thường khi dở chứng xả láng, đã rượu vào thì rất khó giữ kỷ cương, do đó một người đàn bà có quyền hành trong gia đình thường khi rất dễ để kiềm chế bớt bản chất vô kỷ cương ấy.

Ví dụ ông muốn sử dụng của cải trong gia đình thì phải hỏi ý kiến vợ, mà người vợ thì chỉ có thể đồng ý trong trong những cái chính đáng chứ không thể chiều theo đòi hỏi sai quấy của ông ấy được. Trong thực tế cũng có người đàn ông cưới vợ bé công khai, nhưng hầu như trong xã hội Koho chuyện này rất hiếm hoi.

Những người ngoài cuộc có thể nghĩ rằng người đàn ông Koho lép vế trong gia đình, trong khi chính họ thì bỏ ngoài tai những nhận định như thế, đối với họ việc để cho người vợ làm chủ gia đình là điều chính đáng, bởi vì chính bà ấy là người có vai trò bảo toàn cho gia đình trên mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần, vai trò của người đàn ông cũng thiết yếu không kém, nhưng ông ta đứng trên một phương diện khác và hỗ trợ cho người vợ, người đàn ông cũng là chủ gia đình nhưng với tính cách khác, điều đó có thể nói rằng quyền làm chủ của người đàn bà không phải muốn làm gì thì làm, nhưng bà chỉ làm những gì có lợi cho gia đình và con cái, ngoài mục đích ấy thì quyền ấy không thể được mọi người trong nhà tôn trọng.

4. Một nhận định

Tóm lại, có thể nêu lên những nét chính về người phụ nữ Koho như sau :

Là một người vợ, một người mẹ, một người chủ gia đình, người phụ nữ Koho có một chỗ đứng rất quan trọng, điều ấy nói lên rằng xã hội của người Thượng coi trọng người phụ nữ, điểm này khác với nền văn hóa của nhiều dân tộc khác ở Á đông và trên thế giới. Tuy nhiên, sự trọng vọng ấy của người phụ nữ không có nghĩa là người đàn ông trong gia đình bị lép vế, ông ta cũng có quyền nhưng từ một góc độ khác. Xã hội người Thượng cho rằng quyền hành của người đàn bà xuất phát từ lợi ích thiết thân là bảo toàn gia đình và con cái hơn là những lý do khác, người ta ví người vợ như con gà mái luôn biết bảo toàn đàn con của nó, trong khi người đàn ông vì những lý do khách quan rất khó để thực thi vai trò ấy.

Có những người ngoài cuộc phê phán rằng : mấy cái ông chồng người Kơho bị vong thân khi để cho người đàn bà lấn lướt trong gia đình, thực sự chính những giới mày râu Kơho không quan tâm đến sự phê phán này, họ chấp nhận chỗ đứng của người phụ nữ vì lợi ích của gia đình và con cái cũng như lợi ích của cả giống nòi nữa.

Một hiện tượng hay một tập tục nào đó cũng đều có những lý do để biện minh cho nó, nếu tập tục mẫu hệ ấy đã khác đi thì có khi lại tồn tại những lý do gây nguy cơ làm phân rã và suy vong giá trị gia đình, dĩ nhiên hệ quả xã hội cũng khác so với xã hội phụ hệ, dù sao đi nữa nó cũng có những điểm tích cực, bởi vì chính những người mẹ là cái mẫu của gia đình, từ đó những người con có thể hấp thụ được sự hiền hòa và chân thật từ người mẹ, bởi vì không có người mẹ nào lại có thể lừa dối con mình.

Trên đây chỉ là một sự nhận định cá nhân, không có ý so sánh với chế độ phụ hệ của những dân tộc anh em khác, dù sao đi nữa đây là cách nhìn của một người từ trong cuộc, thấy được và cảm nghiệm được cái lợi ích và cái chính đáng trong cái quyền của một người mẹ trong gia đình.(www.simonhoadalat.com)

Lm. Phanxicô Xaviê KơBrel (K’Brel)