chuyện phiếm: THÂN TÂM AN LẠC



Làng tôi mới ăn tất niên dương lịch. Không có gì đặc biệt về bữa ăn, vẫn chỉ canh chua cá kho tộ và rau muống xài thịt bò, nhưng lại có cái đặc biệt về hai nhân sự mới. Từ ngày hai mệ Huế Tôn Nữ và Cao Xuân có mặt thì cái không khí làng hình như trẻ trung ra. Làng tôi đã sinh hoạt hơn hai chục năm nên bao nhiêu chuyện cười cũ mới ai cũng thuộc lòng, thế nhưng hai người đẹp Huế chưa được nghe chưa được biết thì vẫn còn thèm khát. Hai nàng tìm hiểu nhiều thứ lắm.

Họ thấy ông ODP bồ chữ của làng thông thái khác thường thì đoán ngày xưa ông phải là thần đồng và đòi nghe chuyện thần đồng. Tôi ghé vào tai ông nói nhỏ : Bạn nói đi cho vui cả làng, cứ thêm mắm thêm muối, thêm tiếng cười và thêm cái tếu vào, có ai đánh thuế đâu mà sợ. Ông cho là cao kiến, bèn mở lời : Người Pháp có câu ‘ Cái tôi đáng ghét’. Đáng lẽ tôi giữ chuyện sau đây trong lòng, nhưng vì cả làng ép tôi qúa, vậy tôi xin thành thực khai báo như sau : Ngày xưa tôi cũng nghĩ tôi là thần đồng. Chuyện bắt đầu từ cuộc thi Việt văn dành cho các em thiếu nhi trong tỉnh nhân dịp Tết Trung thu.

Lúc đó,tôi hăm hở đi thi và đầy lạc quan vì tôi là thần đồng mà.

Đề thi như thế này : Em hãy đọc kỹ câu chuyện dưới đây và cho biết chuyện này có ý khuyên ta điều gì, và tìm một câu tục ngữ hay ca dao thích hợp với lời khuyên đó. Đoạn văn trích từ sách Cổ Học Tinh Hoa kể việc Ông Dương Phủ tầm sư học đạo :

Ông Dương Phủ rất hiếu thảo với cha mẹ, nhưng một hôm nghe tin đất Thục có Võ Tề là bậc đại sư rất đông môn đệ, Dương Phủ bèn bỏ cha mẹ mà lên đường tầm sư học đạo. Đi được nửa đường thì Dương Phủ gặp một lão tăng. Lão tăng bảo ông rằng : gặp được Võ Tề cũng chẳng bằng gặp được Phật. Dương Phủ bèn hỏi Phật ở đâu, lão tăng trả lời : nhà ngươi cứ quay về, hễ gặp ai mặc cái áo có sắc thế này và đi đôi dép kiểu này thì đó chính là Phật. Ông nghe lời lão tăng và quay trở về, trong lòng rất mong được gặp Phật. Suốt dọc đường ông không hề gặp ai có hình dáng như lão tăng đã chỉ. Khi về tới nhà thì trời đã tối, đêm đã khuya. Ông bèn lên tiếng gọi cửa. Mẹ ông còn thức, nghe tiếng ông gọi thì mừng qúa, bèn khoác vội chiếc áo mền và loạng quạng xỏ ngược đôi dép rồi cầm đèn ra mở cửa. Dương Phủ trông thấy mẹ lúc đó đúng là hình dáng Phật mà lão tăng đã tả.

Chuyện chỉ có thế. Tôi đọc đi đọc lại câu chuyện cả chục lần và suy nghĩ cả chục phút, rồi trịnh trọng viết câu trả lời như sau : Bài này có ý khuyên ta không nên đi chơi tối. Câu tục ngữ thích hợp là : Đi đêm có ngày gặp ma.

Tôi lên nộp bài thi và ra về, lòng thơ thới hân hoan vô cùng. Phen này dứt khoát tôi trúng giải nhất. Tôi là thần đồng cơ mà. Mẹ tôi đón tôi ở cổng trương thi. Tôi đem bài nháp ra khoe và xin mẹ đoán xem tôi sẽ được bao nhiêu điểm. Hồi đó ở Việt Nam không có kiểu cho điểm ABCD như ở Bắc Mỹ này, mà cho tối cao điểm là 20. Tôi nghĩ trong bụng ít nhất tôi cũng được 18 điểm. Mẹ tôi đọc xong bài của tôi rồi cười như mếu : ‘Mẹ chả thấy con có điểm nào cả’ ! Tôi buồn trong lòng vì nghĩ rằng mẹ không biết tôi là thần đồng. Ngày công bố kết quả, tôi không trúng giải mà thằng Giáp bên hàng xóm trúng. Bài của nó được đăng trên báo. Câu trả lời của nó hoàn toàn khác câu trả lời của tôi. Nó trả lời thế này : Truyện ông Dương Phủ có ý khuyên ta : Cha mẹ ở nhà chính là Phật, ta chẳng cần đi mộ Phật đâu xa. Câu ca dao hợp với bài này là :

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Đây là tiếng sét làm tôi hốt nhiên tỉnh ngộ: tôi không phải là thần đồng, mà là một tên dốt đặc. Ngay từ đó, biết thân phận dốt nát, tôi đã quyết chí học hành. Từ tiểu học, qua trung học, lên đại học và hậu đại học, lúc nào tôi cũng quyết chí.

Rồi tôi bước chân vào đời cùng với những thăng trầm của đất nước : đi lính. Đúng là đi, tôi đã đi khắp các vùng chiến thuật. Rồi phải buông súng. Rồi bị cầm tù.

Trong tù, đọc thơ Mai Thảo, tôi thấy mình ở trong thơ :

Tổ quốc bất khả phân, đã phân

Đất nước mấy ngàn đời không thể mất, chỉ một ngày đã mất

Lịch sử triệu trang vàng, một trang đen đã lật,

Trăm trận đánh không thua, thua vì trận Ban Mê Thuột...

Ra tù, tôi chôn dầu vươt biển. Rồi trại tỵ nạn. Tôi ở cùng trại với gia đình Cụ Chánh đây. Rồi tôi và gia đình Cụ Chánh được một nhà thờ Công Giáo Canada bảo trợ. Chúng tôi cùng đi một chuyến bay, từ hoả ngục hoang đảo bay tuốt lên thiên đàng Canada. Ngày tới Canada là ngày áp lễ Giáng Sinh năm 1981.

Ra đón chúng tôi tại phi trường Toronto có cha sở Paolo và hội đồng giáo xứ. Sao khi bắt tay và chào mừng, Cha Paolo đã nói với cụ Chánh như thế này : Qua hồ sơ di trú, chúng tôi được biết rằng Cụ và gia đình không cùng một tôn giáo với chúng tôi, vậy chúng tôi xin nói ngay từ bây giờ là nhà thờ chúng tôi đứng ra bảo trợ cụ và gia đình vì chúng tôi tin vào lời Chúa dạy : tất cả chúng ta là anh em với nhau. Chúng tôi không hề có ý định dùng sự bảo trợ này để chinh phục Cụ và gia đình theo đạo Chúa như chúng tôi.

Cụ Chánh nghe xong tự nhiên nước mắt chảy ra ròng ròng. Cụ cầm tay Cha sở Paolo mà hôn. Cụ nói không nên lời. Từ hôm đó đến nay, đã mấy chục năm, cụ Chánh vẫn coi Cha Paolo là đại ân nhân và là người bạn thân của gia đình.

Rồi chúng tôi được thu xếp có chỗ ăn chỗ ở. Cụ Chánh thì đi học Anh văn, còn tôi vì biết võ vẽ tiếng Anh nên đi tìm việc. Người giúp tôi tìm việc làông Peterson. Hồi thập niên 1980’s, kiếm việc thật là khó. Phải mất hai tuần lễ tôi mới xin được cái job rửa chén ở nhà hàng. Mà việc rửa chén không có dễ dàng đâu nha. Họ rửa bằng máy, loại máy tối tân. Bấm cái này thì nước xả mạnh, bấm cái kia thì nước xả nhẹ. Bấm nút này thì nhiều xà phòng. Bấm cái này thì nhiều nước nóng. Cũng chưa hết. Phải nhớ chén đĩa xếp vào những ngăn những kệ nào...

Ông Peterson tỏ vẻ thương hại tôi lắm nên cứ lâu lâu đến thăm và rủ tôi đi chơi. Khi thì đi xinê, khi thì đi xem dã cầu, khi thì đi nhậu McDonald. Cuối năm đó, cũng vào cỡ này ông đến rủ tôi đi xem Santa Claus Parade, rước cụ già Noel vào thành phố để mở đầu mùa Giáng sinh. Ông bảo tôi : Đây là một nét văn hoá Canada đặc thù, bạn phải xem cho biết. Ông chở tôi xuống phố. Phố đông nghẹt người, đúng là lễ hội văn hóa Canada. Tìm mãi mới có chỗ đứng. Ông Peterson đã chuẩn bị từ trước, từ trong xe ông đem ra 2 cái ghế gấp, 2 tấm chăn len, 2 ổ bánh mì Big Mac, 2 lon Coke. Ông cười hi hi : Cuộc rước này kéo dài 3 giờ, vì có tới 60 xe hoa, 20 ban nhạc kèn đồng, nhiều đoàn ca múa, bạn và tôi không thể đứng mãi được. Sẽ mỏi chân, sẽ đói, sẽ lạnh. Ta đứng lên ghế để xem cho rõ, rồi ta ngồi xuống, vừa phủ chăn ấm lên người, vừa nhậu bánh mì McDonald, vừa tu lon Coke, bạn sẽ thấy sướng vô cùng. Tôi nhìn quanh thì đa số ai cũng vậy. Nhiều gia đình Canada, cảông bà cả cha mẹ, cả con cái cùng đi coi lễ hội truyền thống này.

Mặt mũi những người đứng xem ai cũng phớn phở vô cùng, nhất là các đấng nhi đồng. Ông Peterson vỗ vai tôi rồi giới thiệu các xe hoa. Ông tưởng tôi cũng sung sướng như ông, nhưng khi thấy mặt tôi ngơ ngác như người mất hồn, ông chợt hiểu. Ông này thông minh và tế nhị lắm. Ông biết ngay tôi đang nhớ quê hương, đang nhớ cha mẹ anh em còn kẹt ở VN, đang nhớ gác chuông nhà thờ, đang nhớ phần mộ tổ tiên... ông bèn thôi không nói nữa. Trên đường về, ông mua pizza. Các cụ biết dân Canada nhậu pizza với gì không ? Thưa, họ nhậu pizza với lave.

Khi thấy tôi vui trở lại thì ông Peterson hỏi : Tiếng Việt gọi XMAS là gì ? Cái máu tếu trong người tôi nó bùng lên. Nhớ lời ông Trà Lũ khi xưa, tôi bèn trả lời ngon ơ : Tiếng Xmas gốc của nó không phải là tiếng Anh đâu, mà Xmas là tiếng Việt đấy. Người Anh người Mỹ thấy lời tiếng Việt ý nghĩa thâm trầm qúa bèn mượn luôn lời đó đem xài cho tiếng Anh. Ông Peterson lần đầu tiên nghe sự lạ thì ngạc nhiên quá sức. Ông xin tôi nói rõ thêm. Tôi bèn thưa : Gốc tiếng này ở trong Thánh Kinh. Rằng cách đây 2 ngàn năm, thế giới chìm đắm trong bóng tối lầm lạc nên Chúa Giêsu giáng trần để mang ánh sáng cho nhân loại. Nhiều người đã đón nhận ánh sáng cứu rỗi này. Tổ tiên VN của chúng tôi đã hiểu như vậy nên đã cô đọng ý nghĩa ngày lễ vào 4 tiếng ‘Xin Mừng Ánh Sáng’. Bốn chữ này viết tắt thành XMAS.

Ông Peterson tròn xoe đôi mắt kinh ngạc vì lần đầu tiên nghe sự lạ. Ông này cũng tếu như tôi. Ông ta ôm chầm lấy tôi rồi vừa cười vừa nói : Xin bái phục ! Xin bái phục ! Tôi yêu bạn qúa !

Nói đến đây xong, ông ODP tuyên bố xin hết phần thuyết trình về thân thế sự nghiệp.

Cả làng vỗ tay và cười râm ran. Sung sướng và khoái chí nhất có lẽ là hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân. Hai cô vừa cười hích hích vừa đấm nhau thùm thụp.

Thấy thiên hạ thích chí quá như vậy, ông ODP được hứng, đã tuyên bố chấm dứt mà lại nói tiếp : Đó là tôi mới chỉ nói sơ sơ về cái vĩ đại của tiếng Việt mà ông Peterson đã thích quá làm vậy. Gía lúc đó mà tôi có tài liệu về việc người LaMã thuở xưa đãmang tàu sang VN mua nuớc mắm thì không biết ông Peterson còn thích đến đâu.

Thấy ai cũng tỏ ra ngơ ngác, ông ODP quay ra hỏi cả làng : Uở, các bạn chưa nghe nói về sự kiện người LaMã ngày xưa đã sang VN mua nước mắm sao ? Cả làng im hết, chỉ anh John là biết. Anh trả lời : Tôi có đọc trên Internet bài của Daniel Woolls thuộc Thông tấn Associated Press ngày 14.11.2006 vừa qua. Tác giả nói về cuộc khai quật rất tình cờ ở miền biển đông nước Tây Ban Nha vào tháng Bảy vừa qua. Trong thân con tàu bị chìm dưới biển cách đây 2000 năm người ta tìm thấy những cái hũ sành có 2 quai, trong đựng nước mắm cá. Theo các nhà khảo cổ và nhân chủng học thì nước mắm nhập cảng từ phương đông là một gia vị mà giới quý tộc La Mã ngày xưa rất mê. Mà các bạn biết không, người Tàu người Nhật không ăn mắm làm từ con cá, họ ăn mắm làm từ hạt đậu nành. Chỉ có người VN mình ăn mắm chế biến từ con cá, nha. Ha ha ha.

Cụ B.95 nghe đến đây thì thốt lên : Mô Phật, vậy chứ cách đây hai ngàn năm người La Mã đã sang tận VN mua nước mắm rồi chở về La mã sao ?

Anh John trả lời : Rất có thể như thế, cụ ạ. Hiện người ta đang nghiên cứu tiếp về những hũ đựng mắm. Rõ ràng tổ tiên VN đã đựng nước mắm trong hũ sành mà.

Rồi ông ODP dứt khoát xin hết phần khai báo lý lịch của mình ở đây.

Như chưa đã cơn tò mòvề các vĩ nhân của làng, hai cô Huế hướng về tôi và hỏi tôi hay viết về các chuyện cười thì cái gốc cười của tôi phát xuất do đâu và từ bao giờ. Ui cha, thế này thì hoá ra hôm nay ông ODP và tôi bị khảo bài sao ?

Thấy tôi ngần ngại thì Cụ Chánh tiên chỉ làng cổ võ : Ông rán một tí đi cho cả làng vui, nhất là cho hai cô Huế hội viên mới của chúng ta. Rồi cụ cười khà khà : Tôi nghe bà cụ ông kể rằng ngày sinh ông ra thì ông cười ngay chứ không khóc oe oe như các hài nhi khác mà. Ông là con cháu Đức Phật Di Lặc mà. Cụ Chánh đang bỏ mắm bỏ muối vào đời tôi để nói khích tôi đấy, các cụ ạ. Tôi bèn tặc lưỡi rồi vào đề.

Tôi khai rằng tôi không có trí nhớ tốt như ông ODP, nên không nhớ nhiều về tuổi thơ. Tôi xin kể về chuyện được gặp mấy tổ sư dạy tôi cười. Số là cách đây ít lâu tôi đi dự một bữa tiệc tất niên. Trong bàn toàn các cụ trọng tuổi. Cụ nào cũng than về bệnh của mình. Nào là cao máu, nào là tiểu đường, nào là máu nhiều mỡ. Một cụ đầu bạc phơ nhưng dáng người còn khoẻ mạnh lên tiếng : Tôi xin hiến các vị một toa thuốc thần diệu chữa bách bệnh. Đó là vào tuổi chúng ta thì chúng ta nên kiêng ‘bốn Em’. Nghe đến đây thì cụ nào cũng thốt lên : Một em còn chịu không thấu, nói gì tới những bốn em ! Cụ già đầu bạc nói ngay : Tôi chưa nói hết câu mà. Bốn EM đây là bốn chữ em mờ. M thứ nhất là Mỡ. Thức ăn Canada đầy mỡ. Chúng ta phải đề phòng món thịt heo ba chỉ nha, đề phòng món phở nước béo nha. M thứ hai là Mặn. Ta phải ăn lạt. Phải coi chừng lọ muối lọ nước mắm. M thứ ba là Mèo, mèo hai chân ấy mà. Chớ có phòng hai phòng ba. Bút chúng ta đã hết mực. Đèn chúng ta đã cạn dầu. Phải giữ sức mới được. Và M thứ bốn là Muốn. Chúng ta phải dẹp lòng ham muốn. Càng ham muốn càng khổ. Đức Phật dạy ta diệt tham sân si là vậy.

Lời cụ già ‘4 M’ làm tôi nhớ một bài báo nhà thờ. Đây là kinh nhật tụng của một linh mục già coi xứ. Ông cha nhắc mình 6 điều này :

- Ăn ít, thở nhiều

- Giảng ít, suy gẫm nhiều

- Lái xe ít, đi bộ nhiều

- Tiêu ít, làm phước nhiều

- Nói ít, cầu nguyện nhiều

- Ngủ ít, làm việc nhiều

Những 6 lời khuyên, tôi cho là dài qúa. Tôi đem việc này trình với một vị cao niên mà xưa nay tôi hằng ngưỡng mộ. Gặp cụ ở đâu là nghe thấy tiếng cười ở đó. Đã trên 90 mà da dẻ cụ rất hồng hào. Đó là Cụ Tú Hát Đinh Bá Hoàn. Cụ Tú Hát này làm thơ cùng thời với Tú Mỡ. Cụ nghe tôi trình 6 lời khuyên trên đây xong thì cụ cười khà khà rồi bảo : Sáu điều thì dài quá và khó nhớ quá. Lão chỉ có một nửa, chỉ 3 lời khuyên thôi và rất dễ nhớ. Đó là biết sợ vợ, cười nhiều, và không giận ai bao giờ.

Rồi Cụ giải rộng nghĩa : Điều thứ nhất là biết sợ vợ. Tôi theo gương ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ấy mà. Tản Đà nổi tiếng về tài làm thơ đã vậy, ông còn nổi tiếng về nhiều câu nghe như kinh nghiệm sống. Chẳng hạn ông đã nói về sợ vợ như sau : Trên đời này ta không nên sợ ai, nhưng nếu có sợ thì chỉ nên sợ vợ mà thôi. Còn điều thứ hai là ta nên cười nhiều vì đó là toa thuốc thần tiên mà bác sĩ Alexandre Rabelais đã chữa lành nhiều người bên tây. Sách kể rằng có một triết gia kia bị bệnh nhức đầu kinh niên, ông đi gặp bao nhiêu bác sĩ và uống bao nhiêu thuốc mà bệnh nhức đầu vẫn còn. Tiết gia này tới gặp bác sĩ Rabelais. Rabelais nghe kể bệnh xong liền cho toa : ông không cần phải uống thuốc gì cả. Ông chỉ cần tối nào cũng đến hí viện xem hài kịch. Ông cười được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Quả thực, sau một tuần lễ đi xem hài kịch, cười nhiều, triết gia đã hết hẳn bệnh nhức đầu và ăn rất ngon, ngủ rất say. Còn điều thứ ba là không giận ai bao giờ. Ta không chứa cơn giận trong đầu thì đầu ta sẽ thanh thản, tâm ta sẽ bình an. Điều này hiển nhiên mà.

Và tôi bắt chước ông ODP cũng tuyên bố xin hết phần thuyết trình.

Cả làng ồ lên một tiếng. Hai cô Huế thì thốt lên : Sao bác nói ngắn quá vậy! Cụ B.95 phải lên tiếng ngay : Bữa nay chúng ta hãy cho ông Trà Lũ khất, lần sau ông sẽ kể tiếp. Bây giờ thì xin cho tôi nghe chuyện thời sự Canada. Anh John ơi, tôi mong được nghe anh nói quá. Các cụ biết Anh John là thần tượng của cụ B.95 chứ.

Chẳng riêng gì Cụ B.95 mong mà cả làng chúng tôi cũng mong, vì anh là người thông thạo tin tức nhất. Xưa nay anh đã đọc báo, nghe radio và xem TV thay cho chúng tôi.

Anh John vào đề ngay. Rằng tin nổi cộm trong tháng 12 này là tin Hội nghị APEC tại Hà Nội. Các vua chúa từ khắp nơi tới dự. Vua Bush được thế giới chú ý nhiều nhất. Ngoài các diễn văn ngoại giao, vua Bush đã nói một câu đáng chú ý nhất trong cuộc họp báo. Rằng con cái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện đang du học tại Hoa Kỳ nước chúng tôi, và tôi rất vui mừng là một cô con gái của thủ tướng đã kết hôn với một người Mỹ gốc Việt. Kể đến đây thì anh John hạ giọng và cười hà hà : rõ ràng con thủ tướng VC lấy Mỹ ngụy nha. Chị Ba Biên Hòa chưa hề biết tin này nên nghe xong thì chị kêu lên lớn tiếng : Lạy Chúa tôi! lạy Chúa tôi !

Rồi anh nói tiếp : phía Canada thì thủ tướng Stephen Harper đã sang Hà Nội họp. Trước khi lên đường thì Liên Hội Người Việt Canada đã gửi thủ tướng một tâm thư, lưu ý thủ tướng rằng Hà Nội vẫn đang đàn áp nhân quyền, tự do báo chí và tôn giáo tại VN. Nghe đến đây thì anh H.O. nói leo vào một câu : Thế mới biết Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày xưa đã nói đúng : ‘ Đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm’. Cái anh này nhiều máu ngụy qúa. Anh John kể tiếp : Ông Harper đã thẳng thắn đặt vấn đề nhân quyền với Hà Nội, và cả với ngài Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc.

Đó là tin đối ngoại. Còn tin địa phương thì nổi bật là cuộc bầu cử các vị đầu tỉnh. Quý vị có biết ai đắc cử thị trưởng thành phố Mississauga bên cạnh Toronto không ? Thưa, đó là bà già gân Hazel McCallion, 85 tuổi. Và đây là lần tái đắc cử thứ 11, nghĩa là bà đã làm thị trưởng 10 nhiệm kỳ liền. Dân trong tỉnh mê bà già này hết mình vì họ thấy bà có đại tâm, ăn ngay nói thẳng, không nịnh bợ một ai. Hình như tháng trước tôi có nhắc tới bà, chuyện bà già thị trưởng lái xe bị cảnh sát phạt vì đụng cột đèn ấy mà. Phạt xong cảnh sát còn yêu cầu bà phải để tài xế lái xe cho bà. Ai đời làm thị trưởng một thành phố lớn, tuổi già đã 85 mà bà cứ tự mình lái xe đi làm. Dân Việt ở đây đặt cho bà mỹ danh ‘bà già gân’. Bà giống y như cụ Trần Văn Hương ngày xưa. Có 2 vị ra tranh cử với bà McCallion. Hai vị này tốn bao nhiêu công sức vàtiền bạc vận động, thế mà vẫn thua. Điểm nổi bật là bà già Hazel chỉ ghi danh chứ không hề đi vận động. Dân quả là có mắt.

Rồi anh John quay về chuyện VN ngày trước. Đầu tháng 11 vừa qua là lễ giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Qua sách báo tôi mới biết một tin tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Đó là tin Tổng thống Diệm được nước Phi Luật Tân trao giải thưởng Leadership Macsaysay năm 1959. Giải này trao mỗi năm cho vị lãnh đạo xuất sắc nhất trên thế giới. Hiện kim là 15 ngàn mỹ kim. Số tiền không bao nhiêu nhưng cái danh dự rất lớn. Tổng thống Diệm đã nhờ ông Đỗ Vạng Lý tổng lãnh sự VNCH trao tặng số tiền này cho Đức Datlai Latma lúc đó vừa trốn từ Tây tạng sang Ấn Độ. Sau việc trao tiền này, Tổng thống Diệm còn cho chở gạo từ VN sang giúp tăng đoàn tỵ nạn của Ngài nữa.

Biết cụ B.95 và hai cô Huế vẫn còn mong nghe nhiều hơn, anh vừa cười vừa kể thêm chuyện thời sự này. Rằng có một quốc gia kia đã ra những luật rất khắt khe về hàng không, như sau :

- Kể từ 11.9.2001 :hành khách không được mang theo vũ khí, dao, búa và các vật nhọn lên phi cơ, vì bọn khủng bố sẽ dùng các vật này để cưỡng đoạt máy bay.

- Kể từ 11.9.2002 : hành khách lên phi cơ không được mang giày vì bọn khủng bố có thể giấu khí giới trong giày để cướp phi cơ.

- Kể từ 11.9.2006, hành khách không được mang theo xách tay, thức uống và chai lọ có chất lỏng, vì bọn khủng bố có thể dùng chất lỏng chế ra bom.

- Kể từ 11.9.2010, hành khách không được mặc quần áo vì bọn khủng bố có thể dùng chất vải đốt phi cơ

- Kể từ 11.9.2020, những hành khách nào biết võ sẽ không được lên phi cơ vì võ sinh sẽ dùng võ lực cướp phi cơ.

Anh John kết luận :Ba đạo luật đầu đã được thi hành. Các nhà tương lai học đoán rằng hai đạo luật sau cũng sẽ được thi hành. Chuyện này thực hay giả, các cụ ?

Kính chúc các cụ Mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2007 đi máy bay được bằng an và thân tâm an lạc.

TRÀ LŨ