CHÚA KITÔ TÍN NHIỆM VÀ ỦY THÁC NƠI PHỤ NỮ

Trong thời gian ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô đã gặp nhiều phụ nữ. Không phải tình cờ, nhưng ở nơi mỗi người, Chúa đã ủy thác cho một công việc, thay thế cho những bài giảng của ngài muốn truyền đạt đến cho dân chúng. Những người nữ mà Chúa gặp là những chứng từ sống, có mặt trong lúc rao giảng, như làm chứng, lặp lại những lời rao giảng của Chúa, mà dân chúng chưa thấu hiểu. Hay có thể nói những gì Chúa làm và nói qua phụ nữ này là những phần cắt nghĩa thêm về bài giảng của Ngài. Họ giữ vai trò cũng quan trọng không kém các người nam mà Chúa gặp hay chọn làm tông đồ.

Bài này không đề cập đến Đức Mẹ. Chỉ nói đến một số phụ nữ mà Chúa Kitô gặp trên đường giảng đạo.

1. Xa lánh và đừng phạm tội.

Sau bài giảng trên núi, tám mối phúc thật (x. Mt 5, 1-12) vạch ra con đường tìm lẽ sống, Chúa Giêsu tiếp tục chỉ dẫn xa lánh những tội phạm khác. Người đương thời với Chúa, không có quan niệm về tội, hay vịn vào luật cũ của Mai Sen cho rằng không có ghi tội gì cả. Luật cũ khác với lời Chúa Kitô.

Do đó Chúa đã chỉ cho dân chúng những trường hợp tội về : ngoại tình (Mt 5, 27), ly dị (Mt 5, 31), thề gian dối (Mt,5, 33), trả thù (Mt 5, 38), ghét kẻ thù (Mt 5,43), xét đoán (Mt 7, 1), tiền bạc (Mt 6, 19).. .

Chúa còn mách bảo muốn nên hoàn hảo, cần làm việc thiện như : bố thí (Mt 6, 16), ăn chay (Mt 6,16), tiếp cận và tha thứ cả người tội lỗi (x. Mt 8, 1-13) đừng lo lắng (Mt 6, 25), thương đến những bệnh nhân (Mt 1,2-4; 5-13)...

Người Do Thái vẫn ác cảm với người phụ nữ. Chúa đã gặp và tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11), chữa người đàn bà còng lưng (Lc 13, 10-17), và tiếp xúc với người phụ nữ khóc và xức dầu thơm cho Ngài trong bữa cơm tại nhà Pharisiêu (Lc 7, 36-50). Qua cử chỉ rộng lượng với ba phụ nữ này, Chúa muốn mọi người tôn trọng phẩm giá và nâng địa vị họ lên trong xã hội. Đừng kết án người tội lỗi, trái lại nếu có lòng xám hối sẽ được tha hết. Hãy đứng thẳng lên, xa lánh, và ra khỏi vòng tội lỗi.

2. Hãy cầu nguyện và xin ơn.

Ngay các Tông Đồ cũng chưa biết cầu nguyện thế nào. Và Chúa đã dạy cho các ngài lời kinh mẫu ‘‘Lạy Cha’’ (Mt 6, 7-13). Nhưng nơi dân chúng vẫn chưa nắm được phương thức tốt lành này. Nên Chúa đã đưa ra cách thức cầu nguyên : kín đáo (Mt 6, 5), kiên tâm (Mt 7,7), đừng nản lòng (Lc 18, 1-8), khiêm nhường ( 18, 9-14), tỉnh thức (21, 36), cầu nguyện chung (Mt 18, 20), tôn trọng nơi đền thánh (Lc 19,46)...

Chúa rất vui mừng khi đến thăm hai chị em Matta và Maria. Cô em Maria đã làm đúng lời Chúa, là chuyên lo cầu nguyện, nghe lời Chúa. Nhân đây Chúa nhấn mạnh đừng lo lắng những gì bên ngoài, (x. Lc 10, 38-42). Chúa cảm động đến rơi lệ khi hay tin em hai cô là Lazaro qua đời, Chúa cho em các cô sống lại vì qúi mến hai cô biết cầu xin tha thiết nài xin, đúng lúc (Ga 11, 17-41)

Bài học này chúng ta còn thấy rõ khi Chúa gặp người phụ nữ ở Samarita bên bờ giếng vào giờ trưa (x. Ga 4,1-42 ). Bà này mới thực là mẫu người nữ mà Chúa tín nhiệm. Chúa thích nhất lời bà thưa với Ngài : Xin ông cho tôi thứ nước để tôi khỏi khát. Thứ nước đó là ‘‘Lời Chúa, Lời hàng sống’’.

3. Đức Tin là nến tàng trong đời sống kitô hữu

Sống, nghe và chứng kiến những việc Chúa làm, mà dân chúng không nói gì, ngay cả nơi các môn đệ, đức tin vẫn còn yếu kém, như : cả dân Do thái cứng lòng (Ga 12, 37-40), có Chúa ngay bên mà các Tông Đồ còn sợ thuyền đắm (Mt 8, 26).

Phải chăng chờ đến Chúa chữa người đàn bà băng huyết (Mc 5, 25-34), và chữa con gái của người đàn bà ngoại giáo ở Canaan (Mt 15, 21-28). Các môn đệ mới tin vào quyền năng của Thầy mình. Kết quả, đức tin đã lớn mạnh nơi Tông Đồ Phêrô (Mt 16, 13-16), trong dân chúng ngày lễ Lá (Mt 21, 7-9 ), viên đội trưởng dưới cây Thánh Giá (Mc 15, 39), ông Simeon (Lc 2, 28-32), và Tông Đồ Toma (Ga 20, 27-28)...

4. Tinh thần phục vụ người nghèo

Người Chúa đánh giá kém là bà mẹ của Debede, dẫn đến gặp thẳng Chúa Giêsu và xin cho hai con mình có địa vị (Mt 20, 20-28)

Nhưng người mà Chúa đề cao là bà goá cho bỏ tiền trước cửa đền thờ. Bà bỏ ít mà lòng mà rộng rãi với người nghèo, mặc dầu túng thiếu, mà cho taất cả những gì bà có. (Lc 21,1- 4)

Theo Chúa, tinh thần phục vụ, cần phải : muốn đứng đầu phải làm đầy tớ (Mt 20, 26-27), người tôi tớ trung thành (Mt 24, 43-45), làm tôi tớ mọi người (Mc 9, 35-37), khiêm tốn (Lc 17, 7-10 ), làm việc như đầy tớ tốt (Lc 19, 11-27), ngồi chỗ cuối khi được mời dự tiệc cưới (Lc 14,10), khi đãi khách hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (Lc 14, 13), làm việc như đầy tớ vọ dụng (Lc 12, 1), chính Chúa đã làm gương phục vụ trong bữa Tiệc Ly (Ga 13, 1-20). Điều răn trọng nhất không là gì khác, là yêu thương phục vụ những người bé mọn (Mt 22, 34-40)

5. Tuyên xưng Chúa Kitô sống lại

Then chốt và căn bản của giáo lý của Chúa Kitô là chính Ngài đã sống lại. Trách nhiệm loan báo chân lý này lại là phụ nữ, bà Maria Madalena và Maria khác. Sau khi Chúa bị đóng đinh, các Tông Đồ thất vọng, và không tin là Chúa sẽ sống lại. Các ông tản mác mỗi người mỗi nơi, về quê sinh sống. Riêng hai phụ nữ gan dạ không sợ lính canh, ra thăm Chúa trong ngôi mộ. Được thiên thần báo ‘‘Người đã chỗi dạy từ cõi chết’’. Tuy còn sợ, các bà rất vui mừng chạy ngay về báo tin cho các môn đệ hay. Chính vì sự mau mắn này mà Chúa đã hiện ra với hai bà đầu tiên. Sau đó Chúa đã gặp đông đủ 11 môn đệ ở Galilê. Ở đây Chúa trao cho các ngài sứ mạng ‘‘làm phép rửa cho muôn dân’’ (Mt 28, 1-20).

Phải chăng, nhờ gặp gỡ Chúa Kitô, mà các phụ nữ đã trở nên thuần thiện và thành chứng nhân của Tin Mừng ? (www.giaoxuvietnamparis.org)

(Viết theo ‘‘Les Femmes de L’Evangile’’. France Quéré. Ed. Seuil, 1982).