Giữa một thế giới đảo điên
ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI
mời ta khám phá lại những nét phong phú
của LUẬT TỰ NHIÊN




Có lẽ chưa bao giờ như ngày hôm nay, xã hội ta đang lâm vào một tình trạng đảo điên đến chóng mặt. Không phải chỉ đảo lộn tôn ti trật tự: trên xuống dưới, dưới lên trên; trái thành phải, phải hóa trái; trong ra ngoài, ngoài vào trong. Mà là đảo lộn cả bậc thang giá trị: đúng thành sai, sai hóa phải; thật thành giả, giả hóa thật; điều ngăn cấm thì được phép thả dàn; điều tư riêng kín đáo thì được phơi bầy huỵch toẹt; không có gì tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối, kể cả Thượng Đế nữa. Chính trong bối cảnh này mà, theo tin từ CNA (Zenit.org và ewtn.com) ngày 13 tháng 2 vừa qua, khi tiếp đón 200 tham dự viên hội nghị quốc tế về luật tự nhiên do Đại Học Giáo Hoàng Latêranô triệu tập, ĐTC Bênêđictô đã tuyên bố rằng: nếu luật tự nhiên không được tôn trọng thì đời sống, gia đình và xã hội sẽ trở thành nạn nhân của chủ trương tương đối về đạo đức.

Ngài mở đầu diễn từ bằng việc trưng dẫn các mâu thuẫn của thời hiện đại, được đánh dấu bằng tiến bộ kỹ thuật. Ngài nói: “Tiến bộ này đem cho chúng ta muôn vàn lợi ích, nhưng càng ngày ta càng thấy được những đe dọa có cơ hủy diệt món quà của thiên nhiên. Một nguy cơ khác nữa, tuy khó thấy hơn, nhưng không kém phần gây quan ngại, đó là: chính cái phương pháp vốn cho phép ta ngày càng thấu triệt các cơ cấu hợp lý của sự vật, thì cũng lại làm cho ta càng không thể thấy được cái ngọn nguồn của lý tính này, là chính Lý Trí Sáng Tạo.” Chính vì thế ĐGH khuyến cáo là phải cấp bách suy tư về luật tự nhiên xét như nguồn mạch của mọi quy luật vốn đi trước nhân luật và không một ai có thể thay đổi được. “Làm lành, lánh dữ” chính là nguyên tắc tiên khởi và phổ quát nhất, từ đó phát sinh ra các nguyên tắc biệt loại vốn điều hướng mọi phán đoán đạo đức về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người.

Các nguyên tắc này bao hàm việc tôn trọng sự sống con người từ lúc đầu thai cho đến khi chấm dứt một cách tự nhiên, lý do đơn giản là vì sự sống không phải là của loài người, mà là qùa tặng nhưng không của Thiên Chúa. Tiếp đến là bổn phận đi tìm chân lý, như một điều kiện thiết yếu cho việc trưởng thành nhân bản đích thực. Một nguyên tắc khác nữa là tự do con người, vốn luôn luôn được chia sẻ cho mọi người, và vì thế, tự do chỉ có thể tìm được ở điểm mà mọi người đều có chung: đó là sự thật về con người, là sứ điệp căn bản của chính hiện hữu con người, nói khác đi, đó chính là ‘lex naturalis’ (luật tự nhiên).

Theo ĐGH, luật tự nhiên chính là nguồn mạch từ đó—cùng với các quyền căn bản—xuất phát ra các quyết lệnh đạo đức mà ai cũng phải tôn trọng. Ngày nay một não trạng duy nghiệm pháp lý đang gây ảnh hưởng sâu rộng trên nền đạo đức và triết học đương thời, khiến cho luật pháp thường trở thành một thỏa hiệp đơn thuần giữa các phe phái trục lợi. Thế là phát sinh xu hướng biến các lợi ích và khát vọng tư riêng thành một thứ luật lệ đối đầu với các nghĩa vụ phát xuất từ trách nhiệm xã hội. Luật tự nhiên chính là hàng rào cản ngăn chận cường lực độc đoán hoặc sự dối lừa của ý thức hệ thao túng. Phải nhắc lại rằng, tất cả mọi hệ thống pháp luật, cả trong phạm vi riêng tư cho đến lãnh vực quốc tế, rốt cuộc đều rút tỉa được tính hợp pháp của nó từ nguồn mạch là luật tự nhiên, cũng như từ chính cái sứ điệp đạo đức đã được khắc sâu trong lòng con người. Càng thấu triệt luật này, lương tâm luân lý càng được phát triển. Do đó, ưu tư của mỗi người, nhất là của những ai mang trọng trách chung đối với nhiều người, là phải chú tâm vào việc uốn nắn làm sao cho lương tâm luân lý được chín chắn trưởng thành.

ĐGH nói thêm rằng: những điều vừa nói ứng dụng rất sâu sát và cụ thể, nhất là khi nói đến gia đình. Ngài nhấn mạnh: “Sự kết hợp khắng khít của đời sống và tình yêu hôn nhân chính là do Tạo Hóa đã thiết lập và được Luật Ngài chứng thực.” Thật thế, không một luật lệ nào của con người có thể làm đảo lộn các sắc luật mà Tạo Hóa đã ghi chép, mà không gây tổn thương trầm trọng cho xã hội, nhất là những gì làm thành nền tảng căn bản nhất của nó. ĐGH còn nhấn mạnh rằng không phải tất cả những gì khả hữu xét về mặt khoa học cũng đều là chính đáng xét về mặt đạo đức. Khi kỹ thuật giảm hạ con người xuống hàng đối tượng của thực nghiệm thì chính lúc đó, nó đã xô đẩy kẻ yếu đuối đến chỗ trở thành miếng mồi ngon cho kẻ mạnh. Khi mù quáng phó thác cho kỹ thuật, coi nó như nguồn bảo đảm duy nhất của tiến bộ, mà không đếm xỉa gì đến luân thường đạo lý, thì đó phải coi như là hành vi bạo hành chống lại con người, gây ra muôn vàn hậu quả khôn lường cho mọi người. “Khoa học gia cũng phải giúp thủ đắc một nhận thức sâu xa về trách nhiệm ta có đối với loài người cũng như đối với thiên nhiên đã được trao phó cho ta. Chính trên căn bản này mà ta sẽ phát huy được một cuộc đối thoại giữa người tin với kẻ không tin, giữa thần học gia, triết gia, luật gia với khoa học gia, bởi vì tất cả các vị này đều có khả năng cống hiến cho các nhà lập pháp sự hướng dẫn quý báu cho đời sống cá nhân cũng như xã hội.”

ĐGH kết thúc diễn từ với lời cầu chúc hội nghị không chỉ mang lại cho các học giả một tính nhậy cảm sắc bén hơn đối với luật luân lý tự nhiên, mà còn giúp tạo điều kiện cho một ý thức ngày càng bén nhậy hơn về giá trị bất khả nhượng của ‘lex naturalis’ nhắm đến một bước tiến thực sự và nhất quán trong đời sống cá nhân và xã hội.

xxx

Sứ điệp của ĐGH, thiết tưởng, đến thật đúng lúc, ngay trước thềm của mùa Chay Thánh, thời điểm của hoán cải và canh tân nội tâm, tìm về và tái khám phá một cách sâu xa hơn những điều mình đã cam kết khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Con người thời đại dường như đang đi lệch hướng quá xa. Cứ cái đà này, không khéo một ngày nào đó, ai cũng sẽ phải đi bằng hai tay, đầu lộn xuống đất, y như đang làm xiếc, và tệ hại nhất là cứ tưởng như thế mới là tự nhiên. Trong cái não trạng tương đối, phóng túng và tin tưởng vào bước tiến vô biên của khoa học kỹ thuật, người ta cho rằng cái gì rồi cũng làm được hết, chỉ còn vấn đề thời gian mà thôi.

Tôi bỗng thấy chột dạ đến bàng hoàng, khi mường tượng đến tương lai nhân loại, không biết rồi đây thế giới này sẽ sản sinh ra một mẫu người như thế nào, để khi Con Người trở lại, “liệu Ngài có còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Luca 18:8) Hay là Ngài sẽ phải phũ phàng thốt lên rằng: “Tôi bảo thật, tôi không biết các người là ai cả!” (Mt 25:12). Nghe đến câu này, tôi không thể không chia sẻ với bạn đọc câu chuyện sau đây:

Một phụ nữ trung niên nọ bị chứng trụy tim nên được đem vào bệnh viện. Nằm trên phòng chờ giải phẫu, bà được Chúa ban cho một cảm nghiệm chân thật về sự chết. Sau đó, bà thưa với Chúa: “Lậy Chúa, đã đến giờ Chúa cất con về chưa?” Chúa tươi cười đáp: “Chưa đâu, con ơi, con còn sống được 43 năm, 2 tháng và 8 ngày nữa.”

Sau khi hồi phục, một ý định tuyệt vời nẩy ra trong trí người phụ nữ: nếu Chúa còn thương cho mình sống lâu đến thế, thì tại sao mình lại phải kéo lê một thứ thân xác bèo nhèo và phải cam tâm gánh chịu một nhan sắc tầm thường thế này? Thế là thay vì xuất viện, bà yêu cầu được chuyển sang mỹ viện để được nâng, sửa, nắn, cắt, hút, bơm, căng, kéo...cho đủ bộ. Cuộc giải phẫu hoàn tất tuyệt vời đúng như dự tính. Lần này thì bà xuất viện thực sự. Rủi thay, khi thơ thới băng qua đường đi về nhà, bà gặp tai nạn: chiếc xe cứu thương đã cán trúng bà.

Khi ra trước toà Chúa, bà than trách: “Chúa bảo con còn sống được cả hơn 40 năm nữa, mà sao Chúa lại cất con về mau quá thế này?” Thế là Chúa lặp lại câu kinh thánh vừa dẫn: “Ta bảo thật, Ta không còn nhận ra con là ai cả.”

Câu chuyện tưởng như giả tưởng và đầy khôi hài ấy có thể rất đúng cho trường hợp của bạn, và hẳn nhiên, của tôi nữa, nếu chúng ta không biết quay về, không biết “hoán cải và tin vào Tin Mừng,” (Mc 1:15) không biết tìm về và sống con người đích thực đã được Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài, và rồi cứu chuộc bằng chính giá máu của Ngài. Lời phũ phàng đó có thể áp dụng cho chính chúng ta, khi chúng ta cứ phóng theo đà của thế giới sa đọa, tôn thờ thân xác, đam mê khoái lạc, sống phóng túng buông thả, và “coi trời bằng vung.”

Rốt cuộc, chỉ có một con đường duy nhất đáp trả lại tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu lên ngôi trên đỉnh Núi Sọ: đó là con đường thập giá, hiến thân và quên mình. Đó cũng chính là sứ điệp Mùa Chay năm nay mà vị Cha Chung đã nhắn gửi đến chúng ta.

“Lậy Chúa trời,
Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
Đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin đừng nỡ đuổi con
Không cho gần nhan thánh,
Đừng cất khỏi lòng con
Thần khí thánh của Ngài.” (Tv. 50: 12-13)

Mùa Chay Thánh 2007