JERUSALEM 25/02/07 – Nguồn tin của hãng thông tấn AP đánh đi từ Jerusalem cho biết các nhà khảo cổ và các giáo sĩ tại Đất Thánh Jerusalem đã lên tiếng nghiêm khắc phê bình một cuốn phim có tựa đề “Ngôi Mộ Bị Thất Lạc Của Chúa Kitô” Đây là cuốn phim tài liệu do nhà đạo diễn được giải Oscar, ông James Cameron, thực hiện.

Theo thông cáo báo chí của kênh truyền hình Discovery, cuốn phim “Ngôi Mộ Bị Thất Lạc Của Chúa Kitô ” sẽ được kênh truyền hình Dicovery khởi chiếu vào ngày 4 tháng 3 tới đây. Nội dung chính cuốn phim dựa vào chi tiết cuộc khai quật cổ vật bên ngoài thành phố Jerusalem vào năm 1980. Trong cuộc khai quật này, người ta khám phá thấy 10 tiểu bình đựng hài cốt trong một hang động. Trong một tiểu bình có thể có hài cốt của Chúa Giêsu và gia đình.

Cuốn phim cũng nói trong mười quan tài có một cái còn mang tên “Judah, con của Giêsu”. Cuốn phim muốn dùng tài liệu khảo cổ đề xuyên tạc niềm tin Kitô Giáo. Ví dụ nói tìm thấy hài cốt của Chúa Giêsu thì điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu đã không sống lại và lên trời như trong Kinh Thánh đã nói. Vậy tài liệu của cuộc khai quật này có hỗ trợ cho luận điểm của nhà đạo diễn Cameron không?



Người Kitô Giáo tin rằng thi thể Chúa Giêsu được chôn 3 ngày trong mồ tại một địa điểm mà nay là Đền Thánh Sepulcher trong khu Cổ Thành. Trái lại địa điểm chôn cất nói trong cuốn phim của ông Cameron lại ở vào khu vực miền Nam Jerusalem, một nơi mà không có nhà thờ nào cả.

Vào năm 1996, đài truyền hình BBC của Anh Quốc cũng dựa trên tài liệu của cuộc khai quật khảo cổ này để làm một phim tài liệu có nội dung xuyên tạc Kitô Giáo. Liền lập tức các nhà khảo cổ thế giới đã thách thức các nhà làm phim về tính cách trung thực của tài liệu.

Ông Amos Kloner, nhà khảo cổ đầu tiên đã đến khảo sát điạ điểm khai quật mà hãng truyền hình BBC dựa vào đó để làm phim tài liệu. Ông tuyên bố việc làm phim không theo sát tiêu chuẩn khảo cổ học và chỉ nhắm lợi nhuận cho truyền hình. Nhà khảo cổ này còn thẳng thừng tuyên bố: “Họ chỉ muốn lợi dụng việc khai quật để làm tiền ( "They just want to get money for it,")

Cuốn phim của nhà đạo diễn Cameron cũng làm các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Thánh Địa bất bình. Vị giáo sĩ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Thánh Địa là Attallah Hana tuyên bố: “Bằng chứng khảo cổ về tôn giáo cũng như lịch sử cho thấy địa điểm được chôn cất Chúa Giêsu nằm tại nhà thờ Phục Sinh (Church of the Resurrection), trong khi đó địa điểm trong cuốn phim tài liệu trái ngược với những điều chúng ta tin”.

Ông Stephen Pfann, một học giả kinh thánh của Viện Đại Học ở Jerusalem đã trả lời cuộc phỏng vấn sau khi xem xong cuốn phim tài liệu. Ông nói : Cuốn phim chỉ là một giả thuyết rất ít có giá trị. Nói chung người ta nghi ngờ giá trị trung thực của cuốn phim tài liệu. Học giả nói trên còn phát biểu: “Nếu cho điểm từ 1 đến 10, và 10 điểm là điểm dành cho tính trung thực tuyệt đối của tài liệu thì cuốn phim chỉ được 1 điểm hay 1.5 điểm là cùng”

Học giả Pfann còn ngờ vực cả đến việc đọc chữ “Giêsu” trên quan tài. Ông cho rằng người ta đã đọc chữ “Hanun” thành Giêsu.

Nhà khảo cổ Kloner nói nhà làm phim quả quyết phim phản ảnh sự thực là hoàn toàn sai.

Nhà khảo cổ này còn cho biết thêm thông thường giai cấp trung lưu ở Jerusalem thường chôn người chết trong hang và các tên trên các quan tài như Giêsu, Joseph là những tên phổ biến nhất của người Do Thái thời bấy giờ. Như vậy nếu có thấy tên Giêsu trên bia mộ, thì điều đó cũng không có gì chắc chắn đó là Chúa Giêsu trong Kitô giáo vì chuyện trùng tên là việc thường thấy. Ngày nay người ta có cảm tưởng rằng cứ tên Giêsu là tên của Chúa Cứu Thế. Do vậy, có sự lầm lẫn

Nhà làm phim Cameron nói là họ đã tìm được mộ Chúa Giêsu rồi. Điều này cũng sai nốt, hãng truyền hình BBC đã công bố nội dung này cả 11 năm trước đây.

Bà Osnat Goaz, phát ngôn viên của chính quyền Israel đặc trách về khảo cổ, từ chối đưa ra lời bình luận trước khi cuốn phim được kênh truyền hình Discovery trình chiếu vào ngày 4 tháng 3 tới đây.

Tưởng cũng nên nói tại Tây Phương, phim ảnh, sách báo nào đưa ra những đề tài mâu thuẫn với niềm tin Kitô Giáo, hay bôi nhọ Kitô Giáo cũng đều gây được sự chú ý của quần chúng. Các nhà làm phim, các nhà báo biết rõ điều này nên họ đã lợi dụng mọi cơ hội để trục lợi. Một bằng chứng cụ thể là cuốn phim Da Vinci Code, dựa trên một cốt truyện hư cấu, đã thu về món tiền kếch sù cho nhà làm phim.

Mới đây nhất tuần báo Time, phát hành tại Hoa Kỳ, số đề ngày 26 tháng 2 năm 2007 có viết bài Pilfering Priests ( Các Linh Mục Ăn Cắp). Đoc xong bài báo người viết bài này cảm thấy sửng sốt vì âm mưu của tờ báo quá lộ liệu, cố tình bôi nhọ Công Giáo để thu hút độc giả. Bằng chứng là tác giả bài báo Tim Padgett chỉ nêu ra được 5 trường hợp Linh Mục tại Hoa Kỳ tại 5 giáo xứ lấy tiền quyên ở nhà thờ vào các ngày Chuá Nhật để tiêu xài cho những mục tiêu đen tối của riêng mình. Trong khi đó tác giả nêu ra là tại Hoa Kỳ có 19,000 giáo xứ và khoảng gần 50,000 linh mục. Như vậy con số 5 linh mục bê bối trong 5 giáo xứ so với tổng số linh mục là 50,000 và tổng số giáo xứ là 19,000 thì đó là một tỉ lệ quá ít, không đáng kể. Tuy thế, báo Time đã dành hai trang để viết bài báo này. Điều đó cho thấy thế giới này hiện có một âm mưu, một thế lực mạnh muốn triệt hạ Kitô Giáo bằng phương tiện truyền thông.