Chuyện phiếm Canada: TIẾNG HUẾ và MÙA XUÂN
Giải đất thân yêu này đang vào xuân. Cỏ cây đang thức dậy. Dân làng An Lạc chúng tôi họp nhau chào mừng mùa xuân tuần qua. Vui vẻ qúa sức. Giữa bầu không khí tưng bừng này, Cụ Chánh tiên chỉ đã mang thư ông Từ Hoè viết từ miền Tây ra đọc. Ông ta viết miên man nhiều chuyện lắm, và thăm hỏi hết mọi người, đặc biệt Cô Cao Xuân. Trong cái miên man đó nổi bật nhất là hai việc : Ông bảo ông thích thú nhất về tin con heo đã khiến các khoa học gia quốc tế chứng minh được rằng các dân tộc miền Nam Thái Bình Dương đều có gốc VN. Và việc thứ hai, ông trả lời không dám nhận biệt danh Abbé Pierre mà dân làng chúng tôi định đặt cho ông. Các cụ còn nhớ việc này chứ ?
Đây là hai chuyện dài, tôi xin kể từ từ.
Thứ nhất là chuyện con heo. Tết chú Trư đã qua rồi, mà chuyện chú vẫn còn dài dài. Ngay đầu năm Hợi vừa qua, cả thế giới đều sôi nổi về việc khám phá của nhóm khoa học gia Keith Dobney và Greger Larson thuộc Viện Đại Học Durham bên Anh. Nhóm này đã bỏ công khảo sát 781 giống heo thuộc miền Nam Thái Bình Dương. Họ so sánh ‘gene’ của nhóm heo này với ‘gene’ còn lưu trữ trong các viện bảo tàng và họ thấy rằng các con heo ở đây có nguồn gốc từ các con heo VN ngày xưa. Thế nghĩa là gì ? Thưa, có nghĩa là các con heo gốc VN đã tới đây. Phải có người đem chúng tới chứ. Người này là ai ? Thưa, chính là các chủ nhân VN ngày xưa, cách đây khoảng 3.600 năm.
Dân làng tôi nghe đến đây thì nhao nhao lên. Chị Ba Biên Hoà hỏi ngay : vậy hoá ra các sắc dân ở Nam Thái Bình Dương này đều có tổ tiên VN cả sao ? Ông bồ chữ ODP nói ngay : Thì các khoa học gia vừa chứng minh như vậy đó ! Từ lâu thế giới đã công nhận VN có 3 nền văn hoá lớn rất lâu đời : Văn hoá Hòa Bình tại miền Bắc, Văn Hoá Đông Sơn tại miền Trung, Văn Hoá Óc Eo ở miền Nam. Người Việt cổ đã bành trướng đi khắp nơi. Các cụ tổ tiên ta có thể xuất phát từ Hòa Bình, hay Đông Sơn, hay Óc Eo. Những khám phá vừa qua đã làm sáng tỏ thêm chân lý này : Chính người VN đã tìm ra Châu Mỹ, qua ngả Nam Thái Bình Dương. Ông ODP nhấn mạnh : đây là lập thuyết của học giả uy tín Olov R.T.Janse đăng trên quý san quốc tế Southeast Asian mùa hè năm 1973, và Tạp chí uy tín National Geographic số tháng Ba, 1971.
Và ông ODP nói tiếp : Tôi đã theo rõi rất kỹ lập thuyết trên đây, và chưa hề thấy có bài báo nào phản bác được các lập luận này. Bà con nhớ kỹ nha, tổ tiên mình đã tìm ra Châu Mỹ, chứ không phải ông Columbus. Các cụ ta đã tới Bắc Mỹ qua 2 ngả, từ miền nam tiến lên và từ miền bắc đổ xuống. Đoàn người miền Bắc này chính là người Da Đỏ. Mà theo cụ Trà Lũ thì người Da Đỏ chính là con cháu mẹ Âu Cơ ngày xưa đã theo eo biển Bering mà xuống.
Nghe đến đây, cả làng vỗ tay, cười ha hả. Ai cũng tỏ ra thích qúa chừng. Ông H.O. nhìn anh John rồi hỏi : Anh đã thấy quê hương của Chị Ba Biên Hoà, vợ của anh, vĩ đại chưa ?
Anh John chắp tay kính cẩn trả lời : Em đã biết việc này từ lâu rồi ạ. Dân làng lại vỗ tay khen cái anh Canada này hóm hỉnh và dễ thương lạ lùng.
Rồi Cụ Chánh nói : Nhờ ông Từ Hoè mà cả làng ta bây giờ nắm vững vấn đề các sắc dân ở Nam Thái Bình Dương rõ ràng có gốc VN rồi nha. Xin cám ơn bạn Từ Hoè. Bây chừ lão xin nói tiếp về việc bạn Từ Hòe không dám nhận danh hiệu ‘Abbé Pierre’.
Các cụ còn nhớ Linh mục Philippe Henry Grouès người Pháp có biệt danh Abbé Pierre này chứ ? Ông được người Pháp coi là bố nuôi của những người đói rách và vô gia cư ấy mà. Ngài vừa nằm xuống ngày 22.1.2007. Không những cả nước Pháp mà cả thế giới đã thương tiếc và coi ngài là vị thánh sống. Abbé Pierre qủa là một vĩ nhân. Ông Từ Hoè viết trong thư : “ Tôi không xứng đáng xách dép cho Ngài. Dân làng chớ thấy tôi giúp vợ chồng chú Paul phục vụ bữa ăn sáng cho người homeless ở nhà thờ màgọi tôi là Abbé Pierre. Chớ ! Tội chết !”.
Trong mấy chục năm qua, thế giới Công Giáo có hai bậc đại thánh : Mẹ Teresa Calcutta bên Ấn Độ và Abbé Pierre bên Pháp. Cả hai vị đều xả thân ròng rã trên 40 năm giúp đỡ người khó nghèo bệnh tật. Cả hai vị đều tin rằng những người đau khổ này chính là hiện thân của Chúa Giêsu, chính là anh em ruột thịt của mình. Hai vị đã chứng minh đức tin bằng việc làm. Abbé Pierre đã thành lập được 440 cộng đoàn tình thương mang tên Emmaus trên 37 quốc gia, riêng tại Pháp có 115. Đây là những trung tâm tiếp đón lớp người mà theo lời Abbé Pierre đã mắc 5 căn bệnh thời đại : không bánh mì, không nhà, không việc làm, không trường học, không được chữa trị bệnh tật.
Mẹ Teresa Calcutta khi nằm xuống thì cả nước Ấn Độ khóc thương và tổ chức quốc táng. Abbé Pierre cũng vậy, khi nằm xuống, cả nước Pháp đã khóc thương và đã làm lễ quốc táng. Bao nhiêu đại diện đoàn thể xã hội và tôn giáo đã đến nghiêng mình trước linh cữu của ngài, đặc biệt người ta thấy có hai đại diện Phật Giáo mang tang trắng. Theo di chúc, thi thể Cha đã được an táng tại nghĩa tarng Esteville miền Normandie, bên mộ phần những người đói rách đầu tiên mà Cha đã chôn cất họ tại đây.
Ông Từ Hoè cho biết hiện nay ông và vợ chồng chú Paul mỗi sáng thứ Bảy và Chủ nhật phục vu bữa ăn sáng cho khoảng 100 người vô gia cư. Ban đầu con số này chỉ vào khoảng 30, nhưng từ khi ông và chú Paul cho họ ăn xôi và bánh mì giò chả VN thì con số đã từ từ tăng lên tới 100. Cha sở nhà thờ đang lo sẽ không đủ chỗ đón tiếp vì con số này coi bộ đang tăng lên nữa.
Phe các bà nghe chuyện đạo thì thấy khô. Các bà đòi nghe chuyện ướt cơ. Gớm thế. Ông ODP liền cười. Ông hỏi các bà còn muốn nghe chuyện con heo bên Tàu không ? Bà nào mắt cũng sáng lên rồi gật đầu lia lịa. Chị Ba Biên Hòa giao hẹn phải là chuyện heo sạch. Chắc chị sợ chuyện con heo mang nghĩa tầm bậy. Ông ODP trả lời ngay : Hôm nay tôi xin nói chuyện chữ nghĩa, không có gì dơ dáy cả. Rằng ngày xưa ở bên Tàu nhà nào mà nuôi được con heo thì được coi là khá giả, vì con heo là cái vốn quý, heo mẹ đẻ ra một bày heo con. Bày heo con bán được bao nhiêu tiền. Chiết tự chữ Gia là nhà, ta thấy chữ miên là mái nhà ở trên và chử thỉ là con heo ở dưới. Con heo nằm dưới mái nhà, đó là chữ Gia, gia là nhà, nhà người Tàu ngày xưa.
Chữ Gia này nhắc ta tới chuyện thiên tài Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Tàu. Tàu ra một vế đối để thử tài sứ giả VN, vế xuất như thế này :
An nữ xuất thỉ nhập vi gia
Câu này có nghĩa là chữ An nếu bỏ bộ nữ bên dưới đi mà cho bộ thỉ vào thì sẽ thành chữ Gia. Thiên tài Mạc Đĩnh Chi đối lại ngay lập tức :
Tù nhân xuất vương lai thành quốc
Câu này có nghĩa là chữ Tù nếu bỏ bộ nhân bên trong đi mà cho bộ vương vào thì thành chữ Quốc.
Sau khi nghe vế đối tuyệt diệu này của sứ thần VN, vua quan Tàu hết sức kính phục Mạc Đĩnh Chi và từ đó không dám thử tài nữa.
Phe các bà lại bảo chuyện văn chương về con heo bên Tàu của các ông, hay thì có hay nhưng vẫn còn khô và cao siêu. Các cụ đã thấy phe các bà trong làng tôi khó tính chưa ? Bồ chữ ODP ngày đầu xuân có khác, thật là sung sức. Ông cười hê hê rồi trả lời : Cái này dễ thôi, xin có chuyện ướt ngay. Rồi ông đem chuyện học giả Nguyễn Bá Triệu ra kể. Rằng kỳ tết vừa qua, trong báo xuân Cao Niên ở thủ đô Ottawa, ông thích nhất bài của cụ Nguyễn Bá Triệu. Bài này cụ Triệu viết về nhiều chuyện lắm.
Thứ nhất là chuyện các câu đối ngày xưa khi cụ còn bé đi học. Rằng bữa đó ông thày giảng bài về cách làm câu đối, rồi thày ra bài tập. Thày ra vế xuất : Năm quả cam xanh. Cái lắt léo ở chỗ chữ đầu câu là tiếng Việt, còn chữ cuối câu là tiếng Pháp, hai chữ đồng nghĩa với nhau. Năm là xanh/ cinq. Thế mà có trò đã đáp lại ngay : Sáu con bọ xít. Xít là âm của six trong tiếng Pháp, cũng có nghĩa là sáu. Qủa là giỏi. Thày giáo nhìn trò Triệu xưa nay nổi tiếng hay chữ nhưng rất tinh nghịch. Trò Triệu xin thày tha tội tục thì mới dám đối. Thày gật đầu. Trò Triệu liền đối : Mười cái lỗ đít. Đít là âm Pháp văn của chữ dix, cũng là mười.Thày giáo nghe xong, bảo rằng câu này không được chỉnh vì Mười là âm bằng đối với Năm cũng là âm bằng, nhưng ý thì được. Rồi thày kết luận : Cứ theo cái vế đối của anh thì tôi thấy sau này anh sẽ đông con lắm vì những mười cái ấy cơ mà. Cụ Triệu cho biết ông thày đã nói rất trúng, vì cụ có những 9 con lận. Cụ còn tự thú ngày xưa đi lính cụ cũng bay bướm lắm, đứa con thứ mười rơi rụng đâu đó mà cụ không dám đem về trình cụ bà đó thôi.
Cũng chưa hết chuyện. Theo cụ Triệu, câu đối ra là Năm quả cam xanh, và bắt tiếng cuối phải là tiếng Pháp, chứ nếu cho tiếng cuối là tiếng Tàu thì ta có một lô câu đối rất chỉnh rất hay như sau :
Sáu gói phẩm lục, Bảy thằng cu sất, Tám cái nạo bạt...
Cụ Chánh trong làng có quen biết Cụ Nguyễn Bá Triệu. Cụ kể rằng hồi xưa có nghe Cụ Nguyễn Bá Triệu trong một bữa tiệc vui đã luận về điềm gở trong mấy bài hát của VNCH. Chẳng hạn bài quốc ca mở đầu bằng : Này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng... Trước 1975, miền Nam hoàn toàn có chủ quyền nên có cần ai giải phóng đâu. Nói tới giải phóng là nói tới Mặt Trận Giải Phóng, tay sai của CS Hà Nội. Lời bài quốc ca này không ngờ báo điềm gở thật. Rõ ràng VC núp dưới cờ Mặt Trận đã giải phóng Miền Nam. Chưa hết. Trước 1975, miền Nam còn một bài hát mà lúc đó ai cũng cho là rất hùng ‘ Hàng ngàn cánh tay giơ lên, hàng vạn cánh tay giơ lên... Bài này được dùng làm nhạc hiệu cho một chương trình văn nghệ trên đài Quân Đội. Bây giờ ngồi nghĩ lại, Cụ Triệu giật mình. Hóa ra lời hát đó là điềm gở. Cánh tay giơ lên tức là dấu hiệu đầu hàng. Giá như lời hát ấy là ‘ một ngàn nắm tay giơ lên’ thì hay biết mấy ! Nắm tay giơ lên là dấu hiệu cương quyết, chứ cánh tay giơ lên thì là dấu hiệu đầu hàng thật. Chắc Cụ Nguyễn Bá Triệu muốn nhắn hậu thế : Sau này khi nước VN hết nạn CS, những ai soạn lời quốc ca thì phải suy nghĩ cho kỹ.
Anh John bây giờ mới lên tiếng : Chuyện các bác kể từ đầu tới giờ toàn là chuyện văn chương văn nghệ qúa khứ, đã xưa, đã cũ. Xin các bác cho em nghe chuyện văn chương văn nghệ gì hiện tại, nóng sốt và mới cơ. Cái anh John này bây giờ ăn nói qủa là khéo, một điều bác một điều em, nghe rất Bắc kỳ, phải không các cụ.
Mọi người lại chờ tiếng nói của bồ chữ ODP. Ông này hôm nay quả là sung mãn và qủa là giỏi, cái gì cũng biết. Ông bèn nói về viẹc Hội Nhà Văn Hà Nội vừa công bố 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Bài hay đứng đầu là bài Nguyên Tiêu của thi sĩ Hồ Chí Minh. Nghe đến đây, mấy bà trong làng tôi bụm miệng cười. Mấy bà này qủa là vô phép vô tắc. Hai người cười to nhất là cô Cao Xuân và cô Tôn Nữ. Ông ODP liền lên tiếng hỏi cô Cao Xuân lý do cười. Mệ Huế bèn nói ngay : Mỗi lần nghe ai nhắc tới Bác Hồ là nhà thơ nhà văn thì tôi nhớ ngay tới việc Bác Hồ lấy bút hiệu Trần Dân tiên để viết sách ca tụng chính mình. Xưa nay trên thế gian này chưa hề nghe ai có lương tri mà làm như vậy. Bữa nay tôi nghe bài thơ của Bác Hồ đứng đầu danh sách 100 bài thơ hay thì tôi cười là vậy.
Chị Ba Biên Hòa và Cụ B.95 nghe tới đây thì kêu nhức đầu. Hai vị không muốn nghe thơ nữa. Anh H.O. lên tiếng liền : Hôm nay ngày đầu xuân, xin làng cho bàn chuyện văn chương thi phú. Tôi có 2 bài thơ mà ai nghe xong thì khỏi bệnh nhức đầu liền. Tôi mới đi VN, khi ở Hà Nội thì chép được 2 bài thơ. Cả hai bài nói về tượng ông Lê Nin mà CSVN đã cung kính dựng lên ở vườn hoa Ba Đình. Tác giả hai bài thơ không phải là mấy ông thi sĩ trong Hội Nhà Văn, cái hội làm văn làm thơ theo đơn đặt hàng của Đảng, theo lệnh của Đảng, mà tác giả chính là người dân. Nói là hai bài thì không đúng hẳn. Nó chỉ là một bài mà có hai phần. Phần đầu làm trước năm 1975, phần sau làm sau khi khối Xô Viết tan hàng. Phần đầu như thế này :
Lê Nin quê ở nước Nga
Sao ông lại đến vườn hoa nước này ?
Ông ưỡn ngực, ông chỉ tay
Ông xem như thể nước này của ông.
Phần sau tiếp phần trước, có lẽ làm vào đầu thập niên 1990. Toàn bài như sau:
Lê Nin quê ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này
Ông vênh mặt ông chỉ tay :
“ Tự do hạnh phúc chúng mày còn xa !
Kià xem gương của nước Nga
Bảy mươi năm lẻ có ra cái đếch gì !”
Nghe đến đây thì cả làng phá ra cười. Cụ B.95 nghe xong thơ thì gật đầu : Đúng, ở Hà Nội có tượng Lê Nin rất lớn. Rõ ràng ông ta ưỡn ngực ông ta chỉ tay. Cụ B.95 chưa hề vào Saigon nên cụ hỏi : Thế Miền Nam có dựng tượng tổng thống Mỹ Kennedy như miền Bắc dựng tượng Lê Nin không ? Anh H.O. liền trêu cụ B.95 : Cụ hỏi còn thiếu một phần : “ Và khi ông Kennedy chết có ai ở miền Nam khóc Kennedy như đại văn hào Tố Hữu ở miền Bắc khóc Xít Ta Lin và gọi ông ta là ông nội không ?”. Cụ phải hỏi như thế mới đầy đủ. Cái anh H.O. này ăn nói linh tinh qúa.
Bà Cụ B.95 nhăn mặt và nói ngay : Câu nói của anh làm tôi lại nhức đầu mất rồi. Tôi bắt đền anh đó. Lâu qúa tôi không nghe tiếng ‘bắt đền’. Tiếng này nghe dễ thương làm sao, phải không các cụ. Anh H.O. hôm nay cũng văn chương chữ nghĩa lắm, mùa xuân mà. Anh bảo anh xin đền Cụ bài thơ rất bình dân và đạo đức này :
Sao em cứ bảo anh già,
Làm anh không biết anh già ở đâu
Anh già cái tóc cái râu
Nhưng riêng cái ấy còn lâu mới già.
Phe liền ông chúng tôi nghe xong thì vỗ tay cười hô hố, cho là hay quá sức, còn phe liền bà thì hứ một tiếng rồi la là thơ tục tĩu. Anh H.O. bèn lên tiếng ngay : Ai bảo câu thơ số 4 là tục tĩu thì đầu người đó có sạn và đầy tư tưởng bậy bạ. ‘Cái ấy’ trong câu thơ là ‘tiếng cười’. Xưa nay có ai nói tiếng cười già nua bao giờ đâu. Tiếng cười bao giờ cũng làm cho con người trẻ ra, đẹp ra. Kìa xem hai bức ảnh cô trung tá Không Quân phi hành gia Hoa Kỳ Lisa Nowak thì rõ liền. Tấm ảnh chụp cô mặc áo phi hành, miệng cười rất tươi, sao mà cô ta trẻ đẹp thế, hạnh phúc thế ! Còn bức ảnh khi cô ta thất tình và mặc áo tù, sao mà cô ta già và xấu thế !
Cụ B.95 nghe đến đây thì vái anh H.O. một cái. Cụ bảo cụ không cãi lại được phe liền ông các anh. Rồi cụ cười khì khì. Cả làng cười theo. Tiếng cười quả là thuốc bổ, thuốc thân ái, lại có chất truyền nhiễm.
Rồi cụ nhìn anh John. À, theo thói quen thì đã đến giờ cụ B.95 hỏi thần tượng John về chuyện thời sự Canada. Anh thưa ngay : Bữa nay xin cho cháu khất các chuyện Canada. Năm mới này, cháu định học tiếng Huế. Cháu đã biết nói tiếng Nam, tiếng Bắc, chỉ còn tiếng miền Trung là chưa. Nói xong, anh liền quay vào cô Cao Xuân : Xin Chị dạy tôi nói tiếng Huế. Cô Cao Xuân chớp chớp đôi mắt, trông yểu điệu thục nữ qúa chừng. Ông Từ Hoè thích cô là phải. Cô hoàng tộc liền đáp : Tiếng Huế mênh mông như trời đất, biết bắt đầu từ mô. Chừ xin tặng anh bài thơ của T.K. thác lời cô học sinh Huế trả lời một cây si. Anh mà học thuộc bài này thì biết nói tiếng Huế ngay. Bài thơ như sau :
Người ở mô răng mà kỳ dữ rứa
Giờ ra chơi cứ ngó miết người ta
Và reo lên khi thoáng thấy đi qua
Tụi bạn tưởng ‘có răng rồi mới rứa’
Người ở mô mà vô duyên rứa hỉ
Trao phong bì rồi hấp tấp bỏ đi
Ờ thương thương nhớ nhớ làm chi
Về ba mạ biết ri là chết
Mắc cớ chi mà theo người ta cho mệt
Người răng mà ưa lẽo đẽo làm đuôi
Lỡ một lần như rứa cũng vui vui
Nhưng ngày mai, thôi đừng theo rứa, hỉ !
Anh John nghe xong, mặt mũi trông sung sướng phớn phở quá chừng. Anh hét to lên : Chị đọc thơ mà du dương như hát. Giọng đất thần kinh có khác. Các bác ơi, mùa xuân đang tới thật rồi nè.