Nhân kỷ niệm 50 năm thánh ca Kim Long: Hồi Ức Về Một Người Thầy



Đã từ rất lâu, âm hưởng, giai điệu, và ý nghĩa Ky Tô giáo thâm sâu của bài thánh ca bất hủ Kinh Hòa Bình luôn đánh động và nâng đỡ tôi thật nhiều trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Chính tác giả của bài hát, Linh Mục Kim Long, mà tôi và các bạn học vẫn thường gọi thân mật bằng "Bố", vẫn luôn hiện diện trong đời sống tôi cách này hay cách khác, ở đâu đó trong cuộc đời...

Được quen biết với Cha là một may mắn, nhưng được học hỏi với Cha về hoà âm, sáng tác phải nói đây là một cơ hội hiếm có Chúa ban cho tôi cách riêng. Chính những bài thánh ca của Cha và một số nhạc sĩ thánhca tiền bối khác năm xưa tôi được nghe đã đánh động tâm hồn tôi thật nhiều. Tôi bị cảm hóa bởi cung điệu bình ca xúc động lòng người và dễ dàng hướng dẫn tôi ra khỏi mọi xao động cuộc đời mà hướng lòng lên với Chúa, sống với Chúa và cho Chúa.

Cha Kim Long
Nhạc Kim Long đã đi vào lòng người giáo dân VN, không phải vì kỹ thuật hòa âm điêu luyện hoành tráng, nhưng chính vì giai điệu bình dị, tiết tấu nhẹ nhàng, tinh tế, thanh thoát và thánh thiện, lời ca đơn sơ không cầu kỳ, giống như một lời thì thầm cầu nguyện và đặc biệt được bắt rễ sâu trong lời Chúa và Thánh Vịnh, nên dễ dàng đưa con người về gần với Chúa hơn. Cha Tiến Lộc có lần đã nói vui: ‘‘Tôi thì làm nhạc từ cửa nhà thờ trở ra, còn Cha Kim Long thì từ cửa nhà thờ trở vô.’’ Và thật sự như thế, nhạc Kim Long mang âm hưởng và sắc thái riêng của nhà thờ, một sắc thái đặc biệt, thật khác hẳn với thứ âm nhạc hỗn độn ngoài đời, nó dịu dàng và tha thiết, phản ánh một tâm hồn đã hiến dâng trọn vẹn cho Chúa. Nhạc Kim Long thực sự là nguồn nâng đỡ cho tâm hồn các tín hữu, giúp họ cầu nguyện, can trường tiến bước theo Chúa và làm chứng cho Tin Mừng.

Một bài hát hay thì có sức lôi cuốn và ấn tượng hơn cả chục bài thuyết giảng dài dòng, khô khan, suy nghĩ mãi cũng không hiểu !! Th?c vậy, không ai trong chúng ta có thể quên được bài thánh ca ngắn đầu tay của cha, nó đã vượt qua thời gian và mọi nơi chốn, chỉ cần dạo khúc đầu một tý là cả nhà thờ ai cũng hát được, bài ‘‘Con Hân Hoan’’. Bài hát như đánh dấu một giai đoạn mới bắt đầu cuộc đời tận hiến, bắt đầu đi vào một chân trời mới, ‘‘chân trời của hoan lạc tuổi xuân xanh con’’. Còn đối với giáo dân, bài hát như đang đưa họ tới một vùng trời bình an, quên mọi ưu phiền để gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa là Cha toàn năng, và chuẩn bị đón nhận Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của tình yêu và ân sủng.

Chính vì thế, tôi đã bước vào con đường sáng tác thánh ca dưới sự hướng dẫn của Cha, bỏ mặc sau lưng các loại âm nhạc thời thượng hấp dẫn và lôi cuốn khác.

Đi vào thế giới thánh ca, tôi dần dần ý thức được sự cao cả vô biên của Thiên Chúa và cái nhỏ bé tầm thường của con người để đặt mình trong sự quan phòng của Chúa. Có những lúc tôi không biết làm sao với vài nốt nhạc lại có thể diễn tả nổi tình yêu vô biên của Chúa!

Nhưng rồi thánh ca cũng đem lại cho tôi nguồn an ủi lớn lao, như người vừa tìm được một chỗ dựa để đương đầu với những khó khăn của cuộc sống. Ngoài lãnh vực chuyên môn về âm nhạc, tôi đã lĩnh hội được rất nhiều điều từ nơi Cha, tinh thần tận hiến và phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa, tình yêu thương con người, lòng nhạy cảm với từng nỗi bất hạnh trong cuộc sống, nhất là lòng khiêm tốn, Cha vẫn thường khuyên chúng tôi: "Âm nhạc thì bao la không giới hạn, phải luôn chấp nhận và học hỏi không ngừng..." Những người có tài thực sự thì luôn khiêm tốn, tôi nghĩ Cha đã luôn tự hạ mình, từ bỏ tất cả, để theo gương Thầy Chí Thánh trên đường trọn lành.

Kỷ niệm sống với Cha thì thật nhiều, từ những năm sau biến cố 75, với những đổi thay của đất nước, Cha luôn có một thao thức là truyền đạt lại những kinh nghiệm quí báu về sáng tác, hòa âm, đối âm cho thế hệ sau, nên đã tập họp chúng tôi lại thành một nhóm nhỏ tại nhà thờ Huyện Sỹ, lớp nhỏ nhưng tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu mến Chúa. Có lẽ cũng giống như thời kỳ Tông Đồ Công Vụ, nhóm nhạc nhỏ bé của chúng tôi hăng say học tập, san sẻ cho nhau niềm vui nỗi buồn trong cuộc mưu sinh hàng ngày, cha con đều nghèo nên chúng tôi chỉ góp tiền mua xăng để Cha lái xe vespa mỗi tuần từ Đức Hòa, Long An (giáo xứ của Cha) về Saigon để dạy học, có những lần xe hư Cha đành phải gò lưng trên xe đạp để trở về dạy học trò... Đến hiện nay, tại hải ngoại, lần đầu tiên tôi gặp lại Cha khi Cha đến Mỹ vào tháng 9 năm 2000. Thầy trò lâu ngày gặp lại, biết bao nhiêu điều cần thổ lộ. Cha hỏi thăm tôi về nhiều điều, cuộc sống, công việc làm ăn, gia đình...Nhưng có lẽ điều Cha quan tâm hơn cả, chính là việc sáng tác và sinh hoạt thánh ca của tôi tại hải ngoại. Tôi cũng thành thực thưa với Cha về cuộc sống tất bật mưu sinh tại đây, nơi mà người ta không còn nhiều thời giờ cho các sinh hoạt tinh thần, tôn giáo.. . .

Rồi đến ngày phải trở về Việt Nam, phút cuối tiễn Cha tại phi trường quốc tế San Francisco, Cha có vẻ buồn, nhưng tôi nghĩ Cha đang cầu nguyện và chúc bình an cho tôi, cho những giáo dân, con chiên bổn đạo của Cha đang cố gắng trong mọi hoàn cảnh để tôn vinh Thiên Chúa, và giữ vững niềm tin vào Chúa Phục Sinh.

Khoảng một tháng sau, khi dọn dẹp nhà cửa, tôi bỗng phát hiện một số sách về hoà âm sáng tác trên mặt đàn piano, số sách này tôi đã học từ rất lâu với Cha và sau này khi đến Mỹ tôi cũng không còn giữ nữa, tôi nghĩ trong đầu, Cha đã âm thầm để lại số sách này như một lời nhắn nhủ thân thương: " Con hãy như Cha, hãy tận hiến cho Thiên Chúa, cống hiến cho Thiên Chúa những gì con đã có, đừng ngã lòng, hãy gắn liền vào thánh giá Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời". Từ đó, tôi tìm lại được niềm tin và nghị lực sống nơi Cha, tôi bắt đầu có cảm hứng để sáng tác, sửa lại một số bài cũ, xem xét lại hòa âm, học hỏi thêm về Thánh Vịnh. Tâm hồn tôi giờ đây như một khu vườn tràn đày ánh nắng, tôi sáng tác lại với tâm trạng háo hức hăng say, một cảm giác như chưa bao giờ có, Chúa đã chiếm giữ hồn tôi và làm bừng lên lại ngọn lửa mến yêu cuộc đời và con người.

Viết những dòng trên đây, tôi muốn cùng với những người bạn học thân thiết của tôi gần 30 năm về trước, Cha Nguyễn Duy, chị Hải Triều, anh Cát Minh, anh Toàn, anh chị Loan Hảo, anh Ngọc Linh... để cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ và tri ân, vì Chúa đã ban cho giáo hội Việt Nam một tài năng âm nhạc lớn, cây đại thụ trong nền thánh nhạc Việt Nam. Tấm lòng bao dung nhân ái của Cha đối với học trò, cùng với tấm lòng tận hiến của Cha, chúng con không bao giờ quên, xin Cha hãy yên lòng, vì lý tưởng của Cha cũng là lý tưởng của chúng con: viết thánh ca để tôn vinh danh Chúa, để cầu nguyện, và đem lại niềm hy vọng cho bao con người.