Lể Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả:

Tu sửa lại lối sống và cách tư duy

Chúng ta hãy thử tưởng tượng: Trong một xã hội kỹ nghệ hóa, phát triển và văn minh cao độ như xã hội của chúng ta hôm nay, bổng chốc thánh Gioan Tẩy Giả, một vị Tiên tri lại xuất hiện và rao giảng việc ăn năn sám hối, thì thật là cả một sự kiện làm chấn động thế giới, thu hút mạnh mẽ sự tò mò của mọi thành phần xã hội. Nhưng dĩ nhiên, trong toàn bối cảnh, thánh nhân sẽ làm cho cả xã hội chúng ta phải lúng túng khó chịu. Qua cuộc sống chay tịnh khắc khổ và cách ăn mặc kiểu «bán khai», nhất là qua công cuộc rao giảng sự ăn năn thống hối của thánh nhân, người ta sẽ cho ngài là lạc loài, thiếu tiến bộ và không hợp thời đối với thế giới giàu sang và văn minh ngày nay.

Nhưng đó chưa hẳn là một nhận xét và phê phán chính xác về giá trị của công cuộc thuyết giáo, về chân lý và về sự khẩn thiết của những lời kêu gọi ăn năn thống hối của thánh nhân»; dù cho chúng ta có cần phải ăn năn thống hối hay không.

Ở Đức cách đây ít năm, xuất hiện một cuốn sách tựa đề là «Kurskorrektur» (Sửa lại lối sống và cách tư duy), của tác giả Karl Steinbuch (1917-2005), một nhà khoa học về công nghệ thông tin. Những cuốn sách ông ta viết trước kia mang những tựa đề rất có vẻ tiến bộ, như: «Falsch programmiert» (Định hướng sai), «Programm 2000» (Kế hoạch 2000), v.v… Trong những cuốn sách đó, Karl Steinbuch đã đề xướng một viễn tượng về một tương lai xa xôi. Thế nhưng bây giờ, trong cuốn «Sửa lại lối sống và cách tư duy» ông lại cho thấy là kiểu sống và cách tư duy của con người như hiện tại không thể tiếp tục kéo dài được; theo ông toàn diện cuộc sống xã hội của chúng ta phải được thay đổi, phải được sửa chữa lại. Dĩ nhiên, khi nói như thế, Karl Steinbuch không có ý nói về phương diện tôn giáo. Trái lại, tư tưởng của ông chỉ dừng lại trong phạm vi nhân bản. Ông muốn nói về một xã hội nhân bản, mà con người càng ngày càng làm cho lu mờ đi. Bởi vậy, cần phải có: Kurskorrektur – cần phải sửa lại lối sống và cách tư duy!

Nhưng «sửa lại lối sống và cách tư duy» là một kiểu diễn tả khác của lời mời gọi «Ăn năn hối cải» của thánh Gioan Tẩy Giả! Phải chăng đó không phải là chính sứ điệp của Đức Giêsu, mà thánh Gioan Tẩy Giả đã đến dọn đường trước, tức kiến tạo một xã hội nhân bản hơn, một xã hội đầy tình người hơn? Đúng thế, nhưng cũng vì để kiến tạo một xã hội tốt đẹp và đầy nhân ái, mà người ta cần phải sửa đổi cách sống và cách tư duy suy nghĩ của mình một cách triệt để hơn, nhất là trong lãnh vực mà thánh Gioan đã thiết tha mời gọi mọi người cũng như chính ngài đã sống, đó là thái độ sống của con người trước mặt Thiên Chúa.

Cần phải tìm kiếm Thiên Chúa

Người ta có thể tóm tắt cuộc sống của thánh Gioan Tẩy Giả lại trong câu hỏi mà chính ngài đã nhờ các môn đệ của ngài thưa cùng Đức Giêsu: «Có phải Thầy là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác?» (Mt 11,3). Thánh nhân đi tìm kiếm Đấng Thiên Sai, tìm kiếm Đấng mang lại ơn cứu độ Thiên Chúa cho con người. Thánh nhân tìm kiếm Đức Kitô. Và cuối cùng là tìm kiếm Thiên Chúa. Câu hỏi đó không chỉ thỉnh thoảng mới được thánh Gioan nêu lên, hoặc chỉ vì do tính tò mò, do sự buồn chán trước một cuộc sống trống rỗng và mất hết ý nghĩa, hoặc do tính ham muốn các cảm xúc mạnh. Thật ra, câu hỏi đó chính là ngài. Vâng, câu hỏi đó đánh dấu con người của thánh nhân, quan điểm sống và sứ mệnh Tiền Hô của ngài. Nói một cách đơn giản, thánh Gioan Tẩy Giả là một người đang đi tìm kiếm Đức Kitô, Đấng đã bước vào sân khấu cuộc đời. Bằng chính cuộc sống của mình, thánh nhân đã giới thiệu Đức Kitô cho nhân loại: «Kìa là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian!» (Ga 1,29).

Còn dấu chỉ để nhận diện thời đại chúng ta ngày nay là việc quan tâm chăm sóc con người một cách tự nguyện và xác tín. Nghĩa là đi tìm kiếm con người. Và dĩ nhiên, điều đó không hẳn được phát xuất từ đức tin, nhưng cũng không hẳn là một điều sai lầm. Bởi vì, còn gì là một đức tin vào Thiên Chúa, khi đức tin đó sao nhãng con người là hình ảnh của Thiên Chúa? Vâng, ở bất cứ đâu, mỗi khi con người bị đau khổ túng thiếu thì người ta cần phải ra tay giúp đỡ họ. Ở đâu con người phải sống trong cảnh áp bức nô lệ, thì họ cần phải ra tay giải thoát. Ở đâu con người phải trực diện với bần cùng đói rét, thì họ cần phải được cơm ăn áo mặc. Thật vậy, nếu Thiên Chúa đã vô cùng thương yêu lo lắng cho con người, thì không thể là một điều xấu hay sai lạc khi chính con người tự săn sóc lo lắng lẫn cho nhau được. Bởi vì, danh dự và vinh quang của Thiên Chúa là con người, đã được dựng nên theo hình ảnh Người và nên giống Người (x. St 1,26-27).

Nhưng người ta có thể tự hỏi: phải chăng cách thức và hành động của con người khi tự thần hóa chính mình, đã không vượt quá mức độ hợp lý, đã không vượt khỏi biên giới cho phép? Phải chăng con người đã không loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống riêng tư, của gia đình và của xã hội mình đến nỗi con người đã khai tử Thiên Chúa ? Phải chăng cũng chính vì thế mà con người luôn lún sâu vào trong cái vòng luẩn quẩn của những hành động vô lý, của những đau khổ và của biết bao khó khăn không lối thoát? Phải chăng cũng vì thế mà chúng ta đã trở nên hầu như hoàn toàn bất lực để giải quyết những khó khăn lắt léo của cuộc sống? Làm thế nào người ta có thể nói được rằng họ có thể che chở bảo vệ cho con người, và càng khó hơn nữa là có thể thăng tiến và phát huy con người, khi họ giật nhổ con người ra khỏi chính cội rễ của nó, ra khỏi nguồn sống đích thực của nó : Ra khỏi Thiên Chúa Tạo Hóa?

Chính vì thế, ở đây sự đổi đời, việc điều chỉnh lối sống và cách thức tư duy của mình, là một nhu cầu thiết yếu, là một điều kiện cơ bản. Dĩ nhiên, làm điều đó không với mục đích là để tìm làm hài lòng con người theo nghĩa của Karl Steinbuch, nhưng là để người ta nhận chân được rằng:

• không có Thiên Chúa, người ta không thể có được con người;

• ngoài Thiên Chúa, người ta không thể phục vụ con người một cách thật tâm và đúng đắn được;

• do đó, trước hết qua con người, người ta phải nhìn thấy được Thiên Chúa và tiếp đến, qua Thiên Chúa người ta lại nhìn thấy được con người.

Và chương trình sửa chữa lại lối sống và cách tư duy chỉ thực sự nghiêm chỉnh và dứt khoát, khi con người biết đơn sơ và khiêm tốn tập cầu nguyện, tập cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội, là tâm điểm và là cứu cánh của con người. Nếu vậy, đúng là:

Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi

Nhưng đối với tâm lý con người với tâm thức tôn giáo khô cằn ngày nay, thái độ khiêm tốn đó của thánh Gioan Tẩy Giả là hoàn toàn bất bình thường, nếu không nói là khùng dại, vì họ cho rằng một khi nhường lại cho Thiên Chúa quyền ưu đẳng, thì con người sẽ bị thiệt thòi mất mát. Bấy giờ, như triết gia vô thần Friedrich Nietzsche (1844-1900) đã có lần viết, Thiên Chúa sẽ là một «mối nguy hiểm to lớn nhất» cho con người, và con người sẽ chỉ tìm lại được đất sống, khi con người thành công trong việc khai tử được Thiên Chúa. Nhưng quan niệm tìm cách khai tử Thiên Chúa, tìm cách loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình như thế, sẽ đưa tới hậu quả tất yếu là khoảng cách giữa con người với nhau hoàn toàn biến mất. Bấy giờ, thay vì Thiên Chúa, «thì con người là Thiên Chúa của con người» như Ludwig Feuerbach (1804-1872), triết gia nhân bản quá khích, đã chủ trương. Và dĩ nhiên, thay vì tôn thờ Thiên Chúa, con người lại đi tôn thờ chính con người, con người lại đi thờ lạy chính mình. Và chính đó là nguyên nhân dẫn tới những tội ác khủng khiếp và sự tiêu diệt toàn diện cho nhân loại, bởi vì con người đã tranh quyền Thiên Chúa để làm chủ nhân và làm quan án xét xử vũ trụ và xã hội loài người. Dấu tích của những cuộc tàn sát man rợ và của những phá hoại khủng khiếp do con người gây ra cho nhau - ở trong quá khứ cũng như hiện tại – vừa là bằng chứng cho nhận xét đó, vừa là một cảnh cáo nghiêm trọng cho cho chúng ta.

Do đó, việc quyết tâm sửa chữa lại lối sống và cách tư duy là một điều tối cần thiết. Nói cách khác, người ta không được khinh rẽ con người, nhưng cũng không được thần thánh hóa chính mình. Trước một câu hỏi có thể là một cám dỗ cho mình là ngài có phải là Đấng Messia đang được mong đợi hay không, thánh Gioan Tẩy Giả đã chân thành và khiêm tốn quả quyết: «Tôi không phải là Đấng Messia» (Ga 1,20). Gioan Tẩy Giả luôn ý thức được vai trò của mình trước Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Vì thế, thánh nhân đã nhìn về phía Đức Giêsu và khẳng định cho các môn đệ lòng đang đầy ganh tị rằng : «Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ đã nói lời đó, nhưng ngài đã thực sự sống như thế. Ngài đã biến đi vào trong ngục thất của bạo vương Hêrôđê và đã bị chém đầu. Nhưng tư cách, sư thẳng thắn, lòng cam đảm và nhất là đời sống thánh thiện của ngài đã không hề biến mất, trái lại, đã được chính Thiên Chúa đánh giá cao và khen thưởng (x. Mt 11,7-14). Vâng, chính lúc ngài tự lu mờ để nhường chỗ cho Đức Giêsu, Đấng Messia của Thiên Chúa, thì cũng chính là lúc ngài được cất nhắc và được nổi bật lên. Định luật đó cũng được áp dụng cho mỗi người trong chúng ta; nói cách khác : Đức Kitô là Thiên Chúa phải nổi bật lên trong đời tôi, còn chính tôi phải lu mờ đi!