LÀNG VIỆT NAM TẠI NEW ORLEANS SAU 2 NĂM BÃO KATRINA

New Orleans (Ý Dân): Ngày 23-8-2007 vừa qua kỷ niệm 2 năm trận cuồng phong Katrina đã tàn phá nặng nề một số các tiểu bang miền Nam của Hoa Kỳ gồm có: Florida, Louisiana, Mississippi và Alabama. Về nhân mạng ghi nhận có 1,836 chết, 705 người mất tích và tài sản thiệt hại lên đến 81.2 tỷ mỹ kim. Trận cuồng phong Katrina đã tác hại trên một vùng đất rộng đến 90,000 square miles (tương đương diện tích của nước Anh) đã làm trên 3 triệu người phải chịu cảnh mất nhà, mất điện.

Riêng tại thành phố New Orleans, thuộc tiểu bang Louisiana là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trận cuồng phong Katrina khi tràn vào New Orleans vào sáng ngày 29-8-2007 với tốc độ 125 mph (205km/h), ngoài việc đem một lượng nước mưa lớn từ 8 đến 10 inches (200-250 mm), với sóng nước lên cao đến 14 feet (4.3 m) đã làm vỡ đê điều bảo vệ cho thành phố New Orleans. Hệ thống đê điều bị vở tại 3 địa điểm khác nhau làm cho 80 % thành phố New Orleans và các vùng phụ cận bị chìm trong biển nước kéo dài nhiều tuần lễ.

Dân số của thành phố New Orleans khoảng 500 ngàn người, nhưng hiện nay sau 2 năm của trận bão Katrina, chỉ có 262 ngàn người, khoảng 58 % dân số kéo về tái lập nghiệp. Rất nhiều căn nhà, đặc biệt là nhiều nhà dọc theo xa lộ I-10 bị thiệt hại nặng nề và vẫn còn bỏ hoang không có người ở.

Trong dịp viếng thăm New Orleans vào ngày 29-8-2007 vừa qua, tổng thống Bush và phu nhân cho biết có tới 80% của số tiền 114 tỷ mỹ kim dùng tái thiết sau bão Katrina đã được tháo khoán và công việc tái thiết vẫn tiếp tục.Tổng Thống Bush nói bão Katrina làm đau lòng người dân Hoa Kỳ, nhưng không làm nãn chí tinh thần của người dân New Orleans.

Riêng 15 ngàn đồng hương Việt Nam cư ngụ tại New Orleans, đặc biệt là khoảng 8 ngàn người sống tại làng Việt Nam (khu Versailles) đã hoàn toàn hồi phục và nhà ở được dựng lại tốt đẹp hơn. Trong khi ấy, nhiều người dân địa phương vẫn còn sống trong những nhà lưu động (trailer) bên cạnh những ngôi nhà tan nát của mình. Theo sự nhận xét của chính quyền, giới truyền thông địa phương thì lý do người Việt trở về đông đủ là nhờ những vị lãnh đạo tinh thần đã làm gương cho họ.Báo chí địa phương đã có nhiều bài viết ca ngợi sự kiên trì của những người Việt tỵ nạn. Họ đã không nản chí dù phải trở về tay không để bắt đầu lại từ đầu. Đây là tấm gương sáng cho các sắc dân khác trong việc trở về nhà cũ để tái định cư

Trong dịp đến làng Việt Nam tại New Orleans, phái đoàn bán nguyệt san Ý Dân đã có dịp gặp Sr Anne Marie Khương, đang sống tại tu viện trong Trung Tâm Giáo Dục Trẻ Em (Child Development Center) tại New Orleans do Sr Thiên An làm giám đốc để tìm hiều thêm về thiên tai bão Katrina và những nổ lực của đồng hương tại làng Việt Nam trong việc trở về định cư vào 11 giờ 30 sáng ngày 1/9/2007 vừa qua.

Sr Anne Marie Khương, thuộc dòng Mân Côi, đang sống tại tu viện trong Trung Tâm Giáo Dục Trẻ do Sr. Thiên Ân làm giám đốc(địa chỉ: 5100 Willowbrook Dr, New Orleans, LA 70129) đã tiếp đón phái đoàn bán nguyệt san Ý Dân trong phòng tiếp khách một cách thân mật và kể lại những sự việc xảy ra tại làng Việt Nam khi trận cuồng phong Katrina kéo đến New Orleans.

Theo Sr. Khương cho biết khi nghe lệnh di tản của chính quyền, đồng hương đã tìm cách di tản ra khỏi thành phố.Riêng 7 Soeurs của Trung Tâm, sau khi dùng cơm chiều vào chiều thứ sáu ngày 26-8-2005, mỗi người vỏn vẹn chỉ mang hai bộ quần áo lên xe đi di tản, xe chạy ra xa lộ theo lộ trình do chính quyền chỉ định để ra khỏi New Orleans. Đến sáng thứ hai 29-8-2005 thì bão Katrina kéo đến New Orleans.Sr. Khương cho biết tại Trung Tâm, mực nước bị ngập lên khoảng 2 feet và nóc nhà bị thiệt hại nặng nề.Hàng ngàn đồng hương lũ lượt di tản ra khỏi New Orleans, chỉ còn lại 500 người ở lại.Thế nhưng, sau đó bão Katrina đã làm vở đê, mực nước càng ngày càng dâng cao, điện, nước đều bị cúp và môi sinh rất ô nhiểm. Lúc bấy giờ, linh mục Nguyễn Thế Viễn, chánh xứ Maria Nữ Vương Việt Nam đã kêu gọi các đồng hương tập trung về nhà thờ, đồng thời thông báo đến toán cấp cứu.Khi chính quyền được tin có khoảng 500 đồng hương còn kẹt lại tại làng Việt Nam, họ đã cho toán cấp cứu dùng thuyền di tản tất cả mọi người lên khu vực an toàn và từ đó giúp mọi người tìm cách di tản ra khỏi New Orleans.

Sr. Khương cho biết khu vực bị thiệt hại nặng nhất là những dãy phố hai bên xa lộ I-10 là bị thiệt hại nặng nhất tại New Orleans vì tình trạng bị vở đê tại sông Mississippi. Mực nước tại đây lên cao đến nóc nhà (14 feet = 4.3 mét ) và kéo dài đến vài tuần lễ tạo nên sự ô nhiễm trầm trọng làm chết nhiều người và gây thiệt hại hầu như hoàn toàn các dãy nhà tại đây. Riêng cộng đồng VN tại New Orleans chỉ có một cụ bà đã 80 tuổi, cư ngụ tại chung cư dành cho các vị cao niên vì không di tản kịp đã bị thiệt mạng.

Hiện, đồng hương tại làng Việt Nam sau khi nhận được tiền bồi thường từ các hãng bảo hiểm và sự trợ giúp của chính quyền,họ đã ổn định được đời sống. Hàng trăm căn nhà tại làng VN đã được sữa chửa một cách khang trang, khiến nhiều phái đoàn của chính quyền địa phương cho đến liên bang phải khen ngợi.

Tại làng VN nằm trong một khu đất với những con đường mang tên Việt Nam như : Tự Do, Mỹ Việt, Dominic Mai, Sài Gòn, Kim Ct, Văn Chu nằm gần xa lộ 90, 510 và I-10.Làng Việt Nam có nhà thờ Mary Queen of Viet Nam do linh mục Nguyễn Thế Viễn làm chánh xứ, và hầu hết đồng hương là giáo dân Công Giáo.Trước mỗi nhà đa số có gắn ảnh tượng Đức Mẹ và thỉnh thooảng có nhà treo quốc kỳ Hoa Kỳ và VNCH. Theo Sr Khương cho biết hiện đồng hương VN tại đây làm nghề đánh cá, bán thực phẩm hoặc nghề làm móng tay. Làng VN cũng có một dãy phố thương mãi tập trung trên đường Alcee Fortier Blvd, New Orleans, LA 70219 và trên đường Chef Menteur Highway, New Orleans, LA 70219.

Nói về Trung Tâm Giáo Dục Trẻ, Sr Khương cho biết hiện trung tâm gồm có 7 Soeurs.Trung Tâm phụ trách giáo dục cho 100 em từ 1 tuổi đến 5 tuổi bằng tiếng Việt và tiếng Anh.Hiện phòng ốc vẫn chưa đủ cung ứng cho nhu cầu của đồng hương nên nhiều bậc phu huynh phải ghi tên trước cho các em. Sr Khương cho biết, đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn là người đã sáng lập nên Dòng Mân Côi. Dịp nầy, Sr. Khương cho biết Sr di tản qua Mỹ vào năm 1975, đến năm 1976 thì đi tu.Dịp nầy, Sr Khương đã ân cần hướng dẫn phái đoàn Ý Dân thăm các phòng ốc được trang trí rất mỹ thuật và ngăn nắp.

Với sự tái lập nghiệp nhanh chóng của cộng đồng người Việt tại New Orleans đã tạo cho chính quyền và dân địa phương một sự nể trọng đặc biệt.

Phái đoàn Ý Dân đã rời làng Việt Nam tại New Orleans vào 1 giờ 30 trưa cùng ngày.ª