Vầng Trăng yêu thương



Tết Trung Thu năm 2007 này, tôi thật may mắn được sống, tiếp xúc và chứng kiến những nghĩa cử yêu thương, đầy ý nghĩa của một giáo xứ nằm ngay giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Những ngày giáp ngày tết Trung Thu, khi trên đường phố hai bên đường sặc sỡ những đèn mầu Trung Thu đủ loại được bày bán, tôi quan sát thấy các bậc phụ huynh rộn ràng chở con em của mình đi trên những chiếc xe đắt tiền, rồi những chiếc xe đạp thồ cọc cạch ghé vào các quầy bán đèn lồng, hay hàng bánh kẹo, để chọn cho con cái mình những món đồ chơi, những loại bánh phù hợp với túi tiền của mình. Những hình ảnh ấy cứ làm tôi miên man suy nghĩ: những người giàu có thì không nói làm gì, nhưng những người nghèo đi những chiếc xe thồ cọc cạch, những bà mẹ quẩy đôi quang gánh đi bán rau suốt cả ngày vất vả không biết kiếm được bao nhiêu, chắc chắn cuộc sống của họ phải chắt chiu vất vả lắm trong việc chi dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Nhưng, ngày tết Trung Thu đã tới, họ cũng phải tằn tiện để sắm sửa cho con cái mình những đồ chơi hay một chút bánh kẹo trong ngày tết của chúng. Chắc chắn các em ở nhà sẽ rất vui khi nhận được những món quà đó. Nhưng một thực tế, các em khó có thể biết được giá trị thực của những món quà khi bố mẹ các em dứt ruột bỏ ra để làm thỏa lòng trẻ thơ. Nghĩ đến đó, cổ họng tôi như nghẹn lại, tôi cố nuốt sâu những dòng miên man suy tưởng ấy vào trong, bởi tôi đã từng được sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê nghèo nên tôi hiểu được điều đó.

Tối hôm đó, trong thánh lễ tại giáo xứ, khi mở đầu thánh lễ, cha xứ Phanxicô Nguyễn Đức Đại mời gọi cộng đoàn hướng tới tâm tình của bài Tin Mừng: làm sao để sử dụng tiền của cách khôn ngoan; hãy dùng tiền của mà mua lấy nước trời mai sau. Trong bài giảng hôm đó, cha xứ đã nhắc đến các em mồ côi, không cha, không mẹ, không nhà cửa, các em tàn tật kém may mắn ở cách chúng ta không xa. Giáo xứ chúng ta hãy thương đến các em, hãy xẻ chia niềm vui của đêm Trung Thu với các em, đó cũng là một cách Chúa dạy chúng ta dùng tiền của mà mua nước trời. Chúng ta hãy cho đi bằng khả năng của mình, thậm chí Chúa đánh giá: dù khi chúng ta cho người khác một ly nước lã, thì đó cũng là làm cho chính Chúa. Kết thúc bài giảng, cha xứ là người đầu tiên thả những đồng tiền vào một thùng quyên góp đã để sẵn, cứ thế lần lượt cả giáo xứ cứ xếp hàng đôi theo nhau lên thả những đồng tiền của mình vào trong thùng. Tôi giật mình, ừ nhỉ! Xung quanh ta không chỉ có những người nghèo. Các em nghèo vẫn còn có bố mẹ và vẫn được hưởng niềm vui của ngày tết cơ mà!

Tối 24 tháng 9, năm 2007, cha xứ và ban giáo xứ tổ chức thánh lễ Trung Thu, rước đèn ông sao, múa lân và văn nghệ. Nhưng thật không may, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, bầu trời đã đổ mưa; mưa rầm rả rích. Bao công sức chuẩn bị của các em từ nhiều ngày qua đã phải hủy bỏ: những ngôi sao, đèn lồng to cao đến mấy mét… Niềm vui tưởng như bị dập tắt, trái lại, một thánh lễ rất cảm động và ngay sauddos là chương trình văn nghệ đã diễn ra: Tuy trời mưa, nhưng các em đã có mặt đông đủ từ rất sớm, thánh lễ do chính các em tổ chức từ hát lễ, đọc sách và cảm động hơn khi chính các em cất lên những lời cầu xin và ý nguyện cho các bạn thiếu may mắn hơn mình. Những lời cầu nguyện rất đơn sơ nhưng nói lên tấm lòng mến thương và quan tâm đến các bạn cùng trang lứa. Tôi thầm nghĩ, nếu em nhỏ đang lang thang, cô đơn nào hôm nay nghe được những tâm tình cầu nguyện này của các bạn thì lỗi cô đơn và niềm đau sẽ được vơi đi rất nhiều.

Không chỉ dừng ở đó, sáng ngày 25, ngày Tết Trung Thu, cha xứ cùng ban giáo xứ, đại diện các thành phần: già, trẻ đã có một chuyến viếng thăm và mừng tết Trung Thu tại hai Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội và Trung Tâm Nuôi Dạy Trẻ Khuyết Tật tỉnh Thái Nguyên. Tôi thật vui khi được cùng đi với đoàn. Tới Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội, tôi được biết nơi đây chuyên nhận và chăm sóc các cụ già cô đơn không nơi nương tựa; các bé sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Sau khi gặp gỡ chào thăm, tặng quà nhân ngày Tết Trung Thu cho ban điều hành của Trung Tâm, phái đoàn đề nghị được đi thăm. Những người lần đầu tiên đến đây, ai cũng bất ngờ vì số các bé sơ sinh ở đây có khoảng hơn 60 bé và 50 cụ già. Các bé nằm la liệt trong các giường lồng, bên cạnh các mẹ nuôi đang chăm sóc. Nhìn thấy "các mẹ" ở đây cứ luôn chân tay, mọi người trong đoàn phải cảm phục, nhất là những người đã từng làm mẹ, phải nuôi dạy con cái mới thấu hiểu được lỗi vất vả nhọc nhằn này. Cảm thông và xót thương cho hoàn cảnh của các em, mọi người chỉ biết hỏi thăm, và bế các em vào lòng, nâng liu, vỗ về.

Đến Trung Tâm Nuôi Dạy Trẻ Khuyết Tật tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi lại được gặp những khuôn mặt khác nhau: có những em ngây ngô, đơn sơ cứ vẫy chào như đã quen chúng tôi từ bao giờ, các em khác mặt mũi rất sáng sủa hơn, nhưng khi đi thì cứ tụm hai tụm ba lại, hoặc đưa tay khùa khoặng phía trước. Khi gặp gỡ, các cô giáo tại trung tâm rất vui và nói rằng, công việc tuy vất vả và đòi buộc rất nhiều cố gắng, nhưng khi được phái đoàn viếng thăm, những lời động viên của cha xứ, chúng tôi như được tiếp thêm sức để hoàn thành công việc nuôi dạy và đào tạo. Buổi gặp gỡ với ban giám đốc trung tâm, một số các em đại diện không chỉ dừng ở đó. Những tiết mục văn nghệ tùy hứng đã được trình diễn hết sức vui vẻ, ấm áp tình gia đình.

Ra về, ai cũng hài lòng vì đã làm được một nghĩa cử cao đẹp. Còn tôi lại nghĩ đến trời mưa. Tối nay, tết Trung Thu năm nay, các em sẽ không được đón Chị Hằng đến thăm, các em không có cơ hội được tung tăng rước những cây đèn lộng lẫy đầy sắc mầu mà bố, mẹ đã mua cho. Nhưng một điều an ủi với các bạn kém may mắn, đó là các em không nhìn thấy ánh trăng, nhưng các em sẽ cảm nhận được một vầng trăng yêu thương. Vầng trăng ấy sẽ rất trong sáng và đẹp. có lẽ vầng trăng đó sẽ còn lưu lại mãi trong suốt tuổi thơ. Chắc chắn các em sẽ rất vui, tự hào và hạnh phúc vì biết rằng xung quanh các em còn có biết bao những tấm lòng rộng mở, yêu thương đang sẵng lòng ôm ấp, sưởi ấm để xoa dịu những vết thương lòng cho các em. Ước mong sao, những vầng trăng yêu thương như thế sẽ mãi tỏa sáng, để mọi nơi và mỗi ngày đều là những ngày tết Trung Thu đầy ý nghĩa.