Vatican (CNS) – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã phúc đáp lá thư của 138 học giả Hồi giáo bằng việc mời một nhóm trong số người này tới gặp gỡ ngài và gặp gỡ Hội đồng Giáo hoàng phụ trách Đối thoại Liên tôn giáo. Phúc đáp của ĐTC được phổ biến ngày 29 tháng 11 trong lá thư gửi Hoàng tử nước Jordan là Ghazi bin Muhammad bin Talal, chủ tịch Viện Hoàng gia Aal al-Bayt về Tư Tưởng Hồi giáo tại Amman, và là người khởi xướng thư của các học giả Hồi giáo.

Lá thư ký ngày 19 tháng 11 do Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican, cho biết ĐTC muốn “bày tỏ sự cám ơn sâu sắc của ngài” đối với bản tuyên bố của các học giả Hồi giáo “vì tinh thần tích cực trong văn bản và vì lời kêu gọi tiến tới một cam kết chung nhằm đề cao hòa bình trên thế giới.”

Bản tuyên bố, khởi thủy do 138 học giả Hồi giáo ký tên nhưng sau này được nhiều người khác ủng hộ, gửi cho ĐTC Bênêđictô và lãnh tụ các giáo hội Kitô giáo khác.

Với nhan đề “Một Từ Ngữ Chung Giữa Chúng Tôi và Qúy Vị”, bản văn được công bố hồi đầu tháng 10 vừa qua, kêu gọi các nỗ lực mới trong cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo, đặt căn bản trên niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, vào tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và vào nhiệm vụ của mọi người phải thương yêu nhau.

Trong thư phúc đáp của Tòa thánh, Đức Hồng Y Bertone nói rằng ĐTC Bênêđictô muốn gặp gỡ hoàng tử và một nhóm đại diện của những người ký tên trong lá thư. Đồng thời, có thể có một cuộc họp giữa các học giả Hồi giáo và các viên chức thuộc hội đồng đối thoại với sự trợ giúp của các đại diện từ Viện Giáo hoàng Nghiên cứu về Árập và Hồi giáo, và Giáo hoàng Học viện Gregorian.

Ngày dự trù cho các phiên họp chưa được quyết định.

Aref Ali Nayed người chủ xướng cốt yếu lá thư của các học giả Hồi giáo và là một trong số người ký tên lúc đầu, nói với thông tấn xã Catholic News Service rằng ông chắc lời mời của của ĐTC sẽ được chấp nhận.

Ông nói: “Trong Hồi giáo có một nguyên tắc thần học và luân lý là, theo Tiên Tri Mohamet, khi ai mời ta tới đâu thì ta nên đến.”

“Đó không nên là cơ hội để chụp hình chung với nhau, nhưng là một cuộc thảo luận đích đáng với giáo hoàng và các học giả của chúng tôi. Các học giả ký tên trong lá thư là những nhà thần học và luật học; họ coi giáo hoàng không chỉ là nhà lãnh đạo 1 tỷ người Công giáo mà chính cá nhân ngài còn là một học giả.”

Ali Nayed nói ông hy vọng hai cuộc gặp gỡ sẽ là cơ hội để “suy tư sâu sắc trên phương diện thần học về nhiều vấn đề trên đó có thể xây dựng tương lai.”

Viết cho hoàng tử, Đức Hồng Y Bertone nói: “Không bỏ qua hoặc hạ thấp các khác biệt giữa chúng ta, người Kitô giáo và người Hồi giáo chúng ta có thể và do đó nên nhìn đến những gì liên kết chúng ta, đó là, niềm tin vào một Thiên Chúa, đấng tạo dựng quan phòng và vị chánh án vũ trụ, vào ngày chung thẩm sẽ xét định mỗi người theo công việc đã làm.”

Đức Hồng Y nói rằng ĐTC Bênêđictô “đặc biệt cảm kích vì sự chú tâm trong lá thư vào hai giới luật mến Chúa và yêu người.”

Ngài viết tiếp: Ngay từ thời mới ở ngôi vị giáo hoàng, ĐTC Bênêđictô đã nói rằng có “nhiều phạm vi để chúng ta có thể cùng nhau hoạt động nhằm phục vụ các giá trị luân lý căn bản.”

”Một chỗ đứng chung như thế cho phép chúng ta đặt căn bản cuộc đối thoại trên sự tôn trọng thực sự phẩm giá mỗi con người, trên sự hiểu biết khách quan về tôn giáo của người khác, trên sự chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo và, sau cùng, trên lời cam kết chung muốn đề cao nơi các thế hệ trẻ trung sự tương kính và chấp nhận nhau.

”Khi người Kitô giáo và người Hồi giáo hiểu biết và kính trọng nhau, họ có thể bắt đầu cùng làm việc chung để xiển dương công lý và hòa bình trên khắp thế giới.”

Một số nhà bình luận nói ĐTC Bênêđictô tin tưởng rằng các đề tài chính yếu trong cuộc đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo phải là tự do tôn giáo và sự tương nhượng trong việc công nhận các quyền của người Kitô giáo và Hồi giáo tại các quốc gia mà họ là thành phần thiểu số.

Ali Nayed nói rằng ông hài lòng vì lá thư của hồng y Bertone không đặt trọng tâm vào tự do tôn giáo và sự tương nhượng. Thật ra, lá thư không đề cập đến hai chủ đề đó.

Ông nói: “Giáo hoàng là một nhà thần học và một nhà học giả đáng kính; hạn chế cuộc đối thoại chỉ vào tự do tôn giáo và sự tương nhượng không phải là một bước tiến có tính uyên bác.Tôi tin là giáo hoàng nhận ra được sự thành tâm nơi sáng kiến của người Hồi giáo, và tôi tin là ngài muốn đi sâu hơn chứ không chỉ là cuộc đàm luận ngoại giao về sự tương nhượng.”

Nhà học giả này nói rằng phúc đáp và lời mời của Đức giáo hoàng là điều quan trọng đặc biệt để người Công giáo biết rằng cuộc đối thoại với người Hồi giáo là quan trọng đối với ngài và đối với giáo hội.

Đồng thời ông cũng nói tiếp rằng “138 học giả đã cố làm gương tốt cho tất cả mọi người theo đạo Hồi. Điều rất quan trọng đối với dân chúng theo Hồi giáo là thấy sự hứng khởi trong cuộc đối thoại khi có quá nhiều căng thẳng chung quanh họ và có quá nhiều cuộc chiến đang xảy ra. Điều cực kỳ quan trọng là phải có một dấu hiệu hòa bình.”

Phụng Nghi